Như thí sinh chờ nhận đề thi
Ông Văn đã ví trận quyết đấu với B52 trên bầu trời Hà Nội của đơn vị ông như cậu học trò trong phòng thi, ngồi đợi chép đề với tất cả những âu lo thấp thỏm. Trước đó, cũng có một vài đơn vị bắn B52 nhưng khi thì “chúng lê lết về tới Đà Nẵng”, lúc thì “rơi tận bên Lào”, nghe rất tù mù. Còn bây giờ, con ngáo ộp ấy xuất hiện ngay trên bầu trời Hà Nội với tất cả sự tinh quái của nó, từ việc bay ở độ cao mà các loại pháo bình thường không với tới được cho đến hàng loạt máy bay vệ tinh yểm trợ, đặc biệt là việc gây nhiễu.
Trước khi nổ ra trận chiến 12 ngày đêm Hà Nội, toàn binh chủng đã tập luyện suốt ngày đêm, chuẩn bị tinh thần “đón” B52. Đã 40 năm rồi nhưng mỗi khi nhắc về cái đêm đầu tiên nghe thông báo máy bay B52 tiến vào bầu trời Hà Nội, lòng ông Văn lại rộn lên với bao cảm xúc tươi nguyên: “Tôi từng tham gia trận Điện Biên Phủ năm 17 tuổi và cũng đã trải qua những gian khổ đời lính nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy người mình căng dây đàn như lúc đánh B52. Vì đây là canh bạc cuối cùng của ông chủ Nhà Trắng bấy giờ, được ăn cả ngã về không mà. Còn mình thì cũng coi như chơi nước cờ cuối cùng với hắn. Được thua gì cũng ở trận này. Có thể nói, cả miền Bắc, rồi bạn bè năm châu đang nín thở theo dõi xem Hà Nội sẽ chịu đựng nổi pháo đài bay B52 được mấy hôm. Là người chỉ huy một tiểu đoàn được giao nhiệm vụ “gác” cửa ngõ thủ đô, bảo vệ các cơ quan đầu não của Trung ương nên sự căng thẳng như được tăng lên từng giờ theo tiến độ của các thông báo. Đúng 19 giờ 42 ngày 18.12, trung đoàn cho biết có 3 tốp B52 bay vào Hà Nội, hai tiểu đoàn 77, 78 tập trung đánh tốp ấy. Đạn đã lên nòng nhưng không bắn được vì cự ly 60-70 km. Chúng tôi lại tiếp tục chờ đợi trong hồi hộp. 6 quả tên lửa đã sẵn sàng nhưng con mồi thì cứ lờn vờn bên ngoài tầm với. Rồi cái giây phút đợi chờ ấy cũng đã đến”.
Đúng 23 giờ 9, một tốp B52 hiện lên màn hình ngày càng rõ. Bộ phận giải nhiễu cho hay, đích thị là con “ngáo ộp” ấy rồi. Đến cự ly 32 km, ông Văn cho phát lệnh, 2 quả tên lửa lao vào trời đêm, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 23 km, nổ tung. Trắc thủ báo cáo “mục tiêu cháy rất to”. Cả tiểu đoàn vỡ òa! Sau này ông Văn mới biết, chiếc B52 ấy rơi ở xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây, chính là “hắn” chứ không phải “rơi bên rừng Lào”. Vậy là “đề thi” đã mở, các “thí sinh” đã giải được.
Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ ở giữa) đang thuyết minh với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay sau khi bom vừa dứt - Ảnh tư liệu gia đình ông Đinh Thế Văn
Ông Đinh Thế Văn kể chuyện bắn B52 với PV Thanh Niên - Ảnh: Phạm Việt Tùng
“Sổ đỏ” đánh B52
Tôi hỏi ông Văn: “Bác có thể “diễn nôm” về câu chuyện đánh B52 sao cho thật dễ hiểu chứ cháu thấy quá phức tạp?”. Ông nở nụ cười của một lão nông sau mùa bội thu: “Trong Bảo tàng Phòng không - Không quân hiện nay có cuốn “sổ đỏ” nói về cách đánh B52 đấy. Nhưng vô đó hỏi, họ chỉ cho xem... cái bìa thôi, còn trong ruột thì cháu chẳng thể tiếp cận được đâu. Mà dẫu họ có cho xem đi nữa thì cũng không mấy người hiểu những thuật ngữ về kỹ thuật quân sự. Thật ra, cuốn sổ đó được bọc bìa màu đỏ nên gọi là “sổ đỏ” chứ chả ai cấp “giấy chứng nhận quyền sử dụng… cách bắn B52 đâu”.
Bác “diễn nôm” thế này nhé. Cháu có lần nào chứng kiến cảnh bắt trộm bằng đèn pin chưa? Đánh cái thằng B52 này cũng y như thế. Chỉ cần phát hiện ra sóng ra đa của mình là các loại máy bay “chầu rìa” theo nó lập tức bắn trả rất chính xác chỗ đang phát sóng. Thực tế thì mình cũng đã trả giá cho việc “vạch sóng tìm thù” ấy rồi. Cũng như tên trộm ấy thôi, đèn pin rọi thằng ăn trộm vô tình trở thành mục tiêu để hắn bắn trả một cách chính xác nhất vào người rọi đèn. Vậy thì giải bài toán ấy như thế nào? Bí quyết ấy đang nằm trong “sổ đỏ” mà bác vừa nói. Khi nó ở khoảng cách trên 32 km, ta “rọi” thì được nhưng khi nó đã vào ở cự ly gần rồi mà vẫn áp dụng “bài” ấy thì hỏng ngay. Mình nói thì có vẻ dông dài nhưng với vận tốc 1.000 km/giờ nên cự ly 10 km với nó là một khoảnh khắc tích tắc. Vì vậy, việc đưa ra quyết định bấm nút để tên lửa vọt lên là vô cùng quan trọng. Thế nên, có những trường hợp tên lửa của ta thì mất mà B52 của địch vẫn thoải mái bay về hậu cứ sau khi cắt bom”.
Sau khi “diễn nôm”, ông Văn lại đưa tôi vào mê cung của các thứ khái niệm, nào là “bắn 3 điểm”, rồi “bắn vượt trước nửa góc”… Cuối cùng, ông kết luận, nghe như nói chơi: “Cháu ở quê rồi thì biết điều này: có những lúc, mình đánh B52 như bắn chim bằng ná cao su vậy. Nếu nhìn thấy nó rồi mới “bật cò” thì chỉ vuốt đuôi nó thôi. Ta bắn đón đầu, thế nào cũng dính. Bay với tốc độ 1.000 km/giờ, chỉ cần dính một miểng pháo nhỏ, con ngáo ộp ấy cũng vỡ tan tành”.