(QT) - Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972 mãi là khúc tráng ca trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong hoang tàn đổ nát của Thành Cổ ngày ấy, trên những con đường ngổn ngang gạch đá và nham nhở vết đạn pháo, hình ảnh nụ cười thật tươi, hồn hậu của o du kích Phan Thị Lệ bên bức tường duy nhất còn sót lại của “chảo lửa” Thành Cổ qua khoảnh khắc bấm máy của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính có sức biểu cảm kỳ lạ, là sức mạnh tinh thần chiến thắng nỗi sợ hãi và đạn bom hủy diệt của quân thù.
O Phan Thị Lệ bên bức ảnh chụp tại Thành Cổ Quảng Trị tháng 8/1972. Tôi tìm về nhà o Phan Thị Lệ ở số 21/24, đường Đặng Tất, khu phố 4, phường 1, thành phố Đông Hà vào một buổi chiều, sau rất nhiều cuộc hẹn không thành. Ngồi trước mắt tôi, người con gái hồn nhiên, gan dạ năm xưa giờ đã luống tuổi, khuôn mặt phúc hậu, khóe miệng luôn cười, nhưng đôi mắt thì nặng trĩu âu lo vì cuộc mưu sinh. Khi tôi hỏi về những năm tháng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ bộ đội trong chiến dịch Xuân- Hè 1972, thì ký ức về đồng đội, về những năm tháng thời hoa lửa ấy lại ùa về vẹn nguyên trong o.
O Lệ sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Cha, mẹ của o là người có công nuôi giấu bộ đội, 3 người anh của o đi bộ đội, chị gái là Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn, phụ trách làm giao liên. Năm 1966, chị gái đi lấy chồng, o Lệ lúc đó mới vừa tròn 11 tuổi thay chị làm giao liên đưa công văn, giấy tờ, nhu yếu phẩm cho bộ đội từ hậu cứ về.
Đến năm 1972, gia đình tập kết ra Vĩnh Linh, o Lệ trốn nhà ở lại tham gia du kích xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, sống tập trung, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ vùng đất phía Bắc sông Thạch Hãn. Khi cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị trở nên ác liệt nhất, ngày 16/8/1972, o Phan Thị Lệ (17 tuổi) và Lê Thị Hảo (20 tuổi) xung phong tình nguyện đưa phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính và bộ đội vượt sông Thạch Hãn để vào Thành Cổ. Lúc đó ai cũng ngăn cản, vì qua sông đã khó, vào được Thành Cổ càng khó khăn hơn gấp bội, có thể không bao giờ còn trở về được nữa.
Nhưng o vẫn cứ cương quyết: “Dù răng tui cũng biết Thành Cổ nằm dọc hay ngang, chứ chú nhà báo và mấy anh bộ đội thì mần răng biết đường mà vô trong nớ. Ai cũng sợ thì làm răng ta thắng nổi địch?”. Trước lúc lên đường, chú nhà báo hỏi lại o và chị Hảo lần nữa để xác định quyết tâm. Cả hai đều trả lời: “Đi, chiến tranh bom đạn đầy trời, chết thì ở mô mà chẳng chết”.
O Lệ kể: Lúc đó o còn chưa biết vì sao nhà báo lại phải vào tận trong Thành Cổ để chụp ảnh. Nhà báo Đoàn Công Tính giảng giải cho hai o hiểu và o chỉ có một yêu cầu: "Nếu tất cả còn sống thì khi về Hà Nội chú nhớ phóng cho cháu một tấm ảnh thiệt to để làm kỷ niệm thời thanh niên sôi nổi của cháu”. Rứa là đi. Hơn 12 giờ đêm, tui, chị Hảo và chú nhà báo bơi qua sông cùng với một đại đội bộ đội phiên hiệu 312 từ miền Bắc mới vào bổ sung cho chiến trường.
Vừa mới đặt chân xuống sông, pháo sáng, pháo chùm của địch nã tới tấp. Qua tới bờ bên kia lại tiếp tục chạy trong làn đạn pháo bắn xối xả xuống mặt sông. Đêm hôm đó, chúng tôi lao vào hầm chỉ huy trung tâm, sau này mới biết đó là dinh tỉnh trưởng, đợi trời sáng. Sáng hôm sau, vừa mới lên khỏi hầm, chú nhà báo đang chụp mấy kiểu ảnh thì bom địch dội xuống, lại tiếp tục chạy, chạy đến mất cả dép, tui và chị Hảo chạy trước, mấy anh bộ đội chạy sau, đến chỗ nào có thể chọn làm công sự được thì dừng lại. Bom địch dội xuống kinh hoàng rứa, không chạy thì chỉ có chết. Rồi o cười, chỉ vào tấm hình o chụp cùng đồng đội bên mảng tường còn sót lại của Thành Cổ, hai chân chỉ còn một chiếc dép.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nói vui rằng, để “trả ơn” cho hai o du kích dũng cảm mở đường đưa mình vào Thành Cổ Quảng Trị, ông bấm cho họ mấy kiểu ảnh ở chân tường Thành Cổ nham nhở vết đạn. Đạn vẫn rít trên đầu nhưng họ vẫn nở những nụ cười thật tươi.
Chụp ảnh xong, họ lại hồn nhiên lao vào khói bom tìm kiếm thương binh. Với ông, họ là những người anh hùng và những bức ảnh mà ông có được không thể gọi là bức ảnh thông thường, mà là xương, là máu của những người lính. Tôi hỏi: “Chiến tranh ác liệt là thế, lúc đó o có nghĩ đến cái chết không?”. O Lệ nói: “Thanh niên lúc đó ai cũng hăng say đánh giặc, mỗi người một việc, có nghĩ đến chuyện chết chóc chi mô. Với lại, ngày nào cũng đối mặt với bom đạn, thành quen”.
Chiến thắng Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972 đã tạo đà lợi thế cho ta trên bàn đàm phán Hiệp định Paris năm 1973. Sau ngày đất nước thống nhất, o Lệ đi làm công nhân Xí nghiệp Bánh kẹo Đông Hà. Đến năm 1990, o chuyển sang làm công nhân Nhà máy Bia Đông Hà. Do sức khỏe không đảm bảo nên o xin về nghỉ chế độ 176. Hỏi chuyện chế độ, công trạng, o cười hiền: “Lúc chiến tranh có ai nghĩ làm cách mạng để sau này được hưởng chế độ đãi ngộ gì đâu. Hòa bình còn sống sót khỏe mạnh, so với biết bao đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống là thấy hạnh phúc lắm rồi”.
Nói vậy, nhưng những người như o Lệ, o Hảo đang đi làm ăn kinh tế mới ở miền Nam, hay những người khác chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ bộ đội trong chiến dịch Xuân- Hè 1972, trong 81 ngày đêm đỏ lửa bảo vệ Thành Cổ đến bây giờ vẫn chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ nào khiến lòng tôi quá đỗi băn khoăn... Chuyện o Lệ đi làm huân chương kháng chiến kể mới cười ra nước mắt.
Trong giấy chứng nhận của Hội đồng thi đua khen thưởng thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà) ký xác nhận bà Phan Thị Lệ tham gia kháng chiến từ tháng 4/1966, là cơ sở liên lạc giữa điệp báo thị Quảng Hà với xã đội Triệu Thượng. O Lệ được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 27/4/1996. Thời gian tham gia kháng chiến là 9 năm 4 tháng, nhưng cán bộ làm hồ sơ thủ tục lại bắt bẻ: “Làm chi có chuyện tham gia kháng chiến từ khi 11 tuổi?”, thế là o chỉ được nhận 360.000 đồng, tương đương với 3 năm tham gia kháng chiến.
O buồn lòng, tự hỏi không biết khi mình tham gia kháng chiến, chú cán bộ đó đã được sinh chưa mà dám hạch sách mình? Chuyện o về nghỉ chế độ 176 cũng chỉ được tính thời gian tham gia kháng chiến là 3 năm, từ 1972- 1975. Vì thế, khi có thông báo làm hồ sơ tham gia dân quân du kích theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, o Lệ ngần ngại không làm . Khi hỏi chuyện về thu nhập hay mức sống của gia đình, o đều lảng tránh. Riêng chuyện về những năm tháng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ bộ đội thì o vẫn say sưa như thuở mười tám, đôi mươi.
Trong căn nhà nhỏ của o, cùng với tấm Huân chương Kháng chiến hạng Ba được treo trạng trọng ở góc nhà, những tấm ảnh thời chiến tranh, thời tuổi trẻ sôi nổi và những tấm ảnh đồng đội gặp nhau sau ngày giải phóng, đặc biệt là tấm ảnh của o cùng đồng đội được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính chụp tại Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, với o là những kỷ vật vô giá. Căn nhà nhỏ này cũng là nơi chứng kiến những cuộc hạnh ngộ thấm đẫm nghĩa tình đồng chí, đồng đội, mà lần gặp nào cũng vui, cũng nghẹn ngào nước mắt.
Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc vô bờ bến trong ánh mắt khi o nói về miền quê của mình ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, bên dòng sông sử thi-dòng sông Thạch Hãn. Ở đó, cứ vào dịp lễ trọng, đồng chí, đồng đội của o lại sum vầy, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đã qua, những năm tháng hào hùng thời binh lửa không thể nào quên.
Bài, ảnh: THANH HẢI