Dân biểu Mỹ Dennis Kucinich đã viết như vậy khi nhìn lại cuộc chiến Iraq, 10 năm sau. Một lần nữa, thử nhìn lại từ bao giờ và như thế nào mà cuộc chiến này đã được dựng lên…
Bài 1: Những phác thảo đầu tiên
Bắt đầu từ lúc nào?
Từ cuối tháng 12/2001, Nhà Trắng đã lập kế hoạch đánh Iraq, bắt đầu từ các cuộc gặp liên tục giữa Bush và tướng Tommy R. Franks. Kế hoạch càng mở rộng trong suốt năm 2002 khi CIA kết luận rằng, Saddam Hussein không thể lật đổ nếu không bằng biện pháp nắm đấm quân sự. Trước đó, ngày 21/11/2001 (72 ngày sau vụ khủng bố 11/9), Tổng thống Bush đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld lập kịch bản đánh Iraq. Ngày 16/2/2002, ông Bush ký lệnh yêu cầu CIA trợ giúp Lầu Năm Góc.
Vài tháng sau, tháng 7/2002, một nhóm CIA đã bò vào Bắc Iraq, tổ chức công tác do thám, đồng thời huấn luyện 87 người Iraq (mật danh ROCKSTARS - những ngôi sao rock) với nhiệm vụ cung cấp toàn bộ thông tin liên quan tình báo - quốc phòng Iraq, trong đó có một CD-ROM chứa hồ sơ cá nhân thành viên Tổ chức An ninh Iraq (SSO).
Hè 2002, ông Bush chuẩn y 700 triệu USD cho công tác chuẩn bị chiến trường vùng Vịnh, trong đó việc nâng cấp phi trường, căn cứ, đường ống dẫn nguyên liệu và đổ đầy kho đạn dược. Lấy từ ngân sách được Quốc hội chuẩn y cho Afghanistan, Nhà Trắng đã âm thầm qua mặt Quốc hội trong kế hoạch Iraq. Cũng trong hè 2002, xung đột giữa Ngoại trưởng Colin Powell và Phó tổng thống Dick Cheney bắt đầu căng thẳng.
Trong khi Powell đòi đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Cheney lại cho rằng việc này chỉ tổ phí thời giờ. Đồng minh Powell là Brent Scowcroft, nguyên cố vấn an ninh quốc gia thời Bush-cha.
Tổng thống Bush (giữa) cùng các cộng sự
Cuối năm 2002, ông Bush bắt đầu hết kiên nhẫn trước tiến trình thanh sát vũ khí của Hans Blix. Không lâu sau ngày đầu năm 2003, ông Bush nói với cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice rằng: “Chúng ta sẽ không thắng (trong chiến dịch ngoại giao). Thời gian không bên cạnh chúng ta. Có lẽ chúng ta buộc phải đi đến giải pháp chiến tranh”.
10 ngày sau, ông Bush thông báo quyết định của mình cho cố vấn Tổng thống Karl Rove rồi sau đó là ông Cheney, Powell, Rumsfeld và cả Đại sứ Arập Xêút Bandar bin Sultan. Ngày 11/1/2003, ông Cheney mời ông Bandar bin Sultan đến văn phòng riêng tại chái Tây (Nhà Trắng). Cuộc họp có sự tham gia của Rumsfeld và tướng Richard B. Myers (Chủ tịch Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ).
Trên bàn ông Cheney, ông Myers trải tấm bản đồ to ghi “TOP SECRET NOFORN” (Tuyệt mật - Không dành cho người nước ngoài). Tiếp đó, ông Myers trình bày phần thứ nhất của kế hoạch chiến tranh, trong đó có chiến dịch oanh tạc dữ dội suốt nhiều ngày và mục tiêu chủ yếu là các sư đoàn Vệ binh cộng hòa Iraq cũng như Bộ Tư lệnh quân đội Saddam Hussein. Cuộc chiến trên bộ sẽ tiếp theo, với lực lượng bộ binh Mỹ kéo vào Iraq từ Kuwait, phối hợp mặt trận phía bắc từ Thổ Nhĩ Kỳ (nếu nước này cho phép).
Ngoài ra, còn có kế hoạch triển khai lực lượng đặc nhiệm cũng như tình báo bán vũ trang, đột nhập tất cả địa điểm mà Saddam có thể phóng tên lửa hoặc máy bay vào Arập Xêút, Jordan hoặc Israel. Đặc nhiệm còn có nhiệm vụ phát 300 triệu USD cho các thủ lĩnh sắc tộc địa phương, thủ lĩnh tôn giáo và sĩ quan cấp cao quân đội Saddam.
“Một khi chúng tôi bắt đầu, Saddam sẽ bị nướng chín”!
Lính đặc nhiệm sẽ xuất phát từ biên giới Iraq - Arập Xêút và do vậy nhất thiết phải có sự trợ giúp che chắn từ Chính phủ Arập Xêút. Bandar bin Sultan cho biết Arập Xêút có thể che giấu sự xuất hiện của lính đặc nhiệm Mỹ bằng cách đóng cửa một sân bay dân sự tại Al Jawf ở sa mạc phía bắc, tung liên tục các trực thăng dọc biên giới để nghi binh làm như tuần tra rồi lẳng lặng rút lui.
Trong thời gian đó, đặc nhiệm Mỹ có thể lập căn cứ dã chiến mà không gây chú ý. Nhìn chằm chằm vào tấm bản đồ tuyệt mật, Bandar bin Sultan (nguyên là phi công chiến đấu) hỏi vài câu liên quan chiến dịch oanh tạc. Liệu có thể đưa một tấm bản đồ tương tự về Arập Xêút cho Thái tử Abdullah? - Bandar bin Sultan hỏi. “Điều này vượt quá quyền hạn của tôi” - Myers trả lời. “Chúng tôi sẽ trao tất cả thông tin mà ông cần” - Rumsfeld châm vào. “Phần tấm bản đồ” - Rumsfeld nói thêm - “Tôi sẽ không đưa ông. Tuy nhiên, ông có thể ghi chú nếu ông muốn”. “Liệu Saddam Hussein có cơ hội sống sót qua chiến dịch quân sự này?” - Bandar bin Sultan hỏi. Cả hai ông Rumsfeld và Myers đều không trả lời. Đến lúc đó, Cheney mới lên tiếng: “Hoàng tử Bandar, một khi chúng tôi bắt đầu, Saddam sẽ bị nướng chín”.
Ngày 5/2/2003, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell khẳng định trước LHQ rằng Iraq có vũ khí hóa học
Trong buổi gặp, ông Bush cho biết mình đã xem xét các ý kiến tư vấn về phản ứng cộng đồng Hồi giáo một khi chiến sự nổ ra. Trong cùng ngày, ông Bush triệu Powell vào Nhà Trắng và thông báo quyết định tấn công Iraq. “Ngài có chắc không?” - Powell hỏi, nhấn mạnh thêm rằng Mỹ nên lường trước hậu quả. Một lần nữa, vẫn khẳng định, hàm ý rằng đây không phải là buổi thảo luận mà là thông báo quyết định. Chẳng còn gì có thể thay đổi.
Ông Powell cũng biết rằng mình đã không được mời tham gia kế hoạch tấn công Iraq ngay từ đầu và chỉ được thông báo chiếu lệ (buổi gặp Powell kéo dài vỏn vẹn 12 phút). Trước khi gặp Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski vào hôm sau, 14/1/2003, phản ứng mất kiên nhẫn của ông Bush về vấn đề Iraq càng lộ rõ hơn. 10 ngày trước, Tổng thống Bush còn nói Saddam Hussein “vẫn còn đủ thời gian”. Tuy nhiên, sáng 14/1/2003, Bush đã nóng nảy phát biểu rằng “thời gian không còn nhiều cho Saddam Hussein”.
Cuộc họp giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Aleksander Kwasniewski thật ra cũng là chiến dịch vận động Ba Lan ủng hộ Mỹ. Trong phiên bàn luận, ông Aleksander Kwasniewski đề nghị tiến hành phân phát lương thực cho dân Iraq song song chiến dịch quân sự. Và như ông Powell, ông Aleksander ông Kwasniewski cũng hỏi về hậu quả của cuộc chiến. Tuy nhiên, với ông Bush, vấn đề bây giờ không là tính toán hậu quả mà là tìm kiếm đồng minh càng nhiều càng tốt cho chiến dịch quân sự. Ít nhất đó cũng là sự thể hiện “ủng hộ quốc tế” trên mặt trận ngoại giao.
“Bằng chứng”
Ngày 5/2/2003, (cựu) Ngoại trưởng Colin Powell Mỹ báo cáo tại LHQ về bằng chứng liên quan vũ khí giết người hàng loạt của Iraq và trước đó (22/1/2003) là bộ hồ sơ 33 trang “Apparatus of lies: Saddam's disinformation and propaganda, 1990-2003” phát hành từ Văn phòng Viễn thông toàn cầu thuộc Nhà Trắng. Tất cả đều mang cùng nội dung (tiết lộ những “bí mật” Iraq về khả năng sản xuất vũ khí đe dọa hòa bình thế giới) và đều cùng mục đích (gây hoang mang công chúng về nguy cơ khủng bố xảy ra bất cứ lúc nào).
Vài tuần trước khi tấn công Iraq, thanh sát viên vũ khí LHQ đã tiếp cận một trong những địa điểm tình nghi nhất Iraq: Abu Ghreib, ngoại ô Baghdad, nơi từng bị bom Mỹ phá hủy ngày 23/1/1991. Iraq cho biết Abu Ghreib là nhà máy sữa, như thông tin từ phóng viên CNN Peter Arnett, nhưng Mỹ vẫn tin rằng nơi này từng là “ổ” sản xuất vũ khí sinh học. Cần nhắc lại, trong cuộc chiến 1991, vài giờ sau vụ không kích (23/1/1991), tướng Colin Powell tường trình tương tự trong cuộc họp báo và tiếp đó nó được nhắc lại từ phát ngôn viên Nhà trắng Marlin Fitzwater.
Saddam Husein bị hành quyết
Nhà Trắng bị sốc. Một ngày sau phóng sự Peter Arnett, phát ngôn viên Nhà Trắng Marlin Fitzwater nói: “Tất cả những gì Peter Arnett trình bày đều được Chính phủ Iraq kiểm duyệt và chuẩn y. Thông tin này sai, làm tổn thương Chính phủ (Mỹ) và là trò ma mãnh của Saddam Hussein”. Nói cách khác, Baghdad vẫn lừa thế giới.
Và như thế, thông điệp “Baghdad lừa gạt thế giới” xuất hiện nhiều lần trong vụ khủng hoảng vùng Vịnh “tập hai”, từ Thông điệp liên bang (28/1/2003) của Tổng thống George W. Bush đến các thông cáo báo chí hằng ngày. Chiến dịch tấn công Iraq “từ bên trong ý thức hệ” đã tiến hành từ cuối năm 2002. Đối tượng bị tấn công không hạn chế và thành phần chính là giới trí thức và quân sự Iraq. Một trong những mặt trận là e-mail.
Hàng chục ngàn người Iraq đã nhận e-mail chủ đề “Thông tin quan trọng”, nội dung yêu cầu người Iraq “bảo vệ gia đình”, nếu không, họ sẽ “đối mặt những hậu quả cá nhân nghiêm trọng”. E-mail cũng khuyên tướng sĩ Iraq làm hỏng tất cả vũ khí giết người hàng loạt hoặc ít nhất bất tuân thượng cấp trong việc sử dụng. Cùng lúc, máy bay Mỹ và Anh thả truyền đơn, kêu gọi binh lính Iraq bỏ súng, “quy hàng chính nghĩa”…