ĐVO - Như phép mầu giúp David đánh thắng Goliath, AK-47 đã giúp những chiến binh tự do chống lại những đội quân hùng hậu được đầu tư hàng trăm triệu USD.

Mikhail Kalashnikov và phát minh để đời của ông, AK-47.
Sự hội tụ giữa súng trường và tiểu liên
Trở lại thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, trong cuộc xâm lược bất ngờ của Hitler thực hiện vào Liên Xô, với chính sách “giết sạch, đốt sạch” của Hitler, mặt trận Xô - Đức trở thành mặt trận đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Trong cuộc chiến, người lính chỉ có hai lựa chọn: một khẩu súng trường có độ chính xác lớn, nhưng ít đạn và có tốc độ bắn vô cùng chậm, hay một khẩu tiểu liên to, nặng nhiều đạn nhưng bắn kém chính xác.
Sau khi bị thương ở vai trong trận chiến tại làng Bryansk, Moscow tháng 9/1941, thượng sĩ binh chủng tăng Mikhail Timofeevitch Kalashnikov đã được chuyển về bệnh viện tuyến sau. Trong thời gian nằm viện ở đây, ông luôn đau đáu ý tưởng phát minh ra vũ khí để bảo vệ quê hương. Thứ vũ khí này phải kết hợp được độ chính xác của súng trường với tốc độ bắn và khả năng mang nhiều đạn của súng tiểu liên; hoạt động được trong mọi điều kiện khắc nghiệt của chiến trường với tình trạng bảo dưỡng "tồi tệ".
Cuối cùng, phát minh này cũng đã ra đời trên giường bệnh của Kalashnikov. Cho đến năm 1947, mẫu thiết kế đầu tiên của khẩu súng này được hoàn thiện và giới thiệu với cái tên AK-47.
AK-47 ra đời quá muộn để đóng góp vào chiến thắng trước phát xít của người Nga. Trong những năm sau đó, nó vẫn được giữ bí mật, thậm chí là chỉ được vận chuyển trong những túi kín vì người ta tin rằng, khẩu súng này có khả năng thay đổi cục diện của các cuộc chiến.
Chỉ đến năm 1956, khi Liên Xô đưa quân đội vào Budapest (Hungary), AK-47 mới có dịp lần đầu xuất hiện trên thế giới.
Không sao chép mẫu thiết kế
Nhiều nguồn tin của phương Tây cho rằng, AK-47 được thiết kế “dựa theo” hay tệ hơn là “sao chép” của khẩu Stg-44 (hay MP-44) của Đức. Tuy nhiên, trên thực tế khi khẩu MP-44 xuất hiện trên chiến trường năm 1944, có thể tới tay người Nga thì mẫu thử nghiệm của AK-47 đã thành hình.
Nếu so sánh về cấu trúc súng như đặc điểm cụm cò, bệ khóa nòng nghiêng, kết cấu trích khí thì súng M-16 của Mỹ giống với Stg-44 hơn cả AK-47.



So sánh các mẫu AK-47; M-16 và MP-44 bị tháo tung.
AK-47 thường bắn không chính xác trong trường hợp bắn liên thanh nhưng khi bắn phát một hoặc bắn điểm xạ, AK-47 vẫn cho phép bắn chính xác đối phương trong khoảng 200 m, thậm chí khe ngắm mở của AK-47 còn cho phép người lính quan sát chiến trường tốt hơn khe ngắm đóng của M-16.
Đặc điểm đặc biệt nhất đã làm lên huyền thoại về độ bền của AK-47 là ở chỗ Kalashnikov thiết kế trong thân súng AK rất nhiều khoảng, giúp súng vẫn hoạt động tốt ngay cả khi một lượng lớn bụi bẩn lọt vào trong.
Ưu điểm nữa của những khoảng trống này còn giúp cho súng AK-47 dễ dàng sản xuất tại những nước có nền cơ khí chính xác và công nghệ vật liệu chưa phát triển. Điều này khiến AK-47 trở thành khẩu súng dễ sản xuất nhất trên thế giới.
AK-47 thích nghi mọi điều kiện chiến đấu
Sức mạnh của AK-47 chỉ được bộc lộ trong khoảng 20 năm tiếp theo. Công nghệ sản xuất AK-47 đã được Liên Xô chia sẻ cho Trung Quốc, CHDC Đức và Triều Tiên.
Trong những chiến trường mà Mỹ tham gia, đặc biệt là Việt Nam, với điều kiện chiến đấu tệ hại, binh lính huấn luyện kém và không có khả năng sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí, AK-47 đã chứng tỏ được khả năng chiến đấu của nó.

Người lính giải phóng với cây súng AK-47 trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Đặc biệt, độ tin cậy của AK-thì không một khẩu súng nào bì kịp. Trong điều kiện chiến tranh, ngay cả chuyện sinh tử cũng không thể chắc chắn, nhưng có một điều luôn chắc chắn là khẩu AK-47 luôn bắn được, dù là trong bất cứ điều kiện gì.
Ngày nay, có thể dễ dàng tìm được các video cho thấy Ak-47 có khả năng bắn tốt ngay cả khi mới lấy lên khỏi cát, bùn, nước hay bị cán qua bởi một chiếc Humvee... Chỉ cần lấy súng lên, bắn và khẩu AK-47 sẽ nhả đạn, không cần qua bất cứ công đoạn bảo dưỡng nào.
Một câu chuyện nổi tiếng tương tự cũng kể rằng, một viên trung tá quân đội Mỹ đi cùng nhà báo chiến trường David Hackworth đã lôi một khẩu súng AK-47 được chôn vùi cùng một người lính Nga trong bùn hơn một năm và bắn hết một băng đạn 30 viên không một lần kẹt đạn cũng như không cần chùi rửa gì.
Tuổi thọ một khẩu súng AK-47 có thể kéo dài đến hai mươi năm. Thậm chí, có thể nạp một băng đạn sản xuất tại Nga năm 1950 vào một khẩu AK-47 sản xuất tại Trung Quốc ngày nay và bắn không khó khăn gì.
Trở lại chiến trường Việt Nam, khi lính Mỹ đối mặt với cơn ác mộng kẹt đạn của súng M-16, họ thường vứt súng của mình đi và sử dụng những khẩu AK-47 nhặt được của đối phương. Có thể nói, cả bộ máy chiến tranh lắm tiền nhiều của của nước Mỹ đã không làm ra một khẩu súng tốt bằng một anh lính xe tăng.
Trong khi khẩu súng M-16 cần những loại dầu cùng thiết bị bảo dưỡng đặc biệt thì việc bảo dưỡng khẩu AK-47 rất đơn giản. Chỉ cần lấy một sợi dây giầy, thắt vài nút, nhúng vào dầu máy và kéo qua nòng súng.
(còn tiếp)