...rồi cùng nhìn lại thế giới khoa học 1000 năm về trướcHãy cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử hình thành và phát triển của khoa học từ những buổi đầu sơ khai cho đến nay, hi vọng rằng, qua đó, bạn sẽ có được cái nhìn trân trọng hơn với những người đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình vì nhân loại.Hãy thử hình dung xem thế giới ngày nay sẽ ra sao nếu như không có những khám phá của khoa học trong hàng nghìn năm qua. Bạn sẽ phải lần mò từng trang sách với nến và đuốc – vì bóng đèn chưa ra đời. Điều hòa hay hệ thống sưởi? Thứ duy nhất bạn có là một đám củi lửa và một cái quạt tay. Quần áo bạn đang mặc – ngoại trừ đồ tơ, lụa, da thuộc, tất cả đều là sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất mới chỉ ra đời từ đầu thế kỷ 20. Đồ ăn của bạn là kết quả của sự tiến bộ đáng kinh ngạc trong nông nghiệp. Và cuối cùng, nếu mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ như 1000 năm về trước, có lẽ bạn sẽ vô cùng may mắn nếu như bạn sống thọ quá 25 tuổi. Phần lớn những tiến bộ y khoa đạt được chỉ trong một vài trăm năm trở lại đây.

Sự tiến bộ từng ngày của khoa học đã làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ thở hơn rất nhiều so với quá khứ. Nhưng đừng quên rằng, để có được những tiến bộ đó, những bậc tiền nhân đã phải trải qua một con đường tìm kiếm chân lý vô cùng chông gai – thậm chí rải bằng xương thịt và máu của rất nhiều người. Hãy cùng Genk điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử hình thành và phát triển của khoa học từ những buổi đầu sơ khai cho đến nay, hi vọng rằng, qua đó, bạn sẽ có được cái nhìn trân trọng hơn với những người đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình vì nhân loại.
Từ buổi đầu hoang sơ…Khoa học không đồng nghĩa với những tiến bộ gần đây. Ngay từ cổ đại, Hy Lạp và đế chế La Mã đã đạt đến trình độ rất cao, và qua đó, mở rộng tầm ảnh hưởng của khoa học ra toàn bộ châu Âu và Trung Đông. Ngay từ năm 150 trước Công nguyên, nhà thiên văn học người Hy Lạp Ptolemy đã tập hợp những nghiên cứu có niên đại cách đó hàng trăm năm về thiên văn và đề xuất ra một cách nhìn mới về vũ trụ. Ông cho rằng các hành tinh khác di chuyển theo quỹ đạo hình tròn xung quanh Trái đất. Mặc dù quan điểm này đã được chứng tỏ là sai lầm, nhưng nó đã giúp các nhà thiên văn học cổ đại dự đoán được hiện tượng nhật thực và vị trí của các hành tinh trong hệ Mặt trời.

Toán học và Y khoa là những lĩnh vực rất phát triển tại thời điểm này. Phần lớn những gì được dạy trong sách Hình học hiện nay đều là sản phẩm của Euclid – một học giả người Hy Lạp sinh sống vào khoảng những năm 300 sau Công nguyên. Hyppocrates, người được mệnh danh là ông tổ ngành Y, đã lần đầu tiên chứng tỏ rằng bệnh tật phát sinh một cách có quy luật, chứ hoàn toàn không phải theo ý muốn của thần thánh. Galen, một học giả khác, đã đề xuất ra nhiều giả thuyết về sinh lý học, sinh lý bệnh và thực nghiệm chúng trên động vật – qua đó đặt ra những nền móng trụ cột cho y học, và chúng tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh đến giới y khoa trong hơn 1500 năm sau đó.

Dù cho những nỗ lực của Plotemy, Hyppocrates và Galen là rất đáng ghi nhận, nhưng đế chế La Mã vào thời điểm bấy giờ tỏ ra chú trọng hơn vào kiến trúc và thiết kế hơn là khoa học. Những cuộc chiến tranh liên tiếp diễn ra sau đó, và đặc biệt là sự sụp đổ của đế chế La Mã đã chính thức đánh dấu chấm hết cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của khoa học.
Ngọn lửa vẫn cháy…Khi Châu Âu chìm trong bóng tối của đêm trường Trung cổ, khi khoa học tưởng chừng như đã vĩnh viễn bị quên lãng, người Ả Rập vẫn tiếp tục giữ cho ngọn lửa tri thức bùng cháy. Rất nhiều tài liệu khoa học từ Hy Lạp và La Mã đã được phiên dịch sang tiếng A Rập. Không những thế, rất nhiều thành tựu mới đã ra đời, đặc biệt là trong lĩnh vực thiên văn học và toán học. Số học đã chuyển mình với hệ thống chữ số mới, trong đó không thể không kể đến sự ra đời của khái niệm số 0.
Y khoa cũng đạt được nhiều bước tiến mới. Avicenna, một thầy thuốc Ả Rập sinh sống vào khoảng nhưng năm 980 đến 1037 đã mô tả rất chính xác những biểu hiện của viêm màng não, uốn ván và nhiều căn bệnh khác trong quyển sách có tên “Canon of Medicine”.
Trong giai đoạn này, Trung Quốc đi theo con đường của riêng mình trên hành trình khám phá khoa học. Rất nhiều học thuyết của người Trung Quốc tỏ ra vô cùng xa lạ với phương Tây, nhưng đây chính là nền móng cho sự phát triển của hàng nghìn năm sau đó – và vẫn đứng vững cho đến hiện tại. Thuốc súng, la bàn, công nghệ in ấn – những thành tựu ra đời từ khoảng thế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên đều là những phát minh vượt bậc tại thời điểm đó.
Hồi sinhThời kỳ Phục Hưng bắt đầu từ những năm khoảng đầu thế kỷ thứ 13 tại châu Âu đã trở thành một cột mốc đánh dấu sự trở lại của tri thức và khoa học. Nếu bạn cần một cái tên, một địa điểm, một mốc thời gian chính xác, đây là câu trả lời cho bạn: Milan, Ý, đầu thế kỷ 14 và cái tên sẽ là Niccolo Tartaglia – một kỹ sư, nhà toán học người Ý.
Khi những khẩu pháo mới xuất hiện tại châu Âu vào thời điểm đó, một câu hỏi đã được đặt ra: “Với một lượng thuốc nổ nhất định, tôi sẽ phải đặt góc độ khẩu pháo này ra sao để có được tầm bắn xa nhất?” Để tìm câu trả lời, Tartaglia đã không phí thời gian vào giấy bút và sách vở. Ông đã mang khẩu pháo đi… bắn thực nghiệm ở nhiều góc độ khác nhau, và sau nhiều lần, ông nhận thấy rằng góc 45 độ là góc bắn lý tưởng nhất.
Đây có vẻ như là một câu chuyện vô bổ không đáng nhắc tới trong một bài viết kín đặc những danh nhân và sự kiện lừng lẫy, nhưng cách làm của Tartaglia đã mở ra một con đường chỉ thẳng đến khoa học hiện đại. Khi phần lớn những khám phá của người Hy Lạp và La Mã đều được chấp thuận một cách mù quáng, Tartaglia đã chỉ ra một điều: Mọi ý tưởng cần được kiểm chứng trên thực tiễn trước khi trở thành chân lý.
Gallileo và CopernicusKhoa học tiếp tục đà hồi sinh mạnh mẽ của mình trong giữa thế kỷ 15 với những công trình của Nicolaus Copernicus – một trong những cái tên vĩ đại nhất trong lịch sử thiên văn học. Ông đã sử dụng lại những ghi chép của Ptolemy về sự thay đổi vị trí của các ngôi sao và các hành tinh, thông qua đó, phát triển một lý thuyết mới về vũ trụ. Theo giả thuyết này – Mặt trời, chứ không phải Trái đất, mới là trung tâm của vũ trụ.
Galileo Galilei, nhà vật lý học và thiên văn học người Ý đã bị thuyết phục bởi lý thuyết này. Cùng với sự ra đời của loại kính thiên văn mới, Galielo đã tiến hành rất nhiều thực nghiệm khoa học để chứng tỏ lý thuyết này. Nhưng kết cục cuối cùng dành cho ông có lẽ không cần phải nhắc lại. Chân lý luôn có giá của nó.

Hệ thống tiếp cận mà Galileo đề xuất đã trở thành nền tảng của khoa học hiện đại – nền khoa học thực nghiệm. Để trả lời một câu hỏi, chúng ta cần có sự quan sát kỹ lưỡng đối với những hiện tượng tự nhiên – hoặc lập lại chúng trong phòng thí nghiệm. Khi đã tích lũy đủ thông tin, chúng phải được cô đọng lại thành những định lý, định luật, giả thuyết – chúng cần được tóm gọn thành một công thức toán học. Công thức này phải có khả năng dự đoán được những hiện tượng, những sự vật chưa hề xảy ra, chưa hề được đo đạc. Sau đó, những thử nghiệm phải được tiếp tục tiến hành để xác nhận tính đúng đắn của nó. Đây chính là nền tảng cơ bản của khoa học hiện đại nhằm từng bước khám phá sự thật về thế giới.
Thực nghiệm nổi tiếng nhất của Galileo chính là thực nghiệm về gia tốc trọng trường của vật thể. Trước thế kỷ thứ 15, người ta vẫn tin rằng 2 vật thể có khối lượng khác nhau, rơi từ độ cao giống nhau, thời điểm xuất phát giống nhau, vật nào có khối lượng lớn hơn sẽ chạm đất trước. Galileo đã tiến hành nhiều thực nghiệm và kết luận rằng, tất cả mọi vật đề rơi với tốc độ giống nhau (loại bỏ lực cản không khí), và tốc độ của chúng tăng dần đều theo một gia tốc nhất định.
Những đóng góp của NewtonGalileo là người đầu tiên khởi xướng nên con đường nghiên cứu đúng đắn, nhưng chính Isaac Newton, nhà toán học và vật lý học người Anh mới là người đưa nó đến dạng hoàn chỉnh. Chính vì lý do này, giới khoa học đã tôn vinh ông là nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhờ có Newton, khi bắt đầu nghiên cứu về tính chất điện, từ, nhiệt, khoa học đã không phải bắt đầu từ con số 0.
Những công trình của Newton bao gồm rất nhiều thử nghiệm với ánh sáng, và thông qua đó, ông cho rằng ánh sáng trắng là sự pha trộn của nhiều dải màu khác nhau. Nhưng khám phá quan trọng nhất của ông chính là định luật vạn vật hấp dẫn và 3 định luật Newton. Đây là nền tảng cơ bản đã thống trị các quan niệm vật lý trong suốt 3 thế kỷ sau đó. Thông qua việc chỉ ra sự chuyển động của các vật thể trên mặt đất và bầu trời chịu sự chi phối của các định luật tự nhiên khác nhau, ông đã bác bỏ hoàn toàn thuyết Nhật tâm, qua đó, làm tiền đề mở ra cuộc cách mạng khoa học vĩ đại.

Câu chuyện về quả táo rơi trúng đầu Newton đã trở nên cực kỳ phổ biến, nhưng ít ai biết rằng, sự ra đời của thuyết vạn vật hấp dẫn còn nhờ vào… mặt trăng đêm hôm đó. Khi ngước lên nhìn bầu trời, ông chợt nhận ra rằng, để mặt trăng luôn quay quanh trái đất, cũng tương tự như khi quả táo rơi, phải có một lực tác động lên nó – và đó chính là khi ông nghĩ ra khái niệm trọng lực. Đây chính là sự khởi đầu cho những hiểu biết ngày nay về hệ mặt trời. Khoa học đã lần đầu tiên giải thích được cái gì giữ cho các hành tinh đi đúng quỹ đạo của nó – đó chính là lực hấp dẫn của Mặt trời.

Newton đã để lại cho nhân loại một di sản vô cùng to lớn với vô số những đóng góp trong nhiều lĩnh vực khoa học, nhưng trên hết, ông đã dựng nên bức tranh về một trật tự vũ trụ, một thế giới có thể đoán trước. Tư tưởng này đã lan rộng khắp châu Âu và mở ra một thời kỳ mới, một thời kỳ phát triển rực rỡ của nhân loại với tên gọi Thời kỳ Khai sáng. Không chỉ trên lĩnh vực khoa học, tư tưởng này đã tác động lên mọi mặt đời sống xã hội, từ văn hóa, chính trị cho đến triết học. Bản Hiến pháp và Pháp lệnh về các quyền của Mỹ cũng ra đời dựa trên cơ sở đó: Nếu như có những định luật, những nguyên lý kiểm soát mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, chắc chắn cũng sẽ quy luật tương tự kiểm soát hành vi ứng xử của con người. Dựa trên những thành tựu của Newton, những định luật đó đã được áp dụng và bản Hiến pháp ra đời nhằm tạo ra một quốc gia thịnh vượng và vững bền.
Darwin và Thuyết tiến hóaNăm 1859 đánh dấu một cột mốc lịch sử trong sự hiểu biết của con người về tự nhiên – và về chính bản thân mình – đó chính là sự kiện Charles Darwin cho xuất bản cuốn sách “Nguồn gốc của muôn loài”. Darwin giả thuyết rằng, tất cả các sinh vật trên Trái đất đều tiến hóa từ một gốc rễ chung, thông qua một cơ chế mà ông gọi là chọn lọc tự nhiên. Ông bắt đầu lý giải luận điểm này từ việc tạo ra những biến dị trong một quần thể sinh vật được chăm sóc dưới điều kiện tương đồng. Thông qua việc quan sát những biến đổi của một số loài động vật qua một vài trăm năm, ông nhận thấy rằng, nếu con người có thể tạo ra những thay đổi này, thì tự nhiên hoàn toàn có thể tạo ra những thay đổi vĩ đại hơn thế.

Quá trình chọn lọc tự nhiên, theo Darwin, phụ thuộc vào hai yếu tố: thứ nhất, trong một quần thể sinh vật luôn có sự khác biệt giữa các cá thể, và thứ hai, luôn có sự cạnh tranh giữa các quần thể về thức ăn, bạn tình và vô số những thứ khác để sinh tồn và sinh sản. Darwin cho rằng, trong bất cứ điều kiện môi trường nào, một vài thành viên trong quần thể luôn được thừa hưởng một yếu tố nào đó mang tính chất di truyền, giúp chúng vượt trội so với đối thủ trong quá trình sinh tồn và phát triển – và cứ như thế, qua nhiều thế hệ, dòng giống của chúng sẽ chiếm ưu thế trong quần thể. Chính tự nhiên đã chọn ra thành phần ưu tú nhất – thành phần có khả năng thích nghi tốt nhất với môi trường, và khi môi trường biến đổi, quá trình này lại tiếp tục.

Chọn lọc tự nhiên đã tác động mạnh lên nền văn hóa phương Tây vào thời điểm đó. Ý tưởng này đã trực tiếp chỉ ra rằng, con người cũng phải trải qua quá trình tiến hóa như mọi loài sinh vật khác. Thậm chí, một vài nhà khoa học đã bắt đầu cho rằng, vượn chính là tổ tiên của loài người. Đây là một cú shock thực sự vào thời điểm đó, khi người ta vẫn tin rằng mọi loài đều được tạo ra dưới bàn tay của Chúa trong Vườn Địa Đàng, và con người là sản phẩm cao quý nhất của Người.
Con tàu khám phá bứt tốcVào những năm cuối thế kỷ 17, khoa học bùng nổ một cách mạnh mẽ. Nhà vật lý học người Scotland, James Clerk Maxwell đã mở rộng lý thuyết về từ trường và điện trường, kết hợp chúng lại để tạo thành lý thuyết về trường điện từ. Năm 1897, nhà vật lý học người Anh, Joseph Thomson khám phá ra các hạt tích điện âm trong nguyên tử - và ông gọi chúng là các electrong. Trong những năm sau đó, Marie Curie – nhà vật lý học người Pháp gốc Ba Lan, cùng với chồng, Pierre Curie, đã phân lập được các nguyên tố lượng tử, từ đó mở ra hướng phát triển mới cho việc nghiên cứu phóng xạ. Thiên văn học phát triển mạnh mẽ với những loại kính ngày càng được cải tiến, và sinh vật học tiếp tục có những khám phá mang tính bước ngoặt về sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, không ai tại thời điểm đó có thể ngờ rằng, một khám phá sẽ thay đổi toàn bộ thế giới đang đến rất gần.

1905, nhà vật lý học người Do Thái Albert Einstein cho xuất bản cuốn sách của mình về Thuyết Tương đối. Tại thời điểm đó, người ta vẫn cho rằng, mọi quy luật vật lý đều là bất biến, dù bạn đang ở đâu, dù bạn đang di chuyển như thế nào. Einstein bác bỏ ý kiến này và đề ra giả thuyết rằng, ở những vị trí khác nhau trong vũ trụ, chúng ta sẽ quan sát thấy sự kiện xảy ra theo nhiều cách khác nhau, phụ thuộc vào sự di chuyển của vị trí đó. Theo lý thuyết này, một chiếc đồng hồ đứng yên sẽ chạy nhanh hơn một chiếc đồng hồ đang di chuyển. Được kiểm chứng qua rất nhiều thực nghiệm khác nhau, Thuyết Tương đối của Einstein đã trở thành một bước ngoặt vĩ đại của vật lý học nói riêng và khoa học nói chung, cũng như các định luật của Newton. Chúng đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của con người đối với thế giới.
Những nghiên cứu về nguyên tửCùng thời điểm khi Einstein công bố lý thuyết nổi tiếng của ông, những nhà khoa học khác tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu về nguyên tử. Năm 1911 đánh dấu bước phát triển vượt bậc của lĩnh vực này khi nhà vật lý học người Anh Ernest Rutherford trình bày cuộc thử nghiệm mang tính chất cách mạng, thay đổi hoàn toàn hiểu biết của giới khoa học về cấu trúc nguyên tử. Thử nghiệm này cho thấy, nguyên tử có một cấu trúc rõ ràng, với phần lớn khối lượng được tập trung vào một vùng tích điện dương rất nhỏ, giúp gia tốc cho các phần tử electron xung quanh để chúng có được tốc độ quay cực kỳ nhanh.

Những thử nghiệm của Rutherford vẫn chưa giải thích được bằng cách nào mà các electron được sắp xếp xung quanh hạt nhân. Năm 1913, nhà vật lý học người Đan Mạch Niels Bohr đã đề ra giả thuyết rằng các electron bị giới hạn trong những quỹ đạo xác định, hay những “lớp vỏ” xung quanh hạt nhân. Bohr cũng cho rằng, khi một electron nhảy ra khỏi quỹ đạo bên ngoài để đi vào quỹ đạo bên trong, nó sẽ phát ra một lượng tử. Lý thuyết này đã trở thành một phần của không thể thiếu của vật lý lượng tử.

Kể từ thời điểm đó, rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm mục đích tìm hiểu về cấu trúc và hoạt động của nguyên tử. Proton – thành phần quan trọng trong hạt nhân nguyên tử đã được khám phá ra vào đầu thế kỷ 20. Neutron, thành phần không tích điện còn lại được tìm ra sau đó ít lâu, vào khoảng năm 1932. Trong những năm sau đó, các nhà khoa học tiếp tục cố gắng tiến hành thử nghiệm phá vỡ các hạt vật chất nhằm tìm hiểu chính xác xem thứ gì nằm ở trung tâm của nguyên tử. Họ cho rằng, còn rất nhiều hạt vật chất cơ bản cấu trúc thành proton và neutron, và thậm chí, còn có cả những hạt nhỏ hơn cấu thành nên những hạt vật chất cơ bản đó.

Năm 1964, hai nhà vật lý học người Mỹ Murray Gell Mann và George Zweig đã độc lập đề ra giả thuyết rằng tất cả các hạt vật chất đều được cấu tạo thành từ một hạt cơ bản có tên là hạt Quark. Đến năm 1999, khoa học đã tìm ra bằng chứng chứng minh sự tồn tại của hạt này, thậm chí, họ đã tìm ra 6 loại hạt Quark khác nhau, kết hợp với nhau theo nhiều cách để tạo thành các hạt vật chất lớn hơn.
Những hiểu biết mới về vũ trụKhông chỉ vật lý lượng tử, khoa học vũ trụ cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Năm 1920, nhà thiên văn học người Mỹ Edwin Hubble đã giải đáp được câu hỏi có từ rất lâu: Dải ngân hà là thiên hà duy nhất hay còn rất nhiều “đảo vũ trụ” khác tồn tại trong vũ trụ? Bằng cách chỉ ra sự tồn tại của tập hợp nhiều ngôi sao bên ngoài ranh giới của Dải ngân hà, Hubble đã xác định rằng thiên hà của chúng ta chỉ là một trong số vài tỷ thiên hà của vũ trụ.
Hubble cũng cho rằng, rất nhiều thiên hà khác đang di chuyển ra xa chúng ta và ra xa nhau. Khám phá này đã phần nào hé lộ sự thực về một vũ trụ đang giãn nở, từ đó chỉ ra nguồn gốc hình thành của vũ trụ: một vụ nổ - sự kiện Big Bang. Nhiều nhà thiên văn học đã dựa vào luận điểm này để tính toán tuổi thọ của vũ trụ, nằm ở quãng từ 10 cho đến 20 tỷ năm.
KếtHàng nghìn năm đã trôi qua, khoa học đã trở thành người bạn đồng hành cùng con người từ buổi đầu sơ khai cho đến tận ngày nay. Khoa học chính là thứ đã giúp cho nền văn minh nhân loại có những bước phát triển vượt bậc, và hứa hẹn sẽ đưa con người tiếp tục chinh phục những nấc thang mới. Điểm qua lịch sử hàng nghìn năm phát triển của khoa học, hãy cùng hi vọng rằng đêm trường Trung cổ sẽ mãi chìm vào quá khức, và ngọn lửa khoa học cũng như tri thức nhân loại sẽ tiếp tục rực cháy.