"Ngoài sức tưởng tượng"
Việt Nam trong thế kỷ 20 đã trải qua 4 cuộc chiến tranh lớn và ác liệt để đấu tranh giành độc lập, bảo vệ tổ quốc với Pháp (1944-1954), Mỹ (1967-1975), chống bè lũ diệt chủng Pol Pot (1975-1978) và chiến tranh biên giới (1979-1980).
Với học thuyết quân sự mang tính cách mạng trong chiến tranh hiện đại mà người xây dựng nên cơ sở căn bản là chủ tịch Hồ Chí Minh, người đưa học thuyết quân sự Việt Nam lên tầm nghệ thuật là đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã hình thành một hệ thống lý thuyết của đấu tranh vũ trang trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Địa hình đất nước Việt Nam dường như rất thích hợp cho một cuộc chinh phục tổng lực của các siêu cường, nhưng lại rất chông gai cho những thế lực hiếu chiến.
Học thuyết quân sự Việt Nam dựa trên sức mạnh của tinh thần yêu nước, mục đích cuối cùng là toàn vẹn lãnh thổ, từ đó hình thành và phát triển các lực lượng vũ trang nhằm đạt được mục đích đó, tư duy chiến lược và tư tưởng chỉ đạo chiến dịch, chiến thuật định hướng theo nhiệm vụ trước mắt và hướng phát triển tiếp theo cũng nhằm mục đích toàn vẹn lãnh thổ. Từ đó nảy sinh những lực lượng đặc biệt đáp ứng yêu cầu thực tế của chiến trường và đối tượng tác chiến. Hình thành nghệ thuật quân sự linh động và sáng tạo qua mỗi thời kỳ.
Lực lượng Đặc công, trên một khía cạnh nào đó được hình thành và phát triển từ học thuyết quân sự Việt Nam. Do phải đấu tranh chống lại kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần, những lý luận ban đầu của tư duy quân sự được hình thành từ chiến tranh du kích, sự phát triển biện chứng của các quân binh chủng dựa trên cơ sở lực lượng chính quy và chiến tranh du kích đã hình thành các đơn vị tác chiến đặc biệt – các lực lượng đặc nhiệm (thực hiện công tác đặc biệt). Và hiệu quả của nó đã khiến cho các lực lượng quân sự thiện chiến nhất phải kinh hoàng.
Từ những chương trình huấn luyện của Team Six, SFC Thụy sĩ, GSG-9 của Đức, SBS Hải quân của Anh, Seal của Hải quân Mỹ, lực lượng Denphil, Vampel của Nga, có thể thấy được những dấu ấn rất đặc thù của Đặc công Việt Nam, đó là khả năng bí mật đột nhập, khả năng luồn sâu, khả năng phá hoại và tiêu diệt các mục tiêu quan trọng, khả năng sống còn trong môi trường đặc biệt khó khăn (rừng hoang nhiệt đới, đầm lầy, sông hồ, trên biển, trên sa mạc) với sức chịu đựng vượt ngoài sự tưởng tượng của con người.
Hình thành và phát triển trong cuộc chiến tranh dữ dội và khốc liệt chống lại một siêu cường quân sự, hùng mạnh cả về binh lực và phương tiện chiến tranh hiện đại, những phương thức và kỹ năng tác chiến của Đặc công Việt Nam đã trở thành một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng luôn thường trực cùng quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam.
Những đòn tấn công vào những nơi được canh giữ cẩn mật nhất, lực lượng đặc công phá hủy các sân bay quân sự, kho tàng, bến cảng, tiêu diệt các đoàn vận tải quân sự, ngăn chặn và gây tổn thất nặng nề các cuộc hành quân, đánh phá các căn cứ quân sự và bắt hoặc tiêu diệt các sĩ quan cao cấp trong quân đội Mỹ và Sài Gòn, thậm chí lực lượng Đặc công – Biệt động còn tiến hành các trận tập kích hỏa lực ngay giữa nội đô thành phố. Đặc công – biệt động đã biến miền Nam trở thành một chiến trường không có hậu phương và không có bất cứ một nơi nào an toàn cho quân đội Mỹ.
Đột nhập căn cứ địch
Quân đội Pháp cũng có những lực lượng đặc nhiệm, được tổ chức từ các quân nhân SS cũ, đã chiến đấu trên chiến trường thành các lữ đoàn biệt kích luồn sâu phá hoại và tấn công. Tuy bộ đội Việt Minh không có các phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng họ có những vũ khí vô cùng lợi hại khác. Những chiến sĩ Việt minh hiểu biết sâu sắc địa hình và các kỹ thuật chiến đấu bí mật, bất ngờ.
Thời điểm đầu tiên, cuộc chiến vô cùng khó khăn gian khổ. Các trận đánh thông thường đều có những tổn thất nặng về người, dưới sự chỉ đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ đội Việt Minh đã thay đổi cách chiến đấu. Phải thừa nhận rằng, lực lượng đặc nhiệm là sự phát triển cao độ của du kích quân, và người Việt Nam là những chiến sĩ du kích giỏi nhất thế giới. Các lực lượng bộ đội đặc biệt tiến hành các đợt trinh sát luồn sâu và chiến đấu trong lòng địch, trong các đội quân đó, điển hình là các chiến sĩ cảm tử với khẩu hiệu “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Đó là những chiến sĩ công kiên trên các tuyến phòng ngự dày đặc đồn bốt địch, họ mang theo thuốc nổ (bộc phá) và mở con đường tấn công cho các lực lượng công kích, cửa mở qua các tuyến hàng rào dây thép gai, chông mìn và lưới đạn súng máy dày đặc luôn thấm đẫm máu và lòng dũng cảm của các chiến sĩ cảm tử.
Phương thức tác chiến khởi điểm ban đầu là tác chiến Mật tập (bí mật đột nhập hệ thống phòng ngự đồn bốt) kết hợp với tác chiến Cường tập (sử dụng lực lượng tập trung công đồn). Trong những giai đoạn này đã hình thành hai lữ đoàn đặc công bộ đầu tiên là 112 và 113. Kết hợp với tác chiến trên bộ là sự phát triển của đặc công nước nhằm tấn công các tuyến đường vận tải đường sông của đối phương, đặc biệt là khu vực Miền Nam Việt Nam, nơi có nhiều sông rạch và kênh vận tải, yểm trợ hỏa lực.
Các trận đánh khốc liệt trên sông nước miền Nam đã hình thành lực lượng đặc công “Rừng Sác” đầu tiên. Những chiến công của họ đã bẻ gẫy mọi ý đồ chiến trang và đưa Lực lượng vũ trang Việt Nam từ chiến thắng này đến chiến thắng khác ngày một lớn hơn. Những năm 1953 –1954 là những năm phát triển mạnh mẽ nhất của các lực lượng đặc nhiệm Việt Minh khi những lực lượng nhỏ, được trang bị tốt và có kỹ năng tác chiến hoàn hảo, từ các chiến khu Miền Nam tấn công mạnh mẽ vào các đơn vị phòng ngự của quân đội Pháp. Họ đã gây những tổn thất nặng nề về binh lực, đồng thời những đòn tiến công liên tiếp vào sân bay, kho tàng quân sự, các đoàn congvoa quân sự và các tuyến đường vận tải trên khắp đất nước đã phá hủy hoàn toàn tham vọng xây dựng 18 binh đoàn cơ động mạnh của tướng Nava và đẩy quân đội Pháp vào một trận đánh cuối cùng Điện Biên Phủ, chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Đặc công miền Nam với lời thề Quyết tử
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, cùng với định hướng xây dựng quân đội chính quy, các đơn vị trinh sát biệt động đã có những bước đi ban đầu khá mạnh mẽ. Cuối năm 1959 đầu năm 1960, đã có quyết định xây dựng lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không, lữ đoàn dù 305 đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, có căn cứ tại Bắc Giang. Lực lượng nhảy dù bao gồm các cán bộ đặc nhiệm cốt cán, được huấn luyện tại Trung Quốc, sau đó, các sĩ quan đặc nhiệm đã biên chế thành lữ đoàn dù và tiến hành các công tác huấn luyện, thực hành chiến đấu với các huấn luyện viên Liên Xô (5 chuyên gia). Cuộc đấu tranh chính trị đòi thực hiện hiệp định Genève ở Miền Nam đã chuyển thành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh giải phóng.
Từ miền Bắc, các lực lượng đặc nhiệm đã hành quân theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, tiếp cận chiến trường Miền Nam, xây dựng các lực lượng đặc công, biệt động tại chỗ trên các chiến khu. Từ đó, hình thành các đơn vị đặc nhiệm chính quy của Quân Giải phóng nhân dân Miền Nam Việt Nam, những đơn vị bán chính quy (dân quân du kích) trên khắp miền Nam. Được huấn luyện trong các chiến khu, kỹ thuật tác chiến của đặc công được phát triển và nhân rộng trên toàn bộ miền Nam Việt Nam, từ đột nhập các khu căn cứ địch dưới nhiều hình thức, vận chuyển vũ khí khí tài vào hậu phương trong lòng địch đến các trận đánh bí mật bất ngờ, các lực lượng đặc công hình thành ở tất cả các binh chủng trên chiến trường, được phân chia thành hai ba mô hình chiến thuật tổ chức lực lượng – trinh sát đặc công, đặc công và biệt động.
Các lực lượng trinh sát đặc công thường tác chiến trong đội hình của một đơn vị binh chủng hợp thành, thực hiện nhiệm vụ trinh sát và khi cần, sẵn sàng tiến hành các đòn tiến công mở đầu cho một trận đánh, các lực lượng đặc công thủy và bộ có những trận đánh độc lập hoặc phối thuộc, là một binh chủng riêng biệt, các lực lượng biệt động là những lực lương bán chính quy, tập trung chủ yếu ở hậu phương của đối phương, biệt động có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, từ tình báo chiến dịch chiến thuật, tấn công các mục tiêu quan trọng hoặc có ý nghĩa chính trị lớn (các nhân vật quan trọng của đối phương) đến các hoạt động phá hoại, bắt tù binh và hỗ trợ các chiến dịch tuyên truyền.
Chỉ tính riêng trong tháng 2.1964 đã diễn ra 7 cuộc tấn công tiêu diệt các đối tượng nguy hiểm của chính quyền Sài Gòn và của quân đội Mỹ, các đòn tấn công của các chiến sĩ biệt động nhằm cả vào các nhân vật quan trọng của Mỹ như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, tướng William C. Westmoreland-Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Những đòn tấn công của đặc công Việt Nam diễn ra khắp mọi nơi, kể cả những khu vực được coi là căn cứ quân sự được bảo vệ tốt nhất và chắc chắn nhất trên thế giới như Tổng kho Long Bình, sân bay Tân Sơn Nhất, các khách sạn dành riêng cho các sĩ quan cao cấp Mỹ và cuối cùng mục tiêu là đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn bị tấn công ngày 30.3.1965.
Mục tiêu tác chiến của đặc công các binh chủng (đặc công, trinh sát đặc công công binh, đặc công pháo binh – tên lửa) chủ yếu nhằm vào các kho tàng bến cảng và căn cứ quân sự, đặc biệt nhất là sân bay – vốn là chỗ dựa hỏa lực chính và cũng là ưu thế mạnh nhất của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, trận đánh đầu tiên vào sân bay Biên Hòa từ 31.10 đến ngày 1.11.1964 đã gây tổn thất nặng nề cho quân đội Mỹ, phá hủy 15 máy bay, tiêu diệt nhiều binh sĩ Mỹ, tiếp theo đó là trận tập kích và trại Holloway gần Pleiky 7-8.02.1965 (8 quân nhân Mỹ chết, 106 bị thương, 5 máy bay trực thăng bị phá hủy).
Trong các trận tấn công liên tiếp vào các căn cứ kho tàng hậu cần kỹ thuật như trận tấn công vào kho xăng Esso ngày 5.8.1965 ở Đà Nẵng đã đốt cháy 10 triệu lít xăng, mất 40% tổng dự trữ xăng dầu của Mỹ ở Việt Nam. Ngoài ra, các lực lượng đặc công còn tiến hành các trận pháo kích vào các khu sân bay dã chiến, các sở chỉ huy và các địa điểm quan trọng của thành phố Sài Gòn, như trận tập kích hỏa lực súng cối ngày 27.10.1965 kết hợp với mật tập đã tiêu diệt hàng chục máy bay trực thăng chiến đấu tại căn cứ Mably Mauthen gần Phú Bài của lính thủy đánh bộ Mỹ.
Kho xăng nhà Bè bị đốt cháy năm 1968
Cắt hàng rào dây thép gai
Trinh sát đặc công
Máy bay F-4C bị đặc công tiêu diệt tại sân bay
Chiến dịch chiến đấu tiến công lớn nhất và cũng là quan trọng nhất, chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới về sử dụng lực lượng đặc nhiệm là tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Lực lượng đặc công, biệt động, trinh sát đặc công kết hợp với các lực lượng vũ trang toàn miền Nam tiến hành một cuộc tấn công và nổi dậy trên toàn bộ chiến trường, tập kích vào tất cả các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự của Mỹ.
Điển hình nhất là cuộc tấn công vào tòa đại sứ Mỹ, một pháo đài thật sự ở giữa Sài Gòn. Cuộc tập kích đã tiêu diệt và làm bị thương gần 190 quân nhân Mỹ, nhưng quan trọng hơn cả, nó đánh gãy tư tưởng chiến lược chiến tranh của quân đội Mỹ ở Miền Nam Việt Nam, chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tiêu hủy mọi hy vọng giành thắng lợi ở chiến trường và làm dấy lên cuộc đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam ở Mỹ và khắp thế giới.
Đòn tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất
Một trong những lực lượng đặc công ít người biết đến là lực đặc nhiệm tác chiến trên đường Trường Sơn với nhiệm vụ chống các toán biệt kích phá hoại của quân đội Mỹ. Lực lượng này có nguồn gốc từ Lữ đoàn 305 bộ đội nhảy dù, theo các báo nước ngoài thì có khoảng 9 tiểu đoàn tác chiến dọc tuyến đường Trường Sơn, được huấn luyện theo phương pháp biệt kích. Các đơn vị này đã trực tiếp đối đầu với các lực lượng biệt kích của sư đoàn đổ bộ đường không số 1 Mỹ trong khu vực A Sầu – A Lưới và đường 9 Nam Lào. Lực lượng đặc nhiệm đã chiến đấu rất quyết liệt, đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị thám báo, biệt kích của đối phương.
Những binh sĩ Mỹ bị thương trên chiến trường mong chờ cứu hộ
Trong chiến tranh biên giới, lực lượng Đặc công Việt Nam cũng là những lực lượng chính quy đầu tiên tham chiến chống lại lực lượng đặc nhiệm “Sơn cước”. Đồng thời tiến hành những hoạt động tập kích phục kích tiêu diệt cả đoàn vận tải quân sự và cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật xăng dầu của đối phương, đánh chặn những đợt đột nhập của các lực lượng biệt kích đối phương trên các tuyến đường biên giới.
Thực tế cho thấy, nếu so với các lực lượng đặc nhiệm trên thế giới, Đặc công Việt Nam là lực lượng chuyên nghiệp nhất, có kỹ năng chiến đấu hoàn hảo nhất và cũng có nhiều kinh nghiệm tác chiến tốt nhất trong môi trường chiến trường phức tạp và lực lượng đối phương mạnh hơn gấp nhiều lần. Không có được sức mạnh yểm trợ của hỏa lực đường không và các loại khí tài hiện đại, với kỹ năng tác chiến và sức chịu đựng vượt ngoài giới hạn con người, lực lượng Đặc công Việt Nam là một mô hình lực lượng mà hầu hết các lực lượng đặc nhiệm, bao gồm cả Lực lượng Hải cẩu Mỹ, lực lượng Vampel của Nga đều nghiên cứu và học tập. |