Khi được giới thiệu cách đây không lâu, một trong những đặc điểm nổi bật của mẫu súng trường AK-12 là sự xuất hiện của 2 ray Picatinny tích hợp ngay trên thân súng, giúp việc gắn thêm các thiết bị phụ trợ như kính ngắm, đèn…trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Ray Picatinny có thể xem là một trong những phát kiến quan trọng nhất đối với vũ khí cá nhân trong 2 thập niên gần đây. Nó đóng vai trò như một "chuẩn giao tiếp" giữa vũ khí và các thiết bị phụ trợ, giúp chuẩn hoá và đơn giản hoá việc sử dụng các thiết bị đó. Xu hướng của bộ binh hiện đại là sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị bổ trợ để tăng hiệu quả chiến đấu.
Xu hướng này ban đầu chỉ xuất hiện ở một số ít nước phương Tây nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến. Có hai nguyên nhân chính cho xu hướng trên. Thứ nhất, hiện nay nhiều nước đang xây dựng quân đội chuyên nghiệp, quy mô nhỏ hơn nhưng tinh nhuệ hơn. Thứ hai, đó là cách đơn giản để tăng hiệu quả chiến đấu mà không cần thiết kế một loại súng hoàn toàn mới.
Hãy điểm qua top 5 những loại thiết bị phụ trợ phổ biến và hữu dụng nhất trong thực tế chiến đấu:
Tay nắm dọc
Tay nắm dọc được gắn vào bên dưới ốp lót tay, nó giúp người lính có thể thao tác dễ dàng hơn với vũ khí của mình. Ở tư thế tay đưa về phía trước, việc cầm nắm một vật nằm dọc là tư thế tự nhiên hơn. Ngoài ra, nó cũng có thể đóng vai trò như một giá đỡ, làm điểm tựa để tăng độ chính xác khi bắn.
Tổng thống Nga Putin xem xét mẫu AK mới, có gắn thêm tay nắm dọc
Có 4 loại thiết bị chiếu sáng và chỉ thị chính. Đầu tiên là đèn chiếu ánh sáng thông thường, phát ra ánh sáng trắng cường độ cao, có thể được dùng để làm loá mắt đối phương. Thứ hai là đèn chiếu sáng hồng ngoại chỉ phát ra ánh sáng trong dải hồng ngoại mà mắt thường không thể nhìn thấy, nhưng những người được trang bị kính nhìn đêm có thể nhìn thấy khu vực mà nó chiếu sáng. Loại thứ 3 là đèn chỉ thị laser nhìn thấy được, dưới dạng chấm đỏ, tương tự như bút laser dùng cho thuyết trình, và chủ yếu dùng trong cận chiến. Loại cuối cùng phát ra 1 tia laser hồng ngoại cường độ cao, mắt thường không thể nhìn thấy. Qua kính nhìn đêm, người lính sẽ thấy 1 tia sáng dài, có thể được dùng để ngắm bắn, hoặc chỉ thị mục tiêu cho đồng đội.
Thiết bị chỉ thị laser qua kính nhìn đêm
Thủy quân lục chiến Mỹ tập luyện với PEQ-16 (thiết bị được gắn cạnh ốp lót tay)
Trong một thời gian dài, đa số lính bộ binh dựa vào thước ngắm và đầu ruồi để ngắm bắn, chỉ có một số rất ít cá nhân đặc biệt được trang bị ống ngắm, như xạ thủ hay lính bắn tỉa. ACOG thay đổi toàn bộ truyền thống đó. Tuy không thể so với ống ngắm chuyên dụng của xạ thủ hay lính bắn tỉa, nhưng nó có thể giúp tăng hiệu quả chiến đấu của các đơn vị bộ binh thông thường lên nhiều lần.
ACOG có độ phóng đại 4 lần, và hoạt động không cần pin. Nó dùng sợi quang học gắn bên ngoài để thu thập ánh sáng cho điểm ngắm và điều chỉnh độ tương phản. Trong điều kiện không có ánh sáng, ACOG sử dụng nguồn sáng từ chất phát quang tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro. Nó được thiết kế với đường kính ống kính lớn, cho phép người lính vẫn có thể ngắm bắn khi mở cả 2 mắt.
Ban đầu ACOG chỉ được sử dụng bởi các lực lượng đặc nhiệm, sau đó nhiều người lính trong các đơn vị thông thường sẵn sàng tự bỏ tiền túi của mình để mua mặc dù nó giá không hề rẻ. Chứng tỏ được hiệu quả của mình, ACOG dần trở thành một trang bị tiêu chuẩn. Như từ giữa năm 2005, lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ bắt đầu trang bị đại trà ACOG cho mọi đơn vị của mình, và hiện nay hầu như mọi lính bộ binh, kể cả dự bị, đều được trang bị ACOG.
Ngoài tác dụng tăng độ chính xác của hoả lực, nhờ có ACOG mà mỗi người lính giờ đây có một ống nhòm mini, có thể được dùng để trinh sát, quan sát mục tiêu, qua đó tăng hiệu quả tác chiến của cả đơn vị.
ACOG trang bị cho binh sĩ Anh
Những loại ống ngắm như ACOG vẫn có thể hiệu quả trong cận chiến, vì người lính có thể ngắm bắn mà không cần nhắm 1 mắt, và độ phóng đại vừa phải, không quá lớn. Tuy nhiên, nó được thiết kế tối ưu cho tác chiến ở tầm trung hoặc tầm xa hơn là tầm gần. Đối với cận chiến, các loại kính ngắm có độ phóng đại bằng 1 tỏ ra hiệu quả hơn. Mặc dù ra đời muộn hơn các loại kính ngắm khác, kính ngắm giao thoa đang trở nên rất thông dụng trong các lực lượng quân đội và cảnh sát.
Loại thiết bị này sử dụng kỹ thuật giao thoa ánh sáng và nguồn phát laser để tạo ra một điểm ngắm dưới dạng ảnh nổi trong kính ngắm. Điểm ngắm này luôn cùng tiêu diện với mục tiêu, vì vậy, người lính chỉ cần tập trung vào mục tiêu. Người lính cũng có thể bắt đầu ngắm bắn khi mắt, mục tiêu và nòng súng chưa thẳng hàng, và không cần nhắm 1 mắt. Do đó, kính giao thoa giúp giảm thời gian cần thiết cho việc ngắm bắn, và cho phép người lính đồng thời quan sát không gian xung quanh. Đây đều là những lợi thế lớn trong cận chiến.
Kính giao thoa trang bị trên súng SCAR-H của đặc nhiệm Kenya trong vụ tấn công khủng bố vừa qua
Các thiết bị nhìn đêm có thể giúp tăng hiệu quả chiến đấu của bộ binh lên nhiều lần. Chúng được chia theo 2 công nghệ chính là khuyếch đại ánh sáng và bức xạ nhiệt. Loại thứ nhất có lợi thế đơn giản và chi phí thấp hơn, tuy nhiên nó không có tác dụng nếu hoàn toàn không có ánh sáng, hoặc trong điều kiện bão cát, nhiều khói bụi…Trong khi đó, loại thứ hai dựa vào nguồn nhiệt phát ra nên không có thể hoạt động khi hoàn toàn không có ánh sáng, và trong mọi điều kiện thời tiết.
Hình ảnh nhìn qua ống ngắm bức xạ nhiệt
AN/PAS-13 có thể được gắn trên súng hoặc tháo rời và sử dụng độc lập