
Theo như người sáng lập của Dead Drop, họa sĩ người Đức Aram Bartholl, dự án này là một trong những cách để chúng ta có thể giữ cho việc chia sẽ dữ liệu tránh khỏi xu thế đám mây hóa hiện nay. Việc chia sẻ dữ liệu không thông qua Internet gần đây đang thu hút lại được sự chú ý của rất nhiều người do lo ngại về hành vi do thám của các chính quyền.
"Dead Drops là mạng lưới chia sẻ dữ liệu nặc danh peer to peer, thực hiện dưới hình thức phi trực tuyến tại các địa điểm công cộng”. Bản tuyên ngôn trên trang chủ của dự án ghi lại.
Những người đầu tiên tham gia vào dự án Dead Drop chủ yếu là các ban nhạc với nhu cầu chia sẻ tác phẩm của mình. Nhưng dần dà dự án đã mở rộng ra với các USB dung lượng lớn lưu trữ đủ loại nội dung từ phim, game, truyện tranh và show truyền hình. Có những người dùng tận dụng Dead Drops để chia sẻ cả thơ văn, video - ảnh gia đình và tác phẩm hội họa của mình.
Bartholl bắt đầu dự án Dead Drops vào năm 2010, khi còn là một họa sĩ tại trung tâm mỹ thuật và công nghiệp Eyebeam của thành phố Manhattan. Anh bắt đầu bằng việc gắn 5 ổ USB lên tường của một số công trình quanh thành phố New York và đưa ảnh chụp vị trí của chúng lên mạng chia sẻ ảnh Flickr, cũng như trang chủ của dự án.
Chỉ thông qua các tin truyền miệng, số lượng người tham gia ngày càng tăng. Chỉ trong vòng 6 tháng, xu hướng này đã lan từ Mỹ qua biển Đại Tây Dương sang tận Châu Âu. Cho đến giờ đã có 1218 địa điểm chứa USB Dead Drop trên toàn thế giới, ít nhất là theo cơ sở dữ liệu chính thức. Trong cơ sở dữ liệu này có chứa tên của từng chiếc USB – có thể là nickname của người tham gia, địa chỉ và dung lượng lưu trữ.

Trên trang chủ dự án, ta có thể dễ dàng tìm ra một bản hướng dẫn cơ bnả cách gắn ổ USB lên tường hay các vật dụng khác, chỉ bằng cách khoét một lỗ đủ lớn và cố định bằng bê tông. Mặc dù ban đầu Bartholl hướng dẫn các thành viên nên đính các USB vào trong tường gạch, nhưng dần dà tùy theo hoàn cảnh sống mà người ta đã nghĩ ra rất nhiều cách khác nhau để tạo ra một địa điểm Dead Drop. Trong đó bao gồm cả việc đính lên tường, giấu trong công viên, trên trụ cầu hay thậm chí là tận trong…. rừng. Một thành viên thậm chí đã tích hợp USB của mình vào trong thân một cây cọ trong khuôn viên trường đại học Bách Khoa California.

Một số địa điểm được cố tình thiết kế để rất khó tìm ra
Tại Sydney, một thành viên tự xưng là du học sinh đến từ Trung Quốc cho biết đã tích hợp hẳn một USB 120GB trong khuôn viên học viện TAFE NSW.

Bartholl thừa nhận rằng có những rủi ro về bảo mật khi yêu cầu thành viên kết nối máy tính của mình với các USB đặt tại nơi công cộng, nhưng anh cũng cho biết rằng các dịch vụ chia sẻ file trên Internet thực ra đem lại rủi ro hoàn toàn tương tự.
"Bây giờ giả sử tôi đưa cho anh một chiếc USB, anh sẽ cắm nó vào máy mà không do dự. Nhưng chỉ vì nó được đặt ngoài phố, nhiều người sẽ nghĩ rằng rủi ro bảo mật lớn hơn rất nhiều trong khi thực ra chúng chỉ tương đương nhau mà thôi”. Bartholl nói với các phóng viên của Computerworld.

Tại châu Âu còn có một xu hướng khác là đính USB trên các cây cầu, phỏng theo phong tục để lại khóa trên thành cầu sau đó ném chìa xuống nước – được các đôi uyên ương thực hiện để cầu mong hạnh phúc bền lâu. Để tránh các khó khăn trong việc tìm kiếm với số lượng và chủng loại địa điểm ngày càng đa dạng này, trong cơ sở dữ liệu Dead Drop hiện giờ đã được cập nhật chi tiết cả bản đồ, thậm chí là kinh độ và vĩ độ của từng chiếc USB.