Xúc động rơi nước mắt là cảm xúc chung của những người có mặt trong buổi họp báo ra mắt “Đừng đốt”, bản anh hùng ca được xây dựng từ cuốn sách bán chạy kỷ lục năm 2006. Bộ phim đã ra mắt khán giả toàn quốc vào dịp 30/4/2009.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh.Ảnh:
Ngọc Trần. Đừng đốt. Phim có điều kiện để thực hiện những đại cảnh hoành tráng. Mọi chi tiết liên quan đến máy bay, phục trang, khí tài, cháy nổ, quân chủng... đều nhận được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, nên tránh được sự dúm dó của nhiều bộ phim về chiến tranh. Phần nhạc do hai nhạc sĩ người Hungary là Benedicfi Zoltan, Benedicfi Istvan đảm nhận cùng với khả năng vào loại hàng đầu Việt Nam của kỹ sư âm thanh Bành Bắc Hải đã đem đến hiệu ứng đặc biệt cho bộ phim, góp phần lột tả tính chất khốc liệt, bi hùng của cuộc chiến tranh.
Đặng Nhật Minh cho biết, ngay từ khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản, ông đã ấp ủ dự định làm phim dựa trên cuốn sách này. Sau Bao giờ cho đến tháng mười, Đặng Nhật Minh tiếp tục chứng tỏ đẳng cấp khi làm phim về đề tài những di sản chiến tranh Việt Nam. Thành công của ông có lẽ bắt nguồn từ sợi dây liên kết đặc biệt giữa ông và nữ bác sĩ trẻ. Đặng Thùy Trâm từng là học trò của Giáo sư Đặng Văn Ngữ, thân phụ của đạo diễn Đặng Nhật Minh và cả 2 đều hy sinh anh dũng ngoài chiến trường. Ông tâm sự: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi trong số khá nhiều kịch bản đệ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt, kịch bản của tôi đã được chọn. Trong quá trình thực hiện, đến đâu đoàn phim cũng nhận được sự yêu mến của người dân. Đừng đốt là một nén hương tưởng niệm Đặng Thùy Trâm, nữ bác sĩ đã hy sinh vì tổ quốc trong cuộc kháng chiến. Đó là tấm lòng những người làm phim chúng tôi”.
Diễn viên Minh Hương - vai Đặng Thùy Trâm - cho biết,
hai tháng làm phim là kỷ niệm lớn mà cô không quên trong suốt cuộc đời.Ảnh:
Đoàn làm phim cung cấp. Diễn viên Minh Hương - vai Đặng Thùy Trâm - cho biết, hai tháng làm phim là kỷ niệm lớn mà cô không quên trong suốt cuộc đời. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.
Đặng Nhật Minh cũng chia sẻ về quá trình làm phim của mình: “Bộ phim được quay ở cả Việt Nam và Mỹ. Phim có 7 diễn viên Mỹ chuyên nghiệp, được tuyển chọn qua Hiệp hội các diễn viên của New York. Khi tôi gặp những diễn viên này, trên tay họ đều cầm cuốn sách Đêm nay tôi mơ thấy hòa bình (bản tiếng Anh nhật ký Đặng Thùy Trâm), khiến tôi rất cảm động. Một điều mừng nữa của tôi là gặp được diễn viên Minh Hương. Bác Doãn Ngọc Trâm cũng nói Minh Hương hao hao giống cô con gái của mình”.
Trong khi đó, nữ biên tập viên của kênh VTC cho biết, cô vô cùng bất ngờ khi được chọn vào vai Đặng Thùy Trâm. “Sức ép đối với tôi khi nhận vai diễn này không phải nhỏ bởi đây là một câu chuyện có thật và quá nổi tiếng chứ không phải là một tác phẩm hư cấu. Rất khó để thể hiện tình cảm và tính cách của nhân vật, nhất là làm sao để ngay bản thân gia đình chị Thùy khi xem phim phải nhận ra một phần con gái của họ ở trong đó. Thời sinh viên tôi cũng từng đọc qua cuốn nhật ký này nhưng đó chỉ là theo phong trào. Khi vào vai, tôi không có gì khác ngoài cuốn sách. Đó là căn cứ duy nhất giúp tôi hiểu được tâm hồn chị Thùy Trâm. Tôi cho rằng, tôi có duyên với vai diễn này. Khi nhận vai, tôi 27 tuổi, vừa bằng tuổi chị Đặng Thùy Trâm ngày xưa và ngay sau vai diễn, tôi mang bầu. Nhiều người bảo tôi, chị Thùy Trâm không cho tôi mang bầu trước để hoàn thành công việc”. Minh Hương tỏ ra hài lòng với diễn xuất trong bộ phim nhựa đầu tay của mình. Cô tâm sự, cảnh diễn khó nhất không phải là những ca mổ hay rơi nước mắt mà là đi trong làn đạn nổ, bởi lần đầu tiên cô tiếp xúc với lựu đạn. Khi những quả nổ chỉ cách mình có vài bước chân, nữ diễn viên chính của Đừng đốt cảm giác rất sợ hãi nhưng chính điều đó giúp cô vào vai thật hơn.
Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bật khóc khi nói về con gái.Ảnh:
Ngọc Trần. Khi được hỏi điều gì khiến cô nuối tiếc vì chưa được thể hiện trong bộ phim này, Minh Hương cho biết: “Khi xem kịch bản, bản thân tôi muốn diễn tả thêm sự khốc liệt của cuộc chiến. Trong nhật ký có chi tiết chị Thùy chính tay đào mồ chôn thương binh. Tôi nghĩ cảnh đó rất xúc động và nếu như được diễn cảnh đó tôi sẽ cố gắng hết sức. Rất tiếc, ngay từ đầu đạo diễn Đặng Nhật Minh đã nói với tôi, bộ phim không thiên về lột tả sự bi thương của chiến tranh mà chỉ muốn làm nổi bật lên tâm hồn đẹp của chị Thùy”.
Mẹ của nữ bác sĩ anh hùng cũng bày tỏ nhiều nuối tiếc về những điều Đừng đốtchưa thể hiện đúng theo như tưởng tượng của người thân, chưa giống với Đặng Thùy Trâm trong thực tế. Bà Doãn Ngọc Trâm nói phim có nhiều chi tiết không đúng như: Đặng Thùy Trâm thường hát cho bệnh nhân nghe để họ giảm bớt cảm giác đau chứ không phải bệnh nhân yêu cầu chị hát, khi chị mất không có giấy báo tử, cuộc tiễn đưa Đặng Thùy Trâm là bí mật nên không có đông người đưa tiễn như trong phim, người cựu chiến binh Mỹ khi qua Việt Nam tìm gia đình thân nhân Đặng Thùy Trâm đã thông qua một tổ chức chứ không lặn lội thuê xe ôm đi dò hỏi... Tuy nhiên, bà đánh giá bộ phim đã thể hiện được tinh thần cuốn nhật ký và hy vọng qua bộ phim này thế giới sẽ biết nhiều hơn đến con người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.
Ngọc Trần - VnExpress