Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về thứ tự sinh tác động nhiều đến tính cách của mình như thế nào với các bài viết bên dưới, nhưng có thể tóm tắt như sau:
Con trưởng
Con trưởng thường chu đáo, tham vọng, và hơi lấn át trong các mối quan hệ. Bên cạnh đó, giới tính cũng có ảnh hưởng lớn: trưởng nam thường có xu hướng là người dẫn dắt, gánh vác trách nhiệm; trong khi đó trưởng nữ thường độc lập, tháo vát, có phần hung hăng và chuyên quyền.
Anh chị lớn luôn là "số Một" trong mắt em nhỏ (Ảnh: Inmagine)
Con thứ thường là những người ít cố định nhất (vì chỉ có thể có 1 con trưởng, 1 con út, nhưng còn vai trò ở giữa thì luôn có thể thay đổi). Nhìn chung, những người sinh ra là con giữa thường giỏi thỏa hiệp – vì họ thường phải hòa giải, làm cầu nối giữa anh chị lớn “độc tài” và đứa em mè nheo. Tuy nhiên, một số người là con giữa có thể giữ kẽ và không thể hiện nhiều.
Con út
Con út thường được cưng chiều, “có quyền” nhõng nhẽo lâu hơn anh chị mình (và nhiều khi nhõng nhẽo với anh chị mình là chính). Những “em bé” này thường nghịch ngợm nhất, ít thích trách nhiệm nhất, ít khao khát quyền lực nhất. Tuy nhiên, điều này có thể khác nếu con út được sinh ra sau anh chị mình khá lâu – trong trường hợp này, “em bé” của gia đình có thể sẽ theo xu hướng của con một, hoặc theo vai vế là anh chị lớn, giống như một thế hệ trong gia đình bắt đầu lại từ đầu vậy.
Con một
Con một thường được nâng niu, cưng chiều, tập trung sự chú ý của gia đình và do đó có thể gặp phải khó khăn trong việc chia sẻ “sân khấu” với bất cứ ai. Nhưng không phải con một nào cũng như vậy. Nhìn chung, nhiều người là con một xử sự có phần giống với con trưởng đầy trách nhiệm; thậm chí con một còn có thể trưởng thành sớm hơn so với những người có anh chị em, do thời gian họ tiếp xúc với người lớn nhiều hơn.
Và hãy xem các vị trí sẽ “khớp” với nhau thế nào nhé:
Con trưởng – con trưởng
Chẳng hạn Bill và Hillary Clinton – cặp đôi đầy quyền lực trên chính trường, mạnh mẽ, tham vọng. Một cặp đôi con trưởng có thể thường xuyên đối đầu bởi cả hai đều muốn kiểm soát trong mọi tình huống. Họ có thể cãi nhau từ việc xem phim gì, sống ở đâu, nuôi con thế nào… Tất nhiên là mối quan hệ nào cũng có những vấn đề riêng, nhưng khi cả hai con người đều có tính cách mạnh, lấn áp, đã quen với việc làm theo cách của mình thì có thể cảm thấy căng thẳng hơn.
Mẹo: Hãy cố hiểu rằng khi cảm giác, ý chí của bạn về một vấn đề mạnh mẽ thế nào thì với bạn đời của bạn cũng như vậy. Cứ cố đối đầu nhau thì chỉ u đầu mẻ trán, gây những tổn thương ngoài mong muốn cho cả hai bên; vậy nên hãy ghi nhớ đặt mình vào vị trí của người khác, dùng chính cảm giác của mình để thấu hiểu “đối phương” và bình tĩnh tìm ra cách thỏa hiệp.
Bill và Hillary Clinton - một ví dụ của cặp đôi con trưởng quyền lực (Ảnh: Internet)
Sự kết hợp này nhìn chung là ổn, nhưng người con thứ có thể có xu hướng nhún mình, nhường nhịn rốt cuộc dẫn đến nguy cơ từ bỏ giấc mơ riêng. Tất nhiên, chuyện này cũng tùy thuộc vào mức độ lấn áp của “một nửa” là con trưởng, và việc “một nửa” là con giữa linh động đến đâu. Hãy nhớ rằng còn có những yếu tố có thể tác động như giới tính và khoảng cách tuổi: với những anh chị em sàn sàn tuổi nhau, tính cách “trưởng – thứ – út” sẽ rõ rệt hơn so với những anh chị em cách nhau nhiều tuổi.
Mẹo: Nếu bạn là con thứ, hãy dùng khả năng thỏa hiệp của mình để quyết định điều gì bạn có thể để cho “một nửa” thích quyền lực của mình quyết định, và điều gì bạn sẽ can thiệp vào. Bạn là người có thể điều chỉnh để đấu tranh hay từ bỏ!
Con trưởng – con út
Với sự kết hợp này, người là con út nhận được sự chăm sóc, còn người là con trưởng sẽ chẳng bị ai tranh giành quyền lực. Những người là con út trong nhà thường cần được quan tâm, chú ý, trong khi đó những người là con trưởng vốn đã có một khoảng thời gian là độc tôn trong nhà không cần tìm kiếm điều đó nữa.
Mẹo: Có những tính cách nghe như trái ngược nhưng như phân tích, các bạn hoàn toàn có thể hòa hợp và bổ sung cho nhau. Nếu kết hôn với một người là con út, đừng xem thường, chê bai, quy kết tất cả những gì bạn thấy và ngứa mắt như sự thiếu trách nhiệm; thay vào đó, hãy cùng chồng mình khám phá, đi chơi, học cách tận hưởng cuộc sống. Ngược lại, nếu bạn là con út và kết hôn với người là con trưởng, bạn có thể học được nhiều điều từ sự chín chắn và nghiêm túc của bạn đời của mình.
Con thứ – con thứ
Những người nhạy cảm, khéo léo thỏa hiệp khi cùng ở bên nhau có vẻ như là một sự kết hợp hạnh phúc lý tưởng. Tuy nhiên, nếu hai bạn đều thuộc tuýp giữ kẽ thì có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi duy trì giao tiếp với nhau.
Mẹo: Hãy thường xuyên và thẳng thắn trao đổi, tâm sự với nhau về các vấn đề trên trời dưới biển, từ chuyện tiền nong đến con cái, nhà cửa đến công việc, động viên nhau theo đuổi ước mơ riêng kẻo những nhu cầu cá nhân của các bạn sẽ cùng bị chìm theo sự hi sinh bất tận.
Con út – con thứ
Nói chung, những người con thứ thường không gặp phải nhiều khó khăn trong việc có được mối quan hệ hòa thuận, nhưng sự kết hợp này cũng có thể có vài vấn đề. Đó là bởi vì người con thứ linh hoạt thường bị cuốn theo phong cách của người khác. Một người con thứ có em nhỏ hơn nhiều tuổi thường có xu hướng cư xử như con út, còn nếu có anh chị lớn hơn nhiều tuổi thì có thể có xu hướng như con đầu.
Mẹo: Hãy ngẫm nghĩ xem nếu bạn là con thứ, bạn nghiêng về xu hướng kiểm soát hơn hay về hướng trẻ con nhiều hơn để có thể áp dụng đúng “phương pháp điều trị”.
Cuộc sống của một cặp đôi con út có thể đầy tiếng cười và những điều thú vị (Ảnh: Inmagine)
Cặp đôi này sẽ cùng nhau vui đùa, mạo hiểm, vô tư vô lo. Vấn đề ở đây là không có người muốn đứng ra gánh vác trách nhiệm gia đình, quản lý tài chính hay đưa ra những quyết định quan trọng. Và sau khi có con, các bạn lại phải đối mặt với một vấn đề đau đầu khác: cả hai đều thích làm bạn của con hơn chứ không muốn làm bố mẹ với trách nhiệm phải nghiêm túc và nghiêm khắc dạy con, và điều này có thể dẫn đến một số bất hòa.
Mẹo: Hãy cùng nhìn nhận xem mỗi người giỏi những việc gì để phân công lao động, chia nhau chịu trách nhiệm chính với từng lĩnh vực trong nhà thay vì đùn đẩy nhau hoặc nghĩ rằng sẽ có một cô Tấm hiện ra nhặt thóc cho nhà bạn.
Con một – …
Tính cách của những người là con một chưa được nghiên cứu nhiều bằng những vị trí cụ thể trưởng – thứ – út. Phần đông mọi người vẫn cho rằng con một sẽ giống như con trưởng, vì dù sao đi nữa thì họ cũng là đứa con đầu tiên (và duy nhất) của gia đình; nhưng họ chưa bao giờ làm “sếp” với các em nào cả. Con một với con trưởng có thể hợp nhau nếu con một không có quá nhiều tính cách và cách hành xử “con trưởng”. Con một và con út có thể gặp vấn đề nếu như con một không có nhiều kinh nghiệm “đối phó” với những “em bé” của gia đình. Trong khi đó, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi con một và con thứ hợp với nhau, vì con thứ đã quen với cả tính cách sếp sòng lẫn mè nheo con nít của “nửa kia” của mình.
Mẹo: Nếu bạn kết hôn với người con một, hãy xem bạn đời của mình nghiêng về phía nào – trưởng hay út – để từ đó nắm được cách ứng xử phù hợp. Và nếu bản thân là con một, bạn có thể sẽ không gặp phải nhiều vấn đề với bạn đời của mình, bất kể người này là con thứ mấy trong gia đình, nếu bạn đã luôn thích có anh chị em.