Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Đã bước sang tuổi 92 nhưng trông ông trẻ hơn cái tuổi. Màu thời gian đã nhuốm hết tuổi thanh xuân của ông và giờ đây ông chỉ còn lại niềm ký ức của ngày xưa. Ngày mà ông cùng đồng đội của mình đứng dưới cờ tuyên thệ thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân. Và giờ đây, chắc chỉ còn mình ông vẫn giữ và kể lại cho mọi người nghe về ngày ấy vì đồng đội của ông đã về với tổ tiên của mình. Ông là Tô Đình Cắm, người duy nhất còn lại trong 34 chiến sĩ tham gia tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa 69606410
Ông Tô Đình Cắm vẫn vui vẻ, khỏe mạnh dù đã ngoài 90
Ngày xưa ấy…

Mùa xuân năm 1942, chàng thanh niên Tô Đình Cắm cùng một đồng chí nữa tìm đến một số gia đình ở Thượng Ân để tuyên truyền vận động bà con tham gia hội Nông dân cứu quốc. Tuy nhiên, lớp tập huấn cán bộ chưa kịp diễn ra thì địch khủng bố trắng nên kế hoạch không thành. Trong những năm từ 1941 cho đến 1944, chàng thanh niên lì lợm và có chút ngang ngạnh, nhưng lại nhiệt tình với phong trào ở địa phương trở thành đại diện cho đội vũ trang xã tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo.

Ông nhớ lại: “Khi ấy anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nói với tôi: Chú đã từng tham gia chống khủng bố, chống càn, có đủ gan dạ, dũng cảm, có lòng căm thù giặc sâu sắc nên không thể phản động được. Thế là tôi được kết nạp vào đội”. Nhận thức được trách nhiệm của mình nên ông cùng các đội viên khác tích cực đi tuyên truyền vận động nhân dân góp sức, góp của cho sự ra mắt của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng như đánh thắng hai trận đầu là Phai Khắt và Nà Ngần. Sau khi cùng toàn thể Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đánh đồn Đồng Mu, ông trở về hoạt động vũ trang tuyên truyền ở vùng cao huyện Ngân Sơn và Nguyên Bình.

Ngày 23-9-1945, theo tiếng gọi “sơn hà nguy biến”, cả ba anh em ông cùng có mặt trong đoàn quân Nam tiến và chiến đấu ở chiến trường Rạch Giá. Đến giữa năm 1946, ông bị thương nặng và được giải ngũ về quê nhà ở Cao Bằng. Nhưng đến sự kiện quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn ngày 10-7-1947, ông lại hăng hái xung phong tái ngũ đi đánh giặc. Trong chiến dịch Biên Giới (Thu Đông năm 1950), trên cương vị trung đội trưởng phòng không, ông tham gia đánh trận đồn Đông Khê lần 2 và bị thương. Chính vết thương này buộc ông phải chia tay thật sự với đời quân ngũ.

Về lại bản Um, về với khu rừng Trần Hưng Đạo nơi gắn bó và ghi dấu nhiều kỷ niệm hào hùng ông lại tiếp tục tham gia công tác ở địa phương cho đến khi ông cùng gia đình vào xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến thăm gia đình ông đã căn dặn: “Làm gì cũng cao quý, miễn là chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Làm nông cũng cần phải có kiến thức, phải áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để cho thu nhập cao”. Đại tướng còn căn dặn thêm: “Cao Bằng là cái nôi của cách mạng, đã nuôi dưỡng những chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, là nơi đầu tiên đánh thắng giặc Pháp. Vì vậy, dù ở đâu, làm gì Tiến Lực (Bí danh của Tô Đình Cắm - PV) cũng phải giữ vững truyền thống của gia đình, quê hương, phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ”.

Lập nghiệp trên quê hương mới

Đoàn chúng tôi đến gặp ông cùng gia đình vào một ngày hè oi ả. Diện trên mình bộ quân phục tinh tươm ông vui vẻ mời mọi người cùng ngồi uống trà. Dù đã ở tuổi 92, giọng ông vẫn sang sảng, kể vanh vách những kỷ niệm ngày xưa ông tham gia tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân…

Gia đình ông đến lập nghiệp ở huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) vào năm 1992. Với tinh thần chịu khó và cần cù lao động, qua ngần ấy năm lao động vất vả ông cùng gia đình đã có được cuộc sống ổn định. Ông qui hoạch mảnh đất của mình giống như những gì mà trước đây ở Cao Bằng ông từng làm. Có hàng tre xanh mướt bao quanh mảnh đất. Có ao cá, cầu ao…, vườn cây thì nhiều vô kể các loại cây ăn trái trĩu quả.

Giờ đây, trên quê hương mới Đạ Tẻh, ông thanh thản, hạnh phúc bên con cháu. Ông tâm sự: “Cuộc đời của tôi như dòng chảy không ngừng. Thấm thoắt vậy mà đã hơn hai phần ba thế kỷ từ lúc cùng đồng đội trang nghiêm tuyên thệ dưới cờ, dưới bóng cây cổ thụ ở giữa khu rừng Trần Hưng Đạo. Trong 34 chiến sĩ năm xưa có người phát triển theo đường binh nghiệp và trở thành những vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, có người trở về nương rẫy ruộng đồng nhưng kỷ niệm về ngày 22 tháng 12 năm 1944 thì không bao giờ phai nhòa”.

Ông nói hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ông lại được thế hệ trẻ mời đi dự và nói chuyện truyền thống. Nhưng bây giờ thì chịu rồi, tuổi lớn rồi đi lại được là mừng lắm. Còn nói chuyện truyền thống thì để cho người trẻ hơn nói. Nói xong ông cười một tràng dài sảng khoái. Cái chất nông dân ở ông vẫn không bao giờ mất đi. Nghe được tiếng cười sảng khoái của ông cùng với sắc thái cảm xúc dào dạt trên gương mặt của ông, tôi thấy cuộc đời còn có nhiều điều thú vị hơn khi tận mắt chứng kiến một nhân chứng lịch sử quan trọng, một người đã và hiện nay là niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khi chúng tôi hỏi ông: ngày thành lập quân đội năm nay mời ông về Cao Bằng ông có đi được không. Không cần suy nghĩ ông nói bằng giọng hùng hồn: “Đi chứ! Sao lại không đi? Trở về nơi mình tuyên thệ dưới cờ là niềm hạnh phúc lớn nhất mà. Còn sức khỏe, tôi còn đi!”.

Nguồn: QĐND
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
Office
Office Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 830

Danh vọng : 1695

Uy tín : 11

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa 97333210
Ở một góc độ hơi khác, bức ảnh trên sẽ khiến các bạn nhận ra nhân vật ngồi ở góc bên phải là ai? Nếu chưa rõ xin đọc bài viết dưới đây:

Đoàn Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cùng với đoàn Cục Chính trị Quân khu 7 đến thăm và làm việc với nhân chứng lịch sử là cụ Tô Đình Cắm (Tô Văn Cắm, Tô Tiến Lực), sinh năm 1922, người duy nhất trong số 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hiện đang còn sống tại thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Đoàn đã đến nhà thăm hỏi sức khỏe, tặng quà đồng thời cùng với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, chính quyền địa phương và Ban chỉ huy quân sự huyện Đạ Tẻh, các ban ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng và huyện Đạ Tẻh với cụ Tô Đình Cắm, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ đạo giải quyết chính sách cho cụ. Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thay mặt đoàn chúc cụ nhiều sức khỏe, sống lâu cùng con cháu.

Cụ Tô Đình Cắm từ lúc gia nhập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tham gia nhiều trận đánh và bị thương, sau 1954 cụ giải ngũ về quê và tham gia công tác địa phương. Hiện nay, giấy tờ của cụ hầu như bị thất lạc, chính vì vậy Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của Bộ và của các địa phương nơi cụ từng sinh sống phải nhanh chóng hoàn tất các loại hồ sơ để giải quyết chính sách cho cụ Tô Đình Cắm thật tốt và chu đáo, xứng đáng với những cống hiến của cụ.  

Theo T.A
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
LQ2
LQ2 Ưu tú

Cấp bậc: Ưu tú

Giới tính : Nam

Bài viết : 547

Danh vọng : 1176

Uy tín : 51

TTO - Là một trong những chiến sỹ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, tên của ông Tô Văn Cắm được ghi trang trọng trong danh sách 34 chiến sỹ đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Tuổi càng cao, sức càng cạn, nhưng trí tuệ ông thì vẫn còn minh mẫn và giọng nói vang vang hào sảng...

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa Todinh10
Hai vợ chồng ông Tô Văn Cắm
Kỷ yếu về Đội VNTTGPQ do Viện Lịch sử Quân sự thực hiện, ghi: “Tô Văn Cắm, bí danh Tô Tiến Lực, Tô Đình Lực. Dân tộc: Tày. Năm sinh: 1922. Quê quán: bản Um, Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng. Trú quán: thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng”.

Nội dung cuốn kỷ yếu đã dành ba trang để nói về Tô Văn Cắm cùng với tiểu sử của 33 đồng chí của ông. Đến thị trấn Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng quê hương mới của gia đình ông, hỏi tên Tô Văn Cắm thì già trẻ ai ai cũng biết. Ông ôm vai và siết tay tôi thật chặt. Giọng nói của lão ông tuổi 86 cất lên sang sảng:

- Cảm ơn cháu đã về thăm tôi! - Vừa với tay rót nước, ông vừa cười khà khà - Nhớ, nhớ lắm, không hề quên cái gì đâu. Đó là những ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi.

Dòng ký ức tràn đầy cảm xúc của người cựu binh già quay trở về với những tháng ngày oai hùng trên chiến địa năm xưa, với khu rừng Trần Hưng Đạo ghi dấu ấn chói ngời trong trang sử đấu tranh vệ quốc…

Có một ngày không bao giờ quên

Sau hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941), phong trào Việt Minh ở Cao Bằng phát triển rộng khắp, đặc biệt, ba châu Hà An, Hà Quảng và Nguyên Bình đã trở thành “châu Việt Minh hoàn toàn”, Hội thanh niên cứu quốc đã phát triển đến các thôn, bản.

Ngày ấy, bản Um của ông Tô Văn Cắm có khoảng bảy mươi nóc nhà, số đông là người Tày và một ít đồng bào người Dao, trồng lúa nước, nuôi lợn gà. Ông cũng như bao thiếu niên nghèo khác trong bản, ngày đi chăn trâu, làm ruộng, tối cắp ghế đến nhà ông thầy dạy chữ Hán trong bản học lỏm vài ba chữ. Ông kể: "bữa được bữa mất nhưng cũng theo học chữ Nho được ba bốn năm cơ đấy, bây giờ thì quên hết rồi”.

Năm 1941, sau khi Bác Hồ về Pắc Bó, Việt Minh ra đời. Năm đó, Tô Văn Cắm 19 tuổi, hăng hái tham gia Hội thanh niên Cứu quốc, đi tuyên truyền, vận động mọi người cùng vào các Hội để góp sức đánh đổ đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, giải phóng chính bản thân mình.

- Thưa ông, ai là người đã giác ngộ và hướng dẫn ông đi làm cách mạng? - Tôi hỏi.

- Đó là anh Nông Văn Lạc - ông trả lời ngay. Chúng tôi đã biết về tên tuổi của người cựu đảng viên, chiến sỹ kiên trung này. Trong kỷ yếu của Viện Lịch sử Quân sự ghi: “Nông Văn Lạc - người được coi là cánh tay phải của đồng chí Văn (đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong việc tổ chức, thành lập Đội VNTTGPQ. Nhà của đồng chí Lạc chính là nơi địch chiếm dụng để làm đồn Phai Khắt”.

Ông Cắm nói tiếp:

- Anh Lạc nói với tôi rằng: “Giặc Pháp áp bức, bóc lột khiến dân mình khổ lắm rồi. Bây giờ ở đây có Đảng, có Hội cứu quốc, mình tham gia thôi, tham gia thì phải xin thề”. Sau khi nghe anh Lạc nói, tôi cũng bảo: “Tôi cũng khổ lắm rồi, chúng nó bắt dân mình nộp đủ thứ sưu cao, thuế nặng, mà nếu không đóng thuế thì phải đi phu, đi lính cho chúng”. Thế là tôi đã quyết định xin gia nhập vào Hội cứu quốc…

Mùa Xuân năm 1942, Tô Văn Cắm cùng với một hội viên khác là Thanh Vy đã tìm đến một số gia đình ở Thượng Ân tuyên truyền bà con tham gia Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và ông đã vận động được mười người vào hội. Trong khi đang chuẩn bị đi dự lớp huấn luyện cán bộ thì quân địch bất ngờ xộc về quê ông khủng bố trắng.

Tháng 2 năm 1944, Tô Văn Cắm cùng với một số cán bộ địa phương theo học lớp quân chính (khóa 3) do đồng chí Lê Thiết Hùng phụ trách, mở tại rừng Lũng Chí thuộc xã Tam Lọng. Khi khóa học này kết thúc cũng là lúc làn sóng khủng bố trắng của quân địch dâng cao. Hàng trăm thanh niên ưu tú của Cao Bằng phải lánh vào rừng, tổ chức các đội vũ trang thoát ly chống khủng bố.

Riêng bản Um, quê của Tô Tiến Lực (lúc này ông Cắm đã được đặt bí danh) có tới ba người nằm trong số này là ông cùng Tô Đình Túy và Nguyễn Văn Trần. Trong những năm từ 1941 đến 1944, chàng thanh niên lỳ lợm và có chút ngang ngạnh này không được đi đây, đi đó như một số cán bộ Việt Minh khác mà ở lại lăn lộn với phong trào địa phương. Chính vì vậy mà khi Đội VNTTGPQ ra đời ở khu rừng Trần Hưng Đạo, Tô Tiến Lực là đại diện cho Đội vũ trang xã được cử đi tham gia…

- Tại sao ông lại được chọn vào Đội VNTTGPQ?
               
- Anh Lạc và anh Văn nhận xét tôi đã từng tham gia chống khủng bố, chống càn, có đủ gan dạ, dũng cảm, có lòng căm thù giặc sâu sắc, nên không thể phản động được. Thế là tôi được chọn để kết nạp vào Đội. - Ông trả lời.

Nói đến đây, ông hồi tưởng lại những kỷ niệm không thể phai mờ về vị Đại tướng Tổng tư lệnh. Năm 1942, anh Văn về vùng xã Tam Kim hoạt động. Ông không thể nào quên lần đầu tiên được gặp đại tướng. Đó là một buổi chiều, Nông Văn Lạc đã dẫn ông đến gặp anh Văn ở một lán trại bí mật trong khu rừng vắng dưới chân dãy núi Slam Cao.

Đại tướng căn dặn ông: “Các em và bà con đừng sợ giặc Pháp, có chúng tôi ở đây, cứ yên tâm và sẵn sàng chiến đấu. Có thời cơ rồi, quân dân mình cùng vùng lên đánh đuổi quân xâm lược. Rồi đồng bào mình sẽ được sống yên ổn, ấm no…”.

Sau lần ấy, Tô Tiến Lực đã nhiều lần được gặp anh Văn. Ông nói về vị đại tướng với tất cả tấm lòng yêu mến và kính phục: “Anh Văn là người rất dễ gần và rất tình cảm cháu ạ!” Ông kể cho tôi nghe về những đêm được ngủ trong rừng chung lán với đại tướng, ông đã được anh Văn kể về chặng đường hoạt động của mình và nói chuyện rất nhiều về cách mạng, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, về con đường mà nhân dân Việt Nam đã chọn.

Ông nói, có nhiều đêm ngủ say quá ông gác chân cả lên đầu, lên cổ đại tướng, lần nào bị mất giấc ngủ giữa chừng anh Văn cũng chỉ cười và nói “Ôi, Tiến Lực nằm ngủ thế này à”. Kể đến đây, ông Cắm lại cất lên một tràng cười hết sức sảng khoái. Trong khoảng thời gian ba năm được hoạt động, gần gũi anh Văn, biết bao kỷ niệm sâu sắc giữa vị tướng tổng chỉ huy và người chiến sỹ.  

Lúc tham gia Hội cứu quốc, mặc dù chưa được trải qua một trường lớp quân sự bài bản nào và cũng chưa từng trải qua trận đánh nào, nhưng bù lại, Tô Văn Cắm là người thông thạo địa hình, am hiểu địch tình lại có nhiều kinh nghiệm vận động quần chúng. Thời điểm này, ở Tam Lọng, Kim Mã đã thành lập được ba đội vũ trang lấy tên là Đức Chính, Thế Dục và Phan Thanh.

Ngoài hoạt động chống khủng bố, ông đã cùng với Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Đặng Tuần Quý, Nông Văn Xương và các đội viên vũ trang khác tích cực vận động bà con dân bản đóng góp sức người, sức của cho thành công của buổi lễ ra mắt Đội VNTTGPQ cũng như hai trận đánh đầu tiên của quân đội ta là Phai Khắt, Nà Ngần. Sau khi cùng toàn thể Đội VNTTGPQ đánh đồn Đồng Mu trở về, Tô Tiến Lực hoạt động vũ trang tuyên truyền ở vùng cao hai huyện Nguyên Bình và Ngân Sơn.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp vang lên ở Nam Bộ. Phong trào “Nam tiến” phát triển mạnh khắp các địa phương ở Bắc bộ và Trung bộ. Theo tiếng gọi “sơn hà nguy biến”, nhiều đoàn quân “Nam tiến” đã hăm hở lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Cả ba anh em Tô Tiến Lực đã có mặt trong đoàn quân oai hùng đó.

Vào đến chiến trường Rạch Giá một thời gian ngắn, đến giữa năm 1946, trong một trận chiến đấu ác liệt, ông đã bị thương nặng phải rời đơn vị và trở về Bắc, sau đó được giải ngũ về lại quê nhà. Thế nhưng, cuộc đời làm lính chiến của ông chưa chấm dứt tại đây. Sau sự kiện quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn vào ngày 10 tháng 7 năm 1947, Tô Tiến Lực lại hăng hái xung phong tái ngũ.

Trong chiến dịch Biên Giới (Thu Đông năm 1950), trên cương vị trung đội trưởng phòng không, ông tham gia trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai. Trong trận này, ông lại bị thương nặng thêm một lần nữa, và chính vết thương này đã buộc ông phải chia tay thực sự với đời binh nghiệp khi tuổi đời hãy còn rất trẻ.

Người con trai của bản Um đã trở về với quê nhà Tam Kim, với khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi ông gắn bó, yêu thương và ghi dấu biết bao kỷ niệm trên chặng đường hoạt động cách mạng của mình. Mãi tới năm 1992, đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng Tô Tiến Lực - Tô Văn Cắm vẫn quyết định bứt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, cùng vợ con tìm đường vào xây dựng kinh tế mới, quê hương mới trên cao nguyên Lâm Đồng…

Cuộc hội ngộ sau nửa thế kỷ

- Thưa ông, từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, ông có được lần nào gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Gíap không ạ? - Tôi hỏi ông. Đôi mắt người lính già ánh lên niềm xúc động.

Ông kể lại, ông đã may mắn được tái ngộ với vị đại tướng kính yêu vào tháng 7 năm 2000. Dịp ấy, đại tướng đi thăm các cơ quan quân sự phía Nam và dừng chân ở Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Tại đây, khi được biết Tô Tiến Lực đang sinh sống cùng với vợ con ở tỉnh Lâm Đồng, đại tướng mong được gặp.

Thế là hai vòng tay ôm chặt trong cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ của vị tổng chỉ huy lẫy lừng đã gần bước vào tuổi cửu tuần và người lính trẻ năm xưa nay cũng sắp qua tuổi “xưa nay hiếm” đã làm rơi nước mắt biết bao người chứng kiến.

“Sau giây phút vui mừng gặp lại không nói nên lời, đại tướng hỏi tôi bằng tiếng Tày “Sau khi rời quân ngũ, Tiến Lực làm gì? Cuộc sống hiện nay ra sao?” Tôi đã không thể kìm được dòng nước mắt, bởi 56 năm mới gặp lại mà anh Văn vẫn nhớ bí danh của tôi và vẫn nói tiếng dân tộc với tôi như ngày còn ngủ chung trong lán nứa giữa rừng Slam Cao.

Tôi kể với anh Văn là từ khi giải ngũ đã về làm nông dân bình thường, vì nhà nghèo nên con cái không được học hành đến nơi đến chốn, tuy nhiên, vẫn chăm chỉ làm ăn và là những công dân tốt, không làm gì ảnh hưởng đến truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương. Đại tướng căn dặn: Làm gì cũng cao quý, miễn là phải chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước.

Làm nông cũng phải cần có kiến thức, phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cho thu nhập cao. Đại tướng cũng nói với tôi rằng: “Cao Bằng là cái nôi của cách mạng, ở đó đã nuôi dưỡng những chiến sỹ VNTTGPQ, đã ra quân đầu tiên và đánh thắng giặc Pháp. Vì vậy, dù ở đâu, làm gì, Tiến Lực cũng phải giữ vững truyền thống gia đình, quê hương, phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ”. Tôi đã hứa với anh Văn những điều anh căn dặn…

Những ngày xế bóng của cuộc đời, người lính già Tô Văn Cắm sống trong thanh thản. Những tháng ngày hoạt động, chinh chiến đã lùi về ký ức, những dòng ký ức của người chiến binh thuộc thế hệ đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh đã hòa trong dòng chảy lịch sử cách mạng của dân tộc và nhân dân.

Giờ đây, trên quê mới Lâm Đồng, ông ngập tràn hạnh phúc giữa vườn cây, ao cá, giữa con cháu quây quần. Ông nói rằng, cuộc đời như dòng chảy, thấm thoắt vậy mà đã gần hai phần ba thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày cùng những đồng đội má lún phún lông tơ trang nghiêm tuyên thệ dưới bóng cây cổ thụ giữa rừng Trần Hưng Đạo.

Trong ba mươi tư chiến sỹ năm xưa, có người trọn đời theo đường binh nghiệp và trở thành những vị tướng lẫy lừng, có người về với nương rẫy ruộng vườn. Giờ đây người còn sống, người đã thành thiên cổ nhưng ký ức về một thời hào hùng và oanh liệt in dấu chói ngời trên trang sử nước nhà chẳng thể nào phai nhòa trong tâm trí những người lính già như ông.

Nghe giọng nói, tiếng cười hào sảng cùng những sắc thái cảm xúc trên gương mặt ông, tôi chợt nhớ một câu thơ của vua Trần Nhân Tông sau ngày bình Nguyên lần thứ ba đại thắng: “Người lính già đầu bạc - Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Vâng, chuyện ngày xưa, chuyện một thời vệ quốc dù đã mãi mãi lùi về ký ức nhưng dòng chảy lịch sử đậm chất tráng ca đó thì không thể phai mờ…
                                           
UÔNG THÁI BIỂU
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Ngày 23/7/2013, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã trao giấy chứng nhận thương binh 4/4 và tặng quà cho cụ Tô Đình Cắm (tên khác là Tô Văn Cắm, 91 tuổi, ngụ thị trấn Đạ Tẻh, H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng), một trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa Thuong10
Năm 1946, cụ tham gia đoàn quân “Nam tiến”, đóng quân ở Kiên Giang, trong một trận chiến cụ bị thương ở chân, được đưa ra Đà Nẵng chữa trị, sau đó xuất ngũ về quê. Năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, cụ xung phong tái ngũ, được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh. Năm 1954, cụ xuất ngũ. Từ năm 1992 cụ chuyển vào sinh sống tại Lâm Đồng. Do thất lạc giấy tờ, mới đây cụ mới làm giấy khai báo bị thương nên việc cấp thẻ thương binh bị quá chậm. Thiếu tướng Trần Văn Hùng, Phó chính ủy Quân khu 7, cho biết Quân khu 7 sẽ cấp kinh phí để Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng phối hợp các cơ quan chức năng địa phương sửa lại ngôi nhà nhằm giúp cụ Cắm và gia đình có cuộc sống tốt hơn.

Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
thầy giáo làng
thầy giáo làng Mod

Cấp bậc: Mod

Giới tính : Nam

Bài viết : 835

Danh vọng : 1332

Uy tín : 183

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa Flag_r10
Office đã viết:
Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa 97333210
Ở một góc độ hơi khác, bức ảnh trên sẽ khiến các bạn nhận ra nhân vật ngồi ở góc bên phải là ai?

Khỏi cần đọc cũng nhận ra đại ca ĐVN - cựu c phó chính trị c2d5
trường SQLQII

_________________
...lên non cuốc sỏi trồng hoa
mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông...
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

- Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua gần 2 tuần, nhưng ngôi nhà của cụ Tô Đình Cắm ở thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) vẫn chưa ngớt người vào viếng Đại tướng. Cụ Cắm là một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do Đại tướng chỉ huy. Khi Đại tướng từ trần, người cựu binh của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân duy nhất còn sống đã lập bàn thờ tại nhà riêng để tưởng nhớ người thầy vĩ đại.

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa Dsc02810

Nén nhang tiễn biệt người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Là người thầy, người anh lớn…

Cụ Tô Đình Cắm năm nay bước sang tuổi 92, sức khoẻ đã giảm sút rất nhiều so với lần gặp trước cách đây mấy năm. Tai cụ nghễnh ngãng, giọng nói vốn oang oang của cụ giờ gần như đã không còn, đôi mắt vốn có ánh nhìn rất sắc giờ đã sụp xuống, hom hem. Tuy vậy, trí óc cụ vẫn đang minh mẫn; đặc biệt, nụ cười thì vẫn thế - rất hiền và rất chất phác.

Anh Tô Văn Tuân - con trai thứ của cụ Cắm (sinh năm 1959) - cho biết: “Từ hôm nghe tin Đại tướng qua đời, sức khoẻ của bố tôi càng yếu hơn. Mấy hôm nay, ngày nào bố cũng ngồi thẫn thờ trước bàn thờ Đại tướng, chốc chốc lại nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ và nói một mình: “Không ra được với anh Văn, anh Văn ơi...”.

Hôm được tin Đại tướng qua đời, cụ Cắm đã sai con trai liên lạc với lãnh đạo huyện để chuyển lời cụ muốn ra Hà Nội dự lễ tang Đại tướng.

Nhưng trước đó, huyện đội đã đến nhà đưa ông cụ đi khám sức khoẻ, kết quả là bị cao huyết áp độ 2 và nhiều thứ bệnh khác; vì vậy, lãnh đạo huyện đội khuyên cụ không nên vượt đường dài ra Hà Nội. Vì thế ông cụ buồn lắm, có vẻ suy sụp và không rời khỏi căn phòng lập bàn thờ Đại tướng. Bàn thờ luôn có hương cháy đỏ.

Lúc thì ông thắp, lúc thì bà con lối xóm đến viếng thắp... Anh con trai bảo: “Tôi thực sự lo cho sức khoẻ của bố, nhưng không biết phải khuyên bảo thế nào. Vì trong lòng bố, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một người bố, một người anh cả trong gia đình...”.

Cái đầu trị giá bằng… 300kg muối

Tô Đình Cắm tên thật là Tô Văn Cắm, nhưng có lẽ vì bí danh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho là Tô Tiến Lực và Tô Đình Lực nên người ta thường gọi ông bằng cái tên “Tô Đình Cắm”.

Ông Tô Đình Cắm là người dân tộc Tày, sinh năm 1922 ở bản Um, Tam Kim, Nguyên Bình (Cao Bằng). Trước khi gia nhập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944, chàng trai Tô Văn Cắm đã là một thanh niên người Tày rất hăng hái công tác trong các tổ chức: Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc ở Tam Kim.

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa Dsc02811

Người duy nhất còn sống trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Còn nhớ trong buổi sáng ngày 12.10 - ngày quốc tang Đại tướng - trong ngôi nhà nhỏ của người lính già Tô Đình Cắm ở thôn 8B thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), tôi tình cờ gặp được cô giáo về hưu Nông Loan - đồng hương của cụ Tô Đình Cắm.

Bà Loan cũng là người đi kinh tế mới và hiện sống tại thôn 8B thị trấn Đạ Tẻh, bà nói với tôi: “Bản Um hơn bảy mươi năm trước có khoảng 70 nóc nhà của người Tày và người Dao. Cuộc sống của người dân những năm ấy khổ vô cùng. Làm ruộng rẫy chỉ đủ ăn 6 tháng. Lại thêm ách thống trị của giặc Pháp, bản Um càng thêm lầm than...”.

Ông Cắm tiếp lời: “Năm ấy, ông Nông Văn Lạc là người đã giác ngộ và hướng dẫn tôi đi làm cách mạng. Ông Lạc là cánh tay phải của anh Văn. Ông Lạc cũng là người có vai trò rất lớn trong việc vận động và thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngôi nhà của ông ấy cũng chính là nơi mà giặc Pháp chiếm dụng làm đồn Phai Khắt.

Khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tôi là người đại diện cho Đội vũ trang xã Tam Kim tham gia. Từ đây, tôi có dịp gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn, được anh Văn trực tiếp chỉ bảo nhiều hơn...”.

Bà Nông Loan kể tiếp: “Hồi ấy, anh Tô Đình Cắm và Tô Đình Tuy là hai trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vừa mới được thành lập. Bọn tay sai của Pháp ở Tam Kim ra giá “săn đầu cộng sản”: Phải săn bằng được đầu Tô Đình Tuy và Tô Đình Cắm! Ai săn được một đầu cộng sản, quan tây thưởng 300kg muối!”.

Muối với bà con người Tày, người Dao ngày ấy quý hơn vàng. Bữa đó, tên Ri (một tên phản động) lên rừng chặt cây chuối rừng về cho lợn thì bắt gặp anh Tuy, nên vội chạy về làng báo cho quan xã. Lập tức, quan xã cho người khua chiêng gõ mõ bắt dân làng lên núi truy lùng anh Tuy.

Lên núi, quan xã không gặp được anh Tuy, nhưng lại phát hiện anh Tô Đình Cắm nên chúng rượt đuổi anh Cắm.

Anh Cắm chạy từ Vằng Khăm xuống Cốc Dầm rất xa nên đuối sức. Lúc này, anh giả vờ chạy ngược lên đồi rồi ngay lập tức rẽ ngang qua phía đầm có mấy đám môn, rồi ngồi yên ngâm mình trong nước lạnh. Anh cứ ngồi yên như thế từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối mới ra khỏi đám môn.

Lên bờ, máu trên người anh Cắm cứ thế chảy ròng ròng: Ngâm mình trong nước, anh Cắm bị hàng trăm con đỉa bám vào người hút máu đến no căng và tự nhả ra...”.

Còn người lính già Tô Đình Cắm nhớ lại: “Hồi ấy anh Văn thường về hoạt động ngay trong lòng địch vùng Tam Kim. Người dân ở đó đã giúp đỡ anh Văn nhiều lắm. Tôi còn nhớ cô Nông Thị Ly nhà ở sát đồn Phai Khắt vẫn thường xuyên tiếp tế lương thực cho anh Văn ở trong rừng. Có lần, cô Ly phải giấu cơm trong những thứ mang ra đồng để qua mặt bọn lính...”.

Người lính không quân hàm

Tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, trận đánh đầu tiên của người lính Việt Minh Tô Tiến Lực (bí danh của ông Tô Đình Cắm) là trận đánh trực tiếp vào đồn Phai Khắt. Đây cũng là trận đánh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được sử sách lưu lại như một dấu son chói sáng. “Những ngày được làm việc dưới sự chỉ huy của anh Văn, tôi mở mang được rất nhiều điều.

Anh ấy thường căn dặn chúng tôi là phải biết sống cùng dân làng, biết vui buồn cùng bà con, hiểu và quý trọng tâm tư, nguyện vọng của bà con thì mới vận động họ đi theo Việt Minh dễ hơn, hiệu quả hơn. Anh Văn bảo: “Giờ thì thời cơ đã đến, quân đội ta sẽ cùng nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc Pháp thì mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc được...”. Anh Văn là chỉ huy, nhưng bao giờ cũng xem chúng tôi như những đứa em trong gia đình...”.

Tháng 9.1945, tiếng súng kháng Pháp vang lên ở Nam Bộ, Tô Tiến Lực có mặt trong đoàn quân Nam tiến. Trong một trận đối đầu với kẻ địch tại mặt trận Rạch Giá, anh lính chi viện cho chiến trường miền Nam Tô Đình Cắm bị thương rất nặng. Sau khi được đưa về hậu phương điều trị, Tô Đình Cắm trở về quê hương Cao Bằng và quay lại với cuộc sống của một chàng trai nông dân.

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa Dsc02812

Ông Tô Đình Cắm tại chiến dịch Biên giới thu-đông 1950
Thấy tôi nhìn dán mắt vào một bức ảnh trắng-đen có 3 người lính đang cười tươi rói, cụ Cắm run run chỉ vào người phía ngoài bên phải, đầu đội mũ kétbi và bảo: “Tôi đấy!”. Hoá ra, sau lần bị thương ở Rạch Giá, về quê Cao Bằng chẳng bao lâu, năm 1949 chàng trai dân tộc Tày quay lại đời binh nghiệp, tham gia chiến dịch Biên giới thu-đông năm 1950. “Trong chiến dịch này tôi lại bị thương rất nặng. Nặng đến nỗi nó không cho tôi cơ hội nào nữa để ở lại với quân đội” - ông Cắm nói.

Như vậy, ông Cắm chia tay với cuộc đời binh nghiệp khi còn rất trẻ - lúc mới 28 tuổi. Về lại quê, ông lại chăm bẵm cày cuốc. Đến năm 1991, ông cùng người con trai thứ - anh Tô Văn Tuân - rời quê Cao Bằng để vào vùng kinh tế mới Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bắt đầu một cuộc đời nông dân mới. Với ông, đời binh nghiệp tuy ngắn nhưng rất đáng tự hào, bởi ông là một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng và là người được chính vị anh cả của quân đội dìu dắt, giúp đỡ làm cách mạng. Tôi hỏi ông: “Vậy quân hàm, quân hiệu chính xác của cụ là gì?”.

Người lính già Tô Đình Cắm-Tô Tiến Lực nhìn lên bàn thờ - nơi có di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - lắc đầu và cười bằng mắt.
      
Người đưa đò
Người đưa đò Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Bài viết : 415

Danh vọng : 699

Uy tín : 42

Sáng 11/12/2013 tại Thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), thực hiện sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho cụ Tô Đình Cắm - một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Gặp lại người chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa 29250610

Lãnh đạo Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng trao chìa khóa nhà tình nghĩa cho cụ Tô Đình Cắm
Nguồn: QĐND
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Liên hệ | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất