Hiện nay, Hải quân Nhân dân Việt Nam có trong trang bị 2 loại tên lửa được đánh giá là có khả năng gây thiệt hại lớn hoặc phá hủy tàu sân bay, thậm chí là cả nhóm tàu sân bay chiến đấu.
Tên lửa hành trình tầm siêu xa P-35B
Tên lửa hành trình chống tàu P-35B là thành phần chính trong hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tầm xa 4K44B Redut do Liên Xô phát triển từ những năm 1960. Việt Nam đã nhận viện trợ hệ thống 4K44B và số lượng nhỏ đạn P-35B vào những năm 1980.
P-35B là loại tên lửa rất lớn, kích thước đồ sộ. Nó có chiều dài 10,2m, đường kính thân gần 1m, sải cánh 2,6m (có thể gấp gọn trong ống phóng), trọng lượng phóng tới 4,5 tấn. Đặc biệt, P-35B lắp đầu đạn thuốc nổ thường nặng 1 tấn đủ sức đánh chìm những chiến hạm cỡ lớn (kể cả tàu sân bay).
Tên lửa được trang bị 2 động cơ: động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn (đưa quả đạn rời ống phóng) và động cơ tuốc bin phản lực KRD-26 kích hoạt đưa tên lửa tới mục tiêu, tốc độ hành trình siêu âm (Mach 1,4) đạt tầm bắn xa 460km. Với cự ly đó, P-35B được coi là tên lửa chống tàu có tầm bắn xa nhất của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Tên lửa chống tàu P-35B rời bệ phóng
Tên lửa được dẫn hướng kết hợp hệ thống định vị quán tính, hiệu chỉnh tham số trong suốt hành trình và radar chủ động ở pha cuối. Sau khi phóng, tên lửa được theo dõi trong suốt chuyến bay thông qua máy bay trinh sát Tu-95RT, Tu-16D, hoặc Ka-25T.
Các lệnh dẫn hướng được gửi đến tên lửa từ trạm chỉ huy mặt đất thông qua các hình ảnh mà radar của tên lửa cung cấp thông qua một liên kết dữ liệu video.
Từ hình ảnh radar của tên lửa cung cấp, sĩ quan điều khiển sẽ xác định và lựa chọn mục tiêu ưa thích, sau đó khóa mục tiêu bằng radar chủ động của tên lửa.
Trong trường hợp không có sự hỗ trợ dẫn hướng từ các máy bay trinh sát, sỹ quan điều khiển tên lửa sẽ phóng 3-4 tên lửa cùng lúc. Một trong số các tên lửa này sẽ được điều khiển bay lên cao hơn so với các tên lửa khác. Tên lửa này sẽ dùng radar của mình để dẫn đường cho các tên lửa còn lại tấn công một tàu hoặc nhóm tàu được phát hiện bởi các radar cảnh giới. Đây có thể chính là “chiến thuật bầy sói” – dùng nhiều tên lửa công kích vào mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất, tương tự chiến thuật sử dụng P-500 Bazalt và P-700 Granit.
P-35B có độ cao hành trình từ 100-400m, hoặc có thể bay cao từ 4.000-7.000m trong trường hợp dùng radar của tên lửa để dẫn đường cho các tên lửa khác. Ở pha cuối tên lửa hạ thấp độ cao xuống dưới 100m trước khi lao đến mục tiêu.
Tuy P-35B đã thuộc thế hệ tên lửa chống tàu cũ, lạc hậu nhưng nếu áp dụng chiến thuật hợp lý nó hoàn toàn có thể tiêu diệt tàu sân bay cỡ lớn.
Tên lửa diệt tàu sân bay hiện đại nhất Klub-S
Các tàu ngầm tấn công phi hạt nhân Kilo Project 636 của Việt Nam cũng sẽ được trang bị “sát thủ diệt tàu sân bay” 3M-54E Klub-S. Đây là một trong những loại tên lửa hành trình chống tàu hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay.
Đạn 3M54-E Klub-S được thiết kế để tấn công tiêu diệt tàu chiến đấu mặt nước (kể cả tàu sân bay) và mục tiêu mặt đất.
Tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh 3M-54E Klub-S
Tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh 3M-54E dài 8,22m, đường kính thân 0,53m, trọng lượng phóng 2,3 tấn, lắp đầu đạn xuyên giáp nổ phân mảnh nặng 200kg.
Tên lửa lắp động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ tuốc bin phản lực cho hành trình bay tăng tốc – tiếp cận mục tiêu cho phép đạt vận tốc gấp gần 3 lần vận tốc âm thanh (Mach 2,9), tầm bắn 200km.
Đạn 3M-54E lắp đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-54 có tầm phát hiện mục tiêu gần 60km. Tức là khi cách mục tiêu tầm 60km, đạn tên lửa sẽ tự động phát hiện, bám bắt và khóa mục tiêu mà không cần sự can thiệp từ tàu phóng.
Với vận tốc vượt âm thanh, đạn 3M-54E được xem là một trong những sát thủ chống tàu chiến nguy hiểm nhất thế giới. Không những thế, quả đạn có quỹ đạo bay cực kỳ phức tạp, trong hành trình tiếp cận mục tiêu, cách 15km, quả đạn chỉ bay cách mặt nước 30m gây khó khăn cho biện pháp đánh chặn của tàu đối phương.
Các đạn tên lửa của hệ thống Klub-S được bắn từ máy phóng ngư lôi cỡ 533mm trên tàu ngầm tấn công Kilo.