Đọc những dòng lưu bút của liệt sỹ Vũ Xuân trên chặng đường hành quân, tôi như được sống lại những thời khắc oanh liệt và cực kỳ gian khổ ấy...
Theo Nhật ký của liệt sỹ Vũ Xuân, cuộc Nam tiến lần thứ ba của anh được chuẩn bị vào cuối năm 1970, trùng với thời gian những người lính chúng tôi, thuộc Tiểu đoàn 596, Tỉnh đội Ninh Bình, kết thúc 8 tháng huấn luyện để lên đường ra tiền tuyến. Đúng 12 giờ trưa ngày 20.12.1970, đơn vị chúng tôi lên tàu. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy. Như nhiều chiến sỹ khác, lúc bước chân lên tàu và khi tàu chuyển bánh, tôi đều cố vươn cổ nhìn xuống đường xem có gặp được khuôn mặt thân quen nào không...
Ghi chép của anh Vũ Xuân ngày 10.1.1971: “Nhớ về đất Thái”, “người ta” dặn tôi như thế. Nhớ những gì? Nhớ để làm gì? Trong tương lai hậu phương sẽ đón ta, sẽ “ưu đãi” ta sau những ngày gian khổ vất vả từ chiến trường trở về thế nào đây?... Những dòng tiếp theo diễn tả những bức xúc có lẽ đã dồn nén từ lâu, nó cần được lên tiếng, cần được khẳng định. Song, sóng gió của lòng anh đã dừng lại bằng những lời bộc trực chân thành: “Anh đã yêu em suốt những năm tháng của tuổi ấu thơ và trưởng thành.
Mặc dù cuốn Nhật ký Vũ Xuân được anh Vũ Thành, em trai liệt sỹ Vũ Xuân tặng gia đình tôi từ lâu nhưng tình cờ mãi đến cuối tháng 12 vừa qua tôi mới đọc và bị cuốn hút ngay vào cuốn sách. Cũng trong thời gian đó, tôi tình cờ được theo dõi vài tập trong bộ phim Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên. Tôi thực sự nghiêng mình trước tình đồng chí, đồng đội và những nghĩa cử cao đẹp của Đại tá Đỗ Hà Thái, người đã lưu giữ suốt hơn 30 năm qua và giúp đỡ tích cực cho việc xuất bản cuốn nhật ký, cũng như đưa hài cốt liệt sỹ Vũ Xuân về an táng tại nghĩa trang quê hương anh.
Tuổi thơ của em trọn vẹn trong anh, ngắm hình em, sống lại tuổi thơ ấm êm, anh thấy hạnh phúc dạt dào, nguồn hạnh phúc ấy tiếp thêm sinh lực cho anh đã, đang và sẽ vượt qua những trở lực của đường đời”…
Cũng trong những ngày ấy, lòng tôi từng nổi sóng. Có điều cơn cớ để những con sóng của lòng tôi trỗi dậy không giống của anh, bởi tôi trẻ hơn anh và tình cảm của tôi với người con gái nơi quê nhà cũng trẻ con hơn mối tình của anh nhiều lắm. Tôi không có người con gái nào thân thiết từ tuổi thơ, thân đến mức khi trưởng thành rồi có thể là bạn thân, thành người yêu ấy, dù hoàn cảnh gia đình, môi trường sinh ra và lớn lên của tôi cũng có nhiều nét tương tự với anh. Mãi đến hôm vào viện cắt amidan trước khi nhập ngũ, tôi mới thấy xuất hiện một cô gái lặng lẽ ngồi chứng kiến cảnh các bác sỹ, y tá căng miệng tôi để cố cắt đi cái cục thịt trong cổ họng, mà theo họ nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của chúng tôi (?!). Cô ấy lại còn giúp mẹ tôi vừa thay những chiếc khăn đẫm máu vừa thao thao kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện về ngôi trường của chúng tôi, về lớp của cô ấy (cô học sau tôi hai lớp), về điều mà cô ấy nói là cô và các bạn rất tự hào khi biết tôi là học sinh lớp 10 duy nhất của Trường cấp III A Kim Sơn vừa đi thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc lại tình nguyện tòng quân dịp này. Chính cô là người đầu tiên ghi những dòng lưu niệm thiết tha tình bạn, tình hậu phương với người ra tiền tuyến vào cuốn sổ mà tôi đã lưu giữ, đã ghi nhật ký vào đó trên chặng đường hành quân từ Bắc, qua Lào cho đến khi chuẩn bị rẽ sang Kon Tum. Cuốn sổ đó tôi đã trao gửi về gia đình, nhưng tiếc rằng tôi không được cầm lại cuốn sổ đó, vì đã thất lạc...
Tôi chẳng nhớ mình đã nhắc đến người con gái nói trên được bao nhiêu lần, còn anh thì tôi đếm được 46 trang anh có nhắc đến người phụ nữ của mình, trong đó có 2 bức thư anh viết nhưng không gửi, khá dài. Những dòng anh viết về chị sao mà nhiều cung bậc, nhiều luyến láy. Anh trích thư của chị cũng nhiều, có đoạn trích tới ba lần. Hờn giận đấy, rồi dạt dào yêu thương…
Khác với anh, tôi chỉ có một kỷ vật của tình yêu là tấm hình cỡ 3x4, được cô gái trao tặng nhân lần tôi bắn đạn thật đạt 29 điểm, đơn vị thưởng cho 3 ngày phép, cùng một người bạn rời khỏi đơn vị trong đêm, về đến nhà chỉ kịp trình giấy phép cho bố và lấy xe đạp vượt trên chục cây số đến bày tỏ tình cảm và được đón nhận. Có điều, chỉ vài tháng sau, tôi nhận được bức thư khá dài, nói gần nói xa rồi cô xin được nhận tôi làm anh trai. Cô còn kết thúc bức thư bằng một câu thơ được viết khá nắn nót:
Xa rồi, xa mãi, có khi xa không thấy
Nhưng
Nhớ rồi, nhớ mãi, nhớ không quên
Đợt nghỉ phép trước lúc đi B mà tôi đã nói ở trên, dẫu biết là không chỉ có một người con gái khác đang săn đón, muốn được tiễn đưa chu đáo, tôi vẫn quyết lên đường với mối tình đầu đã tuyệt. Thế nhưng, suốt chặng đường hành quân vào Nam, tôi vẫn mang tấm hình ấy, vẫn viết những dòng ngẩn ngơ về người con gái ấy. Tôi cũng chẳng có thông tin gì về cô. Cho tới một năm sau tôi mới gặp người bạn học cùng Trường và được biết là cô đã trốn gia đình để gia nhập quân đội và đang là diễn viên một đoàn văn công phục vụ trên đường mòn Hồ Chí Minh...
Những dòng ghi ngày 13.2.1971, tại bức thư không gửi thứ nhất của liệt sỹ Vũ Xuân, tôi đã đọc được nhiều trạng thái tình cảm của anh, trong đó anh có trích dẫn 2 câu thơ:
Ngàn năm nào dễ mấy ai quên
Tiếp theo nhật ký của các liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Nhật ký Vũ Xuânlà một trong những di vật quý phản ánh trung thực, rõ nét những suy nghĩ, tình cảm và những trải nghiệm của không chỉ bản thân các liệt sỹ mà còn của đồng chí, đồng đội, của cả dân tộc trong giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước. Những dòng ghi lại trên đây chỉ như những nén tâm nhang tưởng nhớ liệt sỹ Vũ Xuân và cũng là để tôi trải lòng nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày chúng tôi rời miền Bắc thân yêu lên đường nghe theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, chỉ với mục đích như anh Vũ Xuân và cả dân tộc ở thời điểm đó là:“Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai”.
___________
* Nhật ký Vũ Xuân, NXB Quân đội nhân dân, 2005
Ủy viên Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ
Kỳ sau: Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân