Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Kỳ 1: 60 năm bên bãi sông Đuống

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64706210Bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh liệt sĩ Phạm Vũ Biên - Ảnh tư liệu gia đình
Một sáng mùa đông, chiếc xe chở cát bên bờ sông Đuống, huyện Gia Lâm, Hà Nội bất ngờ bị hư máy. Khi đổ cát xuống để chuyển qua xe khác, người ta sững sờ phát hiện những phần hài cốt nằm lẫn trong cát với chiếc sọ vẫn còn nhiều răng hàm...

Có người suốt 60 năm cứ hi vọng tìm được hài cốt người anh liệt sĩ bên bờ sông. Có người ngay từ khi đất nước phân ranh vĩ tuyến 17 cũng đã đau đáu gặp lại cha Nam tiến dù chỉ còn nắm xương tàn...

Một số người đạt ước nguyện, nhưng nhiều người vẫn mỏi mòn chờ đợi hoặc phập phồng không biết gói xương tìm thấy có đúng người thân. Nhưng gần đây, công nghệ ADN đã góp phần nối những nhịp cầu đoàn tụ.

Cách đó không xa, dưới chân cầu Đuống có một ông cụ gần sang tuổi 80 vẫn bao năm đi tìm những gì còn lại của anh trai mình. Đó là cuộc tìm kiếm đã được bắt đầu từ tận cách đây hơn 60 năm sau một đêm sông Đuống loang máu năm 1952.

Đêm chia ly

Rưng rưng thắp nén hương trước di ảnh anh mình, ông Phạm Vũ Duy bần thần hồi tưởng kỷ niệm đau thương từ giữa thế kỷ trước. Năm 1952, ông 17 tuổi, người anh Phạm Vũ Biên của ông tròn 24 tuổi và đã thoát ly theo Việt Minh từ sáu năm trước. Ông thuộc đơn vị Trấn Tây - Lãng Bạc từng nhiều lần chạm trán ác liệt với quân Pháp. Gần năm 1952, ông Biên được cử về Bắc Ninh hoạt động điệp báo. Một đêm, ông bị quân Pháp phục bắt được trong lúc đang đột nhập vào vùng tạm chiếm. Ông bị giam ở đồn Lộc Hà, Đông Anh, Hà Nội, nhưng vì giỏi tiếng Pháp nên hay bị trưởng đồn bắt làm thông dịch. Chính nhờ thời gian được nới lỏng này, ông Biên đã tranh thủ vận động binh lính là đồng bào mình quay súng về với Việt Minh.

Một kế hoạch cụ thể về vùng giải phóng đã được lên chi tiết. Ông Biên và những người lính cảm tình còn tính phục bắt cả viên trưởng đồn. Tuy nhiên, ngay đầu đêm họ chuẩn bị hành động lại có người phản bội, bí mật báo cho viên sĩ quan Pháp biết. Ngay lập tức, binh lính ở các đồn gần đó được điều động tới bắt ông Biên và tất cả binh lính cảm tình với Việt Minh, có ý định bỏ đồn. Để răn đe những người lính còn lại, quân Pháp đưa ngay ông Biên và người lính cầm đầu đi thủ tiêu bên bờ cầu Đuống ngay trong đêm 23-3-1952. Họ bị hạ sát bằng lưỡi lê, rồi nhét vào bao thả trôi sông.

Gia đình ông Duy lúc ấy ở Ngọc Thụy, Long Biên, không xa nơi anh mình bị xử tử. Tuy nhiên, họ chỉ biết được loáng thoáng sự hi sinh bi hùng này. Về sau, chính các đồng đội của ông Biên đã kể lại toàn bộ câu chuyện. Mẹ ông Biên gạt nước mắt khóc con, tất tả đi tìm thi hài ngay sau ngày ông Biên bị thủ tiêu. Các anh chị em, trong đó có ông Duy, cũng khóc theo mẹ đi tìm anh.

Sự hi sinh của ông Biên ở cầu Đuống đêm 23-3-1952 rất rõ ràng và có nhiều nhân chứng cụ thể. Ngày 1-8-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký bằng Tổ quốc ghi công cho ông và truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng 2. Tuy nhiên, phần thi thể còn lại của ông vẫn biệt vô tăm tích ngay trên mảnh đất quê hương...

60 năm tìm dọc bờ sông

Nhắc lại những kỷ niệm buồn này, ông Duy nhớ lúc ấy họ cứ đi dọc hai bên bờ sông Đuống, gặp người nào cũng cố hỏi có thấy thi hài nào trôi qua hay vướng kẹt ở dòng sông này không. Nhiều người dân thấy vậy động lòng cũng đi tìm hộ. Họ tìm ròng rã suốt hàng tháng trời, hết hỏi han rồi kéo lưới, quấy sào, nhưng thi hài người liệt sĩ trẻ tuổi vẫn biệt tăm dưới dòng nước sâu lạnh.

Ông Duy nhiều đêm không thể ngủ được vì nhớ anh, nhớ chén cháo mà người anh đã nhường cho mình trong những năm đói kém. Trước khi gia nhập vệ quốc quân, ông Biên còn dặn dò các em ở nhà phải thương yêu, đùm bọc nhau và hết lòng chăm sóc mẹ. Mẹ ông vừa khóc chồng mất sớm lại khóc con. Bà tiều tụy, suy sụp hẳn. Bà đã tâm sự với các con rằng: bằng mọi giá phải tìm được Biên về, không thể để nằm cô đơn, lạnh lẽo dưới đáy sông kia!

Từ ngày mới 17 tuổi, ông Duy đã bị ám ảnh thôi thúc này. Suốt hàng chục năm sau ngày ông Biên mất năm 1952, gia đình ông vẫn không ngừng tìm kiếm. Nhiều hàng xóm thương xót nhưng cũng ái ngại khuyên: “Sông Đuống thông với sông Hồng rộng dài mênh mông. Xác thân con người như hạt cát biết đâu mà tìm...”. Tuy nhiên, họ vẫn đi tìm...

Chiến tranh ác liệt ập đến rồi kết thúc. Người mẹ già tuổi gần đất xa trời vẫn day dứt không thể tìm thấy thi hài con. Năm 1978, bà mất trong nỗi ngậm ngùi còn dang dở. Ông Duy cùng các anh chị tiếp tục thực hiện di nguyện của mẹ. Tâm sự những tháng ngày này, ông Duy bồi hồi: “Tôi cứ đi dọc, đi dọc suốt bờ sông, hết bờ này rồi lại bờ kia, hết xuôi rồi lại ngược. Tôi có cảm tưởng mình thuộc đến từng mét vuông bờ sông Đuống, nhớ từng chỗ lở, chỗ bồi, thạo cả từng hốc xoáy. Gặp ai cũng hỏi, hỏi mãi rồi người ta cũng quen cả mình luôn. Vừa thấy mặt mình là họ đã lắc đầu báo tin. Thế mà bóng anh vẫn biệt tăm...”.

Ông Duy kể về sau vào đại học hóa, công tác chế tạo vũ khí ở bộ luyện kim, ông tìm hiểu biết xương cốt con người không thể vĩnh viễn nhưng cũng bền lắm. Anh ông lại hi sinh một thời gian, chưa thể mất hết hi vọng tìm thấy anh dù chỉ là một phần còn lại. Ngay cả giai đoạn qua Liên Xô học hồi 1968 - 1970, ông vẫn không ngừng tìm kiếm anh từ xa. Cứ có dịp thư từ là ông lại hỏi han người ở nhà đã thực hiện đến đâu di nguyện của mẹ. Vừa về nước là ông lại bắt tay tiếp tục tìm kiếm.

Chuyện tìm anh cứ lặp đi lặp lại ròng rã suốt hàng chục năm. Ước nguyện này đã đi cả vào giấc ngủ của ông Duy. Bần thần nhắc kỷ niệm, ông kể mình đã nhiều lần mơ thấy người này người kia, thậm chí cả ông nội về báo phải tìm anh thế nào. Giật mình tỉnh giấc, ông đều ghi chép rất kỹ để nhớ. Đến giờ trong cuốn “sổ đời” ông giữ vẫn còn một đoạn: “... Rạng sáng ngày 8-3-2007, khoảng 2 giờ đang ngủ lơ mơ, bỗng thấy có người đến vỗ vai nói muốn tìm xương cốt anh thì cứ xuôi dòng nước, hỏi ông Nguyễn Đức Bảo hay Bùi Xuân Bảo gì đó. Mình cuống quýt hỏi ông Bảo ở đâu? Trả lời ngoài Bắc Biên, nhà ở năm gian, rồi vụt biến mất...”.

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64706310
Ông Phạm Vũ Duy đã hơn nửa thế kỷ đi tìm anh trai - Ảnh: QUỐC VIỆT
Ngay sáng đó, ông Duy đã lần theo giấc mơ đi tìm anh. Ông sang Bắc Biên hỏi từng người xe ôm, rồi gõ cửa tổ trưởng, cựu chiến binh, cảnh sát khu vực để lần hỏi cái tên Xuân Bảo, Đức Bảo, và tiếp tục nhận được những cái lắc đầu ái ngại...

Nguồn: Tuổi trẻ
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Kỳ 2: Anh nằm dưới cát sông

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64725010Giấy xác nhận huyết thống của liệt sĩ Phạm Vũ Biên - Ảnh tư liệu gia đình
“Sang những năm thập niên 2010, chúng tôi tưởng chừng đã tuyệt vọng. Anh tôi ra đi như vậy là cả 60 năm rồi. Sông kia bồi lở, lũ lên lũ xuống, tàu bè ngược xuôi mỗi ngày, liệu xương cốt anh có còn gì hay không?”. Bồi hồi nhìn tấm di ảnh đã ố vàng của anh là liệt sĩ Phạm Vũ Biên, ông Duy tâm sự trong lúc người lớn trong gia đình sức tàn lực kiệt, thì con cái ông, tức các cháu liệt sĩ Biên, lại tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Như vậy là cuộc đi tìm hài cốt này đã mỏi mòn trải suốt ba thế hệ rồi. Mẹ già ông nhắm mắt vẫn chưa được nhìn thấy những gì còn lại của con trai. Anh em ông tiếp tục thay mẹ đi tìm đến lúc gần kiệt sức. Và bây giờ là thế hệ các cháu.

Bộ hài cốt lẫn trong cát

Trong các con của ông Duy có anh Phạm Vũ Đức đang làm doanh nghiệp cơ khí ôtô ở Hưng Yên là người rất tích cực trong nỗ lực đi tìm bác. Gặp ai anh cũng dò hỏi manh mối, hi vọng. Kể cả đôi lần anh đã đưa cha và các bác đi cầu may ở những người được cho là có năng lực đặc biệt. Người thì hẹn lần hẹn lữa qua điện thoại mà không thể gặp mặt được. Người thì nói chuyện xa quá rồi, khó lắm. Có người chỉ đâu đó bên bờ hữu ngạn sông Đuống cách cây cầu khoảng vài trăm mét, nơi mà họ đã từng in dấu chân ngược xuôi tìm kiếm hàng trăm lần trong suốt 60 năm qua...

Trong lúc nỗ lực tìm kiếm đến đời thứ ba vẫn mịt mờ như những ngọn đuốc nhỏ nhoi lập lòe trong rừng đen, thì tình cờ một hôm anh Đức, cha mình và người thân trong gia tộc tìm đến một khu khai thác cát bên bờ sông Đuống ở phía Bắc Ninh. Thấy họ, một người dân địa phương ra hỏi chuyện. Ông lộ rõ vẻ xúc động và sực nhớ ngay khu vực này đã xảy ra một chuyện lạ. Đó là trong lúc khai thác, vận chuyển đất cát, người ở đây đã tình cờ tìm thấy một bộ hài cốt không rõ thân nhân. Rồi ông chỉ đường cho gia đình anh Đức đến thẳng chủ bãi khai thác đó để hỏi cặn kẽ.

Khi gặp nhóm người lạ hỏi chuyện này, chính đôi vợ chồng đó cũng sững sờ. Họ tự giới thiệu chồng là Nguyễn Văn Hùng, vợ là Nguyễn Thị Thơi ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Họ kể chi tiết khoảng tháng hai âm lịch năm 2009, ông Hồ Liêm lái máy xúc cát độ sâu khoảng hơn 1m ở bãi tre bờ sông Đuống để đổ lên xe tải 15 tấn cho vợ chồng họ. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, mặc dù xe tải còn mới và vừa được kiểm tra định kỳ, hôm ấy đang hoạt động bình thường thì đến chuyến này tự nhiên bất ngờ bị gãy trục. Họ phải đổ cát xuống để chuyển sang xe nhỏ hơn chở dần đi. Bất ngờ vợ chồng anh Hùng nhìn thấy có những mẩu xương giống hài cốt người lẫn trong cát lộ ra. Đến khi nhìn thấy chiếc sọ vẫn còn nhiều răng hàm, họ mới tá hỏa biết chính xác đó là hài cốt người. Họ xúc động đoán rằng ai đó đã gửi thân xác theo sông Đuống, khi trôi đến đoạn này thì bị xoáy nước cuốn mắc lại dưới gốc tre. Rồi thời gian sông lở bồi đã vùi dần hài cốt cô quạnh này!

Người vợ cẩn thận nhặt nhạnh hài cốt kỹ lưỡng, bỏ vào bao rồi đem về nhà kể cho mẹ già nghe. Bà cụ nhìn những chiếc răng hàm vẫn còn màu sáng, chưa mòn nhiều, đoán người mất chắc còn trẻ tuổi. Bà khuyên hai con đã “có duyên” với người bạc mệnh vô danh thì hãy làm trọn lương tâm. Thế là vợ chồng anh Hùng mua tiểu sành, khăn vải, sắp xếp phần hài cốt tìm thấy vào đó rồi đem ra gò đất ở hồ gần nhà chôn. Ngày rằm, mồng một nào người vợ cũng hương khói cho nấm mộ còn chưa rõ thân nhân, và nhủ lòng nếu một thời gian không thấy ai đến tìm nhận sẽ chuyển hài cốt về nghĩa trang cho bớt cô quạnh.

Rồi đến một ngày, gia đình ông Duy tìm đến đây và tự nhiên lại hỏi đúng ngay câu chuyện kỳ lạ này. Họ không rõ có sự linh thiêng hay trùng hợp, nhưng trong lòng có linh cảm lạ thường...

Sự thật từ chiếc răng hàm

Tâm sự chuyện đặc biệt này, ông Duy rưng rưng xúc động: “Trong lòng tôi và mấy anh chị em khác phập phồng linh tính được đoàn tụ với anh Biên rồi. Nhưng có người anh cũng đi bộ đội về thì lại rất thận trọng. Sông suối là nơi người ta dễ gửi sinh mạng. Bom đạn chiến tranh ác liệt lại từng vùi dập bao nhiêu mạng người. Cần phải cẩn thận nếu không lại nhận nhầm người khác thì khổ!”.

Ông Duy tâm sự thế là anh em trong gia đình bàn với nhau xin được nhang khói ở phần mộ này. Nếu đúng là người anh liệt sĩ thì may mắn quá rồi. Còn nếu không phải thì được làm ấm lòng hương hồn ai đó. Về nhà, gia đình họp bàn với nhau cần quyết tâm tìm sự thật. Cuối cùng giải pháp khoa học là giám định ADN được thống nhất phải thực hiện. Mẹ đã mất rồi, nhưng nguồn gen đối chứng là các anh chị em ruột thịt trong nhà vẫn còn. Chỉ có cách này là bảo đảm chính xác nhất. Trong lúc đó, chính quyền địa phương cũng yêu cầu phải có kết luận giám định ADN chính xác mới công nhận liệt sĩ và tổ chức lễ truy điệu theo quy định.

Ngược trở lại phần mộ ở bãi cát tại Yên Viên, ông Duy và gia đình trình bày nguyện vọng với vợ chồng anh Hùng đã phát hiện, chôn cất hài cốt này. Họ đồng ý cho khai quật vì thật sự trong lòng ai cũng muốn tìm lại tên tuổi cho người đang nằm ở đây để được đoàn tụ với thân nhân. Gò đất được đào lên. Nắp tiểu được mở ra. Ông Duy và mọi người trong gia đình đều bật khóc. Bộ hài cốt đã không còn nguyên vẹn theo thời gian. Chỉ còn chiếc sọ, vài mảnh xương sườn, xương ống tay, ống chân. Sự tác động của thời gian, dòng nước hay chiếc gàu xúc đất đã làm hài cốt liệt sĩ không thể còn nguyên vẹn?

Theo chỉ dẫn từ trước, người nhà ông Duy xin lấy mẫu xương răng hàm trên của hài cốt cho vào lọ đem về. Sau đó, một em trai của liệt sĩ Biên là ông Phạm Vũ Kỷ được lấy móng tay để làm mẫu đối chứng giám định ADN ở Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN. Nhắc kỷ niệm này, ông Kỷ năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn kể: “Những ngày chờ đợi kết quả giám định, gia đình chúng tôi hồi hộp lắm. Mọi người cứ khấn vái anh có linh thiêng thì về, khấn vái cả tổ tiên cho con cháu được đoàn tụ, không phải chia lìa lạnh lẽo nữa”.

Một buổi sáng, Viện Công nghệ sinh học gọi điện về nhắn đã có kết quả, nhưng không chịu báo trước kết luận mà chỉ mời người nhà đến nhận. Ông Kỷ kể mọi người phập phồng mở giấy xác nhận kết quả giám định ADN ra xem và mừng đến bật khóc khi đọc dòng chữ “Xác nhận mẫu hài cốt đã phân tích ... có quan hệ huyết thống với mẫu ADN của ông Phạm Vũ Kỷ là em trai của liệt sĩ Phạm Vũ Biên”.

Cuộc tìm kiếm anh, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đằng đẵng suốt 60 năm đã đến ngày thành công. Mừng vui mà nước mắt cứ đầm đìa! Họ như thấy anh, thấy mẹ già đang cùng về khóc cười bên nhau...

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64724910
Ông Phạm Vũ Duy trong ngày truy điệu liệt sĩ Phạm Vũ Biên - Ảnh tư liệu gia đình
Nguồn: Tuổi trẻ
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Kỳ 3: Tìm cha dài theo đất nước

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64739310Ông Trương Minh Du bắt đầu hành trình tìm cha từ năm 1975 - Ảnh: Quốc Việt
“Cha dặn mẹ tôi nếu anh đi kháng chiến không về, em cứ ở nhà lấy chồng, đừng khổ vì anh. Không ngờ lời dặn dò của cha cuối cùng lại thành sự thật. Cha ra đi vĩnh viễn. Tôi còn không kịp cảm nhận được hết hơi ấm cha thế nào!”

Gương mặt hằn dấu cuộc đời đã ngả bóng chiều ở tuổi 80 của ông Trương Minh Du vẫn không kìm được nỗi buồn khi nhắc kỷ niệm người cha liệt sĩ. Suốt từ ngày tập kết ra Bắc năm 1954, ông không ngừng ngóng vọng hình bóng cha theo đoàn quân Nam tiến. Rồi khi biết tin cha đã hi sinh, ông vẫn đau đáu mong ngày được nhìn lại cha dù chỉ là nắm xương tàn...Cha phương Nam, con đất Bắc

Bần thần hồi tưởng quá khứ, ông Du kể quê hương mình ở xứ Huế nắng cháy da và mưa dầm nhão đất. Người cha liệt sĩ Trương Minh Thuyên của ông đã xuôi Nam từ năm 1944 khi con vừa tròn 10 tuổi. Khi đi, cha chỉ nói với mọi người là vô Nam làm ăn. Nhưng sự thật cha đã âm thầm theo đoàn quân đi kháng chiến chống Pháp. Thời kỳ đó, chuyện quốc sự cách mạng phải thật bí mật, để lộ ra người nhà sẽ rất khổ.

Ông Thuyên cứ thế biền biệt hút bóng, không một lần được về thăm vợ con. Thời kỳ khó khăn, người bác phải phụ nhận nuôi ông Du. Rồi đến ngày tập kết, họ ngược ra đất Bắc trong lúc tin ông Thuyên hi sinh hay mất tích đâu đó ở miền Nam cũng lan về. Bà nội ông Du ở Huế thương xót con, khăn gói đi tìm rồi cũng biệt tăm trong thời loạn lạc. Suốt 20 năm chiến tranh chia lìa Nam - Bắc, ông ở Hà Nội nhưng vẫn luôn cố gắng tìm kiếm thông tin cha. Có đoàn nào từ Nam ra, ông đều tìm cách dò hỏi thông tin về các trận đánh của người cha Trương Minh Thuyên. Hầu hết đều ái ngại lắc đầu, nhưng một số thông tin cũng lờ mờ cho biết hình như ông Thuyên đã hi sinh trong lúc giao tranh với quân Pháp từ năm 1954 ở chiến trường miền Nam.

Ngậm ngùi với thông tin ít ỏi này, ngay sau ngày đất nước thống nhất, ông Du bắt đầu nỗ lực tìm cha. Ông đi dọc từ Quảng Trị vào, gặp quản trang liệt sĩ, đơn vị quân sự nào cũng dò hỏi tên Trương Minh Thuyên. Thời kỳ khó khăn, những chuyến đi tìm cha của ông đều phải cố gắng rất lớn với những tháng ngày ăn nhờ ở đậu khắp nơi. Một hôm, ông nhận được thông tin hình như bà nội và cha ông đã gặp nhau và có thời gian ở làng Vĩnh Hi. Sau ngày hòa bình, việc sáp nhập địa phương, thay đổi địa danh làm mọi thứ xáo trộn. Ông Du lại mới biết miền Nam từ sau ngày 30-4-1975, việc tìm kiếm một cái làng nào đó mà không rõ huyện, tỉnh là cực kỳ khó khăn.

Ông cứ mỏi mòn đi tìm, đi tìm và không ngừng hi vọng...

Trả lại tên cho cha

Một ngày ông tìm đến tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận và Bình Thuận bây giờ). Người cán bộ địa phương nghe ông hỏi làng Vĩnh Hi thì ồ lên: “Chắc anh đến đúng rồi. Gần Phan Rang có làng biển Vĩnh Hi đẹp lắm. Nghe kể có nhiều người miền ngoài vào lập nghiệp”. Ông Du nghẹn mừng, theo chỉ dẫn của anh ta tìm đến làng Vĩnh Hi. Suốt nhiều ngày nán lại đây, ông dò hỏi tên bà nội và cha. Nhiều người đều lắc đầu không biết, nhưng nói có một bà cụ người Huế đã ở và mất tại làng này.

Đến một buổi chiều ông Du đi ngang qua ngôi nhà nằm khuất sau rặng phi lao. Tự nhiên ông có linh cảm kỳ lạ như ai đó níu chân mình lại. Lát sau, người nhà đi ra cũng ngỡ ngàng nhìn ông. Cảm giác ngờ ngợ thân quen. Khi ông vừa nhắc tên Thuyên, người nhà liền ồ lên xúc động: “Ông Thuyên, tức ông Thợ Mười, đã từng ở đây mà”. Họ nói nhìn ông rất quen vì có gương mặt giống người xưa. Một cựu chiến binh ở làng từng đi tù Côn Đảo cũng kể đã hoạt động cách mạng với “anh Thợ Mười, người Huế”. Ông xúc động hỏi tên thật Thợ Mười, người đó trả lời chính xác là Trương Minh Thuyên!

Ông Du ứa nước mắt mừng vì lần được bước đường cha đi. Nhưng dấu vết tới đây lại đứt đoạn. Người cựu chiến binh bị đi đày, mất liên lạc bạn. Ông Thuyên sau cũng rời làng đi. Dọc dài đất nước tìm cha không biết bao nhiêu lần, đến được đây lại rơi vào ngõ cụt, ông Du ngậm ngùi về lại Hà Nội!

Cha vẫn biệt tăm...

Nỗ lực tìm cha gần như tuyệt vọng, nhưng ông Du vẫn không nguôi ấp ủ. Bất cứ khi nào có điều kiện, ông lại lần dò tìm kiếm. Con ông lớn lên cũng góp sức tìm ông nội cùng cha. Họ sưu tra tài liệu, hỏi han khắp nơi, kể cả những người được cho là có năng lực đặc biệt trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ... Một ngày đầu năm 2010, tức sau 35 năm, ông Du đã ròng rã đi tìm cha, bất ngờ một người quen báo cho ông biết hài cốt cha ông có thể đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Châu Thành, Tân Trụ, tỉnh Long An...

Bồi hồi nhớ kỷ niệm này, ông Du xúc động: “Mình như người mò mẫm trong đêm tối, có ánh sáng le lói nào thì bám vào để không tắt hi vọng. Cha đã hi sinh từ thời kháng Pháp, nếu để lâu quá chẳng biết còn gì nữa mà tìm!”. Ông Du cùng vợ và các con lại tất tả vào Nam. Họ đến nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành, Tân Trụ, nhờ cô quản trang dẫn ra mộ được chỉ báo. Mọi người đang khấp khởi hi vọng thì nghẹn lại khi thấy tấm bia đề liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi. Bóng cha biệt tăm suốt từ năm 1944 đến đây lại chừng rơi vào bóng tối!

Ông Du lên phòng lao động - thương binh và xã hội huyện, rồi sở trình bày trường hợp cha mình. Ở Long An đúng là có trận đánh năm 1954 tại khu vực miếu Bà Cố ở huyện Châu Thành, mà ông Du phong thanh nghe cha mình có tham chiến. Khi hỏi người già ở địa phương thì ba người xác nhận thông tin có liệt sĩ giống Trương Minh Thuyên trong trận đánh này. Đặc biệt, một bà cụ khi nhìn thấy ông Du cũng ngỡ ngàng kể từng biết anh lính Huế rất giống ông đã ở đây. Tuy nhiên cũng có người lại kể các thông tin mâu thuẫn...

Cuối cùng, ông Du đề nghị xin lấy mẫu hài cốt ở ngôi mộ đã được chỉ báo để giám định ADN. Khi nắp mộ mở ra, không ai kìm được nước mắt khi nhìn người yên nghỉ chỉ còn nắm xương bạc màu. Cũng may những chiếc răng hàm vẫn còn nguyên vẹn, phần hài cốt mà ông Du được các nhà giám định ADN hướng dẫn nên lấy mẫu vì nó bền nhất. Ông Du khấn vái trước mộ: “Nếu đúng là cha thì gia đình nhà mình được đoàn tụ. Còn nếu không thì sẽ xin trả lại phần hài cốt đã mạo phạm, để tạ lỗi vong linh liệt sĩ nào đó đang nằm dưới”.

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64739410
Gia đình ông Du xin mẫu hài cốt để giám định ADN - Ảnh tư liệu gia đình
Mang ba răng hàm của hài cốt đến trung tâm phân tích di truyền Gentis ở Hà Nội, ông xin giám định ADN xác định huyết thống. Phó giám đốc Ngô Đức Phương ra tiếp và khẳng định sẽ làm hết mình cho liệt sĩ. Do hài cốt đã lâu trong điều kiện môi trường tác động nhiều nên phải giám định ADN ty thể theo dòng mẹ. Mẫu xét nghiệm đối chứng là móng tay người con của chị liệt sĩ Thuyên để xác định huyết thống theo dòng mẹ ông Thuyên truyền xuống...

Suốt gần tháng sau, ông Du mất ăn mất ngủ đợi kết quả. Nếu không phải thì quá ngậm ngùi vì hành trình tìm cha của ông đã đằng đẵng hàng chục năm. Ông giờ cũng đã về chiều ở tuổi 80 rồi, chắc không thể còn tìm kiếm được nữa!

Kết quả: chính xác! Cả nhà vỡ oà hạnh phúc. Ông tâm sự cả gia đình nước mắt cứ rơi, khi được đặt bia cha liệt sĩ Trương Minh Thuyên lên ngôi mộ đã hàng chục năm im lìm dưới dòng chữ không tên!

Nguồn: Tuổi trẻ
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Kỳ 4: Những kết luận ngậm ngùi!

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64756610Chuyên viên kỹ thuật Nguyễn Văn Huấn tiến hành giám định ADN từ một mẫu hài cốt - Ảnh: Q.V
“Anh tôi sinh ở miền Bắc, nhưng đến giờ vẫn nằm dưới đất lạnh phương Nam. Nhiều lượt cha tôi đã tìm anh, rồi đến anh chị em tôi đi mà đến giờ vẫn chưa thể đưa anh về mảnh đất quê nhà. Có những lần tưởng gần chắc chắn rồi, cả nhà tôi đã vào đón anh về, thế mà...” - cựu quân nhân Đinh Văn Hiển nghèn nghẹn kể về người anh liệt sĩ Đinh Văn Dự của mình.

31 năm tiếp bước người anh mặc áo lính đã làm anh Hiển đanh sắt lại. Nhưng anh vẫn không thể kìm được cảm xúc khi kể về người anh chiến binh một đi không trở lại từ 48 năm trước...

Cuộc tìm kiếm mịt mờt

Anh Hiển bùi ngùi hồi tưởng ký ức về anh trai mình mờ nhạt lắm. Ngày anh vào Nam hình như có bế Hiển khi ấy mới hơn 3 tuổi lên tay. Rồi màu áo lính khuất dần sau rặng tre trên cánh đồng Hà Tây. Sau này Hiển nghe cha nhắc lại anh mình có biên thư kể hành quân vào tận miệt bưng biền U Minh và giao tranh nhiều trận ác liệt. Anh còn hứa ngày về sẽ cưới vợ cho ông bà có cháu bế bồng. Nhưng rồi một ngày mùa đông xám lạnh năm 1971, cả nhà chết lặng khi nhận giấy báo tử của anh. Cha nước mắt ầng ậng chỉ nghẹn ngào, không khóc được thành tiếng. Mẹ sụt sùi, tức tưởi suốt mấy ngày đêm. Còn anh em Hiển cứ ôm chặt lấy nhau mà nhớ người anh đi lính hứa ngày trở về sẽ mua thật nhiều quà cho các em. Vậy mà anh đã không thể giữ lời!

Sau ngày đất nước liền lạc một mối, cha liệt sĩ Dự đã nhiều lần định vào tìm hài cốt con. Nhưng đó là thời kỳ quá khó khăn, người nông dân nghèo Hà Tây không thể đủ khả năng thực hiện một chuyến xuyên Việt đến tận cực Nam của Tổ quốc. Mãi đầu đông năm 1989, ông mới thu xếp lên đường được để lần theo dấu chân con. Ông mất gần một tuần lễ tàu xe vào đến TP.HCM, rồi mất thêm hai ngày hai đêm vượt qua hai con sông Tiền, sông Hậu đến nơi chiến trường cuối cùng từng in dấu chân con ở U Minh Thượng, Kiên Giang.

Giấy báo tử ghi rõ ràng nơi liệt sĩ Đinh Văn Dự hi sinh ở đìa Chín Miệu, Kiên Giang, nhưng ngày ông tìm đến nơi thì không còn mộ nữa. Người già địa phương bảo rằng cách đây vài năm đã quy tập về hết nghĩa trang liệt sĩ. Ba nấm mộ đất chôn vội trong chiến tranh ở vùng đìa Chín Miệu, trong đó có một gò mộ của cô nữ du kích địa phương và hai mộ của bộ đội chủ lực miền Bắc. Hình như ban đầu còn có vài cựu chiến binh lớn tuổi phân biệt được. Nhưng khi chuyển về nghĩa trang, các liệt sĩ chưa được xác định tên tuổi rõ ràng này đã lẫn trong hàng hàng lớp lớp bia mộ cũng chưa có tên. Người cha ngậm ngùi thơ thẩn tìm kiếm suốt mấy ngày rồi đành trở về không thể mang theo hài cốt con như ước nguyện!

Về sau ông già yếu không đi được nữa. Anh Hiển tiếp tục thay cha đi tìm anh trai nhiều lần cũng về không. Cuối năm 2012 vừa rồi, anh và gia đình lại cố gắng vào Nam một lần nữa. Trước đó, anh nghe người làng bên nhờ một bà ở Đồng Nai được cho là có năng lực đặc biệt giúp tìm kiếm liệt sĩ thành công. Trong hoàn cảnh suốt nhiều năm mò mẫm gần như tuyệt vọng, anh Hiển bàn với gia đình cứ thử xem. Cuối cùng, họ sẽ giám định ADN để kết luận chính xác có phải là người anh ruột thịt hay không.

Để tiết kiệm chi phí, chuyến đi này được gia đình bên vợ anh Hiển phối hợp tìm kiếm luôn người chú Nguyễn Quý Để hi sinh ở chiến trường Tây Ninh vẫn chưa tìm kiếm được hài cốt. Chuyến đi của họ có lẫn cả niềm hi vọng và nỗi lo lắng. Bao nhiêu lần tìm trước đã chịu thất bại, chưa biết chuyến này sẽ ra sao. Tuy nhiên, trong lòng họ cũng le lói chút hi vọng. Bà ở Đồng Nai đã chỉ rõ nghĩa trang, dãy mộ, số mộ để tìm. Dù sao họ cũng như người đi lạc có một phương hướng lờ mờ để bám vào...

Sự thật ngậm ngùi

Vào đến hai nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và Kiên Giang, anh Hiển còn tiếp tục được bà chỉ dẫn qua điện thoại. Tuy nhiên, khi họ đứng trước mộ thì chỉ thấy tấm bia đề liệt sĩ chưa xác định được tên. Quản trang không thể cho bốc trong trường hợp lờ mờ này. Họ phải lên phòng lao động - thương binh huyện, rồi lên sở, tỉnh đội để trình bày và được chấp thuận chỉ cho lấy mẫu nhỏ hài cốt về giám định ADN. Nếu chính xác huyết thống thì được cải táng hài cốt về quê hương, còn nếu không họ phải xây sửa đảm bảo trả lại nguyên hiện trạng.

Khi nắp mộ mở ra, hai bộ hài cốt vẫn còn gần đầy đủ. Quản trang với kinh nghiệm của mình khẳng định đó là người hi sinh trẻ. Anh Hiển và gia đình gạt nước mắt, phập phồng mừng lo. Họ vái tạ xin được đem mấy chiếc răng liệt sĩ về trước để giám định. Nếu kết quả đúng là anh và chú ruột thịt, sẽ rước hết hài cốt về. Nếu không phải sẽ hoàn trả và tạ lễ với liệt sĩ đang nằm bên dưới.

Đến đây, anh Hiển ngậm ngùi kể: “Suốt mấy tuần gia đình chúng tôi chẳng yên tâm làm được việc gì, cứ nóng ruột ra vào đợi kết luận giám định ADN”. Anh kể trước khi đem đi giám định đã tìm hiểu rất kỹ phương pháp này. Gia đình biết rằng đó là phương pháp chính xác nhất để xác định huyết thống. Nếu cho kết quả sai thì tất cả chỉ dẫn, bảo đảm đúng sai bằng miệng người không còn ý nghĩa. Đặc biệt, gia đình liệt sĩ vẫn còn đầy đủ cha mẹ, anh em, con cháu nội, ngoại rất thuận lợi để lấy mẫu giám định đối chứng.

Mấy tuần sau, bản kết luận giám định được gửi trả đến tận tay anh Hiển. Cả nhà hồi hộp xem, rồi lạnh ngắt khi đọc kết luận cả hai mẫu hài cốt được giám định ADN đều cho kết quả không cùng quan hệ huyết thống với mẫu đối chứng. Điều đó có nghĩa hai hài cốt mà họ bỏ công lặn lội vào tận miền Nam tìm kiếm, đem mẫu ra Hà Nội thử ADN đều không phải là người anh, chú liệt sĩ của họ!

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64756910
Dù rất buồn, nhưng nhờ kết quả giám định này, anh Hiển không nhận nhầm hài cốt người khác
Thất vọng, buồn đến mất ngủ, nhưng sau người nhà anh Hiển vẫn đem hai mẫu răng đã nghiền thành bột để thử ADN hoàn trả vào phần mộ hai liệt sĩ nào đó đang yên nghỉ.

Tâm sự chuyện này, phó giám đốc trung tâm giám định Gentis Ngô Đức Phương kể mình đã đối diện với rất nhiều nỗi thất vọng, buồn đau như thế. Sự thật cũng có một số trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhờ người này nọ chỉ dẫn cho kết quả giám định ADN chính xác huyết thống, nhưng phần nhiều lại sai. Có người đã bỏ hàng chục năm, mất việc làm, thậm chí tiêu tốn hết tài sản để băng rừng vượt suối tìm hài cốt thân nhân, thế mà... Đặc biệt, một vài trường hợp còn nói nhỏ riêng với anh: “Bà cụ tôi gần đất xa trời, chỉ đau đáu mỗi ước nguyện trước khi nhắm mắt được thấy hài cốt con về. Hay là đúng, sai gì anh cứ nói đại là đúng đi, để cụ tôi an lòng ra đi”. Anh Phương ngậm ngùi trả lời rất thông cảm nỗi niềm này, nhưng yêu cầu đó không thể đáp ứng được. Kết luận khoa học không cho phép biến sai thành đúng. Hơn nữa, bộ hài cốt nào đó cũng đều có người máu mủ ruột thịt, mình cứ nhận bừa thì tội lỗi quá.

Chuyên viên kỹ thuật Nguyễn Văn Huấn, người trực tiếp giám định hàng trăm mẫu ADN liệt sĩ, chia sẻ thêm chỉ có hai trường hợp hoặc là mẫu hài cốt bị hư (hay bị nhầm không đúng xương người) không thể giám định, còn nếu giám định được kết quả sẽ bảo đảm chính xác. “Tôi làm việc trong phòng giám định chỉ có mẫu hài cốt và ký hiệu chứ không được biết tên tuổi cần tìm. Lòng tôi chỉ biết rằng mỗi mẫu xương trước mặt mình là một liệt sĩ đã nằm xuống. Cả khoa học và lương tâm tôi đều không cho phép được sai với người đã hi sinh” - anh tâm sự.

Nguồn: Tuổi trẻ
      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Kỳ cuối: Khi ADN lên tiếng

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64773010Truy điệu và đón đồng đội trở về, sau khi hài cốt đã được giám định ADN - Ảnh tư liệu
Có người đã mang cả xô đất đến nhờ giám định ADN, có người cầm xương gia súc mà cứ khóc tưởng thân nhân, thậm chí có những trường hợp nhất quyết yêu cầu cơ quan giám định ADN: “Các bác giám định thế nào tùy các bác, nhưng phải đúng đấy. Ai cũng chỉ, cũng khẳng định đúng hết rồi”.

Đây chỉ là một trong hàng ngàn chuyện rối rắm, bi hài trước cánh cửa phòng giám định ADN. Nó là đoạn đường của nhiều người để mang được hài cốt liệt sĩ đến gõ cửa căn phòng khoa học này đã mất nhiều năm, thậm chí gần cả cuộc đời, với biết bao nỗi ngậm ngùi, thương nhớ. ADN cất lên tiếng nói sự thật thế nào?

* Hiện phương pháp giám định ADN hài cốt liệt sĩ như thế nào? Khi giám định ADN cho kết quả ngược lại với các chỉ dẫn khác, nó nói lên điều gì?

- Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Quang Huấn (trưởng phòng công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN): Vì hài cốt liệt sĩ đã lâu năm nên giám định theo hệ gen nhân tế bào hầu hết đều không thể thực hiện. Phổ biến nhất hiện nay là giám định trên hệ gen ty thể được truyền từ dòng mẹ. Đây chính là vật liệu di truyền cuối cùng để phân tích tìm quan hệ huyết thống.

Trong trường hợp này, những người còn sống được lấy mẫu để đối chứng, so sánh với mẫu liệt sĩ có thể là một trong những người như bà ngoại, mẹ, anh chị em ruột của mẹ, anh chị em ruột cùng mẹ của liệt sĩ, con của chị em liệt sĩ...

Phương pháp giám định hài cốt này phức tạp, đòi hỏi tỉ mỉ, nhiều trường hợp phải làm đi làm lại nên thời gian ra được kết luận giám định có thể mất từ một vài tuần đến hàng tháng. Hiện nay nhiều địa chỉ ở VN có khả năng giám định hài cốt liệt sĩ như Viện Pháp y quân đội, Viện Khoa học hình sự, Viện Công nghệ sinh học, Công ty Gentis...

Các máy móc, công nghệ giám định ADN hài cốt hiện nay đều thuộc thế hệ hiện đại cho kết quả rất chính xác. Khi kết luận giám định ADN khác với các chỉ dẫn của người này người nọ từ trước, thì khẳng định các chỉ dẫn đó đã sai.

Trong các cách tìm quan hệ huyết thống, thân nhân hiện nay, giám định ADN là chính xác nhất. Nếu các hồ sơ, chỉ dẫn để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ không rõ ràng thì ADN sẽ cất tiếng nói chính xác cuối cùng.

* Khó khăn của việc giám định ADN liệt sĩ hiện nay là gì, thưa ông?

- Về chủ quan thiết bị, công nghệ, kinh nghiệm giám định này đã có nhiều năm rồi, không gì khó. Khó khăn nhất thuộc phía đem mẫu hài cốt tới. Hoàn cảnh chiến tranh quá lâu dài khiến việc tìm thấy hài cốt rất khó khăn để giám định. Thực tế từ lúc mới bắt đầu đến nay, hầu hết các đơn vị giám định đều chỉ mới làm được vài trăm trường hợp vì ít mẫu đem tới.

Chưa kể vì phần nhiều trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay không được rõ ràng, các chỉ dẫn theo phương pháp này nọ cũng mơ hồ, nên phần nhiều giám định ADN đã cho kết luận không chính xác mẫu hài cốt có quan hệ huyết thống với thân nhân (giả sử) đem đến giám định. Ở những đơn vị giám định nhận mẫu hài cốt không chọn lọc kỹ đầu vào, có tỉ lệ giám định cho kết quả không chính xác quan hệ huyết thống đến 80%.

Gần đây chúng tôi có các yêu cầu đầu vào mẫu hài cốt giám định rất chặt chẽ như tìm hài cốt bằng cách nào, tại sao phải đi giám định, cách lấy mẫu ra sao. Do đó tỉ lệ chính xác 80%, sai chỉ khoảng 20%. Tuy nhiên chính vì khâu tuyển chọn mẫu hài cốt kỹ như vậy nên số lượng mẫu giám định chưa thể nhiều, nhanh như mong muốn của các gia đình liệt sĩ.

* Trong việc lấy mẫu hài cốt, thân nhân liệt sĩ phải làm gì để thuận lợi cho việc giám định?

- Khi chuẩn bị lấy mẫu hài cốt, nếu có điều kiện hãy gọi điện cho chúng tôi để được hướng dẫn cách lấy mẫu phù hợp. Nên ưu tiên lấy răng trước (1-3 chiếc) nếu còn răng vì đây là phần có cấu trúc rất bền vững trong cơ thể con người. Nếu không tìm thấy xương răng thì lấy các mẩu xương đùi, cánh tay, bả vai, sọ...

Nếu đúng là các mẩu xương đó còn có thể giám định được thì chỉ cần mẩu nhỏ khoảng vài đốt ngón tay là đủ. Lưu ý xương lấy mẫu cũng phải còn trong tình trạng tương đối, không được quá mủn nát, bóp tay vỡ vụn. Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới nóng ẩm nên hài cốt sớm hư hại. Tuy nhiên cũng còn tùy vào từng địa điểm, chất đất, môi trường chôn cất.

Thực tế có hài cốt từ thời kháng Pháp vẫn giám định ADN được trong khi có hài cốt từ thời chống Mỹ lại không làm được nữa.

Đặc biệt, việc tìm người lấy mẫu giám định đối chứng, so sánh với hài cốt liệt sĩ cũng phải được lưu ý bảo đảm. Thực tế giám định ADN ty thể theo dòng mẹ, có trường hợp bà ngoại đã mất, mà mẹ là con một cũng không còn, đến đời liệt sĩ cũng lại là con một... Mẫu giám định của người còn sống thì đơn giản hơn như máu, móng tay, tóc...

* Ông nhận xét thế nào về các phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay, đặc biệt là nhờ khả năng này nọ trong các trường hợp không rõ ràng?

- Mong muốn tìm lại được hài cốt người thân hi sinh là nguyện vọng thiết tha, chính đáng. Rồi hoàn cảnh bom đạn chiến tranh vùi dập đã dẫn đến hàng trăm ngàn liệt sĩ không có “địa chỉ” rõ ràng để gia đình tìm. Biết bao giấy báo tử chỉ ghi liệt sĩ hi sinh ở mặt trận phía Nam, Tây nguyên, miền Trung. Đó là nguyên nhân phát sinh nhiều phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay. Tuy nhiên nếu như không có hồ sơ chính xác, chỉ dẫn tin cậy thì các phương pháp này nọ chỉ nên xem như ngọn đèn phương hướng. Kết luận chính xác cuối cùng phải là bản giám định ADN.

ADN và nhịp cầu đoàn tụ 64773110
Sau bao năm kiếm tìm, gia đình liệt sĩ đã bật khóc với kết quả giám định ADN này


Có trường hợp hài cốt đã được tìm thấy từ hơn 10 năm trước. Một gia đình sau các chỉ dẫn này nọ tin rằng liệt sĩ chính là thân nhân của mình nên đưa về lập mộ thờ cúng. Gần đây nghe thông tin về giám định ADN, có phần nghi ngờ, nên đem đến giám định thử. Thật ngậm ngùi, bộ hài cốt đang nằm dưới mộ không liên quan huyết thống gì đến gia đình đó. Làm chuyên môn ở đây, chúng tôi đã phải ký rất nhiều kết luận giám định không chính xác huyết thống vì được tìm kiếm quá mơ hồ. Thậm chí có cả một số trường hợp lừa đảo khi họ chôn xương động vật, chôn ống penicilin, mảnh dép râu xuống đất rồi báo cho gia đình thân nhân là đã tìm được hài cốt liệt sĩ.

Cần phải hiểu rằng giám định ADN là công nghệ hiện đại, cho kết quả chính xác, nhưng không phải tình trạng xương nào cũng có thể giám định được. Nếu xương bị hư mủn nặng nề thì không còn tìm gen được. Ngược lại cũng có những trường hợp hài cốt còn rất tốt, nhưng thân nhân lại không chịu đi giám định vì “sợ các cụ đau”.

Các bước cơ bản để thực hiện một giám định ADN là sau khi nhận hồ sơ, xem xét đúng là hài cốt người, mẫu xương sẽ được làm sạch bề ngoài đã hư mục hay đất cát, bụi bặm, hóa chất phủ bám. Sau đó, mẫu xương này sẽ được nghiền trong nitơ lỏng với thiết bị chuyên dụng. Kế tiếp là bước tách chiết ADN trong thiết bị đặc biệt được nhập từ nước ngoài, rồi còn phải qua nhiều bước thực hiện nữa mới ra kết luận cuối cùng

Ông Ngô Đức Phương (Phó giám đốc Gentis)
Nguồn: Tuổi trẻ
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất