Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Nicha
Nicha Thành viên

Cấp bậc: Thành viên

Giới tính : Nam

Bài viết : 5

Danh vọng : 7

Uy tín : 0

Cả thế giời đang tràn ngập các loại mặt hàng đóng mác "Made in China". Đằng sau dòng chữ này có nhiều câu chuyện đáng để ngẫm nghĩ.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể PbB
Câu chuyện thứ 1: Photocopy giá rẻ sắp hết thời

Năm 1842, Charles Dickens đến thăm nước Mỹ lần đầu tiên. (Giả như bạn đọc chưa biết Charles Dickens là ai, khuyến nghị là bạn nên tìm đọc Olive Twist, Câu chuyện về 2 thành phố, hoặc nhanh hơn: tìm trên Google). Đến với nước Mỹ non trẻ vừa mới giành độc lập, Charles Dickens thấy choáng ngợp với 2 thứ: đầu tiên là chế độ nô lệ lúc bấy giờ đang ở thời kỳ đỉnh thịnh tại Mỹ, và sau đó là sự lan tràn của những đầu sách của ông bị in lậu. Thời điểm ấy tại Anh, vấn đề quyền tác giả rất được chú trọng, việc bắt bớ những nhà in lậu sách với án phạt nặng không phải là điều hiếm gặp.

Giận dữ khi thấy công sức của mình bị ăn cướp trắng trợn, Charles Dickens vận động hàng chục nhà văn tại Mỹ ký vào 1 đơn đề nghị để ông đệ trình với Quốc hội Mỹ về vấn đề bảo vệ quyền tác giả. Đáp lại yêu cầu đó của Dickens là sự im lặng của chính các nhà văn trong khi báo chí Mỹ thì công khai chế nhạo và cho rằng ông là người quá hám lợi khi muốn được nhận tiền từ việc xuất bản tác phẩm của mình. Người Mỹ năm 1842 cho rằng đáng ra Dickens phải cảm thấy hài lòng khi tác phẩm của ông này được phổ biến tới tận đất Mỹ và được đón nhận nhiệt tình.

Năm 2013, chỉ cần 2 bước xuống phố ở Thâm Quyến là người ta đã mua ngay được 1 chiếc iPhone 5 với logo quả táo quay... ngược chiều giá chỉ vài trăm nghìn đồng.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể BgAPb
iPhone với logo Táo ngược là "Chuyện thường ngày ở huyện"
Nước Mỹ năm 1842 và Trung Quốc năm 2013 không khác nhau quá xa: Tác quyền được coi như rác và người lao động bị đối xử như nô lệ. Sau hơn 30 năm đổi mới, đường lối kinh tế tập trung vào kỹ nghệ gia công sản xuất đã biến Trung Quốc thành 1 cỗ máy photocopy khổng lồ, 1 "Đại công xưởng" với hơn hàng chục triệu nhân công lao động riêng trong ngành chế tác, sản xuất. Lý do chính khiến ngành kỹ nghệ sản xuất của Trung Quốc trở nên đặc biệt hấp dẫn chỉ bao gồm 1 chữ đơn giản: Rẻ. Nếu như iPhone được Apple lắp ráp tại 1 nhà máy đặt ở Mỹ, có lẽ giá bán lẻ của nó sẽ phải ở mức 3 chữ số (USD).

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể ZUYjA
1 chiếc iPhone 5 có giá 750$ chỉ mất có 8$ để lắp ráp tại Foxconn, chỉ nhỉnh hơn 1% giá trị máy chút xíu.
Không quốc gia nào trên thế giới có được 1 đội quân công nhân hùng hậu, sẵn sàng nhận mức lương bèo bọt trong khi phải làm việc 12 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần như Trung Quốc. Tuy nhiên việc tập trung vào khâu sản xuất, gia công, lắp ráp khiến Trung Quốc trở thành quốc gia nắm giữ hầu hết những khâu "xương xẩu" và ít lợi nhuận nhất của cả quá trình sản xuất. Về cơ bản, Foxconn chỉ là đối tác "lắp ráp" iPhone, iPad cho Apple với các linh kiện đến từ Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ trong khi chỉ 1 vài thành phần rất nhỏ như nút bấm, khung sườn của iPhone được sản xuất tại bản địa. Hầu như tất cả những gì Trung Quốc "kiếm chác" được từ cơn sốt iPhone của Apple chỉ đến từ việc bán sức lao động của hàng triệu nhân công với giá rẻ mạt.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể BKDF
Không đâu trên thế giới có được lực lượng lao động trình độ thấp, giá rẻ hùng hậu như ở Trung Quốc.
Và lợi thế giá nhân công rẻ mạt của Trung Quốc giờ đây đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết khi mà trong "Kế hoạch 5 năm lần thứ 12" của chính phủ Trung Quốc được thông qua hồi 2011-2015, một trong những mục tiêu quan trọng nhất đó là "tăng gấp đôi lương lao động cơ bản, cải thiện chế độ làm việc". Điều đó không chỉ là việc chi phí cho việc lương thưởng của các doanh nghiệp gia công tăng gấp đôi mà nó còn đồng nghĩa với việc khó sử dụng lao động "nô lệ" hơn, chi phí cải thiện điều kiện môi trường, chế độ nghỉ dưỡng của công nhân tại Trung Quốc cũng sẽ tăng vọt. Bạn có nghe loáng thoáng rằng Samsung sẽ mở nhà máy quy mô lớn nhất thế giới tại Việt Nam, Intel chuẩn bị đầu tư tỉ USD tại Việt Nam? Tất cả đều có 1 lý do chung: cỗ máy Photocopy của Trung Quốc đã có những dấu hiệu lão hóa và mất dần sức hấp dẫn.

Câu chuyện thứ 2: 50 năm vẫn chạy tốt

Có thể bạn đọc nào còn nhớ 1 bài viết trước đây của tôi có đề cập đến việc những công ty như Asus, HTC... "nhẫn nhục" làm đối tác gia công cho những "ông lớn" ở và sau thời gian dài góp nhặt kinh nghiệm, vốn liếng đến 1 ngày quật khởi đứng riêng ra sản xuất sản phẩm của riêng mình với hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng lớn. Đó chính là con đường phát triển mà chính phủ Trung Quốc đang hoạch định dài hạn cho "Đại công xưởng". Tuy nhiên không phải cá chép nào cũng hóa được thành rồng.

Thời điểm hiện tại bất kỳ sản phẩm nào đánh dấu "Made in Japan" đều đồng nghĩa với "50 năm vẫn chạy tốt". Thế nhưng vào những năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, "Made in Japan" lại có 1 ý nghĩa hoàn toàn khác: "Hàng lởm". Sau chiến tranh, nền công nghiệp của Nhật Bản được "dung túng" bởi lực lượng đồn trú cũng như người dân nghèo khá dễ dãi cộng với lòng tự hào Nhật Bản sẵn sàng mua tất cả các sản phẩm nội địa dù chất lượng có đôi chút... cà tàng. Người Nhật khi ấy chính là Trung Quốc mà chúng ta thấy ngày nay: Sản xuất "Quý hồ đa bất quý hồ tinh". Suốt những năm 50 người Nhật mải mê sản xuất diêm tiêu, đồ chơi nhựa và đồ may mặc rẻ tiền.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể EgDL3
Một bộ đồ chơi "Made in Japan" trông rất... Tàu những năm 50.
Hồi cuối năm ngoái ở Đà Nẵng, có 1 triển lãm ảnh về Nhật Bản sau chiến tranh mà tôi may mắn được tới xem. Có 1 bức ảnh đề chụp năm 1965 hình 1 cô công nhân Nhật đang cầm chiếc đài bán dẫn lắp ráp ở Nhật. Cái đài này phải to bằng cục gạch block và có vẻ khá nặng vì cô phải cầm bằng cả 2 tay. Tại Việt Nam sau thống nhất đất nước 1975, những món quà từ Miền Nam mà người miền Bắc thích nhất bên cạnh mì chính và búp bê đồ chơi là đài bán dẫn Nhật. Sản xuất đầu những năm 70, những chiếc đài bán dẫn của Nhật khi đó nổi tiếng với kích thước nhỏ chỉ như bao thuốc lá và nồi đồng cối đá tới nỗi đến mãi tận những năm 95,96 nhà hàng xóm tôi vẫn còn dùng. Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, nền công nghiệp công nghệ cao của Nhật thực hiện "Thần kỳ Nhật Bản" đi lên từ chỗ sản xuất những sản phẩm có hàm lượng chất xám thấp, chất lượng kém trở thành quốc gia định chuẩn cho công nghiệp điện tử. Trước khi người phương Tây kịp định thần, xe máy Honda, ô tô Toyota và đồ điện tử Sony tràn ngập trên khắp cả những thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Mỹ.

"Thần kỳ Nhật Bản" trở thành hiện thực nhờ vào nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn nó không bao giờ xuất phát từ 1 nền sản xuất chỉ biết sao chép, 1 lực lượng lao động chỉ biết làm theo như những cái máy. Từ 1949 đến nay, Nhật Bản có 19 nhà khoa học được nhận giải Nobel, một minh chứng cho tư duy nghiên cứu sáng tạo, đi tìm cái mới trong khi Trung Quốc vẫn đang vật lộn với câu hỏi :" 1,2 tỷ dân qua 30 năm thực hiện "4 hiện đại" vẫn không có được 1 giải nobel nào về kỹ thuật?"

Đến năm 2012 vừa rồi, Trung Quốc chính thức trở thành nước có sản lượng ô tô nhiều nhất thế giới. Lifan, BaoLong, BYD... và hàng chục thương hiệu khác mà có lẽ bạn chưa bao giờ được nghe tên. Dù sản xuất ô tô nhiều nhất thế giới nhưng sản phẩm ô tô của Trung Quốc không thể bước chân lên container xuất khẩu. Ngoài lý do nhu cầu tiêu dùng trong nước khá lớn, việc ô tô Trung Quốc không vượt qua được các bài kiểm tra chuẩn khí thải, an toàn vốn khá nghiêm khắc của thị trường Âu Mỹ cũng là 1 nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, việc các hãng sản xuất ô tô của Trung Quốc nhái lại thiết kế cũng như các công nghệ đã đăng ký quyền sáng chế của các hãng xe khác trên thế giới cũng khiến ô tô Trung Quốc chưa thể tự thân sống sót ở ngoài vòng tay bảo hộ của chính phủ Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc chưa thể tự mình sáng tạo ra những công nghệ cốt lõi đủ sức cạnh tranh với các đối thủ Nhật, Âu, Mỹ thì vị trí của Trung Quốc vẫn chỉ là một công xưởng chuyên sao chép, không hơn, không kém.

Câu chuyện thứ 3: Made in USA và Made in China

Năm 1978, ngành công nghiệp thép của Mỹ cần gần 400 ngàn nhân công. Năm 2013, 76 ngàn nhân công trong ngành công nghiệp thép của Mỹ cho ra sản lượng cao hơn năm 1978 khoảng 10%. Với sự phát triển của công nghệ tự động hóa, nhu cầu nhân lực "cơ bắp" trong 1 nền công nghiệp hiện đại ngày càng nhỏ, bên cạnh đó yêu cầu về chất lượng nhân lực lại càng khắt khe hơn.

Cách đây mấy tháng, 1 nhà báo ở AP đến thăm Foxconn ở Trung Quốc phải thốt lên ngạc nhiên khi nhìn thấy những dây chuyền công nhân hàng trăm người lặp đi lặp lại 1 thao tác chỉ đơn giản như việc cầm bút đánh dấu vào những vị trí có sẵn trên bo mạch hoặc đặt máy vào hộp, đóng bao. Trong số hơn 1 triệu công nhận của Foxconn, đại đa số là những người làm những công việc sơ đẳng như thế, tình hình ở các nhà máy sản xuất sản phẩm của các hãng khác cũng không quá khác biệt. Thực tế là sau hơn 20 năm làm thuê, người công nhân Trung Quốc vẫn chỉ đơn thuần là người lao động thủ công. Đội ngũ công nhân Trung Quốc, vốn đi lên từ nông dân và tầng lớp thanh niên ít được học hành sẽ trở thành vô dụng khi công nghệ tiến nhanh hơn và quá trình sản xuất đòi hỏi đội ngũ công nhân với chất lượng cao hơn, hiểu biết hơn về công nghệ cũng như máy móc chứ không chỉ nhắm mắt thực hiện những công việc 1+1=2.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể LjDG9
Dù cực kỳ đông đảo, công việc của công nhân Trung Quốc đôi khi đơn giản đến mức họ dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Lý do duy nhất ngăn cản các nhà sản xuất thay thế nhân công bằng máy móc đó là chi phí ban đầu quá lớn.

Cách đây mấy tháng, Foxconn tung tin rằng họ sẽ sử dụng 1 triệu Robot để thay thế người lao động chân tay tại các nhà máy của mình trong vài năm nữa. Và Foxconn không phải công ty tiên phong trong lĩnh vực sử dụng máy móc thay thế sức lao động của con người. Sự phát triển mạnh mẽ gần đây của công nghệ in 3D (Là công nghệ chế tạo ra vật thể bằng cách "in" từng lớp vật liệu chồng lên nhau) hứa hẹn sẽ sớm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành công nghiệp chế tác. Cuối thập niên này hoặc đầu thập niên sau chúng ta sẽ được chứng kiến những máy in 3D thay thế dần con người trong các dây chuyền sản xuất giống như máy in điện tử thay thế người sắp chữ ở các nhà in. Nhu cầu về nhân công, đặc biệt là nhân công giá rẻ, trình độ thấp sẽ đi vào thoái trào. Hãy tưởng tượng gần 100 triệu nhân công thất học của Trung Quốc sẽ đi về đâu khi nhu cầu về lao động giá rẻ dần lụi tàn?

Sự chuyển cực của dòng chữ "Made in China" sẽ không diễn ra hôm nay, ngày mai hay năm nay nhưng tôi tin rằng sẽ đến 1 ngày Trung Quốc phải tìm cho được những lợi thế cạnh tranh khác hơn là sử dụng chiến thuật "biển người" ưa thích của mình.

Lời kết

Made in China trở thành cụm từ quá quen thuộc với chúng ta và tạo ra ấn tượng về 1 "Trung Quốc siêu cường". Nhưng thực tế chúng ta cảm thấy mình bị "bao vây" bởi các sản phẩm "Made in China" đơn giản là vì chúng ta tiếp xúc nhiều nhất với những sản phẩm gia dụng như giày dép, thực phẩm, quần áo v...v... và đó chính là những sản phẩm chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu sản xuất của Trung Quốc. Bước ra bất kỳ 1 siêu thị nào chúng ta cũng dễ dàng choáng ngợp trước lượng hàng hóa Made in China. Tuy nhiên vẫn cần nhớ rằng tổng lượng hàng hóa do Trung Quốc (quy ra USD) chỉ chiếm 1/5 tổng sản lượng trên toàn cầu trong khi bản thân dân số của Trung Quốc cũng đã ở mức 1/5 thế giới.

Chừng nào người Trung Quốc còn chưa tự sáng tạo ra được những Boeing, Apple, Facebook hay Google cho riêng mình thì chừng đó, Trung Quốc vẫn sẽ chỉ là 1 "Đại công xưởng", không hơn, không kém.

Theo GenK
      
Nicha
Nicha Thành viên

Cấp bậc: Thành viên

Giới tính : Nam

Bài viết : 5

Danh vọng : 7

Uy tín : 0

Sự thật đằng sau những thương hiệu đồ điện tử nổi tiếng

GenK - Xưởng sản xuất của những nhà ODM này đặt tại đâu? đó chính là Trung Quốc – nơi có nguồn nhân công dồi dào với giá thành cực rẻ.

Đa phần người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng sản phẩm của mình do chính công ty đóng logo trên đó sản xuất ra. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Đa số các thương hiệu laptop hàng đầu trên thế giới như Hewlett Packard, Toshiba, Samsung, DELL, Sony Vaio, Apple… đều không tự tay sản xuất ra những chiếc laptop mà họ đặt hàng từ các nhà sản xuất khác (hãng thứ 3) gọi chung là OEM.

Tất cả những phần chính của chiếc laptop như khung vỏ, màn hình, mainboard đều được sản xuất và lắp đặt tại các công ty OEM. Một hãng lớn sẽ đặt hàng sản phẩm theo thiết kế của họ rồi nhận về để làm nốt những công đoạn dễ dàng: “đóng” logo lên máy tính, gắn các linh kiện phần cứng cuối cùng là: chip vi xử lý (mua từ Intel, AMD hay VIA), chip đồ hoạ (mua từ Nvidia, AMD/ATI), ổ cứng HDD hoặc SSD (mua từ Intel, Samsung, Hitachi, Westen Digital, Seagate), bộ nhớ trong (mua từ Kingston, KingMax, Corsair, Hynix, Samsung…) theo nhu cầu từ phía khách hàng rồi bán ra thị trường.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể Sony-vaio-z_1453f
Những công ty OEM nhận đặt hàng bán sản phẩm của mình cho các tên tuổi khác được gọi là nhà thiết kế gốc (ODM – Original Design Manufacturer). Một vài ví dụ cụ thể:

- Công ty Clevo thường nhận đặt hàng cho dòng máy chơi game nổi tiếng: Alienware, hay nhận làm sản phẩm cho hãng Sager, Hypersonic…

- Hãng Compal (xin đừng nhầm lẫn với Compaq của HP) làm một vài dòng máy cho DELL, Hewlett Packard (làm cả máy cho thương hiệu Compaq).

- Quanta sản xuất rất nhiều máy của dòng Dell Latitude, Sony Vaio và cho ông lớn IBM.

- Inventec làm rất nhiều máy cho Compaq (thời kỳ trước khi bị HP mua lại).

- Công ty ODM lớn nhất thế giới là Clevo và Kapok (2 đơn vị trực thuộc 1 công ty) sản xuất rất nhiều mẫu laptop cho Sager Computer.

- Ngoài ra còn có một vài cái tên khác là Mitech, FIC, Twinhead, GVC, Uniwil…

Xưởng sản xuất của những nhà ODM này đặt tại đâu? Chắc hẳn các bạn cũng dễ dàng đoán ra, đó chính là Trung Quốc – người bạn hàng xóm to lớn của chúng ta – nơi có nguồn nhân công dồi dào với giá thành cực rẻ. Có lẽ nhiều người sẽ hơi thất vọng khi biết rằng hầu hết tất cả các sản phẩm hiện đại, thời trang, đặt tiền, trên thân có tem đảm bảo “nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ” mà mình sở hữu như MacBook, Sony Vaio Z, Dell Latitude… thực chất đều đến từ ngay bên kia biên giới phía Bắc.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể MacBookPro2011_9d6d3
Trở lại một vài năm trước, chắc hẳn các bạn đều biết tới sản phẩm từng làm mưa làm gió trong thị trường siêu máy di động, là sự lựa chọn ưa thích cho những nhà làm phim ảnh đồ hoạ mang tên PowerMac (đàn anh của những chiếc MacBook Pro hiện tại) của hãng công nghệ lớn nhất hành tính Apple. Mỗi chiếc laptop này đều có giá tới 1500 USD và gắn mác “made in USA” nhưng thực tế thì hầu hết tất cả các bộ phận cấu thành đều được sản xuất tại các nhà máy đặt tại Trung Quốc.

Hiện nay, hầu hết các công ty lớn đều đã xây dựng những phân xưởng sản xuất của mình tại Trung Quốc để tận dụng nguồn nhân lực rẻ, đông đảo tại đây. Như vậy ngay cả khâu lắp ráp cũng không được thực hiện tại trụ sở chính.

Việc giảm giá thành làm ra một sản phẩm nhằm thu lợi nhuận cao nhất là mục tiêu mà công ty nào cũng hướng tới. Bằng cách thuê một hãng khác sản xuất và tiến hành lắp ráp tại nơi nhân công rẻ để tiết kiệm chi phí vận chuyển và tiền lương. Càng tiết kiệm được nhiều tiền cho việc sản xuất bao nhiêu các hãng lớn sẽ thu được nhiều tiền hơn bấy nhiêu nhờ vào “cái giá của thương hiệu”.

Hầu như tất cả những hãng laptop tên tuổi (Dell, HP, IBM, Sony, Apple…) đều không muốn công bố sự thật này. Họ thường tự nhận rằng mình chính là người tận tay làm ra sản phẩm, nhưng khi được hỏi rằng các linh kiện được sản xuất tại đâu thì họ lại im re.

Tất nhiên cũng có một số ít tên tuổi lớn trong làng máy tính xách tay trên thế giới tự mình làm ra các sản phẩm như Acer (một hãng laptop của Đài Loan), MSI (cũng có trụ sở chính tại Đài Loan).

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể DellLatitudeXT2XFR5_59386
Như vậy, bài viết này nhằm mục đích gì? Vâng, tôi muốn nói với các bạn rằng giờ đây xuất xứ cũng như thương hiệu của một chiếc laptop không còn quá quan trọng nữa bởi vì những nhãn hiệu đính trên máy không thực sự làm ra nó. Thay vào đó, người tiêu dùng nên đánh giá sản phẩm dựa trên những tiêu chí sau:

- Bảo hành: So sánh thời gian, cách thức bảo hành giữa những nhà sản xuất. Hãy chọn hãng nào có thời gian bảo hành sản phẩm dài và cách thức bảo hành đơn giản, gọn nhẹ.

- Tính năng: Đảm bảo rằng chiếc laptop sở hữu cấu hình đủ mạnh, các cổng kết nối cần thiết, dáng vẻ phù hợp với nhu cầu của bạn. Đừng quá tiết kiệm nhưng cũng không nên tham lam, chỉ tổ nặng người và tốn tiền mà thôi.

- Giá: Bạn đang trả tiền cho một cái tên hay cho các tính năng và dịch vụ bảo hành? Hãy nhớ rằng những thương hiệu gần như chỉ có chức năng "trang trí" mà thôi!

Tham khảo:mindconnection.com.
      
Nicha
Nicha Thành viên

Cấp bậc: Thành viên

Giới tính : Nam

Bài viết : 5

Danh vọng : 7

Uy tín : 0

Câu chuyện đằng sau dòng chữ "Thiết kế tại Mỹ, gia công tại Trung Quốc"

GenK - Như bài viết trên đã đề cập, các thương hiệu như Dell, HP... thực ra đều chỉ là "vỏ bọc" thương hiệu trong khi sản phẩm của các hãng này thực ra đều do các ODM (hãng thiết kế gốc) thiết kế và chế tạo. Thậm chí 1 hãng lớn như Dell hầu như chỉ có mỗi 1 việc là lấy chiếc laptop đã được các ODM thiết kế, sản xuất và đóng gói sẵn, đưa sang Mỹ dán mác Dell và tiếp thị nó ra thị trường.

Và câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao Dell, HP lại chịu "phó mặc" hoàn toàn số phận sản phẩm của mình trong tay các ODM như vậy? Để trả lời câu hỏi này sẽ cần những lời giải thích rất dài dòng và khô khan, vì thế thay vào đó tôi sẽ kể cho bạn đọc 3 câu chuyện sau đây. Mong rằng chúng có thể giúp bạn đọc hiểu ra phần nào sự thực đằng sau quan hệ của các hãng sản xuất thiết bị mà chúng ta đã từng rất quen thuộc.

Câu chuyện thứ 1: Apple

Có thể nhìn Apple hiện nay, không ai tưởng tượng ra được rằng đã có thời Táo Khuyết "khốn đốn" tới mức gần như phá sản. Sau khi sa thải Steve Jobs năm 1985, Apple lâm vào 1 thời kỳ xuống dốc không phanh do sự lãnh đạo quản lý yếu kém của ban điều hành. Trong suốt hơn 10 năm trời, Apple không cho ra đời được 1 sản phẩm đáng chú ý nào, những "bom tấn" của Apple như máy chụp ảnh, PDA Newton... đều trở thành "bom xịt" và là những thảm họa kinh doanh của Apple. Liên tục những sản phẩm thất bại, hàng núi thiết bị tồn kho, không 1 nhà bán lẻ nào dám "ôm" hàng của Apple trong suốt nhiều năm trời dần bào mòn Táo Khuyết cả về vốn lẫn nhân lực. Apple của những năm giữa thập niên 90 là 1 công ty đang ngoắc ngoải chờ chết.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể QuicktakeOVR_89941
Apple từng sản xuất cả máy ảnh nhưng rồi cũng thất bại thảm hại.
Và rồi, Steve Jobs trở về, kéo theo đó là hàng loạt nhân sự mới được trọng dụng như Jonny Ive, thiết kế sư trưởng của Apple, Tim Cook, giám đốc tài chính... Khi Tim Cook nhận nhiệm vụ tại Apple, công việc đầu tiên mà ông này nhận được là tìm cách "thu vén" lại các nguồn vốn và nhân lực của 1 công ty đang tan rã. Việc đầu tiên mà Tim Cook làm ở Apple là đóng cửa các nhà máy sản xuất của Apple. Ở thời điểm 1997, Apple hầu như tự sản xuất phần lớn các thiết bị, linh kiện sử dụng trong sản phẩm của mình. Từ những bo mạch điện tử, bóng hình CRT cho tới cả các thiết bị nhỏ nhặt hơn như băng cassete, đĩa từ... Và việc lắp ráp các linh kiện để trở thành sản phẩm cuối cùng hoàn toàn do Apple đảm nhiệm. Kết quả của kiểu sản xuất này là hàng trăm nhà máy của Apple rải rác trên khắp thế giới, đi kèm với nó là hàng chục ngàn nhân công chờ được trả lương, hàng trăm triệu USD mỗi năm tiền vận hành, duy trì và bảo dưỡng các dây chuyền sản xuất và còn hàng trăm ngàn thứ chi phí không tên khác dồn lên đôi vai vốn đã quá yếu ớt của Táo Khuyết.

Tim Cook quyết định vứt bỏ hoàn toàn khâu sản xuất này của Apple, đóng cửa các nhà máy và quay ra thuê các nhà thầu gia công linh kiện cho Apple theo thiết kế của Apple đặt hàng. Foxconn, Pegatron... trở thành những nghệ nhân thực sự đằng sau iPhone, iPad, Macbook... Khi thuê 1 nhà thầu gia công, Apple "trốn" được các chi phí về dây chuyền thiết bị, nhà xưởng và tận dụng được nguồn nhân công rẻ "như cho" của các nhà thầu châu Á. Kết quả, như chúng ta đều đã biết, Apple trở về từ cõi chết, chỉ sau hơn 10 năm ngắn ngủi đã từ bờ vực phá sản đi lên thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể 3dc42timcook_6f020
Tim Cook, CEO mới của Apple đồng thời cũng là 1 trong những "công thần" của thời kỳ tái thiết Apple.
Tất cả là nhờ vào quyết định cất bỏ gánh nặng sản xuất của Tim Cook năm đó. Các sản phẩm của Apple bán với giá "cắt cổ" không phải bởi vì chi phí sản xuất của chúng đắt đỏ hơn các thiết bị cùng loại mà chỉ đơn giản là vì Apple bán đắt để thu được nhiều lợi nhuận và định hướng sản phẩm của mình nằm ở phân khúc "thượng lưu" mà thôi. Lợi nhuận sản xuất phần cứng của Apple, theo nhiều ước đoán, lên tới 30-40%, 1 con số "giật mình" nếu chúng ta biết rằng Dell hay HP chỉ có thể "vắt" ra 5-8% lợi nhuận từ buôn bán laptop.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể Iphonelabel_26e74
Nói như vậy để thấy rằng, nếu như các hãng khác không làm giống như Apple, vẫn cố gắng duy trì 1 hệ thống tự sản xuất và lắp ráp linh kiện, thiết bị của riêng mình thì hãng đó sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Dell và HP sẽ không thể sống nổi nếu phải gánh thêm chi phí nhà xưởng, thiết bị và nhân công để sản xuất ra những chiếc Latitude hay Pavillion. Nếu thực sự các sản phẩm của Dell và HP do các hãng này tự sản xuất thì giá thành của chúng sẽ bị đội lên rất nhiều, từ đó mất đi lợi thế cạnh tranh trước những công ty thuê lại nhà thầu gia công như Apple. Kết quả là dù muốn dù không, để tồn tại được, Dell, HP phải chọn cách thuê nhà thầu gia công để tối giản chi phí đặt lên vai mình, và từ đó tối ưu hóa lợi nhuận.

Câu chuyện thứ 2: Dell và ASUS

Cách đây mới chỉ gần 1 thập kỷ, cái tên ASUS còn rất xa lạ với người tiêu dùng đồ điện tử trên toàn thế giới. Những sản phẩm của ASUSTeK sản xuất ra chỉ gói gọn trong các thành phần cực nhỏ của máy tính như vài chiếc IC, dăm ba cái tụ... nói chung là những thành phần nằm sâu dưới lớp vỏ của những sản phẩm đóng mác Dell, Lenovo mà chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy tận mắt.

Và câu chuyện của chúng ta bắt đầu vào những năm đầu thập niên trước. Thời điểm những năm 2000 ASUS là 1 nhà thầu nhỏ phụ trách những linh kiện rất đơn giản trên máy tính đóng mác Dell. Lúc này 1 sản phẩm của Dell khi đó sẽ ra đời từ thiết kế của chính hãng này, và các khâu lắp ráp, cùng rất nhiều linh kiện trọng yếu như bo mạch chủ, RAM và màn hình đều do Dell đảm nhiệm... Những linh kiện khác, ít quan trọng hơn như vỏ máy, tản nhiệt... được đặt các nhà thầu ở châu Á gia công, và 1 trong số đó là ASUS.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể DellCEOMichaelDell_af778
Nhưng rồi sau 1 vài năm đảm nhiệm việc xử lý những tiểu tiết cho Dell, 1 ngày đẹp trời đại diện của ASUS đến tổng hành dinh của Dell và đưa ra 1 đề nghị rất xuôi tai: ASUS sẽ đảm nhiệm hoàn toàn công đoạn chế tạo bo mạch chủ của các máy tính dán mác Dell với mức giá thấp hơn 20% so với mức giá xuất xưởng của chính Dell. Chưa nói tới 20% chênh lệch kia sẽ đi thẳng vào lợi nhuận của Dell, chỉ cần xét đến việc Dell được trút bỏ gánh nặng của việc quản lý những nhà máy với hàng chục ngàn công nhân cùng hàng trăm vấn đề phức tạp đã khiến Dell gật đầu ngay lập tức.

Sau đó vài năm, đại diện của ASUS liên tục viếng thăm tổng hành dinh của Dell, đem tới những lời đề nghị ngày càng hấp dẫn hơn. Khi thì là việc lắp ráp hoàn thiện sản phẩm, lúc thì chuyện quản lý chuỗi cung ứng vật tư rồi cuối cùng ASUS yêu cầu Dell cho mình đảm nhiệm luôn cả việc thiết kế các model của Dell theo ý tưởng của hãng này. Lần nào Dell cũng đồng ý, và trên phương diện kiếm tiền, điều này hoàn toàn dễ hiểu: ASUS có thể làm được những gì Dell làm, thậm chí còn tốt hơn với 1 mức giá rẻ hơn. Dell không mất gì mà càng ngày càng "nhàn hạ" hơn trong việc đưa 1 sản phẩm ra thị trường. Dell chỉ có việc tìm hiểu xem khách hàng muốn gì, viết các yêu cầu đó ra giấy và chuyển cho ASUS rồi rung đùi ngồi đợi sản phẩm ra lò, cộp mác Dell lên vỏ hộp rồi tung ra thị trường.

Từ chỗ là 1 công ty sản xuất máy tính, dần dà Dell đã trở thành 1 công ty bán lẻ thiết bị. Có thể bạn sẽ lý luận rằng những gì Dell làm là hoàn toàn đúng, và hãng kiếm tiền bằng cách "ăn trên ngồi trốc", chiếm những phần việc đem lại lợi nhuận nhiều nhất là kinh doanh thay vì phải quần quật làm việc sản xuất vốn có ít lợi nhuận như ASUS là 1 cách kinh doanh cực kỳ khôn ngoan. Tuy nhiên đoạn kết của câu chuyện dành cho Dell lại không đẹp như vậy.

Lần cuối cùng đại diện của ASUS bay tới Mỹ, ông ta không tới tổng hành dinh của Dell mà đi thăm các hãng bán lẻ như Best Buy, Walmart để quảng bá cho thương hiệu laptop đóng mác ASUS với chất lượng "như hàng của Dell" nhưng có giá thấp hơn 20%. Những năm dài làm "culi" cho Dell cuối cùng đã được trả công, với kinh nghiệm của mình ASUS trở thành 1 trong những hãng laptop có doanh số lớn và là 1 đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Dell. Trong khi đó Dell lại bị lệ thuộc vào ASUS vì sau quá nhiều năm "ăn không ngồi rồi", Dell đã không còn đủ khả năng sáng tạo ra 1 sản phẩm của riêng mình nữa.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể VX73_3d7f1
Có 1 câu chuyện như thế này trong sinh học: "Sự tiến hóa của loài người xảy ra khi chúng ta lao động. Càng làm việc nhiều thì loài người càng học được nhiều hơn và càng cảm thấy có động lực thúc đẩy chúng ta tiến hóa nhanh hơn". Vượn tiến hóa thành người là do chúng được thúc đẩy bởi những yêu cầu nảy sinh trong quá trình lao động.

Đem hình tượng sinh học ấy ra để ứng dụng vào Dell và ASUS chúng ta thấy Dell đã đánh mất khả năng sáng tạo và độc lập tự chủ của mình chỉ vì quá lệ thuộc vào ASUS còn ASUS "thành người" vì ASUS dám bắt tay vào cả những công việc ít lợi nhuận và đầy khó khăn.

Và một khi những hãng như Dell, Apple đã "dấn thân" vào con đường thuê người khác gia công sản phẩm của mình, sẽ không còn cách nào để quay trở lại làm 1 nhà sản xuất thực thụ được nữa. Vì vậy đừng ngạc nhiên khi thấy rằng các hãng như Dell, HP, Apple sẽ càng ngày càng lún sâu hơn trong việc lệ thuộc vào các nhà thầu như Foxconn, ASUS...

Câu chuyện thứ 3: HTC

Nếu bạn đọc nào còn nhớ cơn sốt điện thoại O2 cách đây vài năm ở thị trường Việt Nam có lẽ bạn sẽ cảm thấy thú vị hơn với câu chuyện này. Thời kỳ nửa đầu thập niên trước, PDA là 1 trào lưu "xa xỉ" trong giới chuộng đồ hi-tech. Những thương hiệu như HP iPAQ, O2, iMate, Palm Treo... có lẽ tới tận giờ vẫn làm nhiều người cảm thấy rạo rực. Ngày ấy, 1 chiếc điện thoại O2 là niềm mơ ước của nhiều thanh niên, cũng giống như bây giờ người ta mơ ước về iPhone vậy.

Nhưng có 1 điều mà không phải ai cũng biết: iPAQ, O2, i-mate, Treo... tất cả những thương hiệu ấy hầu như đều ra đời từ 1 mái nhà chung. High Tech Computer, hay như cách viết tắt mà chúng ta vẫn thường gặp hơn, HTC là nhà thầu chính cho dòng sản phẩm smartphone XDA chạy Windows Mobile của 1 nhà mạng UK mà khi về Việt Nam chúng ta gọi bằng cái tên rất dân dã: O2, bên cạnh đó HTC còn tham gia sản xuất i-mate, 1 vài model Treo và iPAQ.

Trong suốt nhiều năm trời hãng sản xuất Đài Loan gia công sản phẩm trong thầm lặng theo đơn đặt hàng của các hãng, bạn không thể tìm được chữ HTC ghi trên chiếc HP iPAQ hay O2 vì 1 lý do đơn giản: Không 1 hãng nào muốn người sử dụng biết rằng sản phẩm của mình thực ra được sản xuất tại... Đài Loan. Tất cả các hãng như HP, O2, Palm đều muốn tự hào ghi tên mình trên mặt sản phẩm.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể 548220080319125348o2xdaminivelvetblack_4724e
Có thời điểm HTC gia công tới 80% số smartphone chạy Windows Mobile có mặt trên thị trường, nhưng hầu như vẫn không một ai biết tới tên tuổi của HTC. Gần mười năm cần mẫn cóp nhặt, sản xuất và nghiên cứu, năm 2007 HTC quyết định bứt phá ra trở thành 1 thương hiệu riêng trên thị trường trước sức ép đến từ iPhone của Apple. Khi cái tên HTC đột ngột xuất hiện trên thị trường, không một ai định vị được năng lực thực sự của gã khổng lồ Đài Bắc. Chỉ tới khi HTC liên tục thành công với những mẫu smartphone Android và công bố những mức lợi nhuận tới vài trăm phần trăm/năm người ta mới giật mình nhận ra sức mạnh của 1 hãng gia công vô danh.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể IMG1142_6b757
Mười năm kinh nghiệm của HTC đã giúp hãng qua mặt tất cả các đối thủ từng trước đó thuê HTC gia công thiết bị cho mình. Sự thành công của HTC đã chứng minh 1 thực tế rất "trái khoáy" trong kinh doanh. Sự thực thì người quản lý HP hay Palm... đều chỉ làm theo những gì mà họ được dạy trong giáo trình kinh tế ở trường đại học: Tăng lãi bằng cách tập trung vào các công việc đem lại nhiều lợi nhuận và cắt giảm những việc đem lại ít lợi nhuận hơn. HP, Dell, Apple đều muốn tập trung vào việc kinh doanh sản phẩm, vốn là công việc đem lại nhiều lợi nhuận nhất, đùn đẩy phần "khó nhằn" là việc sản xuất phần cứng cho các nhà thầu gia công mà không nghĩ được rằng làm như vậy chỉ đơn giản là khiến bản thân mình thụt lùi trong khi không ngừng trao cho các nhà thầu ấy công cụ và vũ khí để họ trỗi dậy trở thành đối thủ của mình trong tương lai.

Kết

Đến đây mọi việc có vẻ như trở thành 1 cái vòng luẩn quẩn: Muốn tăng lợi nhuận (thậm chí là chỉ để đảm bảo tính cạnh tranh và khả năng tồn tại) thì phải thuê người gia công phần cứng, nhưng thuê người gia công phần cứng thì sẽ gây lệ thuộc và tạo ra các đối thủ rất đáng gờm trong tương lai, và một khi đã dấn chân vào con đường thuê mướn sẽ chẳng có cách nào rút chân ra được.

Apple có 1 giải pháp cho vấn đề đó: Tất cả việc sản xuất gia công, lắp ráp phần cứng Apple giao hết cho các nhà thầu nhưng Apple vẫn nắm giữ 1 thứ mà hãng này sẽ không bao giờ buông lỏng: Thiết kế. Sai lầm của Dell là đã quá phụ thuộc vào 1 mình ASUS và cả khâu thiết kế cũng tin tưởng "giao mỡ miệng mèo". Apple khôn ngoan hơn và nắm giữ công thức bí mật tạp nên sự thành công trong các sản phẩm của mình: trải nghiệm người dùng và khả năng gắn kết của các thành phần.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là phương án của Apple đã là hoàn hảo. Việc thuê mướn người ngoài làm những công việc nhạy cảm luôn ẩn chứa những rủi ro nhất định,và đừng ngạc nhiên khi thấy 1 ngày nào đó Foxconn hay Pegatron cho ra mắt những mẫu Macbook Air, Macbook Pro của riêng mình với giá cả chỉ bằng 1 nửa của Apple.

Tuy nhiên ngày ấy, nếu có đến, cũng còn xa lắm, và bài học gần gũi nhất mà bạn đọc có thể rút ra cho riêng mình đó là hãy đừng quá tin tưởng vào thương hiệu. Dell hay ASUS cũng là từ 1 "lò" mà ra. Mặc dù có thể qui trình kiểm tra chất lượng của Dell sẽ nghiêm ngặt hơn, nhưng về cơ bản bạn chẳng phải quá "lăn tăn" khi lựa chọn giữa chúng vì chất lượng phần cứng của 2 hãng vẫn sẽ là "1 chín 1 mười".

Theo Maskonline
      
Nicha
Nicha Thành viên

Cấp bậc: Thành viên

Giới tính : Nam

Bài viết : 5

Danh vọng : 7

Uy tín : 0

Vì sao smartphone Trung Quốc "giá rẻ giật mình"?

GenK - Có lẽ ít nhất 1 lần trong đời bạn sẽ tự đặt ra cho mình câu hỏi: Vì sao điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc lại có những cái giá rẻ tới giật mình? Cá nhân tôi, mỗi lần đứng trước những kệ điện thoại đẹp... long lanh có nguồn gốc từ anh bạn hàng xóm với cái giá chỉ bằng 1 nửa thậm chí là 1/3 so với các mẫu smartphone cùng tính năng từ các hãng lớn như HTC, Samsung, câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại.

Có điều kiện được tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm "thượng vàng hạ cám", tôi đã từng được sử dụng những mẫu smartphone đóng mác Huawei, ZTE, HKphone với cái giá chỉ 4 -5 triệu đồng nhưng hoàn toàn có đủ tư cách so sánh với Samsung Galaxy Ace hoặc Sony Ericsson X8 có giá hãng lên tới gần 8 triệu đồng.

Trước đây, khi nói tới cái sự rẻ của "đồ Tàu" người ta thường buông thõng 1 câu: của rẻ là của ôi. Và mới cách đây chỉ 2,3 năm thôi điều ấy hoàn toàn là sự thực, khi mà điện thoại Tàu có chất lượng gia công quá tệ, tính năng gì cũng có nhưng không có cái nào là hoàn chỉnh và người ta sử dụng chúng chỉ như những món đồ nhái rẻ tiền để lòe bịp người thiếu hiểu biết. Nhưng gần đây khi thị trường xuất hiện nhiều model sử dụng Android với tính năng tương đối hoàn thiện nhưng vẫn giữ được cái giá rất bình dân, "bí quyết dìm giá" của các hãng sản xuất Trung Quốc lại càng đáng quan tâm hơn bao giờ hết.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể B6c20112201anh3_48c29
Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi : "Tại sao smartphone "Tàu" lại rẻ đến vậy?". Và câu trả lời, có lẽ sẽ khiến bạn thấy bất ngờ. Cũng xin lưu ý với bạn đọc rằng trong bài viết này chúng tôi không đề cập tới những hãng sản xuất không tên tuổi và các mẫu feature phone màu mè lòe loẹt với giá vài trăm tới 1,2 triệu đồng. Đối tượng mà bài viết này đề cập là các smartphone Android xuất xứ Trung Quốc ra đời từ các hãng tương đối có tên tuổi mà chúng ta vẫn gọi với cái tên "hàng Trung Ương".

Linh kiện

Rất nhiều người có 1 quan niệm sai lầm rằng smartphone "Tàu" có giá rẻ là do sử dụng linh kiện kém phẩm chất. Sự thực là với hàng gia công ở các doanh nghiệp nhỏ lẻ và các dumb phone, feature phone màu mè lòe loẹt, điều này đúng. Nếu bạn từng cầm 1 chiếc feature phone của Trung Quốc với màn hình cảm ứng, không cài được ứng dụng, loa ngoài vừa to vừa rè, bạn sẽ cảm nhận rất rõ sự rẻ tiền của sản phẩm, bắt đầu từ vỏ máy cho tới màn hình.

Tuy nhiên nếu sử nhiều mẫu smartphone của Trung Quốc hiện tại, bạn sẽ cảm thấy với chất lượng với các smartphone đó , cả những người khắt khe nhất cũng khó có thể nhận định rằng chúng "rẻ tiền" được nữa.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể 20111019iPhone4S26fa7_358ff
Chi phí linh kiện của iPhone 4S bản 16GB chỉ có 188$.
Sự thực linh kiện trong việc sản xuất ra 1 chiếc smartphone chỉ chiếm 1 phần chi phí rất nhỏ trong giá bán ra của nó. Một ví dụ trong việc này là nếu bạn còn nhớ cách đây mấy hôm GenK có đưa tin về giá linh kiện cần thiết để sản xuất ra iPhone 4S, cái giá mà người ta ước đoán dựa vào việc "mổ bụng" iPhone 4S 16GB là 188$. Trong khi giá bán lẻ bản quốc tế ở Mỹ của iPhone 4S là 600$. Và hầu hết các smartphone khác như Nexus One, N8... đều có 1 kịch bản giá tương tự với giá linh kiện chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% giá thị trường của 1 sản phẩm.

Và có 1 thực tế là chi phí dành cho phần cứng là chi phí khó "co dãn" nhất. Như bạn có thể thấy, chip nhớ 16GB sử dụng trên iPhone 4S chỉ đắt hơn chip nhớ 32 GB có 19,2 USD (400 ngàn). Trong khi 1 chiếc smartphone dù là đồ Tàu vẫn phải đầy đủ các hạng mục phần cứng như iPhone 4S, từ màn hình cảm ứng điện dung, màn hình hiển thị cho tới chip xử lý và bo mạch chủ... Nói không ngoa, nếu 1 chiếc iPhone 4S có giá 600$ mất 188$ chi phí linh kiện thì 1 chiếc smartphone "Tàu" với cấu hình thấp hơn có giá 200$ vẫn sẽ mất không dưới 100$ chi phí sản xuất. Hơn nữa chất lượng linh kiện của "hàng Trung Ương" có thể nói là cũng "một tám một mười" với các hãng lớn vì thực ra ngay cả Apple hay Samsung cũng sử dụng phần lớn linh kiện từ các nhà thầu Trung Quốc với 1 hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ hơn mà thôi.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể 634286128836536912_26d67
Chi phí cho linh kiện nhìn chung rất khó tiết kiệm.
Vậy thì, nếu như chất lượng linh kiện không phải là lý do khiến điện thoại Trung Quốc rẻ đến vậy, thì vấn đề nằm ở đâu?

1 cổ nhiều tròng

Sẽ là rất sai lầm nếu chúng ta kết luận rằng: iPhone 4S có chi phí linh kiện 188$ và bán lẻ với giá 600$ thì Apple sẽ được "đút túi" phần còn lại tương đương với 412 USD. Sự thực là đằng sau chi phí sản xuất, 1 hãng lớn như Apple còn cần rất nhiều "phụ phí" nữa mới có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Có thể kể tới các đầu chi phí lớn nhất như việc nghiên cứu, phát triển thiết bị, chi phí marketing, quảng cáo và cuối cùng là chi phí bảo trì và dịch vụ khách hàng. Đối với 1 hãng là đầu tàu sáng tạo của cả ngành công nghiệp như Apple, chi phí nghiên cứu, phát triển thiết bị có thể nói là 1 trong những chi phí quan trọng nhất nhưng lại ít được nhắc tới nhất. Mỗi sản phẩm mới ra đời đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu, từ việc thiết kế ngoại hình cho tới con chip và thậm chí cả iOS cũng đòi hỏi rất nhiều chi phí nghiên cứu, phát triển.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể Chartofthedayrdfortechcompanies2009_37bb3
Chi phí nghiên cứu và phát triển chiếm khá tốn kém với các hãng lớn.
Có thể thấy rõ ràng với sự ra đời của Android và các SoC theo kiểu "mì ăn liền" từ Qualcomm, Mediatek... Các nhà sản xuất Trung Quốc gần như không phải chịu áp lực của chi phí nghiên cứu, phát triển. Trước đây, chỉ nội 1 việc thiết kế ra 1 cấu hình smartphone với sự kết hợp của RAM, ROM, CPU và GPU đã đòi hỏi các nhà sản xuất tốn hàng năm trời. Nhưng từ khi Qualcomm, MediaTek và 1 số công ty chuyên cung cấp giải pháp SoC (System on a Chip), phần việc thiết kế "nội thất" của 1 chiếc smartphone đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 1 SoC bao gồm CPU, GPU, RAM, giao tiếp ngoại vi... trên 1 con chip duy nhất đảm bảo tính tương tích và khả năng làm việc chung của tất cả các thành phần. Giải pháp SoC trở thành món "mì ăn liền" dành cho các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc khi mà hầu như họ chỉ cần "chế" 1 bộ vỏ với màn hình, bo mạch để cắm SoC vào là có 1 model smartphone mới sẵn sàng xuất trận.

Vấn đề phần mềm trước đây cũng rất đau đầu với các hãng sản xuất khi làm sao để HĐH của thiết bị tương thích và hoạt động ổn định trên phần cứng. Nhưng khi Android ra đời với tư cách là 1 HĐH mã nguồn mở với khả năng tương thích phần cứng rộng rãi và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí đã thực sự châm ngòi cho sự phát triển của smartphone Trung Quốc. Chi phí phát triển phần mềm được Google cáng đáng, kết quả là các hãng Trung Quốc được rảnh tay tập trung cho việc gia công thiết bị. Thậm chí thiết kế kiểu dáng của smartphone "Tàu" thường cũng được "mượn tạm" của các hãng lớn. Có thể nói sự ra đời của Android và SoC đã hoàn toàn giúp smartphone Trung Quốc thoát khỏi chi phí nghiên cứu phát triển góp phần giảm giá thành và nâng cao chất lượng của thiết bị.

Sau đó là chi phí quảng cáo và phân phối sản phẩm. Trong khi các hãng lớn như Samsung, Sony Ericsson, HTC phải "gánh" 1 bộ máy khổng lồ từ khâu sản xuất tới tiếp thị và tiêu thụ, các smartphone Trung Quốc do những hãng nhỏ như HKPhone, Q-Mobile lại có cơ cấu nhẹ nhàng hơn nhiều với việc cắt giảm hầu như toàn bộ các chi phí trung gian: Sản phẩm từ nhà máy hầu như chỉ đi qua tối đa là 2 cấp phân phối trước khi đến tay người tiêu dùng. Điều này khiến chi phí phân phối được giảm đi rất nhiều, góp phần giảm giá bán của thiết bị. Cá biệt có những hãng lớn chi phí quảng cáo đạt tới 10-15% giá bán sản phẩm. Vì vậy khi mua 1 smartphone của các hãng lớn, bạn phải hiểu rằng mình đang phải trả tiền cho những mẩu quảng cáo trên báo chí, truyền hình đã dẫn bạn tới cửa hàng.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể Howwillappleexpanddistributionofipad_8e344
Chi phí dịch vụ sau bán hàng và bảo hành. Đối với các thương hiệu lớn như Apple, HTC... Việc đảm bảo quyền lợi sau mua của khách hàng tốn khá nhiều chi phí. Hãy tưởng tượng đến việc để bạn được cập nhật iOS 5 miễn phí, Apple sẽ phải tốn bao nhiêu tiền vào việc phát triển HĐH này và phân phối nó tới các dòng thiết bị cũ hơn. HTC cũng vậy, với giao diện Sense, mỗi lần cập nhật phiên bản Android mới cho khách hàng cũ, chắc chắn HTC sẽ mất rất nhiều chi phí chỉnh sửa để Sense hoạt động được.

Các smartphone Tàu vốn không có các bản cập nhật phần mềm sẽ không phải "gánh" chi phí này, và đây cũng là điều mà bạn sẽ phải chấp nhận khi sử dụng điện thoại Trung Quốc. Và chi phí bảo hành trước đây là chi phí khiến khoảng cách về chất lượng giữa smartphone Trung Quốc và "đồ hãng" xa nhau đến vậy. Với các hãng lớn, chi phí bảo hành và hỗ trợ khách hàng đã trở thành 1 trong những chi phí buộc phải có. Trong khi để giảm giá thành ban đầu, nhiều hãng điện thoại Trung Quốc cố tình cắt giảm chi phí này khiến "đồ Tàu" thường bị nhìn với con mắt thiếu thiện cảm vì chất lượng dịch vụ bảo hành không tốt.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể Untitled_163ea
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất. Người ta cho rằng Apple "đút túi" tới gần 40% giá trị của mỗi chiếc iPhone được bán ra. Trong khi đó, trò chuyện với tôi, anh Đoàn Linh, chủ doanh nghiệp HKPhone, 1 hãng smartphone "thương hiệu Việt" tâm sự: 1 chiếc smartphone Android giá 4 triệu đồng bán ra có lẽ chỉ lãi chừng 2,3 trăm ngàn (dưới 10%). Tình trạng đó không phải chỉ riêng của HKPhone mà là nói chung cho hầu hết các doanh nghiệp phân phối thiết bị trong nước: "sẵn sàng ăn lãi ít đi so với những gã khổng lồ như Apple, HTC để bán được sản phẩm". Và tôi cho rằng đó cũng là 1 yếu tố khiến giá cả của các smartphone Trung Quốc đôi khi được bán với những cái giá khiến chúng ta phải "giật mình".

Kết luận

Cũng giống như tất cả những sản phẩm khác của Trung Quốc, từ thực phẩm tới may mặc, đồ gia dụng... Smartphone Trung Quốc đã và đang xâm nhập ngày 1 sâu vào thị trường trong nước. Đó là 1 thực tế không thể chối cãi được. Và chừng nào Việt Nam còn có những người có thu nhập trung bình chỉ 2 triệu đồng một tháng, thì những smartphone có giá 3-4 triệu đồng vẫn sẽ có đất để sống và tồn tại. Bạn có thể ghét chúng, có thể phản đối chúng hoặc thậm chí có thể phớt lờ chúng. Nhưng bạn không thể phủ nhận rằng chúng đã và đang đáp ứng nhu cầu của 1 thị trường có thật và thậm chí là rất lớn mà các hãng có tên tuổi không thể tiếp cận được vì lý do giá cả.

Cũng nên nhắc lại rằng trong khi ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam còn yếu kém, việc các doanh nghiệp trong nước dám tham gia vào công nghiệp smartphone bắt đầu bằng nhận phân phối lại các sản phẩm của Trung Quốc để tích lũy vốn, kinh nghiệm chờ khi công nghiệp trong nước tiếp kịp nhu cầu tự sản xuất là 1 điều cần thiết. Nếu chúng ta hoàn toàn bỏ ngỏ thị trường đợi tới khi tự sản xuất được 1 chiếc điện thoại "made in Việt Nam" thì mới tham gia vào cuộc chơi, có lẽ lúc đó mọi chuyện đã là quá muộn.

Sẽ cần 5 năm, 10 năm hoặc có thể lâu hơn nữa để Việt Nam có thể tự sản xuất được 1 chiếc smartphone "nội địa" theo đúng nghĩa. Nhưng nếu không có những bước đi từ ngày hôm nay, bắt đầu từ việc phân phối lại "smartphone Tàu", chúng ta sẽ mãi mãi đứng ngoài nhìn vào 1 ngành công nghiệp chuyển động không ngừng.
      
Nicha
Nicha Thành viên

Cấp bậc: Thành viên

Giới tính : Nam

Bài viết : 5

Danh vọng : 7

Uy tín : 0

Android thổi một làn gió mới vào đồ "Made in China"

Làm thế nào để kiếm được hàng triệu đô chỉ trong một đêm, chỉ với cơ sở kỹ thuật đơn giản và chi phí thấp? Đối với các hãng điện tử của Trung Quốc như Rock Chips và Box Chips, câu trả lời rất đơn giản: tận dụng Android.

Nền kinh tế của Trung Quốc đang bùng nổ nhờ vào nhân công giá rẻ mạt, đây chính là lợi thế lớn nhất của đất nước này trong sân chơi toàn cầu. Các nhà sản xuất có trong tay lượng nhân công dồi dào với giá rẻ, có tay nghề cao và thậm chí không thua kém mấy so với nhân công của các nước phương Tây.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể Chinesefactoryworkerstop_8a925
Trong những năm tháng sống tại Trung Quốc, đã có nhiều công nghệ đến và đi, nhưng chưa từng có thứ gì khiến cho các nhà sản xuất hào hứng như Android. Một hệ điều hành mở, ổn định và cho phép các nhà sản xuất phát triển chúng mà không gặp nhiều trở ngại.

Phương Tây có một nét đặc trưng riêng trong quá trình sản xuất mà Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp được, đó là chất lượng. Đây chính là yếu tố khiến cho các sản phẩm của phương Tây có chất lượng trung bình tốt hơn nhiều so với các sản phẩm Trung Quốc. Và thay vì phải đánh cược công việc kinh doanh của mình vào quá trình phát triển một hệ điều hành riêng, Trung Quốc hẳn phải rất vui mừng vì sự xuất hiện của Android, hệ điều hành này cho phép họ có được một nền tảng vững chắc để xây dựng sản phẩm.

Tuy nhiên ở đây lại nảy sinh một vấn đề về bản quyền. Trong khi các công ty phương Tây cực kỳ tôn trọng và khắt khe trong luật bản quyền thì môi trường tại Trung Quốc lại khác hẳn. Ở đây bất kỳ một công ty nào cho ra một sản phẩm mới đều có thể bị đối thủ làm nhái lại, nói cách khác, thành công tại Trung Quốc thường gắn liền với làm nhái.

Điều này lý giải tại sao các công ty phương Tây có thể làm ăn yên ổn tại Trung Quốc. Ví dụ điển hình là Apple, một công ty đề cao luật bản quyền đã không thể ngăn chặn các sản phẩm nhái tràn lan tại thị trường đông dân này. Cho dù chúng có mẫu mã gần như giống hệt nhưng chất lượng bên trong không thể bì kịp với đồ Apple.

Vậy tại sao thị trường Trung Quốc rất chào đón Android? Hệ điều hành này cho phép các hãng sản xuất của Trung Quốc nâng cao chất lượng sử dụng của các sản phẩm mà chẳng tốn chút công sức hay vi phạm bất kỳ một điều luật nào. Đây là cơ sở giúp cho các nhà sản xuất chip như Rock Chips và Box Chips đặt nền tảng để phát triển một thế hệ bộ xử lý mới, nhanh hơn cùng với khả năng hỗ trợ phiên bản Android mới nhất. Việc Android đang rất phổ biến, các hãng của Trung Quốc thì có một nguồn nhân lực công nghệ dồi dào đã khiến cho các hãng sản xuất chip từ phương Tây bị cạnh tranh khá gay gắt.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể Rockchip_99620
Những nhà sản xuất khác tại Trung Quốc sẽ được hưởng lợi, họ có một nguồn cung cấp bộ xử lý rẻ hơn, lượng nhân công lớn. Điều này cho phép họ mở ra những dự án sản phẩm có chất lượng thực sự tốt, với giá cả dễ chịu hơn nhiều. Cho dù công nghệ của Trung Quốc vẫn đang đi sau các nước phương Tây và họ vẫn đang dần làm quen với Android. Tuy nhiên không sớm thì muộn các công ty tại đây sẽ bắt kịp đà phát triển của thế giới, hoặc thậm chí vươn lên dẫn đầu trong kinh doanh, nhờ những lợi thế không nhỏ của họ trong khâu sản xuất.

"Made in China" và những chuyện chưa bao giờ kể Tinhtevn4dbccd307d975Android_0c0ba
Chính Android đã thổi hồn vào các sản phẩm từ Trung Quốc.
Đây cũng là một thành công đối với Google. Trung Quốc là một thị trường cực lớn để hãng này khai thác thông tin người dùng. Theo một khảo sát vào năm 2010, Trung Quốc chỉ có 40 triệu người dùng thẻ ngân hàng và 500 triệu người dùng máy tính. Có khả năng Android chỉ có thể chiếm khoảng 10% trong số các thiết bị được sử dụng tại đất nước này. Như vậy lượng thông tin người dùng mà Google khai thác được sẽ không nhiều bằng các ngân hàng tại nơi đây. Bởi trở ngại lớn nhất chính là việc các thiết bị dùng Android tại Trung Quốc là không chính thống và trao đổi rất ít thông tin với các máy chủ của Google.

Và như đã nói ở trên, việc giá thành của tablet và điện thoại của Android càng ngày càng giảm sẽ giúp Google thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Đó chính là cái lợi mà Google thu được khi các nhà sản xuất tại đây sử dụng Android.

Mô hình hợp tác kinh doanh chi phí thấp, chất lượng phần cứng khá cho phép các hãng như Rock Chips và Box Chips bán được hàng triệu sản phẩm không chỉ chiếm được lòng tin của người dùng thông thường, người dùng khó tính mà có thể còn được xuất khẩu ra ngoài biên giới. Thế mạnh này sẽ thúc đẩy các hãng sản xuất chip tìm đến Android để tạo ra bước đột phá về công nghệ và kinh doanh.

Tham khảo TechRadar
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất