Lực lượng Tăng-Thiết giáp Việt Nam ngày càng hoàn thiện mình, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh mới đầy thách thức, biến đổi.Trong những năm qua, bộ đội tăng - thiết giáp Việt Nam đã tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, chủ động nghiên cứu khoa học, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao. Các hoạt động xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện đã từng bước đi vào nền nếp, có chiều sâu, nhiều nội dung đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài, và thực tế thể hiện, lực lượng tăng – thiết giáp của Việt Nam đang ngày càng lạc hậu so với sự phát triển của loại khí tài quân sự này trên khu vực và thế giới.
Hiện tại, trong biên chế tăng – thiết giáp của Việt Nam, xe tăng T-54 vẫn là dòng chủ lực. Vào thời điểm năm 2010, quân đội có 850 xe tăng loại T-54/55 do Liên Xô chế tạo. Ngoài ra, tại Việt Nam còn có khoảng 350 xe tăng hạng trung T-59, là phiên bản hiện đại hóa của T-54. (Lữ đoàn Xe tăng 26 phối hợp cùng Lữ đoàn Công binh 25 diễn tập vượt sông.)
T-54 tuy là một loại tăng đa nhiệm, dễ sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ quân sự thế giới, dòng tăng này đã bộc lộ nhiều hạn chế, thua thiệt với thế hệ hậu sinh.
Ngoài ra, trong biên chế quân đội Việt Nam có khoảng 665 xe thiết giáp đổ bộ với các dòng BTR 40, 50, 60, 70… cùng nhiều xe thiết giáp trinh sát, thiết giáp tấn công, pháo tự hành… Tuy nhiên, những loại khí tài này hầu hết đều có xuất xứ từ Liên Xô, ít nhất đã có hơn 50 năm phục vụ và đều cần nâng cấp.
Trong khi đó, lực lượng tăng – thiết giáp của quân đội nhiều quốc gia trong khu vực ngày càng phát triển với những dòng tăng hiện đại. Indonesia quyết định thay máu hệ thống tăng – thiết giáp của mình với đơn hàng 100 chiếc xe tăng Leopard 2A4 và 50 xe chiến đấu bộ binh Marder trị giá 280 triệu USD.
(Mẫu xe Leopard 2A4) Thái Lan cũng đầu tư mua 200 xe tăng chủ lực T-84U Oplot-M của Ukraine trị giá 7 tỷ baht (231,1 triệu USD) để thay thế các xe tăng cổ lỗ M41A3 của Mỹ sản xuất. Bộ tư lệnh Lục quân Thái đã quyết định mua 200 xe tăng chủ lực Т-84U Oplot-M trị giá 7 tỷ baht (231,1 triệu USD) để thay thế các xe tăng cổ lỗ M41A3 của Mỹ do không còn đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra.
(Mẫu xe T-84U Oplot-M). Quân đội nhân dân Trung Hoa cũng chi mạnh cho việc nâng cấp xe tăng chiến đấu của mình. Không chỉ dừng ở việc mua sắm xe tăng của nước ngoài, cường quốc này còn đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất xe tăng, chạy đua với những quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển như Nga, Mỹ, Đức…
(Mẫu xe tăng chủ lực Type 99 của Trung Quốc). Thời gian qua, cũng có nhiều lời đồn đoán từ các trang quân sự của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc cho rằng Việt Nam sắp thay đổi xương sống cho dòng tăng chủ lực, pháo tự hành của mình. Trong đó, tăng T-90MS và hệ thống pháo phòng không tầm gần Pantsir-S1 là những cái tên thường xuyên được nhắc đến.
(Xe tăng T-54 dũng mãnh làm chủ trận địa) Tuy nhiên, với lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, việc không đầu tư nâng cấp hay thay máu xe tăng chủ lực của lực lượng tăng thiết giáp cũng là có lý do. Trước hết, Việt Nam hoàn toàn ý thức được sự thua kém về công nghệ trên hệ thống trang thiết bị của mình và đang tiến hành nâng cấp những chiếc xe tăng của mình ngày càng hiện đại hơn.
(Xe tăng T-54 yểm trợ bộ binh tấn công). Theo số liệu của trang Militaryphotos.net cho biết, Việt Nam quyết định hiện đại hóa khoảng 10 tiểu đoàn xe tăng T-54 (khoảng hơn 310 xe). Theo đó, các xe tăng cải tiến có trang bị súng máy hạng nặng NSV cỡ nòng 12.7 mm, súng phóng lựu 60 mm, cảm biến khí tượng MAWS6056B, động cơ Đức, hệ thống điện tử tinh vi và giáp phản ứng nổ của Ukraina. Những thay đổi này giúp “lính già” T-54/55 trở nên mạnh mẽ, linh động và uy lực hơn rất nhiều trên chiến trường.
Vì sao Việt Nam không chi tiền để mua một lượng lớn xe tăng đời mới. Câu trả lời là quân đội Việt Nam hiểu rõ xe tăng không còn là vua trong bối cảnh chiến tranh hiện đại. Một chiếc xe tăng có giá hàng triệu USD, nếu thay đổi toàn bộ lực lượng tăng thiết giáp, Việt Nam sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ trong khi ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp.
Đồng thời, sự phát triển của xe tăng cũng đồng nghĩa đi kèm với sự phát triển của vũ khí chống tăng. Việt Nam không có xe tăng hàng đầu thế giới, nhưng quân đội Việt Nam đã sở hữu những vũ khí chống tăng hàng đầu, tiêu biểu là Matador. Đặt giả thiết nếu xảy ra chiến tranh, với mức độ đô thị hóa như hiện nay của Việt Nam, trong chiến trường đô thị, xe tăng thực sự sẽ chỉ thành bia bắn cho những vũ khí chống tăng vác vai cơ động, linh hoạt. Trong khi đó, Việt Nam là bậc thầy của chiến tranh du kích.
Điều đáng chú ý nhất, thế kỷ 21 là thế kỷ của không quân và hải quân. Việt Nam đã nâng cấp vừa đủ để T-54 đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, còn nguồn lực ngân sách quốc phòng, quân đội đã dồn để tăng cường cho sức mạnh lực lượng không quân, hải quân. Nên nhớ, trong thế kỷ 21, Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ từ biển, và quân đội đang tích cực xây dựng chiến lược chống tiếp cận.
(Mô phỏng hệ thống phòng thủ bờ biển từ xa với Su-30, tàu ngầm Kilo, chiến hạm, và S-300) Như vậy, Việt Nam đã ý thức được đầy đủ những yêu cầu và nguy cơ trong bối cảnh thế giới hiện tại. Việc này giúp quân đội tránh được sự đầu tư dàn trải, ít hiệu quả. Có thể nói, lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam đầy đủ bản lĩnh, khả năng để đối đầu với mọi thách thức, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Theo Soha.vn