Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

09 giờ 00 ngày 10/12/2012, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” (12/1972 - 12/2012).
Tọa đàm trực tuyến: 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” DSC_0007

Ảnh VGP/Phan Hoàng


Cách đây 40 năm, vào đêm 18/12/1972, Không quân Mỹ đã mở màn chiến dịch Linebacker II, sử dụng pháo đài bay chiến lược B52 tấn công miền Bắc Việt Nam, trong đó, Thủ đô Hà Nội là trọng tâm đánh phá.Trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục ngàn tấn bom rải thảm nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Đây là chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích đường không có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới. Thế nhưng, với tinh thần mưu trí, dũng cảm tuyệt vời, Quân và dân ta đã làm nên kỳ tích bắn rơi các pháo đài bay B.52, bảo vệ bình yên bầu trời Hà Nội.

Trong số những người đã từng tham gia chiến đấu bắn rơi B.52 ngày ấy có những người là khách mời của chúng ta hôm nay. Xin trân trọng giới thiệu:

- Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng Không – Không quân.

- Trung tướng Phạm Tuân – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Phi công đoàn Không quân Sao Đỏ.

- Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa 57 – Sư đoàn Phòng không Hà Nội.

- Đại tá Nghiêm Đình Tích, Nguyên Đài trưởng đài Radar P.35, Trung đoàn 291, Binh chủng Radar.

BTV: Thưa Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, câu hỏi đầu tiên xin được gửi tới ông là, vì sao quân đội Mỹ lại mở một chiến dịch ném bom lớn như vậy đối với miền Bắc nước ta và đặc biệt là tập trung đánh phá Thủ đô Hà Nội?

Tọa đàm trực tuyến: 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” Trung tuong Mau

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - Ảnh VGP/Phan Hoàng
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu: Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã hứng chịu nhiều thất bại, 3 đời tổng thống Mỹ bị đổ, những chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Chiến tranh cục bộ và Chiến tranh đặc biệt đều đã bị phá sản. Trước tình hình đó, Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, phá hoại các tỉnh, thành phố.Trước nguy cơ thất bại thảm hại, Mỹ chỉ còn con át chủ bài là B52, chúng dùng để đánh Hà Nội hòng ngăn chặn sự chi viện của ta cho miền Nam và uy hiếp nhân dân ta. Song, nhân dân ta theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đã kiên quyết đánh Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn. Đế quốc Mỹ buộc phải đánh Hà Nội vì Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Một sinh viên là Nguyễn Quang Hiếu, sinh viên năm thứ ba, khoa Điện tử -Viễn Thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội gửi thư cho chương trình: Thế hệ chúng cháu không được chứng kiến thời điểm lịch sử khi Hà Nội chiến đấu với B.52, nhưng qua phim ảnh, chúng cháu rất khâm phục tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Nhưng có một điều cháu muốn tìm hiểu đó là, vì sao về phía ta, với những chiếc máy bay nhỏ như vậy, và với những khẩu súng pháo nhỏ như vậy lại có thể bắn rơi được loại máy bay to lớn và hiện đại nhất lúc bấy giờ là B.52 ?

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu: Mỹ có nhiều trang bị vũ khí hiện đại, kể cả B52, trong khi nền kinh tế chúng ta còn thấp kém, song chúng ta đã đánh thắng không quân Mỹ, kể cả súng trường còn bắn rơi máy bay các loại. Vì sao chúng ta ta chiến thắng? Vì dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm sắt đá đánh Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn. Bác Hồ nói cuộc kháng chiến có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng chúng ta sẽ chiến thắng và khi thắng lợi xẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác Hồ có những dự kiến rất sớm để đánh thắng B54. Năm 1965, Mỹ đem quân thả xuống Bến Cát, tây bắc Sài Gòn, Bác đã nói trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội. Sau 19 ngày Mỹ đem thả bom ở đèo Mục Giạ, tây bắc Quảng Bình, Bác lại nói ngày 19/7/1965: Dù Mũ có B57, B52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng. Bác cũng nói Mỹ trước sau cũng sẽ thua, nhưng chúng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội. “Các chú muốn bắt cọp phải vào hang.”

Quân chủng Phòng không – Không quân đã đưa trung đoàn tên lửa 238, 226 vào Vĩnh Linh, đã bắn dược B 52, từ đó rút kinh nghiệm, biên soạn sách cẩm nang đánh B52. Phương án tác chiến từ năm 1968 rồi tháng 9/1972, phương án đánh hoàn chỉnh và phổ biến xuống cho cán bộ, chiến sĩ, có quyết tâm dám đánh và quyết thắng. Cuối tháng 11/1972, phương án cuối cùng đánh B-52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn.

Từ đó, chúng tôi lập kế hoạch đánh B52 và hoàn toàn chủ động. Đêm 18/12, lúc 19h15 phút, chúng tôi được tin B52 cất cánh từ Guam, toàn thể quân chủng và nhân dân sẵn sàng. 20h13 phút, tiểu đoàn 59 tên lửa thuộc trung đoàn 261 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên, rơi ở cánh đồng Chuôm, Phủ Lỗ, Kim Anh (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Tiểu đoàn 77 thuộc trung đoàn 257 bắn rơi B52 tại chỗ. Đêm 18/12, toàn quân chủng và nhân dân đánh thắng B 52 trận đầu, lập nên Điện Biên Phủ trên không.

BTV: Thưa Trung tướng Phạm Tuân, ông là một trong những phi công đã có mặt ngay từ những ngày đầu chiến đấu với B.52 và đã từng nghiên cứu về loại máy bay này. Vậy theo ông, B.52 có thực sự nguy hiểm?

Tọa đàm trực tuyến: 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” Anh hung Pham Tuan

Trung tướng Phạm Tuân - Ảnh VGP/Phan Hoàng
Trung tướng Phạm Tuân: B52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2. Vì vậy, B52 được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng sân bay, thành phố, trung tâm chính trị, bến cảng và khi bị đánh thì hầu như các mục tiêu bị phá hủy. Bom tấn phá hầm ngầm, bom tạ phá hầm trú ẩn, bom bi sát thương người khi không còn chỗ trú ẩn. Ngoài ra, B.52 còn sử dụng cả tên lửa, đồng thời, B.52 lại được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích đánh vào trận địa tên lửa, ném bom các sân bay không cho tiêm kích của ta cất cánh.

BTV: Bộ đội tên lửa có Cẩm nang đánh B.52, vậy Bộ đội Không quân của ta đã có sự chuẩn bị như thế nào để đánh B.52 ?

Trung tướng Phạm Tuân: Cẩm nang đánh B52 là bên tên lửa tham gia nhiều trận đánh, đã rút ra những bài học, viết thành sách. Với không quân thì khó khăn hơn, máy bay B.52 được yểm trợ rất mạnh, lại bay ban đêm, gây nhiễu ra đa, gây nhiễu mục tiêu… ngoài ra, bản thân B-52 được trang bị tên lửa mồi, nếu MIG 21 của chúng ta bắn tên lửa thì B-52 thả tên lửa mồi, chưa kể B.52 cũng được trang bị súng phía đuôi có khả năng tiêu diệt máy bay tiêm kích.

B.52 còn được bảo vệ bằng các máy bay chiến đấu, tiêm kích đánh chặn, đánh ngay vào mục tiêu như sân bay, trận địa tên lửa. Không quân phải có sân bay, tránh được máy bay F4 bảo vệ B.52, để có thể nhanh chóng tiếp cận. Vì vậy, không quân phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh được B.52.

BTV: Một trong những khó khăn lớn nhất đối với Bộ đội Không quân là khi đó, các sân bay chiến đấu của ta bị phá hủy rất nặng nề. Vậy bằng cách nào để máy bay ta có thể cất cánh trong mọi tình huống mà không bị địch phát hiện?

Trung tướng Phạm Tuân: Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của không quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, và mệnh lệnh là khi B52 vào, phải cất cánh lên được để đánh. Điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, ta phải sáng tạo. Ví dụ ta làm rất nhiều sân bay dự bị, hoặc cất cánh trên đường băng phụ. Thậm chí, có khi chúng tôi đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, khi đó máy bay có thể cất cánh trên đường băng chỉ 200 - 300m so với đường băng 1,5km thông thường. Trong đêm đầu tiên, tôi xuất kích ngay sau khi F111 đánh sân bay nhưng vẫn cất cánh được. Sau 12h đêm địch đều đánh sân bay nhưng ta đều cất cánh được. Chúng ta dự đoán được những phức tạp, khó khăn của tình hình và khắc phục được.

BTV: Mỗi chiếc B.52 khi đi ném bom thì có đến hàng chục chiếc máy bay khác đi theo bảo vệ. Vậy phi công của ta bằng cách nào để có thể tiếp cận được với B.52?

Trung tướng Phạm Tuân: Trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B52, cao điểm lên đến 100 lượt B52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ.

Như vậy, bầu trời Hà Nội, mỗi đêm có 200 -300 máy bay, có thể thấy mức độ đánh phá dày đặc như thế nào. Lúc đó, chúng tôi không sợ bị bắn rơi nhưng mỗi nơi bị chậm đi một chút, mình không đuổi được B52. Ví dụ, địch đánh vào sân bay, mình chậm đi một chút, trên đường máy bay yểm trợ đuổi mình chậm thêm chút… Nếu chậm một phút, máy bay B52 có vận tốc 900 km/h thì đã bay được 15 km, thế làm sao mà mình đuổi được!

Vậy làm sao ta phải khắc phục được. Ở đây tôi lại nói về sự sáng tạo của bộ đội. Nga sản xuất máy bay và dạy chúng ta cách bay thế nào nhưng đối diện với thực tế bị nhiễu, rồi mảng mây nhiễu to như vậy rất khó biết B52 nằm ở chỗ nào, rất khó biết được chính xác.

Thế cho nên, phi công phải chủ động. Để vượt qua, thứ nhất, chúng ta cất cánh ở sân bay địch không ngờ tới để không bị chặn ở đầu đường băng. Tôi cất cánh đêm 17/12, anh Thiều đêm 18/12, mang máy bay về sân bay Cẩm Thủy, không cất cánh ở Hà Nội. Đấy là cách để chúng ta tránh địch chặn đánh ở ngay sân bay.

Thứ hai, khi lên trời rồi, phi công phải nhanh chóng đi vào điều kiện thuận lợi, vậy chúng ta phải phán đoán F4 thường chặn chúng ta ở đâu, tầm cao nào để chúng ta tránh. Nếu F4 bay ở độ cao 3 km thì chúng ta phải bay cao hơn, tốc độ hơn. Tất cả những kinh nghiệm đó để xây dựng thành phương án bay để tránh F4. Lên thấy F4 nhiều lắm, bên phải có, bên trái có. Bên dưới chỉ huy là vượt qua mà đi. Vậy vượt qua bằng cách nào?

Ở đây là bản lĩnh của phi công, phải phán đoán được tình huống như thế nào. Trận đánh B52 của tôi rất nhanh, tiếp cận B52 chưa đầy một phút. Khi tiếp cận đằng sau B52 với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h nên đã vượt qua tất cả.

Vượt qua phải bao gồm tất cả nỗ lực, từ tổ chức chỉ huy, sân bay cất cánh, dẫn đường, để có được điều kiện tốt nhất. Lúc đó, mệnh lệnh là không đánh F4, chúng ta vượt qua nó, dành tên lửa để đánh B52. Hiệp đồng với binh chủng tên lửa như thế nào, khi tên lửa bắn F4 chúng tôi tranh thủ để vượt qua. Rồi lựa chọn hướng vào tiếp cận B52 như thế nào. Tất cả tạo nên điều kiện thuận lợi nhất đánh B52. Tôi bắn B52 xong rồi mà F4 vẫn ở đằng sau nhưng không làm gì được.

BTV: Thưa Trung tướng, khi nhìn thấy B52 thì ông có hồi hộp không?

Trung tướng Phạm Tuân: Không chỉ hồi hộp mà còn lo. Tôi đã gặp B52 rồi, nhưng nếu sơ hở một chút, bật ra đa sớm thì F4 sẽ đuổi theo và bắn, B52 chạy mất. Lúc đó tôi chỉ sợ B52 chạy mất, còn F4 xung quanh rất nhiều, tôi báo về sở chỉ huy là F4 thì thông báo cho biết, còn mình chỉ hướng vào chiếc B52 phía trước, cố gắng làm sao để đạt tốc độ nhanh nhất, dù bay với tốc độ 1.600km/h mà vẫn thấy chậm vô cùng. Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa.

BTV: Thưa Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, trong thời điểm 12 ngày đêm đó thì nhiệm vụ của đơn vị ông là gì ?

Tọa đàm trực tuyến: 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” Trung tuong Phiet

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - Ảnh VGP/Phan Hoàng
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Thời điểm đó, tôi là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, đánh ở trận địa Đại Đồng, Tây Bắc, Hà Nội, đánh đường bay số 1 từ Tam Đảo hoặc Việt Trì xuống nhưng trong chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không thì chúng tôi được giao chủ yếu đánh B.52 chứ không đánh máy bay F.

BTV: Theo tôi được biết thì trong thời điểm đó, ta chỉ được trang bị tên lửa SAM 2, loại vũ khí mà theo đánh giá của đối phương thì không có khả năng đánh được B.52, nhưng trong thực tế thì ngược lại. Như vậy là do đối phương nhầm lẫn hay có điều kỳ diệu nào khác giúp cho bộ đội ta có thể sử dụng tên lửa SAM 2 để đánh thắng B.52?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Lúc đấy để đánh B.52 chúng ta chỉ có tên lửa SAM 2. Nếu nói tên lửa chúng ta được trang bị từ năm 1965 thì không đánh được, mà chúng ta đã có những cải tiến nhất định, nâng công suất cho tên lửa.

Ví dụ, năm 1967, sau khi bộ đội tên lửa bắn B.52 nhưng SAM 2 cứ bắn lên thì rơi xuống do nhiễu rơi vào rãnh đạn quá nặng, vì vậy qua nghiên cứu thì chuyên gia kỹ thuật Liên Xô và Việt Nam đã cải tiến để khắc phục hạn chế này. Thứ hai, là đầu đạn tên lửa SAM 2 năm 1965 chỉ văng mảnh khoảng 1.200 mảnh, năm 1972 được cải tiến nổ phá văng được 3.200 mảnh. Đây là những cải tiến đối với tên lửa SAM 2 của ta qua chiến đấu chứ không hề có thông tin nối tầng SAM2.

Kỳ diệu ở chỗ là khả năng phát hiện, phân biệt nhiễu B52 của bộ đội tên lửa. Nhiễu của B.52 rất mịn, ngoài ra còn có nhiễu của các máy bay chiến đấu họ F (F4, F111A…), nhiễu tiêu cực, nhiễu cố định…. Nhưng khó nhất là chọn được 1 chiếc B.52 trong tốp để tiêu diệt, khi bay trong chiến trường miền Nam thì cự ly cách nhau 600-1.200m, nhưng B.52 đánh hà Nội thì cự ly cách nhau 1.800-2.400m, vì vậy, việc chọn chiếc B.52 nào để tiêu diệt là rất quan trọng. Ví dụ, khi chúng ta bắt nhiễu của tốp B.52 giống như nhìn thấy cả bàn tay, thì phải xác định rõ đến tận từng ngón tay mới có thể phóng tên lửa tiêu diệt (có nghĩa là chúng ta chọn chiếc B.52 nào để đánh tiêu diệt mà tên lửa dễ bắt mục tiêu nhất khi phóng lên-BT).

BTV: Theo như tôi biết thì có mỗi B52 có rất nhiều máy gây nhiễu, làm thế nào để phát hiện ra?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Như tôi đã nói, có những nút trong này mà người điều khiển phải nằm lòng, nhanh nhạy điều khiển để tìm ra những chỗ nhiễu đậm hơn và bám vào. Nhiễu đậm nhưng mịn và rất đều, đó là nhiễu của B52. Đây là những kinh nghiệm được rút ra từ năm 1965, 1967 (đánh ở Vĩnh Linh, Quảng Bình), 1971 (đánh ở Quân khu 4).

BTV: Trong 12 ngày đêm đánh B.52, quân và dân ta bắn rơi 34 chiếc. Vậy riêng đơn vị của ông đã bắn rơi mấy chiếc?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Tháng 12/1972, quân dân miền Bắc bắn rơi 34 chiếc, trong đó Hà Nội 29 chiếc, bộ đội tên lửa bắn rơi 25, riêng trung đoàn tôi bắn rơi 12 chiếc, 7 chiếc rơi tại chỗ, tiểu đoàn tôi bắn rơi 4 chiếc, 2 chiếc rơi tại chỗ.

BTV: Tôi đã từng nghe nhiều người nói về một trận đánh mà chính ông là người điều khiển tên lửa SAM 2 bắn rơi B.52 trong tình huống rất hiểm nghèo. Ông có thể kể lại trận đánh đó?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Nếu nói hiểm nghèo cũng không phải, mà phải nói khó khăn. Đêm 20 rạng ngày 21/12, địch vẫn vào 3 lần, lần 1 vào khoảng 19h, lần 2 là giữa đêm và lần 3 lúc gần sáng. Đêm báo động liên tục, đến khoảng 4h30 lại có lệnh báo động, nhưng kiểm tra khí tài thì phát hiện trên bệ chỉ còn 3 quả đạn, mà 6 chiếc B52 đang vào.

Tọa đàm trực tuyến: 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” Dai ta Ngiem Dinh Tich

Đại tá Nghiêm Đình Tích - Ảnh VGP/Phan Hoàng
Nếu theo đúng giáo trình là 2, 3 quả đạn đánh một tốp B52 thì hết đạn, nhưng chính ủy sư đoàn chỉ đạo phải tiết kiệm đạn, chúng tôi đề nghị đánh “mổ cò”. Khoảng 5h8 phút, quả đạn thứ nhất phóng đi nhưng không điều khiển được, quả thứ hai điều khiển tốt, đến cự ly 24km thì bắt và diệt được B52.

Bên ngoài, các đồng chí hô máy bay cháy, nhưng mãi đến tháng 3/1997, phía Mỹ mới phát hiện, xác định chiếc máy bay này rơi ở Sầm Nưa. Sau đó 10 phút, tốp 2 đi vào, chúng tôi phóng nốt quả đạn, đến 15km bắt được tín hiệu và tiêu diệt tại chỗ chiếc máy bay này. Chiếc này rơi xuống Núi Đôi. Như vậy là chỉ trong 10 phút, 2 quả đạn đã tiêu diệt được 2 B52.

BTV: Có khi nào chúng ta thiếu đạn không?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Ta nhận được trang bị của Liên Xô, tất cả các bộ phận của tên lửa được đóng trong hòm riêng. Mỗi trung đoàn có một tiểu đoàn kỹ thuật chuyên lắp ráp tên lửa, việc này rất khó, nếu một ngày một đêm một dây chuyền chỉ lắp được 10-12 quả với các chiến sĩ mới.

Việc lắp ráp bên đêm, lại mặc quần áo chống độc nên rất vướng víu. Bên cạnh đó, chúng tôi đã có những xe đạn về đến nơi mà không vào được vì đường hỏng, phải vận chuyển bằng dân công. Khi tài xế gặp đường hỏng, lại phải chạy mấy km để báo dân công sửa đường. Chúng ta phải lắp ráp ở đơn vị kỹ thuật và chuyển ra đơn vị hỏa lực. Có những khi không kịp phục vụ cho đơn vị hỏa lực, vì 4 tiểu đoàn hỏa lực chiến đấu có phách, code, tần số khác nhau, mỗi tiểu đoàn lại có 3 tốp khác nhau, mỗi tốp không thể điều khiển tên lửa của tốp khác. Do đó, không thể lấy được đạn từ tiểu đoàn khác.

BTV: Khi đánh B.52 thì MIG 21 thường bắn cả 2 quả tên lửa, Trung tướng Phạm Tuân có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm này như thế nào?

Trung tướng Phạm Tuân: B.52 có 8 động cơ nếu hỏng 4 động cơ vẫn bay được. Thực ra, nếu tên lửa của MIG 21 bắn trúng vào động cơ, thì không phải chỉ phá hủy động cơ mà còn phá lan cả máy bay, nhưng để chắc chắn thì chúng ta bắn cả 2 quả. Trước đó, ngày 20/11/ 1972, anh Vũ Đình Rạng đã tiếp cận được B.52, nhưng chỉ bắn 1 qủa tên lửa nên chiếc B.52 này chỉ bị hỏng nặng và chạy thoát được. Trước đó họp tác chiến, chúng tôi cũng đã quyết định bắn cả 2 quả lửa nếu tiếp cận được B.52.

BTV: Thưa Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, có thông tin cho rằng đường bay của B.52 có đường bay vòng và tên lửa của chúng ta đã chặn đúng đường vòng này, nôm na là tên lửa của chúng ta đã chặn đứng B.52 trên đường vòng quay về?

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Không phải như vậy, nếu B.52 bay thẳng thì thuận lợi nhất cho tên lửa, nếu đánh đường vòng thì chưa chắc đã trúng. Cho nên tên lửa thường là phải bắn đối diện B.52.

Trung tướng Phạm Tuân: Vừa rồi rất nhiều báo chí viết, theo tôi là chưa đủ, đánh 12 ngày đêm, chúng ta chỉ tuyên truyên đánh rơi bao nhiêu B52, nhưng nhiệm vụ chính của lực lượng phòng không-không quân chính là bảo vệ mục tiêu, chặn máy bay ném bom phá hoại mới là quan trọng nhất. Nếu bắn rơi nhiều mà địch vẫn vào ném bom được thì cũng thất bại, ngược lại nếu chúng ta không bắn rơi máy bay nhiều nhưng vẫn chặn, không cho nó bay vào ném bom, bảo vệ được mục tiêu thì mới là quan trọng. Địch định san phẳng Hà Nội nhưng trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không thì Hà Nội chỉ chịu 2 vệt bom B.52. Chính là bởi vì lực lượng phòng không-không quân đã đánh B.52 khi chúng mới bay vào, còn cách xa Hà Nội. Tất nhiên nếu chúng ta không bắn rơi B.52 thì nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu cũng không thể hoàn thành.

Tọa đàm trực tuyến: 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” Toan canh 3

Ảnh VGP/Phan Hoàng
BTV: Thưa quí vị và các bạn, muốn đánh được B.52, vấn đề quan trọng nhất là phải phát hiện ra chúng, nhiệm vụ đó thuộc về Bộ đội Ra đa. Và hôm nay, Đại tá Nghiêm Đình Tích sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về các hoạt động này. Thưa ông Nghiêm Đình Tích, Không quân Mỹ đã sử dụng tác chiến điện tử trong suốt 12 ngày đêm ném bom Hà Nội. Vậy ông có thể giải thích, tác chiến điện tử là gì và đã gây khó khăn như thế nào đối với lực lượng ra đa?

Đại tá Nghiêm Đình Tích: Như chúng ta đã biết, trong chiến tranh hiện đại, tập kích đường không của địch và tác chiến phòng không thực chất là một cuộc chiến tranh điện tử, ngoài yếu tố chính trị tinh thần, thì ai thắng trong cuộc chiến điện tử này sẽ chiến thắng. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, chúng ta bị không quân Mỹ gây nhiễu ghê gớm hơn nhiều so với chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, họ gây nhiễu từ các hạm tàm, từ các loại máy bay chiến thuật. Tất cả các máy bay đều có máy nhiễu công suất lớn. Đặc biệt, mỗi B52 có 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu giấy bạc. Một tốp B52 có 45 máy, như vậy tất cả nhiễu đó tạo thành nhiễu chồng chéo, dày đặc, đan xen, công suất rất lớn, phạm vi rất rộng.

Có những lúc đài ra đa cảnh giới báo cáo tất cả là 360 độ đều nhiễu nặng, không thể phát hiện mục tiêu. Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn vì địch âm mưu bịt mắt chúng ta.

Đại đội của chúng tôi lúc đó đóng ở Đô Lương, Nghệ An. Phải nói rằng chúng tôi rất may mắn và có điều kiện thuận lợi cả chủ quan và khách quan, nên đã tìm ra được phương án vạch nhiễu tốt nhất.

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hội nghị chống nhiễu B52. Toàn thể Binh chủng tập trung nghiên cứu, phát hiện, bảo đảm cho phòng không – không quân đánh B52. Riêng tôi có thuận lợi là được học về nguyên lý điều khiển ra đa do các chuyên gia Liên Xô đào tạo từ năm 1968, 1969. May mắn nhất, chúng tôi trước đó đã từng phát hiện B52 rồi, đặc biệt là trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2. Trong năm 67, địch mở chiến dịch vào Hà Nội đã gây nhiễu rất nặng, chúng tôi xây dựng được quy trình chống nhiễu- phát hiện B52 rất tốt.

Tôi xin nói về 2 chiến công của chúng tôi. Một là cùng với đại đội 41 dẫn đường bắn trúng B52 đêm 20/11/1971. Thứ hai, sau hội nghị của bộ đội tên lửa, quân chủng cử một đoàn cán bộ vào Vinh giúp đánh B52, đơn vị chúng tôi được lệnh về bảo đảm trực tiếp cho một trung đoàn đánh B52. Đêm 22/11, chúng tôi dẫn đường cho trung đoàn 263 bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên.

Trong 12 ngày đêm năm 1972, phát hiện tín hiệu B52 lúc này là rất khó, vì nhiễu rất nặng, nếu không có quy trình thì không thể phát hiện được. Chúng tôi kết hợp nhiều biện pháp để nhiễu B52 nhẹ nhất và tín hiệu B52 rõ nhất, nói một cách hình ảnh là nổi lên 3 đầu tăm thể hiện tín hiệu của từng tốp B52. Chúng tôi khẳng định B52 vào đánh Hà Nội.

Trước đó, bộ đội ra đa đã có một kinh nghiệm đau xót. Sáng 16/4, B52 đánh Hải Phòng trong khi một số chiếc F4 giả đánh Hà Nội, một trung đoàn ra đa thông báo B52 đã đánh Hà Nội, nhưng không phải.

Vì vậy, khi chúng tôi thông báo B52 đánh Hà Nội, đồng chí Phùng Thế Tài hỏi lại chúng tôi có đúng B52 đánh Hà Nội không, tôi khẳng định là đúng. Đêm 18/12, chúng tôi đã báo động sớm 30 phút cho Hà Nội, các đêm sau là 40, 50 phút. Bộ đội ra đa phòng không đã không để Tổ quốc bị bất ngờ, tạo điều kiện cho chỉ huy và các binh chủng bắn rơi 34 B52 và giành thắng lợi to lớn.

Tọa đàm trực tuyến: 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” Toan canh 2

Ảnh VGP/Phan Hoàng
BTV: Trong 12 ngày đêm như vậy, đơn vị của ông và các đơn vị bạn bị đánh phá khốc liệt như thế nào?

Đại tá Nghiêm Đình Tích:Trước đó, đơn vị tôi và các đơn vị bạn đã địch đánh phá dữ dội. Trong 12 ngày đêm, chúng tôi tập trung về Hà Nội. Vào một buổi tối, ca trực ban buổi tối, bỗng nhiên một tiếng nổ lớn như bom tấn. Tức là đài radar P25 bị phá hủy bởi tên lửa chống radar của Mỹ - Shrike mới được cải tiến, có sức công phá như quả bom tấn.

Loại tên lửa này được phóng từ máy bay lấy tín hiệu ra đa của ta để dẫn đường, khi cách ra đa của ta vài chục mét khi tín hiệu đã bão hòa thì phát nổ lần thứ nhất văng ra hàng vạn viên bi vuông để phả hủy ra đa của ta, tiếp đó phần còn lại lao xuống đất nổ lần thứ 2 để phá hủy nốt. Đài ra đa, cánh sóng, cột dẫn sóng và hơn 40 nóc nhà quanh đó bị phá hủy.

BTV: Trong những ngày tháng chiến đấu với không quân Mỹ, thì có những chiến sỹ đã trở thành đài ra đa sống, hình tượng tượng đó có lẽ sẽ không phai mờ trong những người trẻ ngày hôm nay. Xin Đại tá Nghiêm Đình Tích kể thêm về câu chuyện đài ra đa sống?

Đại tá Nghiêm Đình Tích: Năm 1965-1967 bộ đội tên lửa hỏi tại sao không có kính quang học để nhìn máy bay mà bắn, vì khi đó nhiễu mù mịt, không bắt được mục tiêu. Sau đó các nhà khoa học tổng hợp, chuyên gia Liên Xô cải tiến đưa ra loại kính quang học quan sát dùng cho 2 trắc thủ, bộ số cao, trời trong nhìn được xa 40-45km, lắp trên nóc ăng ten, thường gọi là chuồng cu”.

Nhiệm vụ của 2 trắc thủ là quan sát đúng máy bay, trong trường hợp nhiễu trên màn quá dày, thì báo cho ra đa biết đúng mục tiêu để theo bám.

Tháng 6/1972, nhờ “ra đa sống” mà tôi đã đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.700, rơi xuống Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội. Ta gọi là “ra đa sống” là vậy.

12 ngày đêm, tên lửa bắn xuống liên tục, nhưng anh em vẫn rất bình tĩnh, chiến đấu tốt.

BTV: Thưa Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Thưa ông, Hà Nội – Điện Biên phủ trên không như một huyền thoại, khẳng định tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam trước những những cam go, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Theo ông, điều gì làm nên chiến thắng vĩ đại đó?

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu: Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là chiến công huyền thoại, có nhiều nguyên nhân, trước hết là quyết tâm lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; thứ hai, theo tôi nghĩ, là sự tiên đoán của Bác Hồ rất sớm về vấn đề chiến thắng B.52. Bác nói, các chú phải làm sao đánh thắng B.52 và các chú muốn bắt cọp thì phải vào hang cọp, nghĩa là nói cho quân chủng chuẩn bị vào chiến trường Vĩnh Linh đánh B52. Tình thần đó được quán triệt đến cán bộ chiến sỹ toàn quân chủng Phòng không-Không quân, trở thành ý chí sắt đá, sáng tạo trong chiến dịch 12 ngày đêm. Không những trong quân đội mà nhân dân cũng quyết tâm tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội.

Một ý nghĩa quan trọng là thắng lợi về chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt thực hiện trọn vẹn ý kiến của Bác Hồ.

Chúng ta cũng phải cảm ơn các nước đã giúp đỡ ủng hộ, động viên Việt Nam, đặc biệt là Liên Xô, về tên lửa, ra đa, không quân, cán bộ kỹ thuật. Đó là điều tôi tâm đắc trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc mà nổi bật nhất là chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972.

BTV: Thưa quí vị và các bạn, 40 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Một chiến thắng được tạo nên bởi tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của quân và dân ta. Kỷ niệm 40 năm “chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cũng là dịp chúng ta tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Và với truyền thống đó, chúng ta sẽ tiếp tục vững bước đi lên trên chặng đường phía trước.

Chương trình hôm nay xin được kết thúc tại đây. Cảm ơn quí vị và các bạn đã theo dõi chương trình.

      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất