Không đơn thuần chỉ là một kẻ thù cần loại bỏ, hay một mục tiêu cần chinh phục - cái chết là một phần của tự nhiên mà con người buộc phải chấp nhận.
Với nhiều người trong số chúng ta, cái chết có lẽ chỉ là một khái niệm trừu tượng tồn tại trên các tác phẩm điện ảnh hay văn học. Góc nhìn về nó đã bị thu hẹp trong một khung cảnh bi thương khi nhân vật chính thoi thóp trên chiến trường, một tên tử tù cố nuốt trôi bữa ăn cuối cùng trước khi lĩnh một loạt đạn vào người, hay một đường điện tim kéo dài phẳng lặng bất chấp mọi nỗ lực của các bác sỹ, kéo theo tiếng than khóc oán trách số phận của những người thân xung quanh. Cái chết vẫn diễn ra thường nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng: ngôi sao chết vì chơi quá liều thuốc, thường dân chết vì bọn khủng bố. Cái chết diễn ra ngay trong những giờ học lịch sử, khi chúng ta phải cố gắng nhồi nhét con số tử vong sau mỗi cuộc chiến, mỗi trận dịch bệnh hay mỗi một thảm họa thiên tai.


Cái chết dường như vẫn là một bí ẩn lớn đối với nhân loại. Thật đáng tiếc là những ai đã trải nghiệm nó đều không còn khả năng chia sẻ những gì mình biết với người khác. Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những gì khoa học đã biết về cái chết – một định mệnh đang đợi bạn ở phía trước.
Cái chết là gì?
Theo dòng thời gian, cái chết đã được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta thường hình tượng hóa nó, như một tử thần trùm áo khoác kín đầu cùng chiếc lưỡi hái quen thuộc, hay một thanh niên điển trai lịch lãm như Brad Pitt trong bộ phim “Meet Joe Black”. Trong ấn phẩm đầu tiên của cuốn “Từ điển bách khoa toàn thư Anh Quốc”, định nghĩa về cái chết có thể được tóm lược như là “sự chia rẽ giữa linh hồn và thể xác”, và định nghĩa này đã phần nào phản ánh quan niệm tâm linh, hay sự thiếu hiểu biết thời kỳ này. 15 ấn bản sau đó đã nối đuôi nhau ra đời, và khái niệm trên cũng đã kéo dài ra gấp 30 lần – một con số chứng tỏ hiểu biết vượt trội của chúng ta về cơ thể người. Nhưng thực tế là, trên phương diện sinh học thuần túy, rất khó để định nghĩa cái chết. Sự tiến bộ của y học và khoa học thực chất chỉ làm quá trình này ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Đến thế kỷ thứ 18, khi những hiểu biết về cơ thể người đã có những bước tiến mới, có thể giờ bạn đã biết cách kiểm tra nhịp tim, nhưng phải đến vài thập kỷ sau đó, chiếc ống nghe mới ra đời. Giờ đây, có thể bạn đã được nghe nói đến thử nghiệm Balfour, với việc luồn 1 chiếc kim xuyên qua da để vào tim và sau đó quan sát sự di chuyển của chiếc kim để kết luận xem tim của người đó còn đập hay không.

Giờ đây, chúng ta đã biết đến những công nghệ có thể thực sự đảo ngược cái chết. Phổi ngừng hô hấp, tim ngừng đập? Chúng ta đã phát minh ra những chiếc máy làm thay công việc đó. Máy khử rung, sonde dạ dày, sonde tiểu, máy thở, tim phổi nhân tạo, chúng ta đã làm tất cả những gì có thể để duy trì sự sống của một người.

Định nghĩa về cái chết
Đây là những gì diễn ra vào thập kỷ 60: Y học đã có khả năng ghép tạng, và cho phép nhiều người có quyền được hi vọng vào một cơ hội thứ hai. Cùng thời điểm đó, những người chết não sẽ được duy trì sự sống bởi nhiều loại máy móc khác nhau, với mục đích chính là biến nội tạng của họ thành những “cơ hội thứ 2” đó. Năm 1968, Đại học Y Havard đã định nghĩa cái chết như là một tổn thương không hồi phục tới não, hay “chết não”.

Việc sử dụng bộ não như là một định nghĩa về cái chết gặp khá nhiều trở ngại. Đứng trên quan điểm đạo đức và tình cảm, bạn sẽ nghĩ sao nếu nghe được tin người thân của mình đã ra đi, nhưng mắt bạn vẫn nhìn thấy rõ lồng ngực đang phập phồng theo từng nhịp thở, tay vẫn cảm nhận được hơi ấm trên cơ thể của họ? Trên phương diên khoa học thuần túy, liệu bộ não phải tổn thương đến mức độ nào để có thể coi là nó đã “chết”? Và với tốc độ tiến lên như vũ bão hiện tại của khoa học, liệu có đáng để tiếp tục giữ họ “tồn tại”, cho đến khi y học tìm ra một liều thuốc có thể đảo ngược toàn bộ tổn thương trên?

Việc loài người hiện nay có thể chết bởi tuổi già là một khác biệt rất lớn so với tổ tiên của chúng ta. Với y học hiện đại, chúng ta đã tiêu diệt rất nhiều căn bệnh có thể khiến con người phải ra đi sớm hơn. Tất nhiên, với nguồn lực hữu hạn của Y học, vẫn còn rất nhiều nơi mà con người vẫn phải đối mặt với chúng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở những nước kém phát triển, HIV/AIDS và tiêu chảy là những nguyên nhân tử vong hàng đầu, trong khi, đối với các nước phát triển, chúng là bệnh mạch vành, tai biến, ung thư và các bệnh lý hô hấp mạn tính.

Trần Nam Sơn | GenK