Bùi Văn Dự và chiếc máy giúp bà con có thể thoát nghèo từ thân nứa |
|
Nông dân 100%, trình độ văn hóa hết lớp 6, không biết sử dụng internet, chưa từng đọc qua một cuốn sách về chế tạo máy, Bùi Văn Dự, 43 tuổi, thôn Hiệp Đồng, xã Thành Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đã khiến các kỹ sư hàng đầu Việt Nam phải sửng sốt với chiếc máy lột nan nứa.
Lọt lòng mẹ đã nghe tiếng chẻ nứa, vót cật lách tách thâu đêm suốt sáng. 7 tuổi đã nhoay nhoáy pha nứa, đan phên. Đến khi có 4 con gái, 1 con trai, gia đình Bùi Văn Dự vẫn lặp lại vòng tròn đói nghèo luẩn quẩn. Anh đau đáu nỗi niềm, phải có máy để làm ra nan nứa nhanh hơn, nhiều hơn, giảm đi những vết sẹo trên đôi tay con trẻ.
Tháng 7.2004, bộ dao chẻ nứa ra đời. Tháng 8.2005, máy lột nan nứa thành công trong nước mắt hạnh phúc của cả làng.
Nhìn dao chẻ rau muống, làm ra dao chẻ nứaTuổi trẻ của Bùi Văn Dự gắn bó với rừng núi Tuyên Quang, Bắc Kạn. Hết đào vàng ở Na Hang (Tuyên Quang) sốt rét vàng mắt lại đến chặt nứa, đan phên, thồ hàng về quê, quần quật mà vẫn không đủ nuôi các con ăn học. Một lần ra chợ, trong lúc chờ lấy thịt mang lên rừng, anh thấy một người đàn bà thoăn thoắt cầm con dao chẻ thân rau muống ra thành những sợi dài tăm tắp. Tự cốc đầu mình một cái, anh cười sung sướng với ý tưởng lóe sáng.
Cả một tuần trời anh hí hoáy với sắt, thép, máy hàn xì. Bộ dao chẻ nan nứa mới đầu chỉ gồm 10 đoạn lưỡi dao (dài 5 cm, rộng 2 cm), hàn với nhau theo kiểu đường kính hình tròn chụm lại ở tâm. Bên ngoài hàn 1 đoạn ống sắt làm tay cầm nên phải bặm môi nhấn con dao xuống khúc nứa, nó mới chịu tách làm 10 thanh, mỗi thanh tóe ra một hướng. Anh Dự bèn hàn thêm một vòng tròn sắt bên ngoài các lưỡi dao, lại hàn 2 tay cầm đối xứng nhau, tạo “khuôn” đứng cho các thanh nứa khi chẻ xong, lực dồn xuống con dao cũng nhẹ nhàng hơn. Vòng tròn sắt bên ngoài các lưỡi dao được hàn loe rộng hơn kích thước của chúng, tránh cho dao bị mẻ lúc chạm nền đá.
Anh Dự thiết kế đủ 10 con dao một bộ, có từ 8 đến 17 lưỡi (đường kính vòng sắt ngoài không thay đổi) phù hợp với các loại nứa to, nhỏ. Thay vì phải cặm cụi chẻ 15, 16 lần mới xong 1 ống nứa mà chưa chắc đã đều nhau, với con dao thần kỳ, 1 cái “nhún” nhẹ ngang sức của một em bé 8 tuổi đã có thể chẻ được 17 thanh nứa trong tích tắc. Mỗi con dao được bán giá 500.000 đồng, có thể sử dụng đến 7, 8 năm không hỏng. Đặc biệt, dao không bao giờ phải mài vì càng chẻ nứa, lưỡi thép càng sắc bén.
Xem máy lột nan cọ, chế tác ra máy lột nan nứaCả nhà anh Dự sung sướng với con dao mới, chẻ một lúc thì thanh nứa chất cao như đống củi. Thế nhưng, đâu có đan phên được ngay, cả nhà vẫn phải hì hụi cầm dao lột lừng chiếc nan, tay tóe máu mà cũng chỉ đan nổi 1, 2 phên một ngày. Anh Dự bần thần cả tháng trời, ăn không ngon, ngủ không yên. Vụt nhớ đến chiếc máy lột nan cọ làm nón của bà con Na Hang đầu những năm 90 của thế kỷ trước, anh hăm hở xách ba lô về bản cũ. Bản làm nón không còn, chiếc máy cũng không thấy tăm hơi, anh Dự đành tự mường tượng về một chiếc máy lột nan của riêng mình.
Nửa đêm, nảy ra ý tưởng, anh cũng bật dậy, hí hoáy vẽ. Ngồi hàng giờ đồng hồ tháo, lắp sắt thép ngoài vườn, sau lũy tre, bên bờ ao nhịn cả ăn... vợ con biết ý anh, không bao giờ dám gọi vì biết anh dễ nổi cáu khi bị ai đó ngắt mạch suy nghĩ. Máy làm xong nhưng không chạy được. Hoặc đang chạy thì bất ngờ gặp mấu nứa, đứng im bất động, anh Dự lại tháo tung, làm lại. Ngày 10.8.2005, chiếc máy lột nan nứa hoàn thiện hiên ngang đứng giữa sân, vun vút nuốt thanh nứa và nhả ra một phía nan, một phía ruột, cả làng Hiệp Đồng rớt nước mắt vì sung sướng.
Tiếp tục hoàn thiện, anh Dự bán chiếc máy kỳ diệu này chỉ với giá 7 triệu rưỡi. Đến nay chiếc máy lột nan và bộ dao chẻ nứa đã có mặt ở hầu hết những tỉnh thành có nghề đan phên như Thạch Thất, Ba Vì (Hà Nội), Hải Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông... Tất cả các máy sản xuất từ năm 2005 đến nay đều hoạt động tốt, chỉ cần thay dây curoa, lưỡi dao bóc nan nếu bị mẻ, máy cũng có thể điều chỉnh để phù hợp lúc điện yếu hay khỏe.
Giải quyết xong khâu nguyên liệu, anh Dự mở luôn xưởng thuê nhân công về đan phên và phân phối phên tới các tỉnh thành trong cả nước. Học theo anh, cả làng Hiệp Đồng có thêm 16 người mua máy lột nan của anh, mở xưởng đan phên rồi cùng anh phân chia thị trường tiêu thụ. Nhiều nhất là Thổ Hà (thôn Vân Hà, huyện Việt Yên) mỗi năm lấy hàng vạn chiếc phên phơi bánh tráng, bánh đa, mì gạo. Bà con làm bánh tráng Tây Ninh, làm mì ở Đắk Nông, làm bánh đa ở Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh hay như có nứa nhưng không biết đan như Bắc Kạn cũng tìm đến làng đặt phên... 220 hộ gia đình ở Hiệp Đồng không nhà nào không đan phên. Trẻ em, người già tranh thủ nhận nứa về đan lúc rảnh. Mỗi tấm phên được trả công 3.500 đồng, đan 20 chiếc một ngày, một người cũng bỏ túi được 70.000 đồng dễ dàng.
Từ một thôn nghèo nhất xã Thường Thắng, chiếc máy lột nan của anh Dự đã tạo ra một sự thay đổi nhanh chóng cho nơi đây. Chỉ với 1 bộ dao chẻ nan nứa và 1 máy lột nan, 1 người lao động làm trong 1 ngày đạt số lượng sản phẩm bằng với 80 lao động thủ công làm 1 ngày trước đây, cung cấp đủ việc đan phên cho 20 lao động. Mỗi năm toàn thôn xuất bán gần 1.120.000 phên, mỗi phên lãi 1.000 đồng, tiền lãi đã trên 1 tỉ.
Anh Dự mới mở thêm một xưởng đan ở Ba Vì - Hà Nội, mang máy lột nứa lên, thuê người lấy nứa, đan phên, chỉ phân phối thành phẩm để tiết kiệm phí nhân công, phí vận chuyển. “Bà con ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) đặt hàng tôi máy lột nan cây phấn (cây dùng) để làm vàng mã, ngựa mã... Anh em Quảng Trị đặt hàng máy lột nan tre để có thể đan thuyền, đan liếp..., tôi đang nghĩ mà vẫn chưa ra. Nhưng chắc cũng sớm thôi, hôm trước tôi đang xem người ta quay nước mía và ngớ người ra...”, anh Dự úp mở về 2 chiếc máy lột nan mới.
Người kỹ sư nông dân chắc chắn sẽ còn khiến người ta phải bất ngờ hơn nữa từ những sáng chế trong tương lai. Người làng truyền tai nhau, cảm ơn Bùi Văn Dự, anh đang biến khát vọng đổi đời từ thân nứa thành hiện thực...