Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Cựu học viên
Cựu học viên Xuất sắc

Cấp bậc: Xuất sắc

Giới tính : Nam

Bài viết : 1328

Danh vọng : 2216

Uy tín : 54

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 Image010
Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La lần thứ 13
(BQP) - Sáng 31/5/2014, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á* (Đối thoại Shangri-La**) lần thứ 13 diễn ra ở Singapore (Xin-ga-po) với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược”. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng.

Thưa Ngài Chủ tịch, Tiến sĩ Giôn Chíp-mơn!

Thưa toàn thể các quí vị!

Thay mặt Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, tôi chân thành cám ơn Chính phủ và Bộ Quốc phòng Singapore cùng Ban Tổ chức Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã dành cho tôi cơ hội tham dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể này!

Thưa các quí vị!

Trước hết, chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao thông điệp về “chính sách hòa bình tích cực” của Nhật Bản được Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) trình bày tối hôm qua.

Cũng tại Diễn đàn này năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển tới cộng đồng quốc tế một thông điệp về “lòng tin chiến lược”, trong đó đã nhấn mạnh rằng “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra những nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”.

Sau một năm nhìn lại, chúng ta thấy thế giới và khu vực vẫn còn nhiều căng thẳng và tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, hoặc chiến tranh như chúng ta đang chứng kiến hàng ngày, hàng giờ qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính vì vậy, xây dựng lòng tin vẫn đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tình hình thế giới và khu vực hiện nay.

Quản lý căng thẳng chiến lược là vấn đề hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của các nước, khu vực và thế giới, phù hợp với nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích của các quốc gia, là chủ đề tôi chia sẻ cùng các bạn.

Thưa các quý vị!

Nhìn chung, tình tình thế giới và khu vực hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường... còn tiếp tục gia tăng.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự phát triển năng động, tăng trưởng cao và là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư thế giới, tuy nhiên, vẫn tồn tại những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông và Biển Đông... Đây là các nhân tố ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Nguyên nhân của các vấn đề trên, xuất phát từ mâu thuẫn và xung đột lợi ích, dẫn đến sự hoài nghi về thiện chí và lòng tin trong quan hệ, hợp tác, sự cọ sát về lợi ích trong cạnh tranh chiến lược và hành động kiềm chế lẫn nhau. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, ý thức hệ... vẫn tồn tại, trong khi các bên liên quan vẫn chưa có được các giải pháp xử lý hữu hiệu.

Nguyện vọng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là luôn mong muốn khu vực duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không để xảy ra xung đột, chiến tranh.

Tôi cho rằng, để quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, trước hết chúng ta cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm quốc tế, mà đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cường quốc. Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ.

Khi có được nhận thức chung, chúng ta sẽ có nền tảng vững chắc để xây dựng lòng tin. Lòng tin không chỉ được thể hiện bằng lời nói, mà phải bằng hành động cụ thể, bằng những việc làm thiết thực để thúc đẩy sự minh bạch, đối thoại bình đẳng, cởi mở, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn có vai trò trách nhiệm và đóng góp quan trọng trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược này.

Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ, lãnh đạo cấp cao của các nước nên hết sức bình tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và quốc tế; lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa các nước.

Trong giải quyết bất cứ một mâu thuẫn hay tranh chấp nào, các bên liên quan cần phải tự kiềm chế, bình tĩnh, nhận rõ bản chất vấn đề thật khách quan và rất thận trọng đưa ra các quyết định. Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột. Xử lý căng thẳng trong quan hệ giữa các nước, vai trò của quân đội hết sức quan trọng, quân đội phải kiềm chế, kiểm soát và quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của từng người chỉ huy, người chiến sĩ trong chỉ huy, điều khiển vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu như tàu chiến, máy bay...

Trong quản lý căng thẳng chiến lược, thì vấn đề truyền thông có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng, đó là đưa tin phải trung thực khách quan, kịp thời với tinh thần xây dựng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Truyền thông nên tạo ra môi trường thuận lợi để góp phần giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp một cách hòa bình, không nên dùng những lời lẽ kích động, càng không nên kích động hận thù dân tộc, càng không nên làm cho tình hình căng thẳng thêm, hoặc gây áp lực cho lãnh đạo trong quá trình xem xét đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề tranh chấp.

Để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chúng ta nên phát huy có hiệu quả các cơ chế hợp tác cả song phương và đa phương. Những vấn đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương, còn vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên thì giải quyết theo cơ chế đa phương. Trong quá trình giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng cần phải được công khai, minh bạch trước cộng đồng quốc tế, tránh sự hiểu lầm, hoặc gây hoài nghi cho dư luận.

Hiện nay, chúng ta đang có những cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), cũng như Đối thoại Shangri-La hôm nay, là những khuôn khổ hợp tác quan trọng về xây dựng lòng tin, thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và tìm kiếm các biện pháp quản lý có hiệu quả xung đột.

Thưa các quý vị!

Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi nhận thức rõ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng. Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt - Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay.

Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới.

Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh.

Việt Nam rất chủ động, tích cực trong hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN như tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin giữa các nước ASEAN. Ngày 8/6/2014 tới đây, Việt Nam và Phi-líp-pin sẽ tổ chức giao lưu giữa các lực lượng đóng quân trên các đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, để tăng cường hữu nghị và xây dựng lòng tin cũng như giảm căng thẳng ở khu vực.

Chúng tôi hy vọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các mâu thuẫn, bất đồng sẽ từng bước được giải quyết, duy trì được sự ổn định và phát triển ở khu vực, đóng góp chung cho môi trường hòa bình của thế giới.

Cuối cùng, để kết thúc phần trình bày của mình, một lần nữa, tôi muốn chuyển đến quý vị một thông điệp từ Chính phủ và nhân dân Việt Nam rằng, với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quí vị!

-------------------------

* Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La (SLD) là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi một tổ chức cố vấn độc lập - Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng, các Bộ Trưởng thường trực và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn được đặt theo tên của khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi nó đã được tổ chức từ năm 2002.

Hội nghị thượng đỉnh dùng để nuôi dưỡng ý thức cộng đồng trong các hoạch định chính sách quan trọng nhất về quốc phòng và an ninh trong khu vực. Các đoàn đại biểu Chính phủ đã tận dụng tốt nhất các hội nghị bằng cách tổ chức những cuộc họp song phương với các đoàn đại biểu khác bên lề hội nghị. Dù chủ yếu là một hội nghị liên chính phủ, Hội nghị cũng có sự tham dự của các nhà lập pháp, các chuyên gia khoa học, nhà báo và các đại biểu kinh doanh.

Các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Shangri-La những năm qua đến từ các nước Australia, Brunei, Miến Điện, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Đông Timor, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.

** Shangri-La (香格里拉, pinyin: Xiānggélǐlā; phiên âm Hán Việt là Hương Cách Lý Lạp) là một địa điểm hư cấu được miêu tả trong tiểu thuyết năm 1933, Lost Horizon (chân trời đã mất), của nhà văn Anh James Hilton. Trong tiểu thuyết này, "Shangri-La" là một thung lũng huyền thoại, dẫn đến từ một tu viện Lạt-ma giáo, nằm trong vùng phía tây cuối dãy núi Côn Lôn. Shangri-La đã trở nên đồng nghĩa với bất kỳ thiên đường hạ giới nào, đặc biệt với xã hội không tưởng Hymalaya huyền thoại - một vùng đất hạnh phúc vĩnh viễn, biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong tiểu thuyết Lost Horizon, những người sinh sống ở Shangri-La gần như bất tử, sống lâu vượt quá tuổi thọ thông thường và chỉ có bề ngoài lão hóa rất chậm. Trong các văn bản Tây Tạng cổ, sự tồn tại của bảy địa danh như thế đã được đề cập với tên Nghe-Beyul Khimpalung. Một trong những địa danh như thế nằm ở đâu đó trong vùng Makalu-Barun.


      
longduc2
longduc2 Năng nổ

Cấp bậc: Năng nổ

Giới tính : Nam

Bài viết : 176

Danh vọng : 295

Uy tín : 57

Bình luận trên báo Đất Việt về
bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Shingri-La vừa qua

Hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn, hồn thiêng sông núi đã sinh ra một vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, một “ngọn núi lửa phủ đầy tuyết”. Nhớ thay, “ngọn núi lửa phủ đầy tuyết” đó đã ngủ yên trong lòng đất mẹ trong khi Tổ quốc đang bị quân thù nhòm ngó…

Có lẽ, một người lính chiến, sẽ không viết bài này khi không đọc được trên các trang mạng một số người hết kích động Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc rồi chuyển sang trách Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam là “quan văn ngồi nhầm chỗ quan võ”… trong bài phát biểu của ông trên diễn đàn an ninh khu vực tổ chức tại Shingri-La vừa qua. Nghĩa vụ của một người lính trước những điều sai trái ấy là phải lên tiếng đàng hoàng.

Những vị tướng được quân lính yêu mến, kính trọng… ngoài tài năng ra thì tư tưởng quý trọng giọt máu của người lính như máu của con em mình quyết định nên điều “tướng lĩnh phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Đánh nhau ai chết trước? Lính (thanh niên trai trẻ) và nhân dân thiệt trước vì thế càng tránh cho lính chết, dân thiệt mà vẫn bảo vệ được chủ quyền thì tìm mọi cách để tránh, đó là cái TÂM của người làm tướng, nói cách khác là “văn trong võ”, là hiền tướng. Còn khi không thể tránh được thì mới phải đưa nhân dân và người lính của mình vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. “Các cậu, hết cách rồi, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đánh thôi!”. Lúc đó lính tráng sẽ dạ ran muôn người như một và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Các vị có biết danh hiệu “Dũng sỹ đường 9” là gì không? Các vị có biết, được phong danh hiệu Anh hùng LLVT khi mới giữ chức Trung đội trưởng trong năm 1971 khi Mỹ đang làm mưa làm gió trên chiến trường miền Nam là như thế nào không? Tiểu sử của tướng Thanh đó, ông đi lên từ một anh binh nhì trên chiến trường khốc liệt mà chắc chắn là không ít lần vác xác đồng đội trên vai.

Đã từng là một trinh sát lính thủy đánh bộ trên chiến trường K, tôi hiểu nguy hiểm, ác liệt lúc đó so với chống Mỹ chỉ bằng một phần trăm, cho nên hết sức kính nể những vị tướng từng trải qua thời chống Mỹ.

May mắn cho Việt Nam ta, đất nước đang trong tình trạng quân thù nhòm ngó thì các vị tướng lĩnh cấp cao, lãnh đạo cấp cao đều đã kinh qua chiến tranh tàn khốc nhất, dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh.

Trở lại với bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Trước hết, nếu như ai đó cho rằng bài nói của bà Phó Oánh hay của Phó tổng tham mưu trưởng PLA trên Shingri-La vừa qua là hoàn toàn theo ý cá nhân của họ là cạn nghĩ. Bà Phó Oánh hay Tham mưu trưởgg PLA nói chính là Trung Quốc nói!

Còn bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh, đó là Việt Nam nói, Việt Nam nhất quán quan điểm của mình trước thế giới tại Shingri-La. 

Việt Nam đã phán đoán đúng thái độ của Nhật Bản, Mỹ… trong diễn đàn sắp tới nên đã chọn nội dung chuyển tải rất hợp lý và khôn ngoan. Phối hợp rất nhịp nhàng, bài bản từ trên xuống dưới theo một nguyên tắc kiên định.

Thủ tướng Việt Nam tuyên bố “vì chủ quyền thiêng liêng quyết không chấp nhận đánh đổi hòa bình, hữu nghị viễn vông lệ thuộc”; “Việt Nam muốn hòa bình để phát triển nên còn một cơ hội hòa bình nào dù là mỏng manh để tránh khỏi chiến tranh thì Việt Nam vần không bỏ qua”; “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng sẵn sàng tự vệ”; “chỉ cần dòng hàng hóa khổng lồ trên Biển Đông bị gián đoạn thì kinh tế khu vực và một số nước bị thảm họa”; “bảo vệ và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư”… Đó là tư tưởng chỉ đạo và nguyên tắc bất di bất dịch của Đảng, Nhà nước và chính phủ Việt Nam.

Đấu tranh của Bộ Ngoại giao có sự đanh thép hiếm thấy với Trung Quốc, lên án mạnh mẽ sự ngang ngược vô nhân đạo, phi pháp xâm phạm chủ quyền quyền chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trên nền đó, ngoại giao quốc phòng mà đại diện là tướng Nguyễn Chí Vịnh lại có nét đặc thù, khác biệt. Theo dõi các bài trả lời phỏng vấn trong nước, ngoài nước của tướng Vịnh người ta cảm thấy có sự khát khao cháy bỏng đến hòa bình, sự mềm dẻo như nhung lụa, nhưng ẩn chứa trong đó là những mạt kim cương rắn hơn sắt thép.

Tại diễn đàn an ninh khu vực Shingri-La, viên tướng Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc “sùi bọt mép”, hiếu chiến, hung hăng, ngạo mạn cứ như không còn “biện pháp hòa bình” nào nữa, cứ như Trung Quốc sắp đánh nhau với Việt Nam rồi.

Nhưng lời lẽ của Việt Nam, của Đại tướng Phùng Quang Thanh, vị tướng của một đội quân “bất bại” lại ôn hòa, mềm dẻo, nhưng ý chí lại kiên định trong mục tiêu yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt Nam đã khiến cho dư luận, giới kinh doanh và các quốc gia khác tin rằng Việt Nam đã đang và sẽ cố gắng bằng biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề. Ít nhất là họ yên tâm với một vị tướng đã dạn dày chiến trận như vậy thì khó có thể để những “tính toán sai lầm xảy ra xung đột”. Sự nhạy cảm, khôn khéo của ngoại giao quốc phòng là vậy đó.

Trên Biển Đông, thực tế thì như ta thấy, Việt Nam đang thể hiện một ý chí quyết tâm cao độ, không chùn bước trước Trung Quốc có lực lượng đông mạnh hơn nhiều lần. Việt Nam hành động quyết liệt nhưng tỉnh táo, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan.

Trung Quốc đã rút lùi giàn khoan, tuy còn trong thềm lục địa Việt Nam thay vì tiến sâu thêm như thái độ ngạo mạn, hung hăng vốn có của họ. Thắng lợi trên chiến trường quyết định trên bàn đàm phán. Thắng lợi của Việt Nam là đánh sập ý chí, thái độ hung hăng, ngạo mạn, đó là: Trung Quốc không thể “muốn khoan đâu cũng được!”.

Thời thế tạo anh hùng, trước họa xâm lăng đang xuất hiện “một ngọn núi lửa phủ đầy tuyết”.

Lê Ngọc Thống
Thích0Báo xấu0

Gửi một tin nhắn lên tường.

Gửi báo cáo lỗi về bài viết này.

      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất