Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

“Bà cố vấn” của chế độ Diệm - Nhu 13800310
“Bà cố vấn” Lệ Xuân - Ảnh: Larry Burrows
Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson “đầu mày cuối mắt” với “bà cố vấn” Lệ Xuân. Tổng thống Mỹ John F.Kennedy ghét bà. Các sử gia đổ lỗi cho bà đã khiến chính quyền gia đình trị của dòng tộc Ngô Đình ở Nam Việt Nam sụp đổ.

Nhiều thập kỷ sau, một nhà văn đã tìm thấy “bà cố vấn” đang sống ẩn dật tại Paris. Một tác phẩm mới đã được ra mắt nhằm dựng lại những ngày cuối cùng của người đàn bà quyền lực một thời của Sài Gòn.

Sài Gòn năm 1963

Cả thành phố chìm trong làn sóng bạo lực. Trên các tuyến phố, nhiều nhà sư tự thiêu để phản đối chính sách chống đạo Phật của chính quyền Diệm-Nhu. Những âm mưu nổi dậy lan tràn khắp nơi trong hàng ngũ quân đội. Trong những nhà tù đông nghẹt, sinh viên và tù nhân chính trị bị đưa vào trừng trị trong các xà lim chuồng cọp. Trong Dinh Độc lập không xa nơi đó, chính quyền gia đình trị Diệm - Nhu đang đau đầu chuẩn bị cho việc ban hành luật quân sự và bịa đặt ra các báo cáo về thành tích trong phong trào chống Cộng.  

Nhưng những người Mỹ ủng hộ chính quyền Nam Việt Nam yếu ớt ngày càng bất mãn với Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng như những kẻ họ hàng bợ đỡ và muốn đa số họ “biến cho khuất mắt”: Từ ngài tổng thống thiếu kinh nghiệm nhưng ngoan cố, cho đến người em trai tàn nhẫn, và đặc biệt là người em dâu ông Diệm - người phụ nữ mà Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã sử dụng biệt danh “hổ cái đáng nguyền rủa” để mô tả sự hãnh tiến, đầy toan tính của “Đệ nhất phu nhân” chính quyền Sài Gòn nổi danh với cái tên “Bà Nhu”.

“Ngây thơ như rắn hổ mang”

Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực, với vẻ đẹp chết người và những tham vọng không thèm che giấu, bà Nhu là nguồn gốc của hàng loạt câu chuyện thêu dệt và cũng tạo nên sự căm ghét của cả người dân địa phương và người phương Tây. Các tạp chí danh tiếng Time và Life đưa “bà cố vấn” lên các trang bìa và gọi bà là “sự quyến rũ xảo quyệt”. Tờ The New York Times khi đó mệnh danh bà là “người phụ nữ quyền lực nhất” Châu Á. Bà Nhu được mô tả “tự mãn và kiêu ngạo”, “một nhân vật của Ian Fleming (tiểu thuyết gia, “cha đẻ” của điệp viên 007-PV) ngoài đời thực”, người “ngây thơ như rắn hổ mang”, hay một “Nữ thần chiến tranh” phương Đông.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy thậm chí cho rằng bà ta có “sự kỳ quái của quyền lực” và phóng viên của Hãng thông tấn Mỹ AP tại Sài Gòn, Malcolm Browne, biết bà Nhu là “kẻ thù nguy hiểm nhất mà một người đàn ông có thể gặp phải”. Xu hướng thời trang của bà Nhu với những chiếc áo dài bó sát và móng tay sơn màu đỏ tươi càng khiến hình ảnh của bà gần hơn với một “mệnh phụ đỏm dáng”. Tên của bà Nhu thậm chí còn được sử dụng như tiếng lóng để mô tả người phụ nữ đáng sợ: Jackie Kennedy sử dụng nó để chỉ những phụ nữ mà bà không ưa, trong lúc những người ghét Yoko Ono - vợ của ca sĩ John Lennon trong ban nhạc Beatles - gọi bà ta là “Bà Nhu của Lennon”.

Song đáng tiếc, con đường quyền lực và danh vọng của bà Nhu lại sớm tàn. Vào mùa thu năm 1963, vụ đảo chính do Mỹ hậu thuẫn đã hạ bệ và sát hại luôn cả người anh chồng và người chồng quyền lực của bà Nhu, buộc người đàn bà một thời quyền lực phải rời bỏ cố quốc sống ẩn dật cách quê hương nửa vòng trái đất. Sau một vài nỗ lực tuyệt vọng để giành lại chút hư danh qua đề nghị bán bản quyền hồi ký cho các nhà làm phim Hollywood, bà Nhu hầu như biến mất hoàn toàn khỏi thế giới, cho đến khi một học giả có tên Monique Demery tìm thấy dấu vết của bà vào giữa năm 2000 và đề nghị bà kể lại câu chuyện về một thời hoàng kim trong chế độ Sài Gòn. Tuy nhiên, trò chơi “mèo vờn chợt” đã bộc lộ rõ trong cuốn sách mới xuất bản của Demery “Đi tìm Quý bà Tuổi Rồng: Bí ẩn về Bà Nhu của Việt Nam”.

Mọi lời kể từ bà Nhu đều đáng ngờ

Cuốn sách được viết rất hấp dẫn, dù thi thoảng có vài hạt sạn, về người đàn bà vẫn còn đang chìm đắm trong hư ảo của quá khứ vinh quang, với trí óc đã nửa phần ngây dở sau nhiều năm ẩn dật xa lánh xã hội, người đã phải trải qua hoàn cảnh nghèo túng đầy ngạo mạn, giữa sự thâm hiểm và đáng thương, và cả mánh khóe quỷ quyệt, mà thông thường là tổng hòa của toàn bộ những khía cạnh này.

Demery đã dệt nên truyền thuyết về công cuộc tìm kiếm Bà Nhu cùng lúc tái hiện lại tiểu sử cuộc đời của đệ nhất phu nhân Sài Gòn trong lịch sử hiện đại đầy hỗn loạn ở Việt Nam và Đông Dương khi đó. Được sinh ra sau khi Diệm đã bị lật đổ một thập kỷ, Demery chưa từng có cơ hội được chứng kiến về thời đại cầm quyền của gia đình họ Ngô như nó đã diễn ra.

Thay vào đó, bà đã dựa vào những ghi chép đương thời của các nhà báo Mỹ, các tư liệu nhân chứng, các ghi chép của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), các thư từ và đoạn ghi hội thoại của tổng thống, cả tấm bằng cử nhân của bà về nghiên cứu Châu Á và hai chuyến nghiên cứu thực địa ở Việt Nam, các cuộc đàm thoại với bà Nhu, và cuối cùng, những hồi ức bị cắt xén của “bà cố vấn” và một nhật ký bí ẩn. Vấn đề là, bất cứ điều gì được kể lại từ miệng hay trí óc của bà Nhu, kể cả những cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp của bà với báo chí Sài Gòn khi đó, đều đáng phải đặt trong sự nghi vấn bởi thiên hướng thích phóng đại, tô vẽ sự việc và cả những mánh khóe lừa gạt khéo léo của “bà cố vấn”.

Người mẹ tham vọng

Kể cả những giai thoại đầu đời của bà Nhu dường như cũng bị bao phủ bởi một lớp sương mù đẫm chất thần thoại. Khi bà Nhu được sinh ra, vào năm 1924, một thầy bói tại Hà Nội đã tiên đoán rằng “ngôi sao chiếu mạng của cô bé không thể sáng hơn!” và nói với người mẹ, một công nương hoàng gia, rằng số phận của cô con gái nhỏ “vượt qua mọi sự tưởng tượng”. Lời tiên đoán này đã khiến cha mẹ của bà, khi đó được đặt tên là Lệ Xuân, đặt nhiều kỳ vọng vào cô con gái giữa và dành nhiều ưu ái cho cô hơn người chị gái và người em trai. Lệ Xuân lớn lên luôn là trung tâm của sự chú ý và được hậu thuẫn mạnh mẽ, những người chị em cùng cha mẹ luôn khích bác rằng cô là người trái tính trái nết, khiến Lệ Xuân cảm thấy mình là “chủ đề của các nguồn cơn hay cuộc chiến trong gia đình”.

Tuy nhiên, khó có thể mô tả thời thơ ấu của Lệ Xuân là khốn khổ, ít nhất không phải về bình diện vật chất. Cha của Lệ Xuân, một luật sư trong chính quyền thuộc địa và có họ hàng xa với hoàng đế, lại ngưỡng mộ tất cả những gì có xuất xứ phương Tây. Ông cho các con học trường Pháp, nói tiếng Pháp ở nhà và tham gia vào các cuộc tiếp tân ở thuộc địa. Gia đình Lệ Xuân khi đó thuê hàng chục người hầu để nấu nướng, dọn dẹp và lái xe chở họ đi vòng quanh thành phố trên chiếc Mercedes bóng loáng.

Mẹ của bà Nhu có thể ghen ghét, hoặc thậm chí là khinh miệt cô con gái thứ hai, nhưng cả hai lại có rất nhiều điểm tương đồng. Bà Chương nổi tiếng vì sắc đẹp - người Pháp mô tả bà là “Hòn ngọc Châu Á” - vì sự lịch lãm và quý phái toát ra từ các trang phục đắt tiền. Bà cấm tất cả những người khách đến nhà được mặc màu vàng, màu của hoàng gia. Bà Chương cũng thể hiện dự cảm chính trị sắc bén. Các buổi tiếp tân thứ ba hàng tuần tại tư dinh bà Chương ở Hà Nội trở nên nổi tiếng với sự góp mặt của những vị chức sắc “tai to, mặt lớn” của cả giới chức Pháp và Việt.

Vào năm 1939, khi chế độ Vichy cho phép Nhật Bản được vào Đông Dương, gia đình bà Chương bắt đầu tạo dựng mối quan hệ với các nhà ngoại giao từ Tokyo. Sắc đẹp của bà Chương trở thành vũ khí lợi hại, mà theo cảnh sát mật của Pháp, bà ta đã “nổi tiếng trên toàn Đông Dương” vì “những tham vọng bền bỉ cũng như sẵn sàng lên giường với bất cứ người nào có ảnh hưởng từ bất cứ nơi nào và với mọi quốc tịch”, kể cả những đối tác mới từ Nhật. Nhờ vũ khí lợi hại là bà vợ, ông Chương đã nhận được một công việc hời trong chính phủ bù nhìn của Nhật. Cảnh sát Pháp còn nhận định “với sắc đẹp và mưu lược, bà Chương chính là người “đứng mũi chịu sào” trong gia đình. Bà ta điều khiển chồng”.

Nguồn: Lao động
      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

“Bà cố vấn” của chế độ Diệm - Nhu Laodon10
Bà Nhu năm 1963
Một trong số những người tình được đồn đại của bà Chương - mẹ Lệ Xuân - chính là Ngô Đình Nhu. Người đàn ông này xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa giáo danh tiếng. Cha của ông ta từng là quan lại trong triều đình, nhưng đã từ chức để phản đối các chính sách của chính quyền thuộc địa. Người cha với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa chống Pháp đã gây ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của cả 6 người con trai, đặc biệt là người con thứ ba, Ngô Đình Diệm, và người con thứ tư, Ngô Đình Nhu.  

Đính ước vì “liên minh chiến lược”

Ngô Đình Nhu khi đó mới từ Pháp về Việt Nam sau khi có bằng thủ thư và chuyên viên lưu trữ. Trong một lần đến thăm gia đình ông Chương, Ngô Đình Nhu đã gặp cô thiếu nữ Lệ Xuân mới 15 tuổi trong vườn nhà. Cả hai đã nhanh chóng đính hôn như một nhu cầu thiết yếu của việc tìm kiếm “liên minh chiến lược”.

“Tôi chưa từng trải qua mối tình sâu đậm nào”, bà Nhu tâm sự với một phóng viên nhiều năm sau đó. “Tôi đã đọc nhiều về những điều như vậy trong sách vở, nhưng tôi chẳng bao giờ tin rằng chúng thực sự tồn tại”.  

Cặp đôi kết hôn vào năm 1943, khi cô dâu tròn 18 tuổi và đã cải đạo Thiên Chúa giáo. Trong ngày cưới, Lệ Xuân lộng lẫy trong bộ váy cưới bằng lụa được may theo kiểu hoàng gia.

Sau đám cưới, đôi vợ chồng chuyển tới sống tại kinh thành Huế, nơi họ phải chứng kiến sự tàn phá chết chóc của quân đội Nhật hoàng tại vùng nông thôn, khiến nạn đói lan tràn vào năm 1944 và 1945 tại Việt Nam, làm hơn 2 triệu người chết.

Trong cơn tuyệt vọng, những người nông dân khốn khổ đã phải ăn cả cỏ, lá cây và vỏ cây và tha hương vào thành phố hòng mong kiếm được thức ăn.

Trước cảnh khốn cùng của nhân dân, những người cộng sản đã bí mật giúp người dân có lương thực, trao cho nông dân hạt giống để gieo trồng.

Khi Nhật đầu hàng quân đội đồng minh vào cuối Đại chiến II, người Pháp ôm mộng có thể tái chiếm thuộc địa  - song đã hoảng sợ phát hiện ra rằng họ đang phải đối mặt với phong trào giành độc lập lan rộng trên khắp Việt Nam.

Vào năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, những người cộng sản đã đánh bại quân đội Pháp và xét xử những kẻ theo chân quân xâm lược, trong đó có người anh cả của gia đình Ngô Đình. Ngô Đình Diệm cũng bị bắt giữ trong một thời gian ngắn, trong lúc người em Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân trốn chạy về Sài Gòn.

Từ đây, vợ chồng Ngô Đình Nhu tiếp tục di chuyển đến ở cùng bố mẹ Lệ Xuân trong một dinh thự ở Đà Lạt, không xa dinh thự của người anh em họ, vị hoàng đế Bảo Đại - người vẫn duy trì cuộc sống xa hoa nhàn hạ với các trận tennis, câu cá, bơi lội hay đi săn vào thời điểm chiến tranh đang tàn phá mọi nơi.

Cả Bảo Đại và gia đình Lệ Xuân đều coi thường cuộc chiến tranh giành độc lập của những người cộng sản chống lại thực dân Pháp.

Pháp biết trước Diệm sẽ thất bại

Trái lại, Ngô Đình Nhu luôn dè chừng, nghi hoặc. Bọc dưới lớp vỏ của cuộc sống an nhàn tại Đà Lạt, với các cuộc săn bắn lớn và sở thích ươm các loài lan quý, Nhu đã bí mật xây dựng một đảng mới bao gồm mạng lưới những kẻ chống lại những người cộng sản.

Đảng này được điều hành bởi anh trai của Nhu là Ngô Đình Diệm - một viên quan cũ được tiếng liêm khiết, song luôn bị ám ảnh bởi việc xây cho được một quốc gia phi cộng sản.

Vào năm 1954, Diệm đã thuyết phục được người Mỹ - lúc này đang vật lộn trong nỗi sợ hãi chủ nghĩa cộng sản ảnh hưởng sâu rộng tại Châu Á - ủng hộ kế hoạch của ông ta.

Khi phái đoàn Mỹ đến Geneva để tham gia đàm phán kết thúc cuộc chiến tại Đông Dương, họ đã nêu tên Diệm như “người được lựa chọn” cho cương vị Thủ tướng quốc gia phi cộng sản được lập nên từ vĩ tuyến 17 đổ vào miền Nam.

Người anh em họ của bà Nhu, hoàng đế Bảo Đại, sẽ là người đứng đầu quốc gia mới trên danh nghĩa (trên thực tế, ông này đã lên kế hoạch sang Pháp sinh sống để trốn tránh chính trị).

Chỉ sau này Diệm mới hiểu vì sao Pháp - vốn căm ghét lập trường dân tộc chủ nghĩa cứng rắn của ông ta - lại nhất trí với kế hoạch của Mỹ. Chính phủ Pháp hiểu rất rõ rằng, Diệm sẽ hoàn toàn bó tay trước nhiệm vụ bất khả thi là gây dựng chế độ Sài Gòn để có thể ngăn chặn kế hoạch thống nhất đất nước của Hồ Chí Minh.

Khi Diệm đặt chân đến Sài Gòn với tư cách người đứng đầu chính quyền, ông ta đối mặt với một ngân khố rỗng không, thành phố bị tàn phá bởi các băng đảng tội phạm có tổ chức, và làn sóng người di cư.

Trong khi đó, những người cộng sản ở miền Nam đã rút vào hoạt động bí mật để tổ chức các cuộc chiến tranh du kích.

Ngô Đình Diệm, một người có lối sống khổ hạnh và ít hiểu biết về chính trị, hầu như phải phụ thuộc vào sự cố vấn của người em nhiều mưu mô Ngô Đình Nhu. Vì vậy, vợ chồng Nhu đã chuyển vào ở trong Dinh Tổng thống để giúp Diệm dẹp loạn các băng đảng tội phạm, đàn áp những kẻ thân Pháp và củng cố quyền lực.

Vào năm 1957, nhờ sự giúp đỡ của người em trai, Ngô Đình Diệm đã được báo chí nước ngoài tung hô như “người có bàn tay rắn kỳ diệu của Đông Nam Á”, và từ đây, Mỹ đã rót hàng triệu đồng đô la xanh vào túi chính quyền miền Nam Việt Nam.

Qua mặt anh em Diệm, Nhu

Ngô Đình Nhu lúc này đã được thừa nhận là bộ óc đằng sau chính quyền Diệm, song rất nhanh chóng bà Nhu đã nổi lên vượt qua cả hai anh em nhà Ngô Đình về cả tham vọng và máu lạnh.

Khi một đối thủ chính trị và cũng là con rối của Pháp huênh hoang rằng, ông ta sẽ đuổi cổ Diệm ra khỏi Sài Gòn và bắt Lệ Xuân làm vợ bé, bà ta nạt giọng: “Ông chẳng bao giờ có thể lật đổ được chính quyền này vì ông không có gan. Và ngay cả khi ông có thể lật đổ được đi nữa, ông sẽ không bao giờ có được tôi vì tôi sẽ cắt cổ ông trước”.

Sau đó, Lệ Xuân đã tổ chức một cuộc tuần hành tố cáo chính trị gia trên và đồng bọn người Pháp là “những kẻ phá hoại độc lập quốc gia” - một hành động khiêu khích trong bối cảnh “bầu không khí chính trị đã quá nóng” khiến bà ta bị buộc phải tạm lánh sang Hồng Kông nhiều tháng dưới sức ép của Mỹ.

“Thay vì xem nó như một sự trừng phạt, bà Nhu lại cho rằng việc họ đưa bà ta đi xa là sự khẳng định về uy quyền bà ta có thể có. Vì nếu bà ta không phải là mối lo, họ sẽ chẳng phải buộc bà rời khỏi gia đình. Rõ ràng, bà ta quá nguy hiểm để có thể tảng lờ cho qua”.

Vào năm 1956, sức ảnh hưởng của bà Nhu được thể hiện rõ khi bà ta giành được một ghế trong Quốc hội Sài Gòn, trong cuộc bầu cử bị tố cáo là do chính quyền Ngô Đình giật dây. Tuy nhiên, bà Nhu luôn khẳng định việc bà được đề cử “phản ánh ý chí của những người ủng hộ bà”.

Cha mẹ của bà Nhu cũng được thơm lây nhờ con gái, khi ông Chương được bổ nhiệm làm Đại sứ chính quyền Sài Gòn tại Mỹ, còn mẹ của bà trở thành Quan sát viên miền Nam Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Ngay sau khi nhậm chức, bà Nhu đã sử dụng tài khéo léo để thúc đẩy việc thông qua các đạo luật mang màu sắc của những sự trả đũa cá nhân.

Dưới chiêu bài vì quyền của phụ nữ, bà ta đã soạn thảo Luật Gia đình để cấm việc giới chức có vợ bé và cấm ly dị - một động thái những tưởng là vì sự tiến bộ cho đến khi hàng loạt tin đồn xuất hiện về việc chị gái của bà Nhu là Lệ Chi ngoại tình và muốn ly dị chồng.

Khi Lệ Chi biết tin về luật mới, bà ta đã tự làm đau mình rồi cuồng loạn chạy quanh Dinh Tổng thống để phản đối. Bà Nhu được cho là đã nói với Lệ Chi rằng “nỗi hối hận duy nhất là sao không để bà ta chết đi cho rồi”.

Sau đó, người tình của Lệ Chi tiết lộ, bà Nhu đã muốn trừ khử ông ta bằng cách lén thuê người tiêm khuẩn tả cho ông này. Bà Nhu cũng đưa ra Luật Đạo đức cấm các cuộc khiêu vũ, thi sắc đẹp, cấm ngừa thai, các loại áo nịt ngực có gọng, trong lúc chính bà ta luôn ưa diện những loại áo dài may sát người với giày gót nhọn của Pháp.

Trên thực tế, bà Nhu thường phô bày sự gợi cảm của mình, trong lúc luôn miệng rao giảng về tính nhu mì.

Một mô tả thời đó về bà Nhu viết “bà cố vấn lúc nào cũng đỏm dáng, với một sự lẳng lơ không thèm che giấu trong lúc khiển trách người Mỹ về việc “cám dỗ phụ nữ Việt Nam vào con đường sai trái”. Một người khác cho rằng bà ta là “người vô cùng gợi cảm, và nói rất to”.

Bà Nhu còn được cho là đã khiến các chính trị gia và tướng lĩnh “bái phục” trong những cuộc chè chén say sưa khi tháp tùng chồng đến thủ đô Washington DC (Mỹ) và gửi những lá thư ướt át đến Phó Tổng thống Lyndon Johnson.

Khi Ngô Đình Diệm - thường cậy nhờ người em dâu đảm đương vai trò của một Đệ nhất phu nhân trong các cuộc tiếp tân chính thức - chỉ trích bà ta về những trang phục quá bó sát cơ thể, bà Nhu quặc lại: “Nó có khít cổ anh đâu, mà là cổ tôi. Vì thế, đừng nói nữa”.

“Bất cứ ai được thăng chức, mà không xấu trai, là bồ của bà Nhu”

Dù có hay không có việc bà Nhu ngoại tình - chủ đề nóng cho dư luận đồn đại khi đó - thì bà ta luôn được nhìn nhận như một “người đàn bà đầy quyến rũ và khêu gợi”, một biểu tượng của tính dục và một người lăng loàn. Song dường như bà Nhu rất thích những tin đồn này, hoặc ít nhất là chả thèm để tâm.

“Nếu bất cứ người đàn ông nào được thăng cấp và ông ta không quá xấu, dư luận lập tức cho rằng ông ta là người tình của bà Nhu” - bà cố vấn giễu cợt dư luận trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Time.

Rõ ràng, những định kiến của dư luận đối về người mẹ “ngoại tình bừa bãi” của bà Nhu đã tiếp tục được áp đặt, dù đúng hay không, đối với người con gái.

Giống như mẹ mình, bà Nhu bị tố cáo, như lời của Demery, là “người đàn ông thực sự trong gia đình”.

Chánh Văn phòng của Tổng thống Diệm từng mô tả với các phóng viên rằng “bà ta nắm mọi quyền hành trong nhà”; còn một phóng viên Washington Post cho rằng Tổng thống Diệm “nghe lời em dâu hơn bất cứ ai khác ở Việt Nam”.

Bà Nhu thích được sống trong thế giới của đàn ông, tận hưởng sự thích thú khi chứng kiến những kẻ đến và đi khỏi bộ máy chính trị, mà theo một mô tả đương thời “mưu đồ của bà ta là không có giới hạn”.

Phóng viên từng giành giải Pulitzer của tạp chí Times, David Halberstam, ghi lại: “Bà Nhu có một sự say mê kinh ngạc đối với các buổi lễ phô trương quyền lãnh đạo.

Bà ta là người duy nhất trong gia đình có thể bước đi với dáng vẻ của một kẻ độc tài, với niềm thích thú hứng khởi khi nhìn thấy những hàng người dài tiếp đón, và quay từ từ sang phải, rồi sang trái để có thể nếm trải cảm giác được là tâm điểm của cả đám người. Nó luôn là một màn trình diễn của bậc thầy... Đó cũng là cách mà Mussolini (nhà độc tài Ý) đã làm”.

Để chứng tỏ lòng dũng cảm của chính mình và dè bỉu sự yếu đuối của anh em họ Ngô, bà Nhu thường kể câu chuyện về cách bà ta đã trấn an được tinh thần của “Diệm mềm yếu” và người chồng khi đó hoảng loạn phải đánh trả mạnh mẽ lại những kẻ phản bội trong một âm mưu đảo chính năm 1960.

“Trước thời điểm đó, họ chưa bao giờ nhìn nhận về tôi một cách nghiêm túc. Nhưng từ sau đó, họ đã bắt đầu chú ý đến tôi” - bà Nhu kể với tờ Halberstam một vài năm sau. Trong một dịp khác, bà Nhu phát biểu với phóng viên của tạp chí Newsday, Marguerite Higgins, rằng “Quyền lực là tuyệt vời”.

Nguồn: Lao động
      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

“Bà cố vấn” của chế độ Diệm - Nhu Madame10
Bà Nhu tại Mỹ năm 1963
Bà Nhu và gia đình bà ta thích quyền lực đến nỗi họ cảm thấy khó khăn phải chia sẻ nó. “Nếu chúng ta mở cửa sổ, thì không chỉ có ánh sáng mặt trời, mà rất nhiều thứ xấu xa có thể bay vào theo” - bà Nhu từng lý giải.

Giọt nước tràn ly

Dù chính quyền Sài Gòn khi đó được kỳ vọng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và tự do để tái thống nhất với miền Bắc, song Diệm đã cố tình hủy bỏ cuộc bầu cử vì một điều hiển nhiên là Hồ Chí Minh có thể sẽ giành chiến thắng vang dội.

Trong khi đó, Nhu đã thành lập một đội cảnh sát đặc nhiệm bí mật chuyên tra tấn và giết hại những người bất đồng chính kiến. Diệm, vốn là một người có tư duy thiển cận, đã kháng cự lại sức ép của Mỹ yêu cầu phải mở cửa và cải tổ chính quyền. Hàng loạt tin đồn về những vụ rửa tiền và đầu cơ trục lợi càng khiến cho làn sóng chống Diệm Nhu lên cao, trong lúc lực lượng cộng sản củng cố vị thế vững chắc tại các vùng nông thôn nhờ sự ủng hộ của người dân.

Chính quyền Diệm, Nhu thậm chí còn hăm dọa báo chí nước ngoài. Bà Nhu nói bà ta mong muốn nhà báo D.Halberstam có thể tự thiêu chính mình và đề nghị được “cung cấp xăng và lửa”.

Một phóng viên tờ Newsweek bị trục xuất khỏi Sài Gòn đã gọi bà Nhu là “người đáng ghê sợ nhất của miền Nam Việt Nam”. Bản thân Nhu thừa nhận vợ chồng ông ta luôn bị dư luận ghét bỏ. “Tôi hứng chịu phỉ báng để những người khác được an lành” - người đàn ông này nói với giọng đạo đức. Song bà Nhu thì chẳng mặn mà gì với việc phải gồng mình đóng vai kẻ tử vì đạo.

Bà ta hằn học chỉ trích người Mỹ xúi bẩy các âm mưu chống lại mình, ví họ như “những kẻ quân phiệt nước ngoài” hay “những kẻ cay độc như phát xít Đức”. Thậm chí, người đàn bà này còn mô tả Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy là “kẻ bị đầu độc” (bởi những người có ý tưởng ủng hộ cộng sản), còn các nhân viên quân sự Mỹ ở Việt Nam là “những tên lính đánh thuê bé nhỏ”.

Giọt nước cuối cùng - ít nhất, từ lo ngại của chính quyền Washington - làm tràn ly cơn giận của người Mỹ về sự trơ tráo của bà Nhu xảy ra vào mùa hè năm 1963. Chế độ Diệm Nhu, vốn dành sự ưu ái cho Thiên chúa giáo, đã áp bức Phật giáo, khiến nhà sư Thích Quảng Đức tẩm xăng thiêu mình để phản đối. Trong một cơn cuồng nộ như nữ hoàng khát máu nổi tiếng của Châu Âu Marie Antoinette - bà Nhu phỉ báng các vụ tự thiêu của Phật giáo là “bữa tiệc nướng” và tuyên bố “sẽ gửi mù tạt làm gia vị cho người tiếp theo”.

“Cứ để họ thiêu. Và chúng ta sẽ vỗ tay cổ vũ” - bà Nhu tuyên bố. Chưa dừng tại đó, người đàn bà này còn độc địa mỉa mai rằng, các nhà sư “chẳng phải người yêu nước khi tự thiêu mình bằng xăng của nước ngoài”.

Thái độ của chính quyền Diệm-Nhu đã gây ra những làn sóng biểu tình rộng khắp, khiến Diệm phải áp đặt thiết quân luật. Dù Mỹ cảnh báo anh em họ Ngô cần phải lập lại hòa bình trên đường phố, song Nhu lại bí mật khuyến khích các tay súng của ông ta mặc phục trang quân đội đến tàn sát phật tử trong nhiều ngôi chùa. Vụ tắm máu phật tử dường như khiến bà Nhu “trở nên phấn khích, hưng phấn như một nữ sinh sau dạ hội tốt nghiệp”. Đó là, như lời bà ta mô tả, “ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”. Nhưng nó cũng chính là sự kiện đánh dấu chấm hết cho chính quyền gia đình họ Ngô.

Dưới sức ép của chính quyền Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy - người đã giận dữ thốt lên với các cố vấn rằng “con mụ đó nhúng mũi vào và khiến cho tất cả mọi thứ lộn tùng phèo”. Diệm đã phải sắp xếp để cô em dâu lánh mặt khỏi Việt Nam bằng một chuyến công du Châu Âu. Song bà Nhu quyết định đưa thêm Mỹ vào hành trình, bất chấp những lời can gián bán chính thức. Cha mẹ của “bà cố vấn”- vốn là những người cơ hội chính trị- đã cảm nhận “gió đổi chiều” từ Mỹ nên lên tiếng chỉ trích công khai “những nỗ lực vận động tham quyền cố vị” của cô con gái. Thậm chí, bà Chương còn nói với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) rằng, bà ta đã thúc giục những người Việt Nam ở nước ngoài nên đâm bẹp “cô con gái quái vật” bằng ôtô, hoặc chí ít là cho Lệ Xuân hứng mưa trứng thối và cà chua.

Không thể đảo ngược

Một người khác, trong tình huống của Lệ Xuân, có thể sẽ chọn đến Mỹ với hình ảnh khiêm tốn hơn. Song bà cố vấn đã ẻo lả bước ra khỏi máy bay, lộng lẫy trong chiếc khăn choàng lông thú với đôi môi đỏ chót, cợt nhả về “sự nữ tính đầy đối lập - khi nếu như được (người Mỹ) mời, hay năn nỉ đến thăm, có lẽ bà ta đã nói không!”. Các nghị sĩ Mỹ lắc đầu ngán ngẩm, trong lúc báo giới đổ xô đến các sự kiện này vì bà Nhu “quá đẹp để có thể bỏ sót tin tức”.

Lệ Xuân kể lể về cuộc đời trong các buổi diễn thuyết ở các trường đại học Mỹ; bám chặt như hình với bóng với Clare Booth Luce - thành viên Đảng Cộng hòa, vợ của nhà xuất bản bảo thủ Time-Life là Henry (đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennnedy phàn nàn với người viết tiểu sử rằng “tôi không ngạc nhiên nếu như họ đồng tính”) và cáo buộc các cố vấn của Tổng thống J.F.K “chưa đến mức đỏ, nhưng cũng đủ hồng”.  Bà Nhu hầu như không thể tuân theo yêu cầu: Hãy khiêm tốn và giữ yên lặng!

Trong khi đó, ở Sài Gòn, những rắc rối của chính quyền Diệm Nhu đã đến mức “không thể đảo ngược tình huống”. Người Mỹ bí mật đồng tình với kế hoạch một cuộc đảo chính, và để Đại sứ Henry Cabot Lodge chịu trách nhiệm thực thi cụ thể. Các âm mưu phản đòn chính quyền Ngô Đình Diệm dẫn đến việc quân đội giành lấy quyền lực đã được ghi chép cặn kẽ, với kết cục cay đắng khi cả Diệm và Nhu bị giết hại và bỏ lại xác trong một chiếc xe bọc thép.

Đây là vụ đảo chính đầu tiên trong hàng loạt những vụ đảo chính hỗn loạn sau đó đã lôi kéo Mỹ gia tăng can thiệp vào cuộc xung đột Việt Nam. Một số học giả đã đặt giả thiết nếu như Mỹ vẫn để Tổng thống Ngô Đình Diệm tại nhiệm, cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam có thể đã không bùng nổ, dù gia đình Diệm-Nhu chắc chắn vẫn bị “cả biển kẻ thù” trừng trị.

Trong bất cứ trường hợp nào, vào ngày 31.10.1963, thành viên duy nhất của chính quyền Diệm-Nhu còn lại vẫn hãnh tiến đứng trước đám đông ồn ào tại khách sạn sang trọng Beverly Wilshire, đối mặt với các chất vấn về sự kiện bi thảm đang diễn ra tại Sài Gòn - cách đó cả một đại dương.

Ban đầu, bà Nhu không muốn tin anh chồng và chồng mình đã bị giết. Bà vẫn lớn tiếng chỉ trích “những kẻ tội đồ” ở Washington D.C và tuyên bố “bất cứ ai là đồng minh của Mỹ sẽ không cần có thêm bất cứ kẻ thù nào”.  Nhưng tất cả những lời lẽ trên cho thấy bà Nhu hoàn toàn hiểu rõ thảm kịch gia đình và những ngày vinh quang như “quý bà rồng” của Sài Gòn đã chấm dứt.

Phần còn lại về câu chuyện cuộc đời của bà Nhu không còn những sự kiện to lớn, mà chỉ còn vọng lại những tiếng thút thít tủi hờn. Ngập trong nợ nần, bà Nhu buộc phải lén lút rời khỏi Washington D.C, bỏ lại một nửa số hóa đơn khách sạn chưa trả nổi để đến ẩn cư tại Paris (Pháp). Khi chính quyền Sài Gòn mới yêu cầu người Pháp dẫn độ bà Nhu về nước để bị xét xử, người đàn bà lừng danh một thời của miền Nam Việt Nam bay sang Rome (Italia) - nơi 4 đứa con của bà ta đang được một đồng minh tốt bụng che chở.

Song bà Nhu tiếp tục phải chịu đựng những sự kiện bi thảm khác, khi cô con gái cả chết trong tai nạn ôtô năm 1967, còn cha mẹ bà ta bị cậu con trai tâm thần giết chết ngay trong dinh thự ở Washington D.C. Lệ Xuân - người đàn bà từng cười ngạo nghễ trước cái chết của những nhà sư - bị suy sụp hoàn toàn sau cái chết của cha mẹ, nhốt mình trong dinh thự ở Rome và từ chối tiếp các phóng viên. Tất cả những gì dư luận biết được là bà ta vẫn ẩn cư ở Italia, song không có bất cứ ai nhìn thấy “quý bà Sài Gòn” trong rất nhiều năm.

***

Monique Demery cho biết, cô rất ấn tượng về bà Nhu ngay từ khi còn là một đứa trẻ và muốn được khám phá những bí ẩn của cuộc đời người đàn bà này, trao cho bà cơ hội “nói lên sự thật”. Sau rất nhiều thời gian tìm kiếm thông tin trong thư viện và lần theo một địa chỉ cũ của bà Nhu từng được Tạp chí Times đăng tải năm 2003, Demery đã tìm ra được căn hộ của bà Nhu và để lại một bức thư giới thiệu bản thân. Nhiều tháng sau đó, điện thoại của Demery nhận được một cuộc gọi lạ, với người ở đầu dây bên kia tự giới thiệu là “bà Nhu”. Người đàn bà này lo ngại Demery là “tay chân” của CIA, hay tệ hơn - là phóng viên của tờ Times, rồi sau đó lại vuốt ve Demery bằng việc gọi cô là “một thiên thần” được phái đến để giúp bà ta “hoàn thành cuốn hồi ký để làm rõ ràng mọi thứ”.

Demery đồng ý để bà Nhu kiểm soát toàn bộ mối liên hệ giữa họ. Cô cố gắng trấn an nỗi lo ngại của người phụ nữ già cô độc bằng cách bộc bạch bí mật mình đang có thai, điều mà khi đó cô chưa nói với ai kể cả những người bạn thân nhất, rồi sau đó gửi ảnh đứa con mới chào đời cho bà Nhu. (Demery cho rằng bà Nhu, cũng giống cô, “là một người mẹ rất thương con). Khi bà Nhu đề nghị Demery bay tới Paris để gặp mặt, cô mang theo cả em bé và lên chuyến bay sớm nhất. Lệ Xuân không xuất hiện, nhưng Demery vẫn không bỏ cuộc. Cô bị quyến rũ bởi ý nghĩ rằng bà Nhu đang “chia sẻ lòng tin” với cô - một ý nghĩ giống như thể “bạn đang trong một câu chuyện lãng mạn chớm nở. Bà ấy dẫn dắt tôi, và tôi chấp nhận”. Demery tưởng tượng bà Nhu giống như Scarlett O’Hara - nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” - xinh đẹp, mạnh mẽ và luôn bị hiểu nhầm. Khi bà Nhu gửi cho Demery những trang “hồi ký” vụn vặt, với đến gần một nửa dẫn chứng các giai thoại trong Kinh thánh và đầy những chú thích.

Demery muốn bày tỏ sự cảm thương với bà Nhu, sự thấu hiểu những câu chuyện “đầy cay đắng” về một người vợ đau khổ vì bị chồng thờ ơ, một người vợ chỉ mong muốn một cuộc sống bình lặng ở thôn quê. Khi Demery dám hỏi một câu bên ngoài nội dung được bà Nhu ghi chép lại, bà ta trừng phạt cô bằng cách im lặng trong một thời gian dài, cho đến khi Demery hiểu rõ hậu quả và xin lỗi bà vì đã dám “xúc phạm”. Một vài người gọi mối quan hệ kéo-đẩy này như sự lừa gạt hay lạm dụng, song Demery lại cho rằng đó là biểu hiện của “tình bạn”.

Tuy nhiên, Demery sau này thừa nhận không nên tin tưởng bà Nhu một cách tuyệt đối, mà cần thận trọng hơn. “Khi mới bắt đầu liên lạc, tôi giống như người chịu sức hút của một ngôi sao” - Demery nói. Song, cô vẫn chứa chất đầy sự cảm thông cho người phụ nữ già, và gần như trở thành một “người biện giải” cho bà Nhu. Demery có xu hướng nhắc lại những câu chuyện dường như lẩn khuất ở ranh giới giữa sự thật và trí tưởng tượng. Có thể, Demery đã sử dụng những sự kiện này để chứng tỏ sự yêu mến của bà Nhu và củng cố thêm cho huyền thoại của chính mình. (Bà Nhu là người đã cứu chính quyền Nam Việt Nam khỏi sự sụp đổ! Các yếu nhân phải cúi mình khi gặp bà ta! Bà Nhu sải chân bước giữa cảnh tên bay đạn lạc với đứa con bé bỏng trên tay. Đoàn xe của Tổng thống Mỹ Kennedy đã phải dừng lại để nhường cho bà Nhu đi qua!).

Demery cũng không đưa ra lý giải rõ ràng về câu chuyện nào đã được kiểm chứng qua các nguồn, ngoài những sắc thái sống động từ trí tưởng tượng của chính bà Nhu - khiến độc giả nhiều khi có cảm giác khó chịu rằng, Demery đang muốn tìm kiếm chính bản thân mình khi cố gắng ghép lại những mảnh vỡ từ cuộc đời đầy thăng trầm và cá tính thất thường của bà Nhu.

Chúng ta thấy gì từ khía cạnh của cuốn nhật ký? Cuốn sổ này không được trao lại từ tay bà Nhu, cũng không đến từ các thư viện của tổng thống, hay từ những người con của bà. Nó hóa ra thuộc quyền sở hữu của một cựu binh gốc Việt sống tại Queens (TP. New York - BT), người đã liên hệ với Demery qua Internet. Ông ta nói với Demery đang có trong tay nhật ký của bà Nhu, nhưng không nói rõ về nguồn gốc của nó, hoặc có thể ông ta nói nhưng Demery không đề cập. Chí ít, Demery chắc chắn rằng nó thuộc về bà Nhu, rằng những trang viết giống hệt chữ viết tay của người đàn bà quyền lực này. Vấn đề là, cuốn sổ này được tiết lộ vào năm 2012 - một năm sau khi bà Nhu đã qua đời tại Rome (Italia).

Một vấn đề khác là cuốn sổ đã ghi chép về những năm sóng gió, kết thúc bằng thảm họa ở dinh Độc Lập, trong đó có những gian phòng mà bà Nhu ở, bị ném bom. Lửa thiêu cháy hầu hết mọi vật dụng của bà Nhu, kể cả tấm da hổ mà bà ta vô cùng tự hào, nhưng bằng cách nào đó, cuốn sổ nhật ký đã thoát khỏi mồi lửa và tìm được đường, nhiều năm sau đó, đến tay một người hôi của tại dinh Độc Lập sau đảo chính và ông ta đã bí mật bảo toàn nó cho hậu thế.

Có thể, đó thực sự là nhật ký của bà Nhu. Có thể, người đàn bà quyền lực một thời tại Sài Gòn đã dũng cảm bước qua cây cầu, ấp chặt đứa con nhỏ vào ngực, trong lúc đạn bay vèo vèo trên đầu; và đó có lẽ không phải chỉ là một cảnh tượng bà đã vẽ ra. Có thể, bà thực sự đã mong muốn được sống một cuộc đời thanh bình, yên ấm như người vợ nội trợ, dành cả ngày để viết sách thiếu nhi như lời bà đã kể với Demery. Có thể, bà cũng có một trái tim vàng. Có thể, bà Nhu đã thực sự có những hành động dũng cảm, táo bạo như lời bà nói. Dù thế nào đi nữa, nó chỉ là một mặt trái của câu chuyện.

Nguồn: Lao động
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất