Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

nthoa.th89
nthoa.th89 Team

Cấp bậc: Team

Giới tính : Nữ

Bài viết : 141

Danh vọng : 198

Uy tín : 23

Không biết thời chiến và thời bình con người thay đổi như thế nào nhỉ,tình cảm có đổi thay theo? Đây là lá thư tôi đọc được khi tìm cho mình một cái nhìn mới về cuộc sống. Thật lãng mạn nhưng cũng không thiếu chất lính trung trực kiên cường.

Tình sử bằng thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao “Sống để yêu thương và dâng hiến”


Tình yêu thời chiến  70021303-26470sm
Hoàng Kim Giao
“Anh không có gì để em yêu cả, vừa ít hiểu biết về cuộc sống hơn em lại có rất nhiều sai sót và đôi khi yếu đuối lắm em ạ. Anh không biết khi yêu người ta phải sống như thế nào mặc dù anh đã yêu và được yêu..."

Anh không muốn lấy lòng em và cũng không biết. Anh sẽ sống chân thành với em để em sẽ là người hiểu biết anh cả về mặt xấu và mặt tốt, đừng trách anh em nhé”.






Ngày 5/9/1964

Em yêu quý!

Lan ơi! Vì hôm vừa rồi viết thư cho em vội quá, không viết anh sợ em phải mong thư cho nên có lẽ em sẽ không vui khi đọc thư anh. Anh xin lỗi em nhé.

Anh không biết khi yêu người ta phải sống thế nào?

Lan yêu quý của anh! Chưa bao giờ anh thấy lòng mình bị day dứt, tinh thần bị mỏi mệt như những ngày bước vào năm học này. Hơn bao giờ hết anh muốn có một người bạn chân thành, thông cảm với anh trong lúc khó khăn của anh, trong những uẩn khúc của tình cảm anh... Em có thể là như vậy không?

Hôm nay ngày thứ 7 anh được nghỉ ở nhà cả ngày, anh không muốn ngồi nhà học nên ra thư viện đọc sách tham khảo, ở nhà buồn lắm em ạ! Các bạn anh đã ra trường đi công tác. Một số rất ít ở lại thì phần lớn đã lớn tuổi và mỗi người đều có những lo lắng vui buồn riêng. Đã ba năm sống với nhau mà chưa nói, thì giờ đây không dễ gì một lúc người ta nói với nhau điều đó.

Tình yêu thời chiến  70021303-26471sm
Nguyễn Thị Lan người bạn gái (sau là vợ)
Từ khi gặp, quen em và biết là từ hôm anh nói với em những ước mơ của đời anh. Kể câu chuyện đáng lẽ hai năm sau mới nói. Lúc nào hình ảnh của em cũng ở trước mắt anh. Em là nguồn vui duy nhất của anh. Trong những lúc thấy cô đơn mệt mỏi. Lá thư em anh đã xem có lẽ hàng trăm lần và tấm ảnh em anh không cất đi, anh để trong sách học lúc nào mệt mỏi sẽ xem để thêm quyết tâm làm việc.

Lan yêu quý! Anh thấy rằng hình như em đã có mấy nhầm lẫn khi nhìn nhận, suy nghĩ về anh, không biết em có phải hối hận không em ơi! Nói thực cho anh Lan nhé. Anh không giấu em thì em cũng đừng giấu anh tình cảm của em.

Anh không có gì để em yêu cả, vừa ít hiểu biết về cuộc sống hơn em lại có rất nhiều sai sót và đôi khi yếu đuối lắm em ạ. Anh không biết khi yêu người ta phải sống như thế nào mặc dù anh đã yêu và được yêu. Anh không muốn lấy lòng em và cũng không biết. Anh sẽ sống chân thành với em để em sẽ là người hiểu biết anh cả về mặt xấu và mặt tốt, đừng trách anh em nhé.

Anh sẽ đi mãi với những lôi cuốn say đắm nhất.

Lan yêu quý! Em có biết anh đã nghĩ thế nào về tình yêu, về em không?

Anh cảm thấy con đường anh đi không bao giờ có đích, trống trải vắng lạnh vì cả đời anh sẽ gắn liền với công tác khoa học để phục vụ quân đội. Công việc đó tuy là rất cần thiết, rất có ý nghĩa và đó chính là ước mơ của anh.

Nhưng bản thân công việc đó không bao giờ có thể gọi là đã hoàn thành, không bao giờ có cái tận cùng. Công việc đó sẽ không đem lại thích thú nào cho mấy kẻ ưa hưởng thụ cá nhân. Nó lặng lẽ và khắc khổ lắm em ạ. Anh sẽ đi mãi với những lôi cuốn say đắm nhất của anh.

Đó là cống hiến sức lực của mình cho quân đội, cho Đảng. Anh sẽ làm công việc âm thầm lạnh lẽo đó với lòng yêu sự nghiệp sôi sục, với tình cảm thiết tha, với lòng tự trọng đẹp đẽ nhất và tự hào chính đáng. Dù mất tất cả anh cũng sẽ đi tới cùng trên con đường đó. Anh chỉ bỏ nó được nếu Đảng cho anh trực tiếp chiến đấu với kẻ thù.

Vì đây mới là mơ ước hấp dẫn nhất nó luôn sôi sục lòng anh. Về những điểm này anh không có gì đáng trách cả. Anh có ước mơ và anh đang làm những công việc cụ thể để đẩy ước mơ đó đến hiện thực, đến hạnh phúc thật sự của đời anh.

Anh không phải chỉ thoả mãn những kiến thức đã học được ở trường. Anh cần học thêm nhiều lắm. Mức phấn đấu trước mắt của anh là trong 2 năm nữa biết thành thạo 5 ngoại ngữ, học hết toán lý đại cương. Nhưng còn em, em đứng đâu trong đời anh?

Lan ạ! Có những lúc anh mệt mỏi, lúc đó anh thấy anh bé nhỏ lắm Lan ạ! Anh chỉ muốn là con chim nhỏ, bay về sã cánh giữa lòng em, em vỗ về nuôi nấng, em làm tất cả, em trách móc yêu thương. Lúc đó em sẽ là tất cả. Em muốn nói gì anh không cần biết, anh chỉ cần biết mỗi một điều anh đang trên cánh tay em. Lúc đó anh sẽ không còn thấy gì nữa, biết gì nữa, em phải lo liệu tất cả cho anh. Anh chỉ là đứa trẻ nhỏ trong lòng em.

Lan yêu quý! Về sự nghiệp của anh có lẽ em không giúp được gì cho anh. Nhưng về phía riêng tư em là tất cả, là tất cả của đời anh. Những cái gì dành cho riêng anh ít lắm và trong lĩnh vực ấy của cuộc sống thì anh dốt lắm, yếu đuối lắm và đôi khi tàn nhẫn nữa.

Đó chính là điều anh sợ cho em. Rồi còn bao nhiêu khó khăn khác, tất cả em sẽ phải chịu đựng. Em thân yêu! Anh đã có lần có hỏi em, em có hối hận gì khi em đã yêu anh không? Chính khi đó anh nghĩ tới điều này Lan ạ! Anh có lần hỏi em có thấy sợ khi gần anh không? Khi hỏi em điều đó anh nghĩ tới cá tính anh, anh nghĩ tình cảm bồng bột của anh, anh nghĩ tới những phút tàn nhẫn của anh, anh chưa đủ trách nhiệm để yêu thương em.

Em yêu quý! Nếu em suy nghĩ lại anh không bao giờ trách em và với em anh vẫn coi em là đứa em dịu hiền, ngoan ngoãn, anh vẫn giữ trong lòng anh hình bóng người bạn thân yêu. Nếu em thấy em thực sự yêu anh thì anh khuyên em nên biết những điều đó, biết những khó khăn, những thiếu sót của anh để em chuẩn bị cho cuộc sống của chúng ta, để em bồi dưỡng cho người mình yêu còn ấu trĩ, còn thiếu sót.

Anh đã nói với em cả cái tốt, cả cái xấu, cả ước mơ... tất cả gì chung nhất mà em sẽ gặp phải. Em nghĩ thế nào về anh thì nghĩ. Anh chỉ biết có riêng em thôi. Trong cuộc sống anh đã nghĩ ngợi nhiều. Khi sống với riêng em anh chẳng nghĩ ngợi, suy tính, đắn đo gì nữa đâu. Anh chỉ biết mỗi điều: Anh yêu em. Vì thế trách nhiệm của anh sẽ rất lớn. Ngoài bản thân anh ra không gì ngăn được tình yêu của chúng ta. Anh chưa sợ điều gì cả và cũng chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn riêng về điểm đó em có thể tin ở anh.

Lan yêu quý của anh! Cho anh yêu quý em, gọi em hàng vạn lần cái tên yêu dấu đó nhé. Nói thật đi, em có tin anh, có thấy sợ sệt, thấy hối hận không. Anh sẽ không trách em và sẽ không xa em. Dù có như thế nữa anh vẫn gần gũi em và làm trong lòng anh nóng bỏng ngọn lửa yêu thương, em nói đi, em yêu của anh.

Em kể cho anh những suy nghĩ của em về anh nhé. Suy nghĩ tốt anh có thể biết, còn suy nghĩ về việc xấu thì nói thật anh chưa biết đâu. Em hãy nói đi, nói những lo lắng thầm kín của em, em hãy nói những ước mơ xa xôi nhất của em, em hãy nói đi, nói tất cả về em...

Em yêu quý! Khi anh hôn em cái hôn đầu tiên sôi nổi yêu đương thì với em anh không giấu gì cả. Nếu em muốn, anh sẽ nói tất cả với em.

Em yêu quý của anh! Anh không sợ em trầm lặng, anh rất yêu tính tình điềm đạm. Nhưng anh sợ một điều - em đang chịu đựng. Anh không bao giờ chịu đựng và cũng mong rằng không bao giờ anh phải thấy em chịu đựng, tại sao phải như vậy em ơi? Tại sao phải dối lòng mình, tại sao phải nhắm mắt đưa chân, tại sao phải vô trách nhiệm với cuộc sống thế em ơi. Nếu chịu đựng thì ngay từ buổi đầu em đã không sống với anh bằng tình yêu chân thật.

Có lẽ đã nói với em nhiều quá rồi! Tạm biệt em. Chờ thư sau anh sẽ viết thêm.

Chúng ta là những giọt nước nhỏ giữa biển mênh mông.

Lan yêu quý! Chưa nhận được thư trả lời em có sốt ruột không? Anh muốn tình yêu đến với em làm em hăng say trong công tác, làm cho em thấy cuộc sống đáng sống hơn, tươi đẹp hơn, con người trở nên giản dị đáng yêu hơn. Tình yêu của chúng ta có làm được như vậy không em?

Anh không muốn tình yêu làm cho con người trở nên tiều tuỵ. Người ta trở về với con người cá nhân của mình, ngắm nghía mãi và suốt ngày điểm phấn tô son cho mối tình nho nhỏ. Anh muốn bây giờ và mãi mãi sau này đối với em trên đời chỉ có riêng chúng ta. Anh sẽ không bao giờ dám nhận sự chăm sóc như vậy về phía anh.

Anh sẽ không bao giờ cắt xén đi cuộc đời của em để nó trở thành của riêng anh. Em phải sống cho có ích phải dành cuộc sống của mình chăm sóc vườn hoa đẹp. Làm được như thế hạnh phúc chúng ta mới vững bền và mới giữ được tình cảm quý trọng nhau. Em làm được như vậy anh sẽ vĩnh viễn có quyền tự hào về người mình yêu.

Về phía anh, anh sẽ giữ cho em lòng tự hào chân chính đó. Em có quyền tự hào về người yêu của em. Người yêu của em làm việc thầm lặng nhưng không phải ai cũng làm được và cũng được làm. Nhưng hơn thế nữa và đây mới là niềm kiêu hãnh anh đã làm việc với tình yêu say đắm hơn cả yêu em, làm việc với tình yêu đối với lý tưởng mà anh phục vụ. Làm việc vì nhân dân và lòng biết ơn vô tận với Đảng. Anh sẽ vượt được tất cả và đi trọn đời anh trên con đường gian khó của sự nghiệp anh, sức mạnh đó do tình yêu rộng lớn, do lòng tin tuyệt đối vào Đảng mà cuộc sống đã dạy cho anh.

Chúng ta là những giọt nước nhỏ giữa biển mênh mông, đừng bao giờ vì thế mà chúng ta để mặc cho giọt nước tiêu tan thành đám bọt bẩn mà phải cho đời chúng ta trở thành có ích. Đời chúng ta có ý nghĩa chính vì thế.

Gian khổ còn nhiều, chúng ta chưa thể thấy hết những gian khổ trên đường đi. Nhưng chúng ta tin ở bản thân chúng ta, chúng ta luôn làm chủ tương lai chúng ta. Anh luôn tự hứa với lòng rằng mãi mãi đi theo con đường của Đảng mà bây giờ anh say đắm, tự tin mà nói rằng tình yêu đối với em sẽ không bao giờ phai nhạt. Còn em?

Lan yêu quý! Bao giờ em nghỉ phép anh muốn gặp em trên này, chúng ta sẽ nói với nhau nhiều, tình cảm hôm nay và mơ ước mai sau. Chúc em giữ gìn sức khoẻ tốt!

Anh của em: Hoàng Kim Giao

Ngày 5/9/1964
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
longduc2
longduc2 Năng nổ

Cấp bậc: Năng nổ

Giới tính : Nam

Bài viết : 176

Danh vọng : 295

Uy tín : 57



Thiếu uý kỹ sư Hoàng Kim Giao, sinh năm 1941, tại Đồ Sơn - Hải Phòng, hy sinh lúc 8giờ 30 phút ngày 30/12/1968, khi anh cùng đồng đội tháo gỡ quả bom từ trường đảm bảo an toàn cho nhân dân tại xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Anh là một trong số những cán bộ đầu tiên của Viện Khoa học công nghệ Quân sự Bộ Quốc phòng hy sinh để giải mã bom từ trường 36 MK. Anh cũng là một trong những người đầu tiên có nhiều đóng góp giải pháp khoa học công nghệ vào công trình phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông năm 1967 - 1972. Công trình này được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, ngày 13/10/1969, được Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, ngày 20/10/1969.

Hoàng Kim Giao sinh ra trong gia đình bố là bộ đội, mẹ là công nhân. Trong kháng chiến chống Pháp, anh theo cha mẹ lên chiến khu Việt Bắc. Khi 11 tuổi, anh được cử đi học tại Trường thiếu sinh quân ở Quế Lâm, Trung Quốc (1952 - 1959). Trở về nước, từ (1961 - 1965), cùng một lúc anh theo học tại Trường sỹ quan Kỹ thuật của Quân đội và được Quân đội gửi vào học tại khoa Vật lý chất rắn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, anh được điều về công tác tại Cục Nghiên cứu Kỹ thuật thuộc Tổng cục Hậu Cần (Viện khoa học công nghệ Quân sự Bộ Quốc phòng). Trong thời gian từ 1965 - 1967, anh tiếp tục theo học và tốt nghiệp Khoa Vô tuyến - Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhận thấy khả năng phát triển của anh, Quân đội dự kiến cử anh đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Lúc này anh đã tự học, giao tiếp thông thạo các tiếng Trung Quốc, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Vào thời điểm này, Mỹ sử dụng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc bằng các loại vũ khí hiện đại nhất như thuỷ lôi từ tính và bom từ trường. Một nhóm kỹ sư của Cục Nghiên cứu Kỹ thuật trong đó có Hoàng Kim Giao, được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ cho công trình “Phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông năm 1967 - 1972”. Đây là một công trình do Bộ Quốc phòng chủ trì, mang tính sống còn của ngành giao thông vận tải miền Bắc hồi đó nên tuyệt đối được giữ bí mật.

Tháng 9/1968, Hoàng Kim Giao xung phong dẫn một đoàn công tác đặc biệt vào Quân khu 4 để thực hành nghiên cứu cách tháo gỡ, rà phá loại bom từ trường, loại bom mới nhất của Mỹ vừa ném xuống địa bàn Quân khu 4, thu chiến lợi phẩm về nghiên cứu, đồng thời huấn luyện hướng dẫn bộ đội và thanh niên xung phong rà phá loại bom này. Đoàn của anh được đồng chí Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ và Đoàn làm phim của Xưởng phim Quân đội đã quay những thước phim về hoạt động của Đoàn tại Quân khu 4, để rồi năm 2005, Điện ảnh Quân đội đã cho ra đời bộ phim “Để lại mùa xuân” về Hoàng Kim Giao và Đoàn phá bom từ trường năm 1968.

Đến Tân Kỳ, Nghệ An, hết đường ô tô, Hoàng Kim Giao và đồng đội được Bộ Tư lệnh Đoàn 500 “ưu tiên đặc cách” cấp tạm thời cho mỗi người một chiếc xe đạp Vĩnh Cửu (Trung Quốc) để đi lại trên địa bàn các tỉnh Quân khu 4. Quân khu 4 hồi đó được mệnh danh là “tuyến lửa”, là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Anh cùng đồng đội đã phá bom tại Ngã ba Đồng Lộc, Ô Đước, Truông Bồn, Khe Tang, Khe Ve, bến phà Linh Cảm... Trong một lá thư anh viết về cho bố mẹ có đoạn: “Con đã đi tới những vùng ác liệt nhất của khu 4. Ở đây có những quãng chỉ 2 km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom! Ở đây có những đội thanh niên xung phong cùng với mặt đường phải chịu từng ấy bom đạn! Và trong đội ngũ kiên cường đó những chiến sỹ phá bom là những người được yêu quý nhất”. Anh cùng đồng đội bơi qua sông phá bom, phá bom dưới làn mưa bom bão đạn của địch mở đường cho xe qua. Ở chiến trường, dù đứng giữa bãi bom, hay dưới làn mưa đạn, anh vẫn vững vàng tổ chức các đồng chí đảng viên gan dạ nhất phá sạch bom đạn của giặc. Anh suy nghĩ và viết trong thư: “Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày mà từng giờ… Tuy vậy không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết, bởi con nghĩ rằng cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ, hay trốn tránh những hy sinh cần thiết! Và lúc đó con lại vững vàng, tự tin đứng giữa bãi bom… Những lúc đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hoà bình và con mơ ước ngày về gặp cậu mợ và các em”…. Nhưng Hoàng Kim Giao đã không trở về nữa. Đoàn công tác của anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Quân khu 4, nghiên cứu, giải mã được bom từ trường và thuỷ lôi từ tính, đã hướng dẫn bộ đội và thanh niên xung phong tháo gỡ hàng nghìn quả bom nguy hiểm. Riêng anh đã trực tiếp hàng trăm lần đối mặt với tử thần, tháo gỡ, phá huỷ 72 quả bom nổ chậm trong đó có 40 quả bom từ trường. Những định mệnh nghiệt ngã đã đến với nhà khoa học trẻ vào đúng ngày cuối cùng của năm 1968. Anh hy sinh khi bao dự định, ước mơ và các công trình nghiên cứu còn dang dở.

Trong một lá thư của chị Nguyễn Thị Lan, vợ liệt sỹ Hoàng Kim Giao, gửi thư cho bố mẹ chồng, chị kể lại cho bố mẹ nghe trường hợp hy sinh của Hoàng Kim Giao do đồng đội của anh kể:

Sau hơn 3 tháng công tác tại Quân khu 4, Đoàn công tác của Hoàng Kim Giao được lệnh đưa chiến lợi phẩm đưa về Hà Nội báo cáo kết quả. Đêm 29/12/1968, Đoàn dừng chân nghỉ nhờ nhân dân xã Nam Hưng, huyện Đàn. Biết đây là đoàn phá bom từ trường trên đường về Hà Nội, chính quyền xã Nam Hưng đề nghị đoàn giúp đỡ phá một số quả bom chưa nổ nằm tại địa phương để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Sáng hôm sau 30/12/1968, Hoàng Kim Giao tổ chức hai nhóm phá hai quả bom từ trường nằm cách nhau 700 mét. Nhóm thứ nhất do anh Giao phụ trách có hai chiến sỹ là Phạm Văn Cư và Lương Văn Tín sẽ tháo quả bom nằm ở Khe Diêm, sát quốc lộ 15. Quả bom này chứa 300 kg thuốc nổ cực mạnh, cắm sâu dưới đất. Quả bom nằm ở ví trí khá hiểm hóc nên Hoàng Kim Giao nói với anh Cư: “Hôm nay để anh trực tiếp thao tác vì anh có kinh nghiệm, nên yên tâm hơn. Cư xuống cảnh giới cùng với Tín”. Đồng chí Cư không chịu bảo: “Anh là kỹ sư, trưởng đoàn, còn em chỉ là chiến sỹ. Nếu phải hy sinh thì “thí tốt”, chứ đừng “bỏ xe””. Anh Giao nói: “Tính mạng con người ai chả như nhau, anh chưa có con cái chả vướng bận gì. Nghe nói vợ chú mới sinh con trai phải không? Chú xuống đi để cháu còn nhìn thấy mặt bố. Anh ra lệnh đó”. Thế rồi anh hỳ hục làm. 3 quả bộc phá đã đánh xong vậy mà cái phích trung gian nối đầu điều khiển và đầu nổ vẫn chưa hiện ra. Quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Nghe anh Giao gọi Tín mang quả bộc phá thứ tư lên thì anh Tín nói với anh Cư: “Em mang bộc phá và dây cháy chậm lên cho anh Giao, thử xem mặt mũi quả bom thế nào mà gan lỳ?" (anh Tín là lái xe của Bộ tư lệnh 500 cử đi phối thuộc với Đoàn anh Giao, quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình). Tín vừa chạy lên cũng là lúc một tia chớp nhoáng lên, rồi tiếng nổ rung đất, bầu trời như tối sầm, đất đá rơi rào rào… Khi anh Cư lên tới nơi, trước mặt anh chỉ còn là cái hố, thân thể anh Giao và anh Tín chí còn là những mảnh vụn bay bám vào những cành lá sim, mua…

Những kỷ vật của Liệt sỹ Hoàng Kim Giao cũng như bao kỷ vật khác của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân mãi trong chiến tranh giải phóng mãi được lưu danh muôn đời ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam . Những kỷ vật kháng chiến là những di sản văn hoá quân sự quý giá, là cầu nối để lớp thế hệ tiếp nối tiếp luôn nhớ tới những đóng góp, hy sinh của thế hệ cha anh dù trên bất kỳ mặt trận nào. Máu của các anh đã thấm đỏ lá cờ Tổ quốc, thân thể các anh hoà quện vào đất để cây cối tươi xanh, để cho đất nước tự do và hoà bình hôm nay.

Theo bloger Trần Thanh Hằng http://vn.360plus.yahoo.com/tranthanhhang1953
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
nthoa.th89
nthoa.th89 Team

Cấp bậc: Team

Giới tính : Nữ

Bài viết : 141

Danh vọng : 198

Uy tín : 23

cảm ơn chú con định có time tìm hiểu thêm về liệt sĩ Kim Giao nhưng chú đã tìm rồi. Mong sao trong bất kì thời kì nào cũng tồn tại những con người dũng cảm kiên cường dám hi sinh bản thân vì hp của người khác
      
longduc2
longduc2 Năng nổ

Cấp bậc: Năng nổ

Giới tính : Nam

Bài viết : 176

Danh vọng : 295

Uy tín : 57


Cuộc đời bao giờ cũng vậy, và ngay cả trong mỗi con người cũng có những phẩm chất và thời điểm tốt xấu khác nhau. Bên cạnh những yếu tố của nhân cách, hòan cảnh có những tác động rất quan trọng đến tâm tư và hành động của con người.

Không ai sinh ra đã là anh hùng và không ai có khả năng làm anh hùng trong suốt cuộc đời. Nhưng bất cứ ai cũng có khả năng để lóe sáng thành những hành vi cao cả trong những thời khắc nhất định nào đó.

Con người sẽ mãi mãi bao gồm "con" và "người". Để cho phần" người" thắng thế chính là quá trình đấu tranh của mỗi chúng ta trong cuộc sống.

Vì vậy, mình luôn tin rằng trong cuộc đời, dù trong bất kỳ hòan cảnh nào cũng luôn tồn tại những tình cảm và lối sống cao đẹp. Điều quan trọng là bản thân mỗi chúng ta có được niềm tin và sự thanh thản để nhìn thấy những điều tốt đẹp d0ó hay không...

      
nthoa.th89
nthoa.th89 Team

Cấp bậc: Team

Giới tính : Nữ

Bài viết : 141

Danh vọng : 198

Uy tín : 23

Nghe bác nói hay quá. Cô giáo dạy văn cấp 2 của con cũng từng nói như vậy. Nhưng sao bây giờ ngoài xã hội con gặp nhiều người xấu wa,ngay cả mấy người bạn là bộ đội của con cũng xấu nữa. Chắc tại con chưa gặp được những người bạn tốt phải không bác.
      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

nthoa.th89 đã viết:Nhưng sao bây giờ ngoài xã hội con gặp nhiều người xấu wa,ngay cả mấy người bạn là bộ đội của con cũng xấu nữa.
Một con sâu làm rầu nồi canh. Nếu mấy người bạn đó không tiến bộ, đề nghị bạn liên hệ với đồng chí Nguyễn Văn Của - Trưởng phòng Dân vận Quân khu 7 theo số điện thoại 069665175 để được giúp đỡ vì theo tui được biết thì hiện nay "Bộ đội Cụ Hồ" vẫn là số zách.
      
nthoa.th89
nthoa.th89 Team

Cấp bậc: Team

Giới tính : Nữ

Bài viết : 141

Danh vọng : 198

Uy tín : 23

Số zách là số j hả bác. Cháu bít số ng cháu wen rất chi là nhỏ trong vô vàn người tốt nhưng cháu nghe chính a bạn học an ninh nói rằng sau dân nghệ thuật thì bộ đội và công an là dân lăng nhăng thứ 2. Hix bác có giận thì cũng đừng la cháu nhé vì là bạn cháu nói thôi
      
Lady
Lady Thân thiết

Cấp bậc: Thân thiết

Giới tính : Nữ

Bài viết : 43

Danh vọng : 91

Uy tín : 8

Khi đọc chủ đề "Tình yêu thời chiến" tôi đã rất xúc động. Không dừng ở những thông tin trên, tôi tìm đọc thêm những bài viết khác về liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Ở một khía cạnh khác - là phụ nữ, là vợ, là em gái của những người lính - tôi thật sự đồng cảm sẻ chia những mất mát mà người thân của liệt sĩ phải gánh chịu:

TPO - Trên đường tìm hình ảnh và tìm mộ anh trai mình, cô giáo Hoàng Liên Thái tình cờ được biết liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã từng được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tình yêu thời chiến  ImageView
Chị Hoàng Liên Thái và các đồng đội trước mộ liệt sỹ Hoàng Kim Giao
Cuối cùng chị cũng xác định được hố bom ngày xưa anh Giao đã hy sinh và khi lần giở lại những bức thư tình mà nhà khoa học trẻ ấy gửi về gia đình, chị sững sờ như tìm được một kho báu...

“Anh và em phải dằn mình lại trước hạnh phúc yêu đương”

Tình yêu của họ được bắt đầu trong một hoàn cảnh có vẻ cổ điển: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi; Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”. Hàng ngày, chàng trai trẻ Hoàng Kim Giao vẫn hay vượt giậu mồng tơi ấy để sang với Lan, cô hàng xóm dịu dàng thùy mỵ.

Thời gian cứ thế trôi, họ đã yêu nhau mà không phải nhờ vào “con bướm trắng” như trong thơ tình Nguyễn Bính. Hai người đã có những giây phút thật đẹp để rồi sau này ở chiến trường ác liệt Hoàng Kim Giao đã nhớ về để thêm sức mạnh giúp anh vượt qua gian nan, nguy hiểm.

Ấy là một đêm mùa hè trăng sáng vằng vặc, Giao ngồi cạnh Lan, họ nhìn lên bầu trời tìm “ngôi sao của anh, ngôi sao của em” và cùng hát : “Anh không làm sao Hôm, em không làm sao Mai, làm ngôi sao không tên, để gần nhau suốt đời”.

Nhưng đó mãi mãi vẫn chỉ là mơ ước, bởi dẫu muốn “làm ngôi sao không tên”, nhưng sau đó ít lâu Giao vào chiến trường và chẳng bao giờ trở về nữa. Khi xa người yêu, chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi đầu ấy đã hồi tưởng lại cái thuở ban đầu trong thư viết cho Lan: “Những đêm ngồi dưới ánh trăng tìm những ngôi sao sáng nhất.

Rồi lần đầu tiên anh nói với em những lời yêu thương, nắm tay em trong tay anh, anh cảm thấy em nhất định phải là của anh, vuốt nhẹ những sợi tóc, nhìn vào khuôn mặt mà anh nghĩ rằng sẽ thuộc về anh, anh thấy em xinh đẹp vô cùng, nhìn đôi mắt trong sáng của em anh cảm thấy trong đó anh có tất cả...”.

Họ cưới nhau trong những ngày cả thành phố Hải Phòng phải oằn mình hứng chịu những trận bom phá hoại của đế quốc Mỹ. Đêm tân hôn ở nơi sơ tán, bom vẫn nổ rền vang, người mẹ của Giao chép miệng: “ Đêm đầu tiên của chúng nó mà thế này thì không biết sau sẽ ra sao”.

Cô em gái Hoàng Liên Thái đang nằm trên giường, nghe được câu nói đó bỗng bật khóc. Chị Lan sau đó cũng đầm đìa nước mắt. Anh Giao nghe em khóc, gặng hỏi lý do nhưng Thái chỉ lắc đầu. Sáng hôm sau, Hoàng Kim Giao đã làm bài thơ có tựa đề “Hạnh phúc” tặng vợ, trong đó có những câu thế này: “Nếu nước mắt báo cuộc đời cay đắng; Lòng yêu thương anh uống cạn khổ đau; Nếu nước mắt tiếc nguồn vui cũ; Dù xé lòng anh - Đời vẫn của riêng em” .

Đôi vợ chồng mới cưới đó ở bên nhau chẳng được mấy ngày rồi Giao phải lên Hà Nội còn Lan xuống Hưng Yên học. Có hôm được nghỉ, bất chấp bom đạn, Lan đạp xe từ Hưng Yên lên Hà Nội thăm chồng. Hai người gặp nhau chưa kịp hàn huyên thì có tiếng còi báo động máy bay Mỹ ném bom.

Chồng vội đạp xe về đơn vị, vợ đạp xe về Hưng Yên khỏi trễ chuyến đò, kịp lên lớp sáng mai. Khao khát gặp Lan dẫu chỉ được vài giờ, nhưng Giao đã đề nghị đơn vị không cho mình nghỉ phép! Anh viết thư cho vợ: “Đáng lẽ anh lại được gần em trong đêm trăng sáng nhìn ánh mắt vui chờ đợi hồi hộp lo âu của em...
Và đáng lẽ phải hơn nữa kia. Nhưng em yêu quý đừng trách anh nhé! Anh đề nghị cấp trên không cho nghỉ phép. Anh rất nhớ em nhưng rất mong yêu cầu của mình được chấp nhận.

Tình yêu thời chiến  ImageView
Chị Hoàng Liên Thái
Bây giờ thì yêu cầu đó được chấp nhận rồi, có lẽ chúng ta chỉ có thể gặp nhau rất ít. Anh biết em sẽ không trách anh và hiểu vì sao chúng ta phải dằn mình lại trước hạnh phúc yêu đương, những sự hy sinh của chúng ta không đáng là bao nhưng cần thiết...”.

Thế rồi, chẳng những xin không nghỉ phép, người thanh niên ấy đã xung phong ra chiến trường, nơi có thể biến sự xa cách tạm thời thành vĩnh viễn.

Đời sống vợ chồng của họ đã có gì ngoài sự xa cách? Nhưng những bức thư tình thực sự là một sự giải thoát cho sự xa cách vời vợi đó. Tình sử của họ được dệt bằng thư.

Có cảm giác những bức thư của Hoàng Kim Giao gửi cho người vợ trẻ càng về sau này, khi chiến tranh càng ác liệt, lại càng nồng nàn yêu thương, càng thấm đẫm chất lý tưởng và lãng mạn.

Hình như anh đã viết thư như một sự cứu rỗi, như một sự chứng tỏ mình đang sống và đôi khi như một lời trăng trối? Những lá thư ấy chỉ chấm dứt “cõi đi về” khi tiếng nổ định mệnh vang lên trên một ngọn đồi ở huyện Nam Đàn - Nghệ An năm 1968.

Hành trình tìm mộ và những chuyện bây giờ mới kể

36 năm kể từ ngày nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao hy sinh, nỗi thương nhớ anh trai chẳng những không nguôi ngoai mà ngày càng nặng trĩu trong lòng cô giáo Hoàng Liên Thái. Trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam vừa rồi, chị đã một mình từ Hải Phòng vào Nghệ An thăm mộ anh. Chiều tối 29/4, sau khi chị thắp hương khấn vái, bó hương trên đài cao bỗng bùng lên ngọn lửa dù lúc ấy trời lặng gió.

Chưa hết sững sờ thì chị Thái lại trông thấy một cánh bướm nâu, từ đâu bay đến đậu trên vai mình. Dùng tay phẩy đuổi, cánh bướm vẫn không chịu bay đi mà cứ lượn vòng bia mộ. Ngạc nhiên hơn, ngày hôm sau, khi về tới Hải Phòng, chị bàng hoàng khi thấy cánh bướm nâu ở nghĩa trang Nam Đàn đang đậu trên tấm huân chương của liệt sỹ Hoàng Kim Giao.

4 ngày sau, con bướm đã chết trên bàn thờ, dưới bức ảnh cụ Hoàng Văn Luận – thân sinh của người liệt sỹ. Cho đến bây giờ, chị Thái vẫn nâng niu, gìn giữ con bướm nâu ấy như một cái gì đó linh thiêng thuộc về anh trai mình.

Chẳng hiểu có sự mách bảo nào của tâm linh, chị Thái mường tượng thấy anh mình ở thế giới bên kia mang một hình hài kỳ dị. Chị muốn tìm ảnh của anh trai để về nghĩa trang liệt sỹ ở Nam Đàn, đốt lên bên mộ như một sự chứng minh cho cõi âm biết liệt sỹ Hoàng Kim Giao có dung mạo đẹp lắm. Nhưng anh ra đi mà không để lại một tấm ảnh riêng còn nguyên vẹn ở nhà.

Trên đường từ Nam Đàn về chị ghé Hà Nội tìm đến Viện Điện tử – Viễn thông Quân đội– đơn vị cũ của anh Giao với hy vọng ở đây còn lưu lại tấm ảnh. Vừa bước vào phòng truyền thống, chị đã thấy ảnh anh trai mình, liền đó là một sự ngạc nhiên đến sững sờ khi đọc dòng chữ trên bức sơn mài ghi nhận liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I vì đã có đóng góp giải pháp kỹ thuật cho công trình: “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông 1967 -1972”.

Giải thưởng Hồ Chí Minh trao năm 1996 mà đến lúc đó gia đình nhà khoa học trẻ vẫn không hề biết? Niềm vui đến bất ngờ mà cô giáo Hoàng Liên Thái nước mắt cứ trào ra. Cũng chẳng trách được đơn vị cũ vì địa chỉ nhà liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã thay đổi từ lâu.

Ông Đinh Quốc Khải - cán bộ Viện Điện tử - Viễn thông Quân đội nhớ lại: “Anh Giao là một trong những người đầu tiên nghiên cứu cách đối phó với bom từ trường. Lúc đó anh cũng như hầu hết cán bộ nghiên cứu ở Viện còn rất trẻ, sẵn sàng đem hết khả năng và kết quả nghiên cứu phục vụ cho chiến đấu, dù biết rằng mình có thể hy sinh.

Tôi còn nhớ anh Lê Hoài Tuyên khi được cử đi chiến trường (tháng 10 năm 1971) đã nói với tôi: “Mình rất mãn nguyện được đi lần này...”. Sau đó anh Tuyên hy sinh ở binh trạm 14 tuyến 559 vào ngày 26 tháng 3 năm 1972, khi ấy mới tròn 24 tuổi”.

Cũng tại đơn vị cũ, cô giáo Hoàng Liên Thái mới hay mộ anh trai mình ở Nam Đàn chỉ là mộ giả. Thân xác, hình hài anh hầu như còn gì nữa khi hứng trọn quả bom 300 kg thuốc nổ. Từ khi biết tin này lòng chị không còn bình yên nữa. Chị lại lặn lội vào Nam Đàn tìm kiếm hố bom nơi anh trai mình đã hi sinh.

Chị tin rằng đó mới đích thực là mộ của anh. Nhưng thời gian quá ngắn, thân gái dặm trường, chuyến đi đó cũng chưa mấy kết quả. Đến tháng 7/2005, chị cùng đoàn cựu chiến binh, trong đó có những đồng đội của liệt sỹ Hoàng Kim Giao, đó là các ông Đặng Sỹ Mốc, Phạm Văn Cư, Lương Ngọc Tước, trở về tuyến lửa năm xưa tìm lại nơi nhà khoa học trẻ ấy đã hy sinh.

Chị Nguyễn Thị Lan, người vợ của liệt sỹ Hoàng Kim Giao cũng đi trong chuyến này. Họ đã lên tận xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hưng của huyện Nghĩa Đàn nhưng mãi khi về xã Nam Hưng gặp ông Phạm Đình Sơn 80 tuổi, nguyên Xã đội phó dân quân, địa điểm liệt sỹ Hoàng Kim Giao hy sinh mới dần sáng tỏ.

Ông Sơn kể: Năm 1968 có mấy chú bộ đội về đây phá bom, không may bom nổ, 2 chú đã hy sinh cùng lúc, dân quân nhặt xác chôn trong đêm...Cuối cùng địa điểm liệt sỹ Hoàng Kim Giao hy sinh đã được xác định. Hố bom năm xưa nay trở thành một chiếc vũng nông choèn nằm trên đồi sim, mua.

Trên miệng vũng có hai cây si xanh rì và trông hoàn toàn khác lạ so với quần thể thực vật xung quanh. Chị Lan đứng trước mộ chồng, mái tóc dày đen ngày nào đã khiến anh Giao nhớ da diết trong những cuộc hành quân, giờ đã lấm tấm bạc...

Cô giáo Hoàng Liên Thái lấy một ít đất ở hố bom để đưa về Hải Phòng rải lên mộ bố mẹ mình, rồi thả xuống biển. Chị nghĩ làm vậy sẽ giúp anh Giao gần hơn với quê hương. Vừa về đến nhà, đáng lẽ gọi tên chồng nhưng chẳng hiểu sao từ vô thức chị lại buột miệng gọi “Anh Giao ơi”. Chị gọi trong vô thức như thế đến 9 lần.

Lần hồi giở lại những bức thư của anh Giao gửi về cho gia đình, chị đọc lại và giật mình như vừa phát hiện ra một điều gì quý giá lắm. Sau đó, được chị Lan đưa cho những bức thư tình mà anh Giao đã gửi trước đây, cô giáo Hoàng Liên Thái đã gác hết mọi công việc, ngày ngày ra cửa hàng vi tính đánh máy lại những bức thư, chữ nhỏ li ti đã úa vàng. Hầu như đọc bức thư nào chị cũng khóc.

Càng đọc, chị càng bất ngờ trước tình cảm, lẽ sống của anh Giao, đó là một thế giới nội tâm thanh sạch và nếu soi mình vào đó sẽ có cảm giác được gột rửa. Được sự ủy thác của gia đình liệt sỹ Hoàng Kim Giao, những lá thư của nhà khoa học trẻ này sau đó đã được nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu thành tập sách mang tên “Sống để yêu thương và dâng hiến”, sắp được xuất bản.

Phùng Nguyên
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất