Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Trong số hơn 50 kỷ vật chiến tranh mà tướng lĩnh Mỹ vừa gửi tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam, có một cuốn nhật ký được ký họa bằng tranh của người lính Việt Cộng có tên L.Đ.Tuấn.

Ngay khi tiếp nhận, chúng tôi đã thông tin cùng bạn đọc, mong tìm được tác giả của cuốn nhật ký có lửa này, nhưng theo những thông tin mà chúng tôi có được thì L.Đ.Tuấn đã hy sinh...

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Làng Đổng Viên - ký họa của L.Đ.Tuấn về nơi đóng quân đầu tiên

Thêm một Đừng đốt

Thiếu tá Robert B Simpson, sỹ quan tham mưu của tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, sư đoàn 4 Mỹ, đã thu được cuốn sổ ký họa bằng tranh (khổ 16 x 21cm, bìa màu xám có dán gáy bằng giấy màu xanh vàng) cùng cuốn sổ thơ và một số vật dụng khác trong chiếc ba lô của L.Đ. Tuấn, trong một cuộc hành quân “tìm diệt” đánh phá hành lang căn cứ cách mạng ở Pleicu - Kon Tum, vùng biên giới Việt Nam - Campuchia (tây bắc Tây Nguyên) vào tháng 3 -1968.

Thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ Viện LSQS Việt Nam cho biết: “Sau khi nhận được cuốn nhật ký do tướng ba sao lục quân Hoa Kỳ William R. Peers nhờ người gửi tặng, hầu như không ai biết gì ngoài tên tác giả cuốn nhật ký là L.Đ.Tuấn.

Chúng tôi phải qua Cục Đối ngoại của Bộ Quốc phòng, liên hệ tìm hiểu thêm. Rất may, thời điểm đó, Robert B Simpson sau khi thu được cuốn nhật ký đã viết một bài đăng trên một tờ báo Mỹ nói về chuyện này”.

Trong bài báo, Robert B Simpson viết “Anh (L.Đ.Tuấn) đã chết tại đồi Yên Ngựa, cách một làng người Thượng có tên là Polei Kreng Chông 10 dặm”.

Rồi Robert B Simpson, mô tả: “Người lính có tên L.Đ.Tuấn còn rất trẻ, là người có học thức và có giáo dục. Anh còn mang theo một tập thơ. L.Đ. Tuấn đã hành quân hàng ngàn kilômét. Các bức vẽ, tập thơ rất quan trọng đối với anh. Thông thường, người ta không mang theo những gì không quan trọng khi hành quân trong rừng hàng tháng trời".

Theo những gì mà Robert B Simpson kể lại trong bài báo, khi thu được cuốn nhật ký, chính anh ta đã ngăn cản khi đồng đội định đốt bỏ cuốn nhật ký. Sau đó, Simpson xé ba bức ký họa gửi về cho vợ tại Mỹ, khi đó đang làm việc tại một trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, để nhờ thẩm định nội dung tranh.

"Đó không phải là những bức khá nhất nhưng đã giúp ta có thể hiểu rằng con đường hành quân vào Nam đã ảnh hưởng đến Tuấn như thế nào?", Robert B Simpson viết.
Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView

Những người lính Mỹ tiểu đoàn 3 đã không đốt cuốn nhật ký, không vứt bỏ nó mà còn dịch những câu chú thích ngắn ngủi (vì lý do giữ bí mật quân sự) sang tiếng Anh, sau đó đem tặng viên tướng chỉ huy mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh thời đó - tướng William R. Peers.

Từ đó, gia đình tướng Peers đã giữ gìn rất cẩn thận cuốn sổ. Ngày 9 tháng 1 năm 2010, cuốn nhật ký bằng tranh ký họa được gia đình tướng William R. Peers gửi tặng cho Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu: “Những kỷ vật kháng chiến”, thông qua Bộ Ngoại giao và Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng.

41 năm lưu lạc, đi nửa vòng trái đất, khi trở về đất mẹ, cuốn sổ vẫn phẳng phiu, không hề bị quăn góc và nó vẫn giữ được nguyên màu sắc vốn có. Và bây giờ, cuốn nhật ký có số phận kỳ lạ đó vẫn đang tiếp tục hành trình để tìm về với gia đình chủ nhân đích thực của nó.

Nhật ký bằng tranh ký họa những gì?

Trang đầu, có lẽ là trang trắng được thuộc cấp của Peers đề: To General Peers from the officers and men of the 3-nd batalion, 8th Infantry (Các sĩ quan và binh sĩ tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 tặng tướng Peers).

Trang tiếp sau có dòng chữ: “L. Đ. Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thu, 15.3.1967”.

Cả cuốn sổ ký họa 112 bức tranh, nay còn lại 109 bức (trừ 3 bức bị Simpson xé) được vẽ bằng màu nước, chì than và mực. Những trang đầu các bức ký họa phần lớn vẽ bằng màu nước nhiều màu, nhưng sau đó, những trang sau vẽ bằng màu nước đen. Những trang sau nữa thì chỉ còn được vẽ bằng chì than, bút mực.

Thoáng qua, người xem tranh nhận ra người cầm bút vẽ được những bức ký họa ấy phải là người có nghề, có năng khiếu hội họa, bởi những nét vẽ sắc và hoạt, cách chọn góc, bố cục chặt chẽ, sử dụng màu nước có nghề.

Những bức vẽ thật sống động, có hồn. Bức ký họa cuối cùng của L.Đ. Tuấn là bức vẽ “Tây Nguyên khâu túi giao liên", khép lại vào “tháng 3 năm 1968” và dừng ở trang 170.

Thay vì viết nhật ký, L.Đ. Tuấn đã diễn tả suy nghĩ, tâm sự và tình yêu của mình thông qua ngôn ngữ hội họa. 109 bức ký họa là 109 nội dung anh đã thể hiện bằng cảm xúc và ý tưởng sáng tạo của mình.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Bài báo Simpson viết về cuốn Nhật ký bằng tranh của L.Đ. Tuấn Ảnh: T.H

Mỗi chặng đường hành quân, trú quân, mỗi vùng, mỗi làng quê anh đi qua, mọi hoạt động của người lính, những gương mặt đồng đội và những người dân anh đã gặp, tất cả đều biến thành đường nét, màu sắc trong các bức ký họa của anh.

Rất nhiều bức L.Đ. Tuấn tự họa mình. Bức đầu tiên vẽ chân dung ngày L.Đ. Tuấn nhập ngũ, nét mặt ngây thơ, hai tay xỏ túi quần, áo không cài khuy, chân đi đất.

Bức ký họa thứ hai vẽ chân dung chàng trai binh nhì trong bộ quân phục mới tinh, vai khoác súng, trên ngực áo gắn huy hiệu Đoàn, trông thật chững chạc.

Bức vẽ ngày 22 - 10 - 1967 "Suy nghĩ quyết tâm thư" nét mặt anh đăm chiêu nghĩ ngợi... Những bức tự họa về sau, L.Đ. Tuấn khắc họa mình với tính cách mạnh mẽ hơn.

Cảm xúc về quê hương, đất nước như tràn ngập trong các bức vẽ của anh. Cảnh làng Đổng Viên nơi anh đóng quân ngày 1 - 4 - 1967, làng Tân Tiến - Đông Anh, bản Bìa - Bắc Thái, Vĩnh Phú, Kim Bôi - Hòa Bình... dường như nơi nào cũng gợi trong anh nỗi nhớ quê hương và gia đình da diết.

Anh nhớ đến con đường anh đi học, dòng sông anh tắm mát những trưa hè, mái nhà nơi anh sinh ra, nơi mẹ anh tiễn anh lên đường và mong anh ra đi chân cứng đá mềm, ngóng đợi anh trở về.

Trong một bức vẽ cảnh đồi núi, dòng suối, ngày 20 - 10 - 1967, trước cảnh đẹp đó, anh đã thốt lên: “Đất nước ơi! Người đẹp quá”.

Một phần khá đậm nét trong các bức ký họa là cảnh sinh hoạt, học tập chính trị, tập luyện, hành quân dã ngoại. Cảnh làm lán, đọc báo, chuẩn bị mìn định hướng... được anh ghi lại khá đầy đủ bằng ký họa.

Cái thần tình là qua các bức ký họa đó người xem hiểu được từng ngày, từng giờ những người lính trước ngày ra trận đã sống và làm việc. Những gương mặt đồng đội thân yêu hiện lên khá rõ nét trong những bức vẽ. Có những bức có đề từ hay chú thích như: “Chú liên lạc trong hầm”, “Đại đội trưởng XLâm, đại đội Quyết thắng giờ lên lớp dã ngoại”, “Đồng chí Cẩm quản lý Đại đội Quyết thắng”...

Nhiều bức ký họa chân dung không viết tên, có thể những khuôn mặt ấy quá quen và chỉ có người vẽ biết đó là ai. Những người dân nơi anh gặp, anh quen nơi trú quân cũng có mặt trong các bức ký họa chân dung: “Y tá H Kỳ Sơn”, “Cụ Thống 80 tuổi không có con cháu”, “Mế xóm Bìa”, “Chú bé nghịch ngợm”...

Theo Robert B Simpson, L.Đ. Tuấn đã nằm lại ở một cánh rừng Tây Nguyên nhưng cuốn nhật ký có lửa bằng tranh của anh đã làm rung động người xem, cả những người lính bên kia chiến tuyến.

Viết bài báo này, chúng tôi rất mong nhận được thông tin từ phía thân nhân gia đình liệt sĩ T.Đ. Tuấn cũng như người bạn thân Hoàng Thu của anh.

Tướng ba sao lục quân Hoa Kỳ William R. Peers, được biết đến nhiều nhất khi giữ vị trí đứng đầu Ủy ban Peers, điều tra về vụ thảm sát Mỹ Lai và những tội ác tương tự trong chiến tranh Việt Nam. Ông sinh năm 1914 tại Stuart, Iova, đã qua đời năm 1984, thọ 69 tuổi. William R. Peers có được cuốn sổ vẽ những bức ký họa chiến trường của người lính quân giải phóng từ các sỹ quan, binh sỹ tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, sư đoàn bộ binh 4 Mỹ, đơn vị có biệt hiệu "Sư đoàn Dây Thường Xuân".

Thanh Hằng - Nhật Anh
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Từ dòng chữ L.Đ.Tuấn ký dưới góc mỗi bức ký họa và thông tin ước đoán (mà viên thiếu tá Mỹ để lại) tác giả cuốn nhật ký bằng tranh này hy sinh tại khu vực biên giới VN-Campuchia ở Tây Nguyên tháng 3-1968, PV Tiền Phong bắt đầu hành trình tìm nhân thân tác giả cuốn ký họa.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Một ký họa trong cuốn nhật ký của L.Đ.Tuấn

Kỳ 1: Hành trình đi tìm

Sau khi bài báo Thêm một Đừng đốt bằng tranh, chúng tôi kỳ vọng, có ai đó từng biết hoặc đồng đội của L.Đ.Tuấn, hoặc ai đó từng được chính người lính - họa sĩ này ký họa chân dung, đọc bài báo, sẽ cung cấp thông tin để chúng tôi có thêm đầu mối lần tìm nhân thân L.Đ.Tuấn. Nhưng vẫn bặt tin, dù bài viết được nhiều bạn đọc phản hồi.

Nhìn những bức tranh, nét vẽ, họa sĩ Việt Tuấn (báo Tiền Phong) khẳng định, đây không phải dân amateur nghiệp dư, mà chắc chắn là người học mỹ thuật rất bài bản. Từ nhận định đó, chúng tôi đến trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Hà Nội Lê Anh Vân, sau khi xem tranh và nội dung bài báo, nói: “Đây là họa sĩ rất có nghề. Chúng tôi sẽ tìm toàn bộ hồ sơ của sinh viên thời kỳ đó, để giúp các bạn tìm nhân thân anh ấy”.

Trong thời gian ấy, cũng có một vài người tên Tuấn, đang là học sinh của trường thì nhập ngũ nhưng không ai có họ và tên lót trùng với L.Đ.Tuấn. Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cũng tận tình giúp, nhưng cũng chưa tìm ra, phần vì thông tin mơ hồ, phần vì thời gian quá lâu nên hồ sơ không lưu được đầy đủ.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Bà Lê Thị Kim Dung - Em gái của L.Đ.Tuấn
và bức tranh “Đường ra phía trước” của anh trai tặng,
có cùng phong cách với những bức tranh trong cuốn nhật ký của anh.

Tìm tên anh trên bia mộ

Chúng tôi chỉ còn hướng duy nhất tìm gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, người từng là Trung đoàn trưởng 24 những năm 1968-1970.

Đây là trung đoàn ba lần đánh bại cuộc hành quân Bình Tây của quân Mỹ và quân Sài Gòn ở Chư Pa, Cờ - Leng, là khu vực mà, theo thiếu tá Robert B Simpson (sỹ quan Mỹ, người lượm được ba lô của L.Đ.Tuấn, trong đó có cuốn nhật ký) cho rằng L.Đ.Tuấn đã chết tại đồi Yên Ngựa, cách một làng người Thượng có tên là Polei Kreng (Cờ-Leng).

Nhà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ở khu vực đường Bưởi (Hà Nội). Nhắc đến Trung đoàn 24, mắt vị tướng già sáng rực. Ký ức một thời oanh liệt ùa về trong ông. Lật giở, xem từng bức tranh của L.Đ.Tuấn, ông thốt lên: “Đúng là một họa sĩ tài hoa. Tuấn phản ánh rất chân thật và sinh động đời sống, sinh hoạt của bộ đội trong suốt cuộc hành quân. Đây thực sự là một kỷ vật quý”.

Vị tướng già hứa “sẽ nhờ mọi người tìm giúp liệt sĩ có tên L.Đ.Tuấn”. Ngay hôm sau, ông gọi lại, tỏ vẻ thất vọng. “Tôi đã gọi cho Sư trưởng Sư đoàn 10 và Chính ủy Sư đoàn, nhờ anh em tìm trong danh sách hơn một vạn liệt sĩ hy sinh được ghi danh trên bia trong nhà truyền thống của Sư đoàn, lục tìm trong danh sách lưu trên máy tính. Nhưng không ai có tên như tác giả cuốn ký họa”. Trước khi gác máy, ông còn dặn: “Khi nào tìm được thông báo cho mình với nhé”.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Một ký họa trong cuốn nhật ký

Manh mối

Ngày 25-1, toà soạn nhận được bức thư của một bạn đọc gửi từ phường Phương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong thư, người viết tự giới thiệu là Phạm Mạnh Phưởng, cựu chiến binh, đại tá về hưu.

Thư viết: “Sau khi đọc bài báo Thêm một đừng đốt bằng tranh” trên Tiền Phong. Là một cựu chiến binh, tôi thấy mình có trách nhiệm phải cung cấp thông tin mà mình biết để các đồng chí có thêm tư liệu. Vậy kính mong các đồng chí cử người trực tiếp đến gặp tôi để tiện trao đổi cụ thể, chi tiết về những gì mà tôi biết về đồng chí L.Đ.Tuấn”.

Sau hồi giới thiệu thân thế như để làm tin, ông nói: “Tôi chính là em rể họa sĩ L.Đ.Tuấn”.

Ông Phưởng gọi vợ là bà Lê Thị Kim Dung, từ trên gác xuống. Tay rót nước mời khách, bà Dung chậm rãi: “L.Đ.Tuấn chính là anh trai tôi. Anh ấy là Lê Đức Tuấn. Ngay hôm đọc và nhìn những bức tranh báo đăng, tôi đã ngờ ngợ đó chính là anh Tuấn rồi. Và hiện anh ấy còn sống”.

Rồi bà Dung kể: “Nhà tôi có bốn anh chị em, anh Tuấn là thứ hai. Từ ngày học vẽ ở trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp, anh đã có thói quen ký tên và viết ngày tháng rồi đóng khung. Sau này, tôi cũng học cách ký như anh”.

Sau đó, bà Dung lấy ra một bức họa mà anh trai tặng, để tôi xem. Bức họa được Lê Đức Tuấn vẽ tháng 2-1968, có tên Đường ra phía trước. Góc trái bức tranh có chữ ký và cách ghi ngày tháng giống với nhiều bức tranh trong cuốn nhật ký bằng tranh của L.Đ.Tuấn.

Bà Dung cho biết, nhìn tranh, đối chiếu với những thông tin mà thiếu tá người Mỹ Robert B Simpson ghi lại, thì thời điểm đó, viên thiếu tá này lượm được ba lô, trong đó có ba cuốn sổ, một cuốn thơ. Thông tin này trùng khớp với những thứ mà ông Tuấn bị mất khi ra trận.

Trong ba cuốn sổ, một cuốn là của bà Dung tặng, một cuốn là bạn bà Dung tặng và một cuốn do chính người bạn thân của ông Tuấn là họa sĩ Hoàng Thư tặng. Chính cuốn nhật ký bằng tranh mà ông Tuấn vẽ, là cuốn sổ do bạn thân là Hoàng Thư tự tay đóng, tặng ông Tuấn trước ngày nhập ngũ.

Lật giở cuốn nhật ký bằng tranh của L.Đ.Tuấn, ngay trang thứ ba, hiện còn lưu dòng đề tặng của Hoàng Thư (chứ không phải Hoàng Thu): L. Đ. Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thu, 15.3.1967. Như vậy đã rõ: L.Đ.Tuấn chính là người lính - Họa sĩ Lê Đức Tuấn, anh trai của bà Dung.

Tin vui

Tôi đề nghị vợ chồng bà Dung đưa đến gặp ông Tuấn. Ông Phưởng can: “Ông ấy chưa chịu gặp đâu. Hôm tôi viết thư gửi báo, phải thuyết phục mãi ông ấy mới đồng ý, trước khi cho tôi gửi thư còn bắt tôi phải cho ông duyệt trước nội dung mới cho gửi đi”.

Ngồi kế bên, bà Dung phân trần: “Trong bốn anh em, tôi là người hợp với anh Tuấn nhất. Tính anh ấy nhút nhát và hiền lắm. Hôm báo đăng, đồng đội, gia đình nói anh nên xuất hiện để báo khỏi phải mất công tìm, nhưng anh cứ khăng khăng “nhỡ tác giả cuốn nhật ký không phải là mình thì xấu hổ lắm”.

Nghe vậy, tôi đành nhờ ông Phưởng thuyết phục thêm để ông Tuấn đồng ý gặp. 10 giờ tối 25-1, tôi nhận điện thoại của ông Phưởng thông báo “ông Tuấn đã đồng ý gặp anh vào sáng mai”.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Một số ký họa trong cuốn nhật ký

Đừng đốt bằng tranh

Tháng 3-1968, thiếu tá Robert B Simpson, sỹ quan tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 sư đoàn 4 thuộc quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam, đã nhặt được cuốn sổ ký họa bằng tranh (khổ 16 x 21cm) cùng cuốn thơ Puskin và một số vật dụng khác trong chiếc ba lô của L.Đ.Tuấn, trong một trận càn quét.

Cuốn nhật ký có 112 bức tranh (nay còn lại 109 bức), ghi lại cuộc sống, sinh hoạt của người lính và những bản làng mà anh đã đi qua.

Trong một bài viết đăng trên báo Mỹ hồi đó, Robert B Simpson kể, đồng đội của anh ta đã định đốt cuốn nhật ký, nhưng Robert B Simpson can. Bởi chính những bức tranh có lửa ấy, đã làm rung động cả những người lính ở phía bên kia chiến tuyến.

Trong bài báo, Robert B Simpson viết: “Người lính có tên L.Đ.Tuấn còn rất trẻ, là người học thức. Anh còn mang theo một tập thơ. L.Đ.Tuấn đã hành quân hàng ngàn kilômét. Các bức vẽ, tập thơ là rất quan trọng đối với anh. Thông thường người ta không mang theo những gì không có tính quan trọng khi mang nặng hành quân trong rừng hàng tháng trời”.

Và chính những người lính Mỹ tiểu đoàn 3 đã không đốt cuốn nhật ký, không vứt bỏ nó mà còn dịch những câu chú thích ngắn ngủi sang tiếng Anh, sau đó đem tặng viên tướng chỉ huy mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh thời đó - tướng William R. Peers.

Và chính viên tướng này đã cất giữ cuốn nhật ký mấy chục năm qua, trước khi chết (năm 1984), gửi lại người thân, với ước nguyện chuyển lại cuốn nhật ký ấy cho người thân của L.Đ.Tuấn. Vì họ nghĩ, L.Đ.Tuấn đã hi sinh.

Ngày 9-1-2010, hưởng ứng Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu kỷ vật kháng chiến, cuốn nhật ký được phía Mỹ trao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Bá Kiên

Kỳ sau: Gặp tác giả cuốn nhật ký bằng tranh[/color]
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn đón tiếp chúng tôi trong căn phòng ở tầng năm của khu tập thể, nằm ngay trong con ngõ nhỏ số 4B-Lý Nam Đế (Hà Nội). Thì ra, tác giả cuốn nhật ký bằng tranh này nguyên là họa sĩ của Báo Quân Đội Nhân Dân.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Vợ chồng ông Lê Đức Tuấn xem lại cuốn nhật ký bằng tranh, sau 41 năm lưu lạc

Gặp lại tri kỷ


Căn phòng 502, sáng 26-1, cửa khép hờ. Người đàn ông nhỏ thó, mở cửa mời chúng tôi vô nhà. Tôi đoán: “Chú là họa sĩ Tuấn?”, ông nhẹ nhàng: “Đúng vậy!”… “Tôi là Lê Đức Tuấn. Trước khi về hưu, tôi công tác tại phòng thư ký toà soạn, Báo Quân Đội Nhân Dân”. Sau này hỏi vợ ông, tôi được biết, khi về hưu, ông đeo lon thượng tá.


Cùng ngồi tiếp chuyện với họa sĩ Tuấn, có ông Phạm Đình Chinh, một đồng đội của ông Tuấn.

Tôi chuyển cho ông toàn bộ 109 bức tranh ký họa (photo từ cuốn nhật ký gốc ở bảo tàng), để ông xem. Tay ông Tuấn run run, lật giở trang đầu có lời đề tặng của bạn thân Hoàng Thư, ghi ngày 15-3-1967, rồi đến bức ký họa đầu tiên (ký họa chàng trai trẻ, chân trần).

Ông thốt lên: “Đúng là cuốn ký họa của tôi rồi. Bức Làng Đổng Viên (Phù Đổng - Gia Lâm - Hà Nội), là nơi đóng quân đầu tiên của chúng tôi”.

Lật giở đến bức ký họa người đàn ông có khuôn mặt chữ điền, phía ngực phải có dòng chữ chiến thắng, ngày 15-7-1967, ông Tuấn và ông Chinh cười to: “Đây là thằng Thành méo”. Hỏi vì sao gọi Thành méo, ông Tuấn giải thích “Vì cậu ấy bị thương ở hàm, méo cả mặt”.

Rồi đột nhiên, ông nắm chặt tay tôi, nói: “Cảm ơn cháu. Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày cầm lại được cuốn nhật ký này”. Hồi ức một thời trở lại trong ông nguyên vẹn.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Ông Lê Đức Tuấn

Họa sĩ Lê Đức Tuấn kể, theo hồ sơ cán bộ, ông sinh năm 1942, nhưng thực tuổi, ông sinh năm 1939. Như vậy, năm nay ông đã bước qua tuổi 70.


Cha ông là thợ may giỏi của làng may áo dài truyền thống Trạch Xá, Lam Sơn, Ứng Hòa (Hà Tây cũ). Trước khi có Tuấn, cha mẹ đã chọn Hà Nội làm đất sống. “Tuy cha tôi không mở tiệm may, nhưng khách rất đông, vì ông may khéo”, ông Tuấn nhớ lại.

Thuở nhỏ, ông sống cùng gia đình ở nhà số 3-Hàng Bút. Học phổ thông trường Nguyễn Công Trứ, rồi qua trường Chu Văn An. Học qua phổ thông, ông thi đỗ, trở thành học viên khóa 1 (1959-1963), Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (nay là trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).
Học cùng khóa với Tuấn hồi đó còn có Trần Khánh Chương (sau này là họa sĩ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), Hoàng Thư, Đặng Quang Trung, Đặng Thế Minh, Nguyễn Thị Mỷ.

“Cả lớp có khoảng 30 người, nhưng chỉ bốn chúng tôi, Tuấn, Thư, Mỷ và Minh là thân nhau. Tuấn là người hiền lành nhất”, họa sĩ Hoàng Thư kể.
Ra trường, Tuấn về công tác tại một đơn vị chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ thuộc Bộ Ngoại thương. Năm 1967, theo lệnh tổng động viên, ngày 27-3-1967, Lê Đức Tuấn nhập quân, thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Sư 312.

Đây là thế hệ thứ hai của Tiểu đoàn bắt tướng Đờ-cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân số đơn vị đợt ấy toàn trai Hà Nội.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Một bức ký hoạ trong cuốn nhật ký
Hoạ sĩ Hoàng Thư nhớ lại: “Trước ngày Tuấn lên đường nhập ngũ, tôi nghĩ không biết tặng bạn quà gì, để Tuấn luôn nhớ về bạn bè. Cuối cùng, tôi tự tay đóng cuốn sổ đẹp nhất tặng Tuấn. Tuấn ham vẽ, có được cuốn sổ cậu ấy rất vui”.Và cuốn sổ được Hoàng Thư tặng Lê Đức Tuấn, tại nhà Thư ở số 159-Đội Cấn (nay là Bảo tàng B52. Khi tôi đưa bức ảnh chụp trang đầu cuốn sổ, ghi bút tích “L.Đ.Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thư, 15-3-1967), ông Thư nhận ra ngay đó là nét chữ của mình.

Hai lần bị thương

Ngày 27-3-1967, Lê Đức Tuấn nhập ngũ. Tư trang mang theo bên mình là ba cuốn sổ, một quyển thơ Puskin, bút chì, màu vẽ. Từ đó, ngày ngày ông vừa hành quân vừa tập luyện, chuẩn bị cho trận đánh lớn. Con đường hành quân của Lê Đức Tuấn, từ làng Đổng Viên qua Bản Bìa (Thái Nguyên), rồi qua Kỳ Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình)...

“Đi lòng vòng như vậy là để có thời gian tập luyện, đồng thời giữ được bí mật”, ông Tuấn giải thích. Đi đến đâu, Lê Đức Tuấn đều tranh thủ vẽ. Bởi thế, 109 bức ký họa đều ghi lại những nơi họa sĩ từng đi qua.

Ăn Tết Mậu Thân xong, ngày 7-2-1968, đơn vị nhận lệnh chuyển quân vào chiến trường Tây Nguyên, đánh đệm cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Giữa tháng 3-1968, đơn vị tập kết ở khu vực Ngã Ba Đông Dương (phiên chế vào Sư 320, biệt danh Lính mũ sắt”.

Sau khi chỉnh huấn xong, ngày 27-3-1968, đơn vị tập trung tại Cờ-leng (Kon Tum) chuẩn bị đánh trận đầu, tấn công địch ở Chư Tăng Ga.
“Trước khi đi, chúng tôi phải bỏ lại toàn bộ tư trang ở hậu cứ, chỉ mang những thứ phục vụ chiến đấu. Tôi bỏ lại ba cuốn sổ (trong đó có cuốn nhật ký bằng tranh), một cuốn thơ, chỉ mang theo một cuốn sổ bằng bàn tay, để trong túi ngực để viết nhật ký”, ông Tuấn nhớ lại.

Nhưng ngay trong trận đánh đầu tiên, đại đội hơn 100 người, mất quá nửa. Đánh xong, đơn vị tiếp tục di chuyển, không thể quay lại lấy tư trang”, ông Tuấn kể.

Để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong trận đánh này, hằng năm nhằm ngày 27-3, ông và những đồng đội còn sống, lại gặp mặt, ôn lại những ngày chiến đấu hào hùng.

Nhật ký ngày 29-3-68, Lê Đức Tuấn viết: “Buồn quá, mất hết cả tranh vẽ kể từ ngày bước chân vào bộ đội và mất hết cả những dụng cụ vẽ rồi. Biết làm thế nào? Từ nay mình không được vẽ nữa. Tiếc quá, bao nhiêu hình ảnh sinh động của đời bộ đội mình ghi được đều mất cả.
Bao giờ chiến thắng ta lại về xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Sau trận đầu, đơn vị Lê Đức Tuấn hành quân, đánh địch ở Đức Lập. Ông bị thương, nằm lại điều trị, sau đó ở lại Binh Trạm 4 làm trợ lý thống kê.
Biết ông là họa sĩ, tháng 5-1970, cấp trên điều ông về làm họa sĩ và biên tập cho báo Tây Nguyên. Năm 1974, trên đường công tác, ông bị thương lần hai khi Nguỵ đánh bom cầu Diên Bình.

Tháng 2-1974, Lê Đức Tuấn ra Bắc, mất 43% sức khỏe. Từ đó, ông công tác tại Báo Quân Đội Nhân Dân cho đến khi nghỉ hưu (năm 2005).

Phải chiến thắng

Ngày 19-3-68
Ngày thử lửa đầu tiên qua những phút căng thẳng. Đã ba đêm không ngủ. Quyết liệt khó khăn còn nhiều đòi hỏi người cộng sản phải bình tĩnh không hề nao núng, trả thù cho những đồng chí thân yêu của mình đã ngã xuống. Lúc gay go nhất cũng là lúc thử thách lòng kiên định. Nhất định ta phải thắng.

Ngày 22-3-68

Chúng tôi chiến đấu độc lập vỏn vẹn chỉ có một tổ (ba người) rồi đến một tiểu đội. Đã nhiều đêm thức trắng căng thẳng với quân địch, chịu ba trận cối và pháo kích quyết liệt của địch.
Hầm chúng tôi rung lên, người ngồi không yên, cát bụi và cành cây phủ cả miệng hầm. Những giờ phút cam go ấy qua đi, chúng tôi vẫn dõi theo từng hành động của kẻ địch để tiêu diệt chúng.
Bọn Mỹ lào xào, quay điện vo vo và tiếng chặt cây nghe rõ mồn một. Địch chỉ còn cách chúng tôi không đầy một trăm mét. Những mũi súng đang dồn căm thù, chĩa thẳng vào kẻ thù sẵn sàng nhả đạn, để dạy cho kẻ địch biết thế nào là dân tộc Việt Nam anh hùng.
Trích nhật ký chiến trường của Lê Đức Tuấn

Bá Kiên
Kỳ sau: Chuyện kể về những bức tranh
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - 109 bức ký họa của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn, ẩn chứa 109 câu chuyện về những con người, số phận và làng quê Việt. Có khá nhiều ký hoạ chân dung đồng đội của ông, nay thành kỷ vật vô giá, bởi nhiều người trong số đó đã không còn.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Bức tranh Lê Đức Tuấn phác họa cảnh thanh bình làng quê Việt
Đại đội trưởng Xuân Lâm
Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Họa sĩ Lê Đức Tuấn (ngoài cùng bên trái) và đồng đội xem lại cuốn ký họa, sau 41 năm lưu lạc.


Lật giở từng trang ký họa, ông Tuấn chững lại ở trang 101 của cuốn sổ. Ông lặng người, ngắm nghía rất lâu. Ngồi kế bên, ông Phạm Đình Chinh, một đồng đội cũ của ông nói khẽ: "Đại đội trưởng Xuân Lâm !".
Mắt ông Tuấn đỏ hoe, giọng run run: "Cả cuốn nhật ký bằng tranh này, bức ký họa anh Lâm là tôi thích nhất. Chỉ tiếc, anh không còn nữa để hôm nay được ngắm lại mình".

Rồi ông Tuấn kể, Đại đội trường Xuân Lâm là người gốc Quảng Nam, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi làm Đại đội trưởng của đơn vị. Xuân Lâm người cao lớn, nặng chừng 80 kilogam, đẹp trai. Anh là người dẫn dắt và huấn luyện anh em trong đơn vị từ khi nhập ngũ, đóng quân đầu tiên ở Đổng Viên (Phù Đổng-Gia Lâm-HN).
"Anh Lâm tính cương trực, quyết đoán và rất hiểu tâm lý trai Hà Nội. Khi huấn luyện vô cùng nghiêm khắc, nhưng khi nghỉ ngơi cho chơi đùa xả láng", ông Chinh nhớ lại. Còn vợ Đại đội trưởng Xuân Lâm là người Nam Định, vợ chồng ông đã có hai con nhỏ.

Trong cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn, có hai bức chân dung Đại đội trưởng Lâm: Một bức ký họa ngày 23-10-1967, với dòng đề tựa "Đại đội trưởng X.Lâm, Đại đội Quyết Thắng giờ lên lớp dã ngoại"; Bức thứ hai ký họa ngày 12-12-1967, có dòng đề tựa "Đ Đ trưởng Lâm trước khi ra quân".

Theo lời Lê Đức Tuấn, chính Đại đội trưởng Xuân Lâm là người giới thiệu ông vào Đảng. Đây là một ngày cực kỳ hệ trọng đối với ông. Lật giở trang nhật ký, ngày 15-11-1967, anh viết:

"Hôm nay, ngày vinh dự nhất của mình. Hồi hộp, sung sướng, từ nay mình đã trở thành người Cộng sản. Mỗi việc làm, mỗi lời nói và tất cả đều mang ý nghĩa đó. Mình chỉ biết làm thế nào đem hết khả năng để cống hiến cho lý tưởng của Đảng, giải phóng tổ quốc, thống nhất đất nước. Mình không bao giờ để cho tình cảm yếu đuối lấn át và chế ngự tâm hồn. Luôn luôn bảo toàn danh dự của một người đảng viên- Suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng nhân loại. Luôn luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của cá nhân.

Rồi đây khó khăn, gian khổ còn đến với mình nhiều, phải luôn luôn giữ quyết tâm vượt qua - Nhất định mình sẽ chiến thắng.

Ngày vào Đảng 15/11/67”

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Bức ký họa Đại đội trưởng Xuân Lâm
Sau khi viên Thiếu tá người Mỹ Robert B. Simpson, nhặt được cuốn ký họa, trên số báo thứ hai, ra ngày 20-5-1968, tờ The Colombia Enquirer của Mỹ có bài viết về chuyện này. Bài báo cũng nhận xét, bức ký họa Đại đội trưởng Xuân Lâm là thành công nhất. Nó khắc họa được tâm trạng của người đại đội trưởng trước ngày ra trận.

Ông Tuấn kể: "Biết tôi là họa sĩ, rất nhiều anh em, khi rảnh lại nhờ tôi vẽ chân dung, để làm kỷ niệm, riêng anh Lâm là tôi tự vẽ. Khi vẽ cũng không dám bảo anh ngồi yên, nên phải vẽ chớp nhoáng. Anh ấy lên lớp huấn luyện, tôi ngồi dưới vừa nghe vừa vẽ. Bức vẽ ngày 23-10-1967, tôi không đưa anh xem. Còn bức vẽ sau, chỉ còn ít ngày là chúng tôi hành quân vào Tây Nguyên, sáng đó, tôi thấy anh Lâm cứ đi ra đi vào, suy nghĩ mông lung lắm. Chớp được cái thần thái của anh lúc đó, tôi vẽ 30 phút là xong. Hôm sau tôi đưa anh xem, anh bảo "cậu vẽ được đấy, khi nào giải phóng tặng tôi".

Sau đó là những ngày hành quân dài dằng dặc, từ Kim Bôi (Hòa Bình) chạy một mạch vào Nghệ An, qua Quảng Bình rồi vào Tây Nguyên. Nhưng ngay trận đánh đầu tiên, ngày 27-3-1968, trên đỉnh Chư Tăng Ga, anh Lâm đã hi sinh. "Bây giờ dù tìm lại được cuốn ký họa, tôi cũng không thể tặng anh", ông Tuấn ngậm ngùi.

Sau ngày ra Bắc, ông Tuấn cùng đồng đội đã dò hỏi địa chỉ vợ con Đại đội trưởng Xuân Lâm nhưng bặt vô âm tín, không biết vợ con anh nơi đâu.

Lạc quan, yêu đời

Trong cuốn nhật ký, ngoài ký hoạ chân dung người lính, cuộc sống và sinh hoạt của họ, Lê Đức Tuấn ký họa khá nhiều tranh phong cảnh, phác họa cảnh yên bình làng quê Việt nơi anh đóng quân.

Một bức tranh anh ký họa giàn mướp, phía dưới đàn gà mẹ con tung tăng (ký họa ngày 1-4-1967). Ngày 6-4-1967, Lê Đức Tuấn lại ký họa Làng Đổng Viên, phác họa góc quê với những ngôi nhà ngói cũ, rêu phong, phía trước bầy gà nhỏ to kiếm ăn, có thêm chú lợn ủn ỉn. Tất cả gợi lên một làng quê yên bình, thư thái. Nó như xa lạ với tiếng bom, sự đe dọa, chết chóc.

Một nhà thơ nhìn tranh phác hoạ cảnh quê của Lê Đức Tuấn nhận xét: "Tranh của Tuấn gợi cho chúng tôi nhớ về một bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa Chúng tôi đến lớp ngày ngày/ Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men/ Ao làng vẫn nở hoa sen/ Bờ ao vẫn chú dễ mèn vuốt râu.../ Chúng tôi chẳng sợ Mỹ đâu/ Vẫn vui, vẫn hát những câu rộn ràng".
Còn họa sĩ Hoàng Thư, sau khi xem tranh của Lê Đức Tuấn, phân tích: "Nhìn vào bức tranh ấy, không ai nghĩ Việt Nam đang có chiến tranh. Phải lạc quan và yêu làng quê Việt lắm, Tuấn mới khắc họa được tranh có hồn như thế".

Kỷ vật quý

Mấy ngày nay, mỗi khi tôi đến căn hộ nhỏ trên tầng 5 khu tập thể (ngõ 4B-Lý Nam Đế - Hà Nội) của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn, đầy ắp tiếng cười của những người lính già, đồng đội của ông đến chia vui.
Những câu chuyện một thời máu lửa lúc nào cũng thường trực, không ngớt. Hỏi ông huấn luyện, di chuyển quân liên miên thế, ông vẽ vào lúc nào?, ông bảo: "Mình là lính ra trận để đánh giặc chứ không phải là họa sĩ được cử ra chiến trường, nên tất cả đều vẽ tranh thủ. Khi thì vẽ lúc nghỉ giải lao, khi vừa huấn luyện vừa vẽ. Bức nào công phu lắm cũng chỉ ký họa 30 phút là xong".
Họa sĩ Hoàng Thư, người bạn học cùng khóa 1, trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp với ông Tuấn (cũng là người tặng cuốn sổ cho Lê Đức Tuấn vẽ), cho biết:

"Ngày ấy, nhiều họa sĩ ra chiến trường sáng tác (sáng tác là nhiệm vụ chính, chứ không phải chiến đấu là chính như Lê Đức Tuấn), nhưng ít người vẽ nhanh, vẽ đều và nhiều được như Tuấn. Thực sự Tuấn vẽ được như thế là rất đáng nể. Phải đam mê và có tình lắm mới vẽ được như vậy".

(Còn nữa)

Bá Kiên
Ý kiến bạn đọc

Đào Huy Giám, Email: ...giam@yahoo.co.uk

Thưa các anh chị ở tòa soạn, tôi vẫn chăm chú và xúc động theo dõi các bài viết về chị Đặng Thùy Trâm. Nay tiếp tục chăm chú theo dõi bài viết về anh Lê Đức Tuấn, những bức tranh anh Tuấn vẽ. Chuyện kể của anh Lê Đức Tuấn có nhiều chi tiết trùng về ngày tháng, thời gian anh trai tôi, Đào Huy Hùng nhập ngũ, đi chiến trường và hy sinh. Dường như các anh ấy đã có khoảng 1 năm cùng đơn vị huấn luyện và hành quân vào chiến trường.

Tôi cho rằng có nhiều khả năng anh Tuấn và anh trai tôi Đào Huy Hùng ít nhiều biết về nhau. Tôi hiện nay đang làm nhiệm vụ, công tác ở Hà Lan, rất mong các anh chị cho tôi xin số điện thoài của anh Lê Đức Tuấn để hy vọng liên lạc với anh Tuấn tìm hiểu, may ra biết thâm về những ngày tháng anh tôi Đào Huy Hùng hành quân và chiến đấu có thể là cùng với anh Tuấn. Trân trọng cảm ơn các anh chị. Đào Huy Giám.

Lê Cường; cda_gha@yahoo.com

Ôi những con người được sinh ra từ máu và hoa. Trong chiến tranh tâm hồn người lính vẫn luôn là một thi sĩ. Những bộ đội cụ Hồ sống mãi theo thời gian. Ước gì tôi được ngắm trọn bộ tác phẩm "đừng đốt" này của L.Đ.Tuấn

Nguyễn Thanh Chương; nganhtuan@ymail.com

Vẫn đang là niềm cảm phục cho lớp trẻ hiện nay !
Tôi là một cựu chiến binh tuổi gần 70, tôi từng sống và chiến đấu gần 8 năm trên chiến trường Tây Nguyên thời đánh Mỹ. Tôi rất xúc động khi xem bài báo của tác giả Bá Kiên sưu tầm kỉ vật chiến tranh về tập kí hoạ của LĐ Tuấn.
Chính điều này gây xúc động cho những cựu chiếên binh từng nhiều năm sống chiến đấu tại miền nam. Chúng tôi được an ủi, những hi sinh to lớn của thế hệ trước vẫn đang là niềm cảm phục cho lớp trẻ hiện nay.

>> Tiếp tục cập nhật...
TPO
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Sáng qua, 30-1, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, báo Tiền Phong tổ chức cuộc gặp giữa tác giả cuốn nhật ký bằng tranh Lê Đức Tuấn và những đồng đội của ông.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Thiếu tướng Lê Mã Lương trao tượng trưng cuốn ký họa cho tác giả Lê Đức Tuấn.

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng, trao lại cuốn ký họa gốc cho họa sĩ - người lính Lê Đức Tuấn, để ông xem. “Tôi không thể tin, sau gần nửa thế kỷ lưu lạc, tôi lại được gặp đứa con tinh thần, mà tôi nghĩ nó đã hy sinh”, ông Tuấn nói.

Theo lời Tướng Lê Mã Lương, cách đây chừng hai tháng, ông nhận được điện thoại của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi đó ông Vịnh nói một viên đại tá và viên tướng Mỹ, thông qua con đường ngoại giao có trao cho phía Việt Nam một số kỷ vật của những người lính Việt Cộng, trong đó có một cuốn nhật ký bằng tranh rất quý, một số cuốn nhật ký và kỷ vật khác. "Cục Chính trị, Cục Tuyên huấn và Bảo tàng cần phối hợp tìm lại chủ nhân hoặc người thân của những kỷ vật này. Có thể có người còn, người mất, nhưng gắng tìm cho được, vì đó là những kỷ vật vô giá”, ông Vịnh dặn dò.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Cô y tá ở Kỳ Sơn (ký họa của Lê Đức Tuấn)

Tướng Lê Mã Lương cho biết, khi nhận cuốn nhật ký, ông cũng nghĩ tác giả đã hy sinh. Bởi kinh nghiệm chiến trường cho thấy, khi Mỹ đã thu được chiến lợi phẩm thì đồng đội mình đi hết là cái chắc. “Cuộc chiến đã qua mấy chục năm, nhưng đất nước vẫn còn hơn 300.000 liệt sĩ chưa biết linh hồn phiêu dạt nơi đâu. Bởi thế, nay niềm vui nhân đôi, khi báo Tiền Phong đã tìm được tác giả cuốn nhật ký và anh còn sống. Thật vui, khi cả những chứng nhân lịch sử, những đồng đội của anh Tuấn cũng có mặt, trong đó có những người đã được anh Tuấn khắc họa trong cuốn sổ này”, Tướng Lê Mã Lương nói.

Tướng Lê Mã Lương trao cuốn ký họa cho người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn. “Tác giả là anh, nhưng bây giờ nó đã là tài sản của quốc gia, của những người lính. Bởi thế anh xem rồi để lại. Vì chỉ có ở đây, nó mới phát huy được giá trị, mới truyền lửa cho lớp lớp thế hệ người dân Việt”, Tướng Lê Mã Lương nói.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Họa sĩ Lê Đức Tuấn và đồng đội xem lại tập ký họa sau hơn 40 năm lưu lạc.
Ảnh: Hồng Vĩnh

Họa sĩ Lê Đức Tuấn run run, lật giở từng trang rất chậm. Như thể ông muốn tự mình bù lại hơi ấm cho hơn 40 năm qua, khi đứa con tinh thần của ông lìa xa chủ. “Tôi nghĩ nó đã hy sinh rồi, vậy mà nay, tất cả vẫn vẹn nguyên. Cảm ơn những người ở phía bên kia chiến tuyến đã không giết nó”, ông Tuấn nói.

Từng bức tranh được mở ra, vẫn tươi nguyên màu vẽ. Cuốn sổ tự tay người bạn - họa sĩ Hoàng Văn Thư của ông đóng, tặng Tuấn ngày nhập ngũ vẫn chắc nịch, không rách nát. Tôi thầm nghĩ, cuộc đời thật công bằng với Tuấn và Thư. Ngày ra đi, Hoàng Thư tặng Tuấn cuốn sổ cho bạn với lời đề tặng “L.Đ.Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thư, 15.3.1967”.

Nay không chỉ Lê Đức Tuấn mạnh khỏe, còn sống trở về mà cuốn sổ - vẫn vẹn nguyên. Cuốn sổ được các cựu binh Mỹ đóng thêm vài trang cuối, giấy trắng hơn, để ghi chú những dòng mục lục.

Nói như họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thời đó giấy hiếm lắm, nhưng Hoàng Thư đã tự tay đóng cuốn sổ tặng Tuấn. Nó biểu trưng cho tình bạn của hai người.

Hơn thế, giá trị của cuốn nhật ký bằng tranh, chính là số phận của nó, sau hơn 40 năm lại trở về với người sinh ra nó. Điều đó còn thể hiện tính nhân bản, nhân văn và chân, thiện, mỹ của con người.

Được tận mắt nhìn lại những bức tranh do Lê Đức Tuấn vẽ, đồng đội của ông cũng không kìm được xúc động. Ông Lê Văn Lương (Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) nói: “Chúng tôi rất cảm phục tài ký họa của Tuấn. Bức tranh Tuấn vẽ tôi ngày 19-10-1967 (Chú liên lạc ở trong hầm). Khi đó, chúng tôi ở Kỳ Sơn - Hòa Bình. Tôi vừa đào hầm xong thì Tuấn đến. Anh bảo tôi ngồi lại, chỉ 20 phút sau đã vẽ xong”.

Ở một ký họa khác, ký họa cô y tá huyện Kỳ Sơn, tháng 12-1967. “Tôi nhớ, sáng hôm đó, Tuấn gọi tôi bảo “mày đi vẽ với tao”. Anh ấy dắt tôi tới một ngôi nhà sàn của đồng bào Mường, gọi cô gái ra, cô gái làm mẫu vẽ. Vẽ xong cô gái nằng nặc đòi phải tặng tranh, anh ấy đành vẽ bức thứ hai tặng. Vẽ xong, tôi trêu “cậu vẽ thì ít mà ngắm con gái người ta thì nhiều. Anh ấy chỉ cười”, ông Lương kể. Cả hội trường cười vui.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Chú liên lạc ở trong hầm, ký họa của Lê Đức Tuấn

Thực sự là một Đừng đốt bằng tranh

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Tướng Lê Mã Lương nói: “Một cuốn ký họa lưu lạc, lính Mỹ thu được, sau hơn 40 năm lại quay về thì đến nay mới chỉ có một. Đặc biệt, có rất nhiều ký họa, người được ký họa vẫn còn sống, có người đã chết. Chúng tôi đánh giá nó như một cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Chỉ khác Đặng Thùy Trâm viết nhật ký bằng chữ, còn Lê Đức Tuấn ký họa trực tiếp từ chiến trường. Giá trị của hai cuốn nhật ký này như nhau, có thân phận rất giống nhau. Ngoài ra, đây còn là câu chuyện rất có hậu, khi tác giả của nó còn sống. Đến nay, đây là cuốn ký họa đầu tiên mà Bảo tàng có được”.

Tướng Lê Mã Lương cũng cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp cơ quan chức năng và thông qua các phương tiện truyền thông để tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của cuốn nhật ký bằng tranh này đến thế hệ sau.

Cuốn này là tư liệu rất quý đối với chúng ta, để các thế hệ sau biết nhiều hơn về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Tuần tới, Bảo tàng sẽ đưa kỷ vật (cuốn ký họa) vào triển lãm Kỷ vật kháng chiến sống mãi với thời gian, kéo dài trong 2 tháng”.

Bá Kiên

"Là người lính trải qua cả chục năm trong cuộc chiến, khi tiếp cận cuốn ký họa này, tuy trong đó không có hình ảnh của tôi nhưng tôi có cảm giác như mình là người trong cuộc. Chúng tôi đánh giá nó như một cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm.
Chỉ khác Đặng Thùy Trâm viết nhật ký bằng những dòng chữ, còn Lê Đức Tuấn ký họa trực tiếp từ chiến trường, nên giá trị của hai cuốn nhật ký này như nhau. Có thân phận rất giống nhau. Ngoài ra, đây còn là câu chuyện rất có hậu, khi tác giả của nó còn sống." - Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

(Còn nữa)
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Năm 1968, khi người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, họa sĩ Lê Đức Tuấn, bị thất lạc cuốn nhật ký bằng tranh của mình trong một trận đánh ở Tây Nguyên.

Nhìn từ khía cạnh số phận của tác phẩm, tập nhật ký với 102 bức ký họa của Lê Đức Tuấn đã được thiếu tá quân đội Mỹ Robert B. Simpson nhặt được và giữ gìn một cách trân trọng. Tiền Phong có trong tay bài viết trên một tờ báo Mỹ năm 1968 nói về người lính Bắc Việt, họa sĩ Lê Đức Tuấn và tập nhật ký bằng tranh của ông.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Một trong ba bức tranh màu nước của Lê Đức Tuấn được đăng trên báo Mỹ Columbus Enquirer, ngày 20-5-1968

“Lê Tuấn đã bị thiệt mạng”

Sau khi nhặt được tập nhật ký bằng tranh của người lính Bắc Việt Lê Đức Tuấn, thiếu tá Robert Simpson đã trích ra ba bức tranh mà ông cho là đẹp rồi gửi về khoe với vợ mình như một sự chia sẻ những câu chuyện lượm lặt nơi chiến trường. Vợ của thiếu tá Robert Simpson khi đó là một nhân viên Cục thông tin công cộng Fort Benning, thành phố Columbus, bang Georgia, Hoa Kỳ.

Phóng viên quân sự Mỹ Charles Black biết chuyện đã viết một bài lớn với tựa đề “Chuyện từ những bức ký họa của người lính Bắc Việt tử trận” đăng trên số ra thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 1968 của nhật báo The Columbus Enquirer ở bang Georgia.

Người Mỹ cho rằng tác giả của tập ký họa này đã chết nên bài báo của Charles Black được đăng kèm ba bức họa chưa phải là đẹp nhất nhưng dễ hiểu của Lê Đức Tuấn với lời dẫn của tòa soạn: “Những khía cạnh khác thường về cuộc chiến tranh được lột tả theo những cách khác nhau, kể cả cái chết của một người lính Bắc Việt cũng được phóng viên quân sự Charles Black báo Columbus Enquirer mô tả trong bài viết này sau khi tập ký họa của người lính Bắc Việt đó được một sĩ quan Mỹ quê ở thành phố Columbus tìm thấy”.

Trong bài báo nói trên, sau khi kể về những người lính Bắc Việt ra chiến trường với những trải nghiệm gian khổ và đầy cảm xúc, phóng viên quân sự Mỹ Charles Black viết: “Lê Tuấn, một sinh viên nghệ thuật từ Hà Nội đã sử dụng tranh màu nước để nói về những cảm xúc và sự trải nghiệm của mình là điều tất nhiên.

Lê Tuấn bị chết tháng trước tại phần yên ngựa của một quả đồi không tên, cách buôn Polei Kreng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hoang dã khoảng 16 km về phía tây, gần Campuchia.

Những bức ký họa và tranh màu nước cùng những đồ vật khác tìm thấy trong ba lô của người lính Bắc Việt này cho thấy trước khi gia nhập quân đội anh ta làm nghề gì và anh đã cảm nhận cuộc sống như thế nào... Các bức họa dùng chất liệu màu nước, chì than đen, và một số bức được vẽ với chất liệu chì sáp”.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView

Tác giả Charles Black cho biết, thiếu tá Mỹ Robert B. Simpson là một sĩ quan tác chiến thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8 Bộ binh, Sư đoàn 4 Bộ binh của quân đội Mỹ ở vùng Pleiku-Kon Tum. Nhà báo Charles Black dẫn lời thiếu tá Robert Simpson kể rằng, tiểu đoàn bộ binh của ông ta đã có một trận đánh ác liệt kéo dài bốn ngày sau khi một lữ đoàn bộ binh của quân đội Bắc Việt Nam mới thâm nhập vào Tây Nguyên định đột kích vào một trận địa pháo của quân Mỹ gần Polei Kreng.

Đại đội D. của thiếu tá Robert Simpson đã giao chiến trực diện với đơn vị quân đội Bắc Việt trong bốn ngày liền ở khu vực yên ngựa của một quả đồi phía tây căn cứ tiền phương. Charles Black viết: “Tại một trong những trận giao tranh đó, Lê Tuấn đã bị thiệt mạng”.

Kẻ thù cũng phải khâm phục

Báo Columbus Enquirer dẫn lời thiếu tá Robert Simpson hình dung ra con người Lê Đức Tuấn sau khi xem kỹ những bức ký họa của người lính Bắc Việt này nói: Lê Tuấn “một người lính còn trẻ tuổi và rõ ràng là người có học cao và một tâm hồn nhạy bén. Ngoài tập ký họa, trong ba lô của người lính Bắc Việt này còn có một tập thơ (Pushkin - nhà thơ cổ điển Nga - TP).

Lê Tuấn đã hành quân qua một ngàn dặm đường. Những bức tranh, những bức ký họa và cuốn sách thơ đối với anh là những thứ rất quan trọng không thể thiếu. Khi hành quân trong rừng già nhiều tháng, người ta không mang trên mình những thứ gì không thật cần thiết”.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView

Thiếu tá Simpson cho rằng ba bức ký họa mà thiếu tá đã gửi cho vợ mình chưa phải là những bức họa đẹp nhất nhưng có lẽ đó là những bức họa bổ ích nhất giúp người xem hiểu được cuộc hành quân bằng đường bộ từ Bắc vào Nam đã gây ấn tượng cho Lê Tuấn như thế nào: “Những thanh niên Bắc Việt sau khi gia nhập quân đội được huấn luyện vội vàng nhưng kỹ lưỡng đối với vài kỹ năng cơ bản của một người lính. Sau đó họ được về thăm gia đình trước khi ra mặt trận. Tại quê nhà, những người lính Bắc Việt tự hào về việc mình được lựa chọn đưa vào miền Nam để giải phóng nhân dân miền Nam khỏi đế quốc Mỹ.

Sau khi thăm gia đình trở lại đơn vị, mỗi người trong số họ được phát cho 10 kg gạo, muối, đường, muối vừng, và lương khô làm từ lạc, bột cá khô, đậu tương, một tấm nilon, một chiếc võng, hai đôi dép cao su làm từ lốp ôtô sau đó lên xe tải hoặc xe buýt chở quân đến một địa điểm gần biên giới với Lào.

Tại đây, những người lính Bắc Việt xuống xe và sau một cuộc chia tay chính thức với tư lệnh quân khu, họ bắt đầu đi bộ hành quân. Các giao liên sẽ hướng dẫn đoàn quân đi theo một mạng lưới đường đầy thử thách.

Họ đi bộ hành quân từ 7 giờ rưỡi sáng đến khoảng 2 giờ rưỡi chiều, cứ mỗi giờ hành quân lại được nghỉ một lúc sau đó dừng chân tại một binh trạm đã được chuẩn bị sẵn cho họ trên đường mòn.

Các cán bộ binh trạm ở mỗi trạm dừng chân đã nấu sẵn cơm và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho những người lính mang đi. Có khi những người lính được lên các xe tải chở quân vốn giấu kín tại một số kho xe trong rừng.

Liên lạc với chỉ huy sở bằng điện đài vào lúc 3 giờ chiều. Đơn vị hành quân đến đâu thì được bộ đội địa phương tại đó chăm sóc. Thông thường quá trình hành quân như vậy kéo dài khoảng 60 ngày. Dọc đường hành quân gian khổ nhiều người do mắc bệnh sốt rét, bệnh tật mà bị bỏ lại...

Những người lính Bắc Việt tự biết mình đã đặt chân tới miền Nam vào lúc nào nhờ một mặt do kỷ luật hành quân trên chặng đường này trở nên nghiêm ngặt hơn, mặt khác cuộc đi bộ hành quân chỉ được thực hiện vào ban đêm.

Sau đó những người lính này đến căn cứ trú quân trên đất Campuchia nằm ở phía sau dãy núi Chư Pông - nơi quân Mỹ đã từng phải giao chiến với đối phương không đếm được bao nhiêu lần...

Tại căn cứ trên đất Campuchia, những người lính Bắc Việt nghỉ ngơi, được các cán bộ chính trị động viên, được kiểm tra sức khỏe trước khi di chuyển tới vùng mặt trận đã được vạch kế hoạch từ lâu để tập luyện. Tất cả những người lính này ai cũng phấn khởi, khao khát được tham gia trận đánh đầu tiên sau một thời gian nghỉ và tập huấn tại căn cứ”.

Chú thích tranh nhầm lẫn

Tờ báo Columbus Enquirer nói trên đăng ba bức tranh màu nước của họa sĩ, người lính Lê Đức Tuấn. Trong đó một bức vẽ xóm cư dân ở tỉnh Bắc Thái (Bắc Giang và Thái Nguyên ngày nay); bức “Sinh hoạt đại đội dã ngoại” vẽ cảnh nhìn từ phía sau lưng một đơn vị bộ đội đang ngồi nghe cán bộ chính trị nói chuyện trong khi súng vẫn gác trên vai và lưng còn đeo lựu đạn, bi đông nước uống;

Bức tranh còn lại mô tả cảnh bộ đội nghỉ ngơi trong rừng với những khẩu súng dài gác lên một thanh tre bắc ngang, những tăng, võng mắc lên các gốc cây và một nhóm bộ đội đang chơi bài tú lơ khơ. Phần chú thích cho các bức họa này của Lê Đức Tuấn, báo Columbus Enquirer đã có sự hiểu lầm rất lớn.

Chẳng hạn, với bức vẽ xóm dân cư ở tỉnh Bắc Thái đã bị chú thích là “Nghệ sĩ Lê Tuấn, một người lính Bắc Việt bị thiệt mạng tháng trước ở miền Nam Việt Nam đã ghi rằng đây là một làng miền núi trên Đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Lê Tuấn đã vẽ bức tranh này vào tháng 3-1967, một năm trước khi anh tử trận...”.

Với bức “Sinh hoạt đại đội dã ngoại”, báo Columbus Enquirer chú thích: “Họp thông báo tin tức về trận đánh - Sau khi được nghỉ ngơi và động viên ở Campuchia, những người lính Bắc Việt di chuyển đến vùng mặt trận đã được lên kế hoạch từ lâu... Đây là bức họa cuối cùng của Lê Tuấn. Chẳng bao lâu sau đó Lê Tuấn tử trận”.

Riêng với bức họa những người lính đang chơi bài tú lơ khơ của Lê Đức Tuấn, tờ Columbus Enquirer không đăng kèm một dòng chú thích nào.

------------------

Còn nữa
Đón đọc kỳ 6: Nữ họa sĩ Mỹ vẽ chân dung Lê Đức Tuấn

Nguyễn Đại Phượng

Từ những bức ký họa và màu nước trong tập nhật ký bằng tranh của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, họa sĩ Lê Đức Tuấn, một nữ họa sĩ trẻ tuổi Mỹ chưa từng đến Việt Nam, chưa từng ra mặt trận đã hiểu phần nào tính cách và con người họa sĩ người lính Bắc Việt Lê Đức Tuấn để vẽ một bức chân dung hoàn toàn dựa trên sự tưởng tượng của chị.
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Từ những bức ký họa và màu nước trong tập nhật ký bằng tranh của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, họa sĩ Lê Đức Tuấn, một nữ họa sĩ Mỹ trẻ tuổi chưa từng đến Việt Nam, chưa từng tham chiến đã vẽ một bức chân dung về người lính Bắc Việt này hoàn toàn dựa trên cơ sở tưởng tượng của chị.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Ông Lê Đức Tuấn bây giờ.

Sau khi một số bức họa của Lê Đức Tuấn - người lính Bắc Việt - được công bố, nữ họa sĩ trẻ tuổi người Mỹ Mandy Manderson đã nghiên cứu các bức tranh này rất kỹ.

Đối với Mandy, các bức ký họa và màu nước của Lê Tuấn không chỉ nói lên cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người lính Bắc Việt trên đường hành quân ra mặt trận mà còn chứa đựng những sắc thái tình cảm khác nhau của người nghệ sĩ tạo hình Việt Nam mà chị được biết là đã thiệt mạng trong một trận chiến với quân Mỹ.

Giàu cảm xúc

Xem kỹ những bức vẽ cảnh làng bản, núi rừng của Lê Tuấn, Mandy Manderson cho rằng người lính Bắc Việt này rất giàu cảm xúc.Mandy Manderson cho biết cô có thể cảm nhận được những sắc thái tình cảm vui buồn luôn thay đổi trong từng nét vẽ của tác giả tập nhật ký bằng tranh này.

Cô họa sĩ trẻ người Mỹ nhận xét: “Trong bức sơn dầu mà Lê Tuấn vẽ về một bản làng của người dân tộc miền núi ở Lào ngày 5 tháng 3 năm 1967 khi đang trên đường đi bộ hành quân dọc Đường mòn Hồ Chí Minh (thực ra là bức vẽ bản của người dân ở tỉnh Bắc Thái), các nét vẽ thô ráp.

Tác giả lấy gam màu tối làm chủ đạo, đường nét được tạo nên từ những cú ấn mạnh bút vẽ để tả cảnh một buổi hoàng hôn miền rẻo cao êm đềm nhưng buồn. Chứng tỏ lúc này trạng thái tình cảm của người lính họa sĩ Bắc Việt rất ưu tư, trầm lắng”.

Thực ra, do phần chú thích ba bức tranh của Lê Đức Tuấn trên báo Columbus Enquirer đã có sự nhầm lẫn về địa danh nơi ra đời của bức tranh mà Mandy gọi là bản làng rẻo cao nên nữ họa sĩ Mỹ này đã suy luận trên tinh thần bức sơn dầu đó được tạo ra ở Lào, một phần của Đường mòn Hồ Chí Minh.

Với bức sơn dầu khác của Lê Đức Tuấn mô tả những người lính Bắc Việt đang chơi bài tú lơ khơ trong rừng mà báo Mỹ chú thích rằng bức vẽ được thực hiện tại Campuchia ngày 26 tháng 12 năm 1967, họa sĩ Mandy Manderson cho rằng ông Lê Tuấn đã đổi thủ pháp nghệ thuật.

Từ chỗ ông vẽ tranh phong cảnh tĩnh như cảnh bản làng trên rẻo cao với núi rừng làm nền lùi về phía sau đến chỗ ông vẽ những cảnh động như cảnh những người lính đang chơi bài tú lơ khơ. Nền trời và cảnh sắc trong tranh này cũng sáng hơn.

Tác giả bức tranh này đã bắt đầu tả tương đối chi tiết những người lính đang chơi bài, những cây súng được dựng phần mũi súng lên một đoạn tre ngang, lùi xa về phía sau có những người lính khác giải lao bằng cách nằm nghỉ trên những cánh võng. Tác giả bức họa sử dụng kỹ thuật sắp xếp hàng lối rõ ràng trong bức tranh.

Đối với bức màu nước “sinh hoạt đại đội dã ngoại” báo Mỹ chú thích là bức vẽ cuối cùng trong đời của người lính họa sĩ Lê Tuấn được cho là thực hiện ngày 1 tháng 1 năm 1968 tại một căn cứ tiền phương ở miền Nam Việt Nam, nữ họa sĩ Mandy Manderson nói đó là bức họa biểu đạt tốt nhất.

Nữ họa sĩ Mỹ này cho rằng chủ đề của bức màu nước này được xác định cụ thể và rõ ràng là những người lính Bắc Việt đang họp để nghiên cứu kế hoạch trận đánh mà họ sắp tham gia.

Bức màu nước này được tác giả sử dụng gam màu sáng nhẹ làm chủ đạo. Không gian, không khí và quang cảnh được mô tả bằng những mảng màu sắc nhẹ nhàng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của người lính họa sĩ Bắc Việt. Các màu đỏ anh đào nhẹ được sử dụng trong bức tranh này là sự đối nghịch với các màu nặng nề được cùng tác giả sử dụng trong những bức tranh khác đã nói ở trên.

Đáng chú ý là trong “bức tranh cuối cùng” này của Lê Tuấn, không hề có những đường nét đậm nặng nề từng xuất hiện ở những bức tranh trước đó của ông. Tác giả bức tranh không lạm dụng quá giới hạn không gian cuộc họp trong rừng, trái lại trong bức tranh này ông tỏ ra là người vẽ bài bản hơn.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Chân dung người lính Bắc Việt, họa sĩ Lê Đức Tuấn do nữ họa sĩ Mỹ Mandy Manderson tưởng tượng và vẽ năm 1968

Chân dung họa sĩ Lê Tuấn

Báo Columbus Enquirer cho biết, cô Mandy Manderson là một họa sĩ trẻ tuổi, xinh đẹp, có mái tóc vàng như tơ chưa hề biết gì về Đường mòn Hồ Chí Minh, chưa hề biết về các hệ thống căn cứ trong rừng của những người lính Bắc Việt nhưng cô đã căn cứ và các bức vẽ của Lê Tuấn mà đưa ra các nhận xét rất chính xác.

Đặc biệt là ở phần cô Mandy Manderson nói về cảm nhận của cô đối với cuộc sống của những người lính Bắc Việt trong rừng khi hành quân, lúc giải lao và cả thời gian rất gần trước mỗi trận đánh.

Việc cô Mandy Manderson phân tích và hiểu được các ý tưởng mà người lính họa sĩ Lê Tuấn gửi gắm trong các bức họa của ông gần trùng khớp với cách hiểu của một sĩ quan tình báo Mỹ có kinh nghiệm.

Chỉ có một điều khác là người sĩ quan tình báo Mỹ bổ sung thêm một ý nữa rằng các bức vẽ chứng tỏ Lê Tuấn là người sử dụng súng tiểu liên AK-47. Bằng chứng là trong các bức ký họa của mình, bao giờ Lê Tuấn cũng vẽ khẩu AK-47 rõ nét hơn với từng chi tiết nhỏ. Các đường nét vẽ khẩu tiểu liên này luôn cẩn trọng, đầy nét chứ không giống như khi ông vẽ khẩu trung liên với những đường nét cẩu thả, sơ sài.

Khẩu súng AK-47 được Lê Tuấn chăm sóc cẩn thận đến mức khi giải lao nơi bãi lầy, mũi súng AK-47 luôn được gác dựng hướng lên trời chứ không bao giờ đặt nằm xuống nơi đất bùn. Đơn giản chỉ vì đó là vũ khí của Lê Tuấn. Chắc hẳn “khi Lê Tuấn tử trận”, trong tay anh vẫn cầm chặt khẩu AK-47 chứ không phải là những cây bút vẽ.

Nữ họa sĩ Mandy Manderson còn có nhận xét khá thú vị rằng tại một số bức ký họa khác của Lê Tuấn, khẩu súng phóng rocket RP-2 cũng được ông vẽ rất cẩn thận. Điều này cho phép dự đoán Lê Tuấn có một người bạn thân sử dụng loại vũ khí RP-2.

Theo nữ họa sĩ Mỹ Mandy Manderson, bức vẽ cuộc họp nghiên cứu kế hoạch trận đánh của những người lính Bắc Việt (ý nói bức “Sinh hoạt đại đội dã ngoại”) là bức vẽ tốt nhất vì nó chứng tỏ sự trưởng thành của tác giả.

Cô Mandy Manderson đã tưởng tượng ra khuôn mặt người lính Bắc Việt- tác giả của tập nhật ký bằng tranh mà cô tin là đã tử trận để vẽ một bức chân dung về ông-họa sĩ Lê Tuấn. Bức chân dung này cũng được đăng trên báo Mỹ The Columbus Enquirer năm 1968.

Nguyễn Đại Phượng


Cuốn nhật ký bằng tranh của Lê Đức Tuấn là một trong 550 kỷ vật triển lãm

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2010), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm: “Những kỷ vật kháng chiến - Sống mãi với thời gian”.

Triển lãm công bố 550 kỷ vật trong tổng số 10.000 kỷ vật kháng chiến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hệ thống bảo tàng quân đội tiếp nhận từ Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến do Tổng cục Chính trị phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện, được sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á.

Đặc biệt, triển lãm lần này giới thiệu cuốn nhật ký bằng tranh của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn, chiến sỹ Đại đội Quyết Thắng, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Cuốn nhật ký trải qua cuộc hành trình 41 năm từ Mỹ trở về, do gia đình tướng ba sao William R. Peers, nguyên tư lệnh sư đoàn bộ binh 4 có biệt hiệu “Sư đoàn dây thường xuân” gửi sang.

Đây là cuốn ký họa có số phận kỳ lạ (Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh): Năm 1968, thiếu tá người Mỹ Robert B.Simpson đã lượm được cuốn nhật ký, sau đó tặng lại tướng ba sao William R. Peers. Phía Mỹ cho rằng tác giả của cuốn nhật ký đã hi sinh. Nhận thấy đây là một kỷ vật quý, viên trung tướng này trước khi chết đã dặn lại người thân phải trao cuốn nhật ký bằng tranh này trả lại cho phía Việt Nam.

Sau hơn 40 năm lưu lạc, đầu tháng 1-2009, cuốn nhật ký được phía Mỹ thông qua con đường ngoại giao trao lại cho phía Việt Nam. Sau khi đăng bài báo Thêm một đừng đốt bằng tranh trên Tiền Phong (số ra ngày 16-1-2010), phóng viên Tiền Phong đã tìm được tác giả cuốn nhật ký là Lê Đức Tuấn, hiện ông còn sống....

Triển lãm giới thiệu những kỷ vật về 13 vị tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong tướng trong kháng chiến chống Pháp, 12 vị đại tướng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu hàng trăm trong số hàng ngàn kỷ vật kháng chiến quý giá do Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến đã tiếp nhận. Trong số đó có hàng trăm bức thư thời chiến và nhiều cuốn sổ nhật ký của cựu chiến binh gửi tặng.

Triển lãm giới thiệu một số trong hơn 200 kỷ vật của ông Prunier, một thành viên trong nhóm Con Nai giúp Bác Hồ huấn luyện bộ đội tháng 7 năm 1945.

Triển lãm kéo dài trong hai tháng.

Trần Thanh Hằng

(Còn nữa)
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Sau khi cắt băng khai trương Triển lãm Kỷ vật kháng chiến sống mãi với thời gian (trong đó có cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dành cho phóng viên Tiền Phong cuộc phỏng vấn.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và họa sĩ Lê Đức Tuấn tại lễ khai mạc triển lãm Kỷ vật chiến tranh chiều ngày 2-2-2010
Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông nói: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nay xem lại những kỷ vật này, tôi thực sự xúc động. Những kỷ vật này tự nó đã nói lên tinh thần quả cảm của nhân dân Việt Nam, sự thông minh, tài trí của người lính bộ đội Cụ Hồ. Nó còn nói lên cả tính nhân văn của dân tộc Việt Nam, nhắc nhở về sự hi sinh, gian khổ của biết bao người Việt để có được độc lập, tự do ngày hôm nay.

Những kỉ vật kháng chiến này vẫn sống mãi với thời gian, nhắc nhở chúng ta về tâm hồn của một dân tộc, khí phách của một dân tộc. Vì vậy, nó phải sống mãi, phải truyền cho thế hệ sau hiểu được truyền thống anh dũng của cha anh để tiếp tục giữ gìn bờ cõi đất nước.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ ba từ phải sang) và các tướng lĩnh cắt băng khai trương triển lãm kỷ vật kháng chiến
Ảnh: Hồng Vĩnh

Thưa Chủ tịch, ông cũng vừa xem cuốn nhật ký bằng tranh và gặp tác giả Lê Đức Tuấn. Đây là cuốn nhật ký có số phận rất giống với nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm. Chủ tịch có thể nói đôi lời về câu chuyên nhân văn này?

Tôi đọc báo Tiền Phong và xem trên đài truyền hình, tôi rất xúc động. Và tôi cũng rất vui với niềm vui của họa sỹ Lê Đức Tuấn nữa.

Thực sự xúc động, khi mà người lính - họa sỹ trên đường hành quân ra trận, nhưng vừa đi vừa ký họa về cuộc sống lạc quan, yêu đời của người lính.

Những bức tranh của anh Tuấn nói lên tình cảm cách mạng, nó nói lên ý chí bất khuất của một thế hệ thanh niên ngày đó. Nếu như nhật kí của Đặng Thùy Trâm viết bằng lời thì nhật kí này của Lê Đức Tuấn viết bằng kí họa hết sức sâu sắc.

Những kỷ vật này giáo dục cho chúng ta và cả thế hệ đi trước nữa. Đừng bao giờ quên những cái khó nhọc, cái gian khổ, đừng bao giờ quay lưng lại với quá khứ, chống lại quá khứ. Phải tiếp tục trung thành với sự nghiệp của cha anh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi thấy nhiều người lớn tuổi rồi, từng trưởng thành trong kháng chiến nhưng nay bước vào cơ chế thị trường, vẫn không thoát được những cám dỗ của đồng tiền, sinh tật tham ô... Bởi thế, phải không ngừng rèn luyện.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Chủ tịch nước và các tướng lĩnh xem triển lãm kỷ vật kháng chiến
Sau nhật ký bằng chữ của Đặng Thuỳ Trâm, cuốn nhật ký bằng tranh của Lê Đức Tuấn cũng do những lính Mỹ gìn giữ và nay trao trả lại cho phía Việt Nam. Điều này thể hiện tính nhân văn, nhân bản của con người là không có chiến tuyến, thưa Chủ tịch?

Ngày xưa mình đánh giặc là mình căm thù cái tàn ác, cái dã man, căm thù chủ nghĩa đế quốc. Chứ còn những con người, kể cả người đó từng là lính Mỹ, người ở phía bên kia chiến tuyến nhưng họ làm những gì tốt ta cũng phải hoan nghênh.

Cảm ơn Chủ tịch.

Bá Kiên thực hiện
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Theo lời của Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ngay khi đến Bảo tàng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã rất quan tâm đến cuốn nhật ký bằng tranh của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn.

“Tôi đã xem loạt bài viết về cuốn ký họa trên báo Tiền Phong và phóng sự trên truyền hình, rất xúc động”, Chủ tịch nước nói.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Họa sỹ Lê Đức Tuấn (bìa trái) cùng các đồng đội cũ và Tổng Biên tập báo Tiền Phong Đoàn Công Huynh xem lại quyển ký họa
Hôm qua, 2-3, tại Hà Nội diễn ra lễ khai trương triển lãm Những kỷ vật kháng chiến - Sống mãi với thời gian, dự kiến kéo dài đến cuối tháng 5-2010.Triển lãm công bố 550 kỷ vật (trong đó có cuốn ký họa của Lê Đức Tuấn) trong tổng số 10.000 kỷ vật kháng chiến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hệ thống bảo tàng quân đội tiếp nhận từ Cuộc Vận động Sưu tầm & Giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến do Tổng cục Chính trị phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thực hiện, được sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á.

Triển lãm giới thiệu những kỷ vật về 13 vị tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong tướng trong kháng chiến chống Pháp, 12 vị đại tướng trong thời đại Hồ Chí Minh. Triển lãm còn giới thiệu hàng trăm trong số hàng ngàn kỷ vật kháng chiến quý giá do Cuộc Vận động tiếp nhận, v.v.

Đặc biệt, triển lãm giới thiệu cuốn nhật ký bằng tranh ký hoạ của người lính - hoạ sĩ Lê Đức Tuấn, chiến sỹ Đại đội Quyết Thắng, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Cuốn nhật ký trải qua cuộc hành trình 41 năm từ Mỹ trở về, do gia đình tướng ba sao William R. Peers, nguyên tư lệnh sư đoàn bộ binh 4 có biệt hiệu “Sư đoàn dây thường xuân” gửi sang.

Theo lời của Thiếu tướng Lê Mã Lương, ngay khi đến Bảo tàng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã rất quan tâm đến cuốn nhật ký bằng tranh của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn. “Tôi đã xem loạt bài viết về cuốn ký họa trên báo Tiền Phong và phóng sự trên truyền hình, rất xúc động”, Chủ tịch nước nói.

Ngay sau khi cắt băng khai trương Triển lãm, Thiếu tướng Lê Mã Lương trực tiếp dẫn ông Lê Đức Tuấn đến giới thiệu với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Tại triển lãm, Chủ tịch nước ôm chầm người họa sĩ già, nói: “Người Mỹ tưởng anh đã hi sinh, nhưng anh vẫn sống. Thực sự đây là điều kỳ diệu, một niềm vui với chúng ta”.

Đáp lời Chủ tịch nước, ông Lê Đức Tuấn nói: “Đây là niềm hạnh phúc lớn không chỉ của riêng tôi, mà là niềm vui, sự tự hào của những người lính thế hệ tôi...”
Bá Kiên
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - “Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ký họa Lê Đức Tuấn chỉ là hai mảnh sao băng lưu lạc mà ta chợt nhận ra trong dải ngân hà của chiến tranh, do phía Mỹ chuyển lại".

"Những gì còn lại trong lòng đất nước là một biển sao trong dải ngân hà đó. Tôi mong đến một lúc nào đó tất cả được tôn trọng, khích lệ”, Họa sĩ Đỗ Đức cảm nhận về tập ký họa của người lính - họa sĩ Lê Đức Tuấn.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Lên lớp chính trị trong rừng

Năm ngoái họa sĩ Nguyễn Văn Chung có triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật, trưng bày nhiều bức ký họa chiến trường. Họa sĩ nguyên là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ về loạt bài “Đừng đốt bằng tranh”:

Ký họa là sinh khí của chiến trường

“Trong chiến tranh, thầy trò Trường Mỹ thuật (Đại học Mỹ thuật khác với trường Lê Đức Tuấn học là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) và giới họa sĩ đi B, đi C nhiều, có người đi ngắn có người đi dài, lấy thực tế để sáng tác. Như tôi thuộc loại đi ngắn nhưng cũng có nhiều ký họa nhất là về vùng đất Quảng Trị.

Nhà văn có thể ngồi trong hầm mà ghi chép nhưng họa sĩ phải xông ra mặt trận. Như anh quay phim vậy. Và bộ đội mà vẽ đẹp thì được anh em rất quí. Cũng phải thôi, ở chiến trường không khí căng thẳng mà anh vẽ được, viết được, diễn kịch được thì ai chả quí.

Tôi từng có bức ký họa một cô văn công Bình Trị Thiên đánh đàn trong lán dân quân. Đoàn văn công Bình Trị Thiên phục vụ bao nhiêu là buổi diễn giữa chiến trường.

Trong ký họa có tốc họa và thâm diễn. Tốc họa là vẽ nhanh. Thâm diễn là vẽ kỹ. Những bức anh Tuấn vẽ có lẽ là tốc họa. Thường người ta phải có cảm tình với nhân vật mới vẽ được.

Vừa vẽ vừa hỏi chuyện, có rung động thì tranh mới đẹp được. Như bức tôi vẽ cô Nguyễn Thị Hoa du kích ở Hải Lăng, Quảng Trị. Vừa vẽ tôi vừa hỏi chuyện. Cô ấy bị xăm trúng hầm rồi bị bắn vào mắt cá chân, bị bắt, dụ dỗ quy hàng. Cô ấy không khuất phục. Thế là bị tháo khớp chân, một bên chân chỉ còn từ đầu gối trở xuống.

Bình thường cô ấy chẳng bao giờ kể chuyện mình nhưng tôi vừa vẽ vừa hỏi, thế là cô ấy kể. Một nhân vật khác của tôi, đàn ông, hoạt động nằm vùng, suốt ngày ngâm mình dưới ao đến đêm lên bờ, da cứ nhợt như con cá trên thiếu sáng, thương lắm.

Vẽ cảnh bao giờ cũng dễ hơn vẽ người. Như vẽ cái cây thì có cành là cành bổng, hòn đá có hòn to hòn nhỏ không thành vấn đề nhưng vẽ người nếu không có tài thì lộ ra ngay.

Thời ấy văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ. Đường lối nghệ thuật của mình là phải có thực tế sáng tác. Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa được coi như phương pháp tốt nhất chứ không phải phương pháp duy nhất để sáng tác”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chung cho PV xem cuốn kỷ yếu 50 năm Trường Đại học Mỹ thuật, trong đó ghi danh 24 thầy trò hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Nổi tiếng nhất đương nhiên là Tô Ngọc Vân, hy sinh năm 1954. Hy sinh trong chống Mỹ có Quách Thiện Thuật, Hoàng Thượng Lân, Hà Xuân Phong... Các họa sĩ ký họa chiến tranh nhiều, theo ông Chung, có Lê Lam, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Hồng Chinh Hiền, Trần Hữu Chất, Hoàng Đình Tài...

Trong khi một số họa sĩ, phóng viên báo Tiền Phong xúc động và thích thú với các bức Thanh bình, Làng Đổng Viên... của Lê Đức Tuấn, thì họa sĩ Chung chỉ vào một số bức vẽ nhóm mà theo ông, có bố cục, có không khí, vẽ nhiều người nhưng từng người có dáng nét rõ ràng, tỉ lệ cũng đạt.

Một số bức mới chỉ là những ghi chép. Bức vẽ thanh niên hồn nhiên nhảy chân sáo, hai tay đút túi quần, áo không cài hết khuy mà báo Tiền Phong đã đăng, theo ông Chung, khá hoạt.

“Như đã nói, họa sĩ phải có cảm tình với nhân vật mới vẽ được. Có thể thấy anh Tuấn có tình cảm với đồng đội nhất là đại đội trưởng Lâm, chú liên lạc, cô y tá ở Kỳ Sơn vân vân, và cả những nơi anh từng đóng quân”.

Tú Quyên (ghi)

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
'Thanh bình', ký họa của Lê Đức Tuấn

Kho tư liệu vô giá

Nhớ lại, những năm máu lửa chiến tranh thập niên 60-70 thế kỷ trước, không biết bao nhiêu tập ký họa Từ tuyến đầu Tổ quốc được Nhà Xuất bản Văn Hóa in để động viên kịp thời, cổ vũ cho cuộc chiến đấu quyết liệt, là tài liệu để thế giới biết về cuộc chiến của chúng ta.

Loạt bài về cuốn nhật kí bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn gợi lại trong tôi nhiều cảm xúc và suy ngẫm.

Họa sĩ Tuấn thuộc thế hệ chúng tôi, thế hệ cầm súng ra trận đánh Mỹ. Tuy không lãng mạn như trai Hà Nội trong thơ Tây Tiến của Quang Dũng, nhưng ý chí không kém lẫm liệt. Anh Tuấn chỉ là một trong mấy trăm họa sĩ vác ba lô vào chiến trường, trong đó hàng trăm người đã bỏ mình.

Thế hệ trước Tuấn có Lê Lam, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Văn Kính, Thái Hà, Quang Thọ, Văn Đa, Nguyễn Thụ, Cổ Tấn Long Châu, Phạm Ngọc Liệu, Trương Hiếu, Bùi Quang Ánh... Cùng thời với Tuấn còn có Lương Xuân Đoàn, Hoàng Đình Tài, Lê Trí Dũng, Nguyễn Quang Bộ, Giang Khích, Nguyễn Văn Kế, Đặng Chung...

Họa sĩ Trương Hiếu ở Ngõ Quỳnh, Hà Nội, thỉnh thoảng lại đem hong nắng mấy trăm kí họa còn giữ lại được. Đó là những kỉ vật quí nhất của đời lính khi ông ở miền Đông Nam Bộ. Mỗi bức giở ra, ông lại nhớ từng tên đất tên người.

Năm trước, Bảo tàng Quân đội triển lãm ký họa của họa sĩ quân đội Phạm Ngọc Liệu vẽ ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tập ký họa trong triển lãm sau in thành sách. Một loạt nhân vật trong đó, đi qua cuộc chiến được gặp lại mình trong sách. Họ mời ông trở lại chiến trường xưa. Những mái đầu xanh thuở ấy giờ bạc trắng bên nhau.

Thời chiến tranh, người giữ những bức ký họa chuyển theo đường giao liên ra Bắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam là họa sĩ Hồng Hải. Có lần chị kể với tôi, kho tranh khổng lồ ấy được giữ gìn cẩn thận như thế nào.

Lần ấy tôi đã nghĩ, hết chiến tranh, chắc phải có cuộc hội ngộ bằng một triển lãm thật hoành tráng trong dịp kỉ niệm giải phóng miền Nam, và có cuộc gặp mặt những họa sĩ còn sống trở về. Nhưng rồi chẳng thấy. Cho đến giờ, 35 năm rồi, chắc chẳng mấy ai nhớ những bức ký họa từ tuyến đầu Tổ quốc vang danh một thời.

Tôi không rõ khi Hồng Hải về hưu, cái kho ký họa chị nói đến giờ ở đâu, có được bảo quản tốt hay đã thành giấy mục. Đó là cái nợ lớn của ngành, cũng là của cơ quan hữu trách đối với kho báu tinh thần có xương và máu của cả đội ngũ làm mỹ thuật ra chiến trường.

Ta không nghĩ tới nhưng người ngoài lại nghĩ từ lâu rồi. Cách đây trên chục năm có một ông đại sứ Ý, trong ba năm nhiệm kì ở Việt Nam lùng mua cả loạt ký họa chiến tranh của các họa sĩ Việt Nam. Ông mua với giá khá rẻ, vì có lẽ các họa sĩ nghĩ có giữ cũng chẳng để làm gì.

Nhớ không nhầm thì bức sơn mài khá lớn của họa sĩ Phan Kế An vẽ Khâm Thiên 12 ngày đêm cũng bán cho vị đại sứ trong dịp ấy. Còn họa sĩ Huỳnh Phương Đông được một nhà sưu tập chiến tranh mua và in để giới thiệu tại Mỹ. Họa sĩ quân đội Huy Toàn cũng vậy. Những người Mỹ vinh danh những người một thời là kẻ thù bằng sự trân trọng.

Chẳng đâu như ở ta, ký họa chiến tranh nhiều, vắt dài trường kỳ theo các cuộc chiến từ thập niên này sang thập niên khác. Dễ đến hàng vạn bức.

Ký họa chiến tranh là tư liệu sống, ghi lại những trang sử sống của đất nước một cách trung thực, đặc biệt quí giá, nhưng dễ bị lãng quên. Còn họa sĩ, hết chiến tranh trở về lại lo ổn định cuộc sống, lo cấy cày.

Những việc làm ở chiến trường chỉ coi như công việc bình thường đời lính. Nhìn trang báo Mỹ in những bức ký họa bình dị của họa sĩ Tuấn và đánh giá của họ về người lính bên kia giới tuyến, lòng tôi bỗng chùng xuống.

Không riêng họa sĩ, hội họa, các ngành khác trong Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam đều có đội ngũ không hề thưa vắng, đồng hành cùng người lính ra chiến trường. Đóng góp, hi sinh thầm lặng, nhiều trường hợp chẳng được biết đến và theo thời gian đang trôi dần vào quá khứ.

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ký họa Lê Đức Tuấn chỉ là hai mảnh sao băng lưu lạc mà ta chợt nhận ra trong dải ngân hà của chiến tranh, do phía Mỹ chuyển lại. Những gì còn lại trong lòng đất nước là một biển sao trong dải ngân hà đó. Tôi mong đến một lúc nào đó tất cả được tôn trọng, khích lệ”.

Họa sĩ Đỗ Đức

Ký họa chiến trường là sinh khí của tuổi trẻ và cuộc chiến. Sinh khí nóng bỏng, đổi bằng những khoảnh khắc thiêng liêng, có tuổi trẻ và máu xương của người lính. Nên nó là vô giá.

Nhưng ký họa chưa phải là tranh. So sánh với âm nhạc, ký họa như ca khúc chứ không phải giao hưởng. Mà một nền âm nhạc không thể chỉ có ca khúc. Trên thế giới ít khi người ta bày toàn ký họa, mà chỉ bày xen lẫn với những bức tranh khác.

Ký họa chính là tài liệu, rất quan trọng. Nhưng khi vẽ, người ta không chỉ cần tài liệu mà còn dùng hồi ức, ký ức. Ký họa đánh thẳng vào trái tim, nhưng không phải là thứ để xem hằng ngày, bày hằng ngày.

Họa sĩ Hoàng Đình Tài,
giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, người có nhiều ký họa chiến trường và tranh về đề tài chiến tranh.
http://www.cuuhvlq2.tk
      
thầy giáo làng
thầy giáo làng Mod

Cấp bậc: Mod

Giới tính : Nam

Bài viết : 835

Danh vọng : 1332

Uy tín : 183

Old đã viết:“Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ký họa Lê Đức Tuấn chỉ là hai mảnh sao băng lưu lạc mà ta chợt nhận ra trong dải ngân hà của chiến tranh,...".

Đây cũng là suy nghĩ đã ám ảnh mình từ lâu. Nhất là từ khi được đọc những dòng nhật ký, hồi ức của những cựu binh trên chiến trường K. Biết bao sự hy sinh, hành động anh hùng đã bị chìm lấp trong lớp bụi của thời gian và của cả nhân tình thế thái...

      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

thầy giáo làng đã viết:
Đây cũng là suy nghĩ đã ám ảnh mình từ lâu. Nhất là từ khi được đọc những dòng nhật ký, hồi ức của những cựu binh trên chiến trường K. Biết bao sự hy sinh, hành động anh hùng đã bị chìm lấp trong lớp bụi của thời gian và của cả nhân tình thế thái...

Old cũng có cảm giác như giáo những lại chẳng biết dùng từ nào diễn tả bởi vốn "văn dốt, võ dát". Thôi thì cứ tiếp tục đăng, đọc để cùng chia sẻ cảm xúc với mọi người...


TP - Khi đọc báo Tiền Phong số đầu tiên, có đăng kèm một số bức tranh, tôi rất quan tâm. Khi báo đăng bài thứ hai, nói về họa sĩ L.Đ.Tuấn, tôi có cảm giác đó chính là Lê Đức Tuấn.

Đến khi báo nói rõ, họa sĩ vẽ trên cuốn sổ do Hoàng Thư (Hoàng Văn Thư) tặng thì tôi khẳng định đó chính là Lê Đức Tuấn rồi. Vì Tuấn và Thư đều là bạn học cùng khoá với tôi. (Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Họa sĩ Trần Khánh Chương (bìa trái) chúc mừng ông Lê Đức Tuấn gặp lại cuốn ký họa chiến trường

Từ khi xem một vài bức tranh đăng trên Tiền Phong, tôi nhận định đây là người được học vẽ bài bản. Nét bút của Tuấn khoẻ, cứng cáp.

Khoá 1, Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp, chúng tôi vào trường sau hòa bình được mấy năm, nhiều thanh niên miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa bắt đầu có điều kiện được học hành.

Tháng 12-1959, vào trường có hơn 100 người, chia làm bốn ban. Tuấn ở ban sơn mài, tôi ở ban gốm. Ban của Tuấn có thể kể đến một số họa sĩ như Hoàng Văn Thư (Bảo tàng Mỹ Thuật), chị Trần Duyên Hằng, người được giải quốc tế ở Bungari từ thời chống Mỹ, Đặng Nam, Nguyễn Thị Mỹ...

Khoảng tháng 6-1963, chúng tôi ra trường, phần lớn đi về các địa phương. Chỉ ít người được ở lại Hà Nội, trong đó có Tuấn, sau đó một số người nhập ngũ.

Từ chuyện của Tuấn, tôi thấy không hiểu sao, lớp khoá 1 Trường Mỹ thuật Công nghiệp chúng tôi ra chiến trường nhiều, và sau chiến tranh đều trở về.

Tuấn vào học khi 17 tuổi, hiền lành, ít nói. Ngay cả sau này khi Tuấn về công tác tại báo Quân đội cũng thế. Tuấn là người của công việc, kín đáo và ít khi nói về mình. Tôi chưa bao giờ nghe Tuấn nói mình có một cuốn ký họa như thế.

Tôi về công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam mấy chục năm nay, nhưng anh không quan tâm tới việc vào hội. Anh là người của công việc, hết sức kỷ luật. Hình như cái nghiệp làm báo (báo Tây Nguyên, và từ năm 1974 làm báo QĐND) đeo anh. Mà làm báo hàng ngày, rất mệt. Có lẽ vì thế mà sau hoà bình, Tuấn ít sáng tác.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Bức ký họa màu nước Chiến thắng của Lê Đức Tuấn

Hôm 30-1, gặp Tuấn tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chứng kiến Tuấn cùng những đồng đội, trong đó có những người được Tuấn ký họa, mở quyển nhật ký bằng tranh ra, sau hơn 40 năm lưu lạc, còn gì vui hơn thế.

Quyển sổ ký họa, lại do chính Hoàng Văn Thư tự tay đóng, tặng bạn trước ngày nhập ngũ. Mở cuốn sổ, tôi thấy rưng rưng. Phải là bạn quý lắm, mới được Thư tặng cuốn sổ như vậy. Vì thời đó, kiếm được loại giấy vẽ đó là rất quý với chúng tôi. Ở đây, ngoài giá trị về nghệ thuật, bản thân cuốn sổ còn là kết tinh của tình bạn, rất đáng trân trọng.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageViewCái mà tôi đánh giá cao cuốn ký hoạ này, chính là số phận của nó. Sau hơn 40 năm lưu lạc ở bên kia bờ Thái Bình Dương, nay lại được chính những người từng ở bên kia chiến tuyến trao lại. Nó là hiện vật lịch sử. Nó thêm một tín hiệu hoà giải cuộc chiến tranh, sự hận thù. Và đặc biệt, chính những người Mỹ đã đánh giá rất cao cái nhân văn, nhân bản, tâm hồn lãng mạn của tác giả, từ những bức tranh.Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView - Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Cái đáng quý nhất của cuốn ký họa này chính là, sau hơn 40 năm lưu lạc nửa vòng trái đất, nó lại trở về với chủ nhân. Trong chiến tranh, có hàng vạn ký họa của hàng trăm họa sĩ, trải dài từ Bắc vào Nam, cùng với cuốn sổ ký họa này, nó tăng thêm số lượng và chất lượng cho thể loại tranh ký họa chiến trường của Việt Nam.

Ở đây, ngoài cuốn ký họa, anh Tuấn còn có cuốn sổ nhỏ ghi nhật ký bằng chữ, có lẽ nó phải đi cùng với những bức tranh. Báo Tiền Phong trích những dòng nhật ký ấy, như sự tương tác làm cho các bức ký họa có hồn và trung thực.

Đã 51 năm ra trường, hôm nay, chứng kiến đồng đội của Tuấn nhận ra chính mình trong tranh cậu ấy vẽ, thực sự rất cảm động.

Có lẽ, chưa nước nào có được lượng ký họa và lực lượng họa sĩ chiến sĩ đông như ở ta. Cả cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta có hơn 400 họa sĩ ra trận, và họ đều có ký họa.

Cuốn ký họa của Tuấn, xuất hiện vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhắc nhở chúng ta về kỷ vật chiến tranh, về những cái người lính đã làm, và bây giờ vẫn còn làm. Có thể nói, cuốn ký họa này cùng với hàng ngàn cuốn khác chưa được khai thác là kỷ vật vô giá.

Những năm 1960, chúng ta từng tổ chức một số cuộc triển lãm về ký họa chiến tranh, được Bác Hồ đến thăm. Hiện chúng ta có cả vạn bức tranh ký họa chiến tranh, trộm nghĩ, trong những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc, nên tổ chức triển lãm những bức ký họa này, hoặc Nhà nước bỏ kinh phí tổ chức in thành sách, lưu truyền hậu thế. Nếu làm được như vậy, thì giá trị, ý nghĩa của ký họa chiến tranh nói chung mới lưu truyền được cho lớp lớp thế hệ con dân Việt.[b]

Một cách hòa giải giữa hai nước

Tại Hà Nội, phóng viên Tiền Phong đã gặp Đại sứ Mỹ Michael Michalak, đề nghị Đại sứ bình luận về nội dung và việc cuốn nhật ký bằng tranh của Lê Đức Tuấn được các cựu binh Mỹ hoàn trả cho chủ nhân của nó.

Đại sứ Michael Michalak nói ông có được nghe về tập ký họa chiến tranh đó nhưng chưa được xem tận mắt. Đại sứ tỏ ra rất ngạc nhiên và vui mừng khi biết phóng viên Tiền Phong đã chủ động đi tìm tác giả của cuốn nhật ký đó và đặc biệt là tác giả - người cựu binh, họa sĩ Việt Nam Lê Đức Tuấn- vẫn còn sống cùng với gia đình đang ở Hà Nội.

Đại sứ Michael Michalak nói: “Có nhiều người Mỹ mong muốn được thấy mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục được phát triển. Nhiều cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam rất mong muốn được đóng góp điều gì đó vào sự phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn được phía Mỹ trao trả lại cho chủ nhân của nó cũng là một cách để góp phần vào quá trình hòa giải giữa hai nước.

Tôi hy vọng, gia đình ông Lê Đức Tuấn hiểu được các giá trị của tập ký họa đó cũng như sự trở về của cuốn nhật ký. Việc Báo Tiền Phong tìm được tác giả của tập nhật ký bằng tranh còn sống và cho đăng tải một loạt bài về sự trở về của cuốn nhật ký là điều rất tốt.

Về khả năng dàn xếp để những người liên quan bên phía Mỹ gặp gỡ với tác giả cuốn nhật ký bằng tranh, tôi chưa biết phải thế nào. Thông thường đây là việc của những người liên quan ở cả hai bên. Tôi nghĩ những cuộc gặp gỡ như vậy bao giờ cũng rất xúc động. Tôi cho rằng các bên liên quan nên quyết định xem có thể gặp gỡ được nhau ra sao”.

Đ.P

Bá Kiên (ghi)
http://www.cuuhvlq2.tk
      
OLD
OLD Developer

Cấp bậc: Developer

Giới tính : Nam

Bài viết : 750

Danh vọng : 1243

Uy tín : 16

TP - Trong con người Lê Đức Tuấn, tác giả cuốn nhật ký bằng tranh, điều tôi kính trọng ông chính là sự thật thà, kín đáo, cộng thêm chút lãng mạn của người nghệ sĩ.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Kỷ niệm ngày ra trường, cuối năm 1963 (ảnh chụp bốn người bạn thân Lê Đức Tuấn (bìa phải), Nguyễn Thị Mỹ, Đặng Thế Minh và Hoàng Văn Thư)

Thưa ông, ngoài hành trang là những cuốn sổ (để vẽ), khi ra trận ông còn mang theo cả cuốn thơ Puskin?

Tôi rất thích thơ, nhất là thơ tình. Trước ngày nhập ngũ, tôi thuộc khá nhiều thơ Puskin, nhưng cũng có nhiều bài mình không thuộc nên mang đi. Thỉnh thoảng, khi rảnh tôi mang ra đọc cho anh em nghe, mọi người thích lắm. Bởi hồi đó, trong đại đội gần 100% là lính trẻ chưa vợ, lại là trai Hà Nội, cũng có chữ nghĩa.

Đồng đội của ông nói ông rất lãng mạn?

Không chỉ có tôi lãng mạn, mà hầu hết thanh niên, đặc biệt là những người học đại học và có trình độ, anh nào cũng lãng mạn.

Hồi đó chúng tôi ai cũng thuộc bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi: Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu. Không chỉ lãng mạn, thời đó anh em đều rất sôi nổi và có lý tưởng. Tất cả đều ấp ủ lý tưởng lớn lao, phải giải phóng dân tộc.

Phần riêng tôi, chất lãng mạn ngấm vào mình từ ngày học mỹ thuật, cái đẹp nó luôn ở trong lòng mình. Cho nên nhìn thấy cái đẹp là thích ngay.

Trên đường hành quân, gặp cảnh đẹp là mình thấy xốn xang, rung động. Không giở sổ ra vẽ là không chịu được. Tôi tự nhủ, yêu cảnh đẹp quê hương đất nước thấy mình tự tin hơn khi ra trận.

Hồi học ở trường, ông có một mối tình đẹp?

Khóa 1 của chúng tôi hồi đó có bốn lớp, tôi học Sơn mài. Lớp có hơn 30 người, thì có bốn người chơi rất thân với nhau là tôi, Hoàng Văn Thư, Nguyễn Thị Mỹ và Đặng Thế Minh. Hồi đó, mọi người cứ vun tôi và Mỹ với nhau. Thực chất mà nói đó là những người bạn thân, riêng tôi và Mỹ thực sự có cảm mến nhau trên tình bạn một chút.

Thời đó, trai gái cảm mến nhau là thiêng liêng lắm. Mỹ đẹp, lớp tôi lại ít nữ nên mọi người đều tôn Mỹ là hoa hậu. Cả hai chúng tôi đều học rất giỏi, chơi thể thao cũng giỏi mà hát cũng rất hay.

Chúng tôi lại cùng trong đội văn nghệ của trường nên có điều kiện thân nhau hơn. Đến khi ra trường, chúng tôi lại công tác cùng cơ quan, nên tình cảm khá thân thiết...

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Lê Đức Tuấn và vợ (bà Nguyễn Thị Huệ) trong ngày cưới

Cái mà ông nói là hơn tình bạn đó đã theo ông ra chiến trường?

Ngày tôi nhập ngũ, tình cảm ấy đã theo tôi ra chiến trường. Trước ngày lên đường, chúng tôi gặp nhau, tôi đọc tặng Mỹ bài thơ Tôi yêu em của Puskin: Anh yêu em đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/ Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/ Hay hồn em phải đợi bóng u hoài... Cầu em được người tình như tôi đã yêu em...

Yêu nhưng sao ông lại "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em..."?

Tình yêu thực chất rất mãnh liệt nhưng khi đó mình phải kìm nén. Ngày vào bộ đội, chiến tranh biết có ngày về? Nên tôi chỉ mong người mình yêu gặp được người yêu cô ấy mãnh liệt hơn mình đã yêu.

Nghe nói, ngày ông nhập ngũ, còn có một cô gái tặng cuốn sổ và sau này ông mang trong ba lô?

Đó là một cô gái Hà Nội, cô ấy là bạn của em gái tôi. Ngoài cuốn sổ Hoàng Thư tặng tôi (để vẽ tranh), còn có cuốn sổ cô ấy tặng. Sau này cuốn sổ ấy được tôi dùng để ghi nhật ký.

Chỉ tiếc, nó bị mất năm 1968, cùng với cuốn ký họa. Có vẻ như cô ấy cũng có cảm tình với tôi, còn tôi chỉ coi cô ấy như là cô em gái. Đầu cuốn sổ, tôi nhớ cô ấy còn đề tặng hai câu thơ:

Chúc anh buồm căng lộng gió ra khơi
Trời yên biển lặng anh về quê hương

Còn người vợ của ông?

Tôi bị thương, ra Bắc an dưỡng năm 1974. Sau đó về báo Quân đội làm luôn. Khi đó, bố mẹ cũng sốt ruột lắm, vì tôi đã hơn 30 tuổi mà chưa vợ.

Năm 1976, tôi gặp bà xã cũng rất tình cờ. Đó là lúc tôi đến chơi nhà một người bạn ở Hà Đông, cô ấy cũng có bạn ở khu đó. Khi đó, cô ấy cũng đang phòng không, thế là cả đôi bên cứ vun vào. Chúng tôi yêu nhau. Nói thế nhưng hồi đó vẫn dát lắm. Yêu nhau cũng qua thư, đến tháng 12-1977 thì cưới.

Đừng đốt - tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn ImageView
Quê vợ - ký hoạ Chùa Thầy của Lê Đức Tuấn

Mang thơ Puskin theo mình, ông không sợ lãnh đạo đơn vị phê bình sao?

Không ai phê bình cả. Vì hồi đó, đơn vị toàn trai Hà Nội, có học hành hẳn hoi, nên ai cũng lãng mạn chứ riêng gì tôi. Khi thấy tôi đọc thơ, cả lãnh đạo đơn vị và anh em đều xúm vào nghe.

Và sau ngày nhập ngũ, ông có duy trì đều liên lạc?

Cũng chỉ nhận được vài lá thư của Mỹ, vì sau đó đơn vị bí mật hành quân nên không nhận được. Tiếc là những bức thư đó cũng bị mất cùng cuốn sổ ký họa và cuốn nhật ký từ năm 1968 rồi.

Thời đó, thanh niên lên đường nhập ngũ đều viết quyết tâm thư, còn ông?

Thanh niên lúc đó đều viết quyết tâm thư, ai cũng thích ra trận, ai cũng muốn xin đi vì lúc đó cả nước hướng ra mặt trận. Nhiều người còn chích máu tay ra viết quyết tâm thư. Khi đó, tuy đã có lệnh tổng động viên nhưng tôi vẫn viết quyết tâm thư. Vì chỉ sợ khi đi khám người ta loại mình ra. Rất may, kết quả khám sức khỏe của tôi tốt nên mới được đi.

Nội dung quyết tâm thư ông viết thế nào?

Tôi không nhớ chi tiết, nhưng đại khái: Đất nước đang có chiến tranh, tôi là một thanh niên, nên tôi muốn được ra trận bảo vệ tổ quốc. Là một thanh niên, tôi sẵn sàng nhập ngũ bảo vệ tổ quốc, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mà tổ quốc cần.

Sau khi mất cuốn sổ ký họa, ông có tiếp tục vẽ?

Dọc đường hành quân, ngoài việc vẽ vào cuốn sổ mà Hoàng Thư tặng, tôi còn vẽ ở những tờ giấy rời. Thực ra, những tập giấy rời đó tôi vẽ kỹ hơn. Nhưng sau này mất hết. Khi mất cuốn sổ, tôi còn một cuốn nhật ký nhỏ bằng bàn tay, vì khi đánh trận Chư Tan Kra, tôi mang nó theo người.

Cuốn ấy tôi vừa vẽ, vừa ghi nhật ký. Sau này bị thương về làm báo Tây Nguyên, tôi vẽ nhiều hơn, vì khi đó có bút và giấy vẽ. Hiện tôi chưa thống kê, nhưng những bức vẽ thời kỳ đó hiện tôi còn lưu giữ được khá nhiều.

Cảm ơn ông.

Bá Kiên thực hiện
http://www.cuuhvlq2.tk
      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất