Change background image
LOVE quotion

Bắt đầu từ 4.53' thứ Hai ngày 17/10/2011


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Điều gì bảo vệ VN qua biến cố ngặt nghèo?
LTS: Tiếp nối mạch bài Lòng yêu nước khi Tổ quốc nguy biến, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Trung Quốc - họ là ai?

Có một suy nghĩ luôn ám ảnh tôi: dân tộc Việt Nam quả thực là một dân tộc không may mắn. Đất nước ta có 1.000 năm Bắc thuộc, thêm 1.000 năm nữa kiên trì chiến đấu với giặc ngoại xâm hết thế kỷ này sang thế kỷ khác. Hết địch hoạ đến thiên tai, chưa bao giờ tôi thấy đất nước mình được yên ổn.

Trong thế kỷ 20, Việt Nam là tâm điểm của những xung đột về mặt tư tưởng, là nơi diễn ra cuộc giao tranh quyết liệt nhất giữa hai phe CNTB và CNXH. Khi cuộc xung đột ấy lắng xuống, chúng ta lại phải đối mặt với tham vọng bành trướng của nước Trung Quốc láng giềng - một đất nước mà sự lớn mạnh của họ đang khiến cả thế giới e ngại, một đất nước chưa bao giờ từ bỏ khát khao bá chủ. Đất nước đó ngày hôm nay đang đe doạ chủ quyền lãnh thổ của ta, khi ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và trắng trợn tuyên bố chủ quyền với vùng biển đó.

Cái thiếu may mắn nhất của Việt Nam về mặt địa lý là phải ở bên cạnh một đất nước mà tư tưởng bành trướng chưa bao giờ nguội đi suốt nhiều thế kỷ. Sự thiếu may mắn ấy càng rõ ràng hơn bao giờ hết khi đất nước đó đang ngày một trở nên mạnh hơn, mà như một số học giả nước ngoài chỉ ra, là trở thành một siêu cường lớn nhất nhì thế giới.

Lẽ thường, một đế quốc lớn mạnh đương nhiên sẽ muốn mở rộng ảnh hưởng của mình. Nhưng chỉ có đế quốc kiểu cũ mới có khái niệm mở rộng lãnh thổ, như cách mà đế quốc Anh và Pháp từng làm trong lịch sử. Những đế quốc lớn kiểu mới ngày nay thường không như thế.

Thế nhưng nghiệt ngã ở chỗ, khác với những nước khác, TQ chứa đựng trong lòng nó hơn 1 tỷ người, và như vậy, tham vọng lãnh thổ của nước này hẳn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Đó là lý do chính khiến lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc chưa bao giờ thực sự bình yên.

Có một sự thật có thể nhìn thấy rất rõ là Trung Quốc có vấn đề về lãnh thổ với gần như tất cả những nước láng giềng, từ Nga, đến Nhật, từ Ấn Độ đến Philippines, từ biên giới đất liền đến biên giới biển. Nên việc Trung Quốc nhìn về phía Nam, về biển Đông, về lãnh thổ của chúng ta là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Tham vọng mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc là cái đã ăn sâu vào máu họ qua hàng nghìn năm, dù dưới chế độ nào.

Ngoài việc là những nước láng giềng, có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển, Việt Nam và Trung Quốc còn có chung ý thức hệ. Khi những cuộc đụng độ về vấn đề chủ quyền thường xuyên xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam, tôi đã nghe có những người nói rằng "nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn là đồng chí". Nhưng, đừng ai mơ hồ về điều đó. Đừng ai mơ hồ những người mà chúng ta gọi là đồng chí sẽ nương tay với chúng ta, sẽ bớt tham vọng bá quyền với lãnh thổ của ta.

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng biển của nước ta, thì có lẽ đã đến lúc người Việt Nam buộc phải nhận ra đối thủ của mình là ai. Chúng ta không thể ru ngủ rằng trong những cuộc đối đầu về quyền lợi, những người cùng ý thức hệ với chúng ta sẽ nương tay cho chúng ta. Không bao giờ chúng ta được ảo tưởng về điều đó nữa, nếu không muốn mắc thêm những sai lầm.

Trong lịch sử hiện đại, chúng ta đã có nhiều cuộc đối đầu với các đế quốc lớn. Nhưng cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là cuộc đối đầu khác biệt so với các cuộc đối đầu trước đó với Pháp, Nhật, Mỹ. Năm đó, TQ tuyên bố (như báo chí đã dẫn lời), rằng "dạy cho Việt Nam một bài học". Không ai có quyền tuyên bố như thế với một dân tộc. Vì con người với con người là bình đẳng, dân tộc với dân tộc là bình đẳng.

Khi mà một dân tộc tuyên bố như thế với một dân tộc khác, thì nó chứa đựng rất nhiều vấn đề ở trong đó. Nó cho thấy ý thức hệ của những con người lúc nào cũng mang trong lòng tham vọng bá quyền.

Lịch sử loài người đã trải qua những giai đoạn khi một dân tộc tự cho rằng mình có quyền sống hơn các dân tộc khác, văn minh hơn các dân tộc khác và đã gây ra những thảm hoạ.

Và khi phải đương đầu với lực lượng này, ta phải làm gì? Đó là câu hỏi mà tất cả chúng ta sẽ phải cùng nhau trả lời.

Trong lúc nguy nan, nghĩ về lòng yêu nước của người Việt

Từ nhiều năm nay, những câu chuyện mà tôi nói nhiều nhất với gia đình tôi, với những đứa con của tôi, với những người bạn của tôi mỗi ngày luôn là câu chuyện về lòng yêu nước.

Điều đó không có nghĩa là tôi nghĩ mình yêu nước hơn người khác. Tôi chỉ hiểu mình yêu nước như bất cứ người Việt Nam nào được sinh ra trên mảnh đất này. Yêu nước là quyền, là nghĩa vụ, là thứ tình cảm bản năng và thiêng liêng. Hôm nay, khi đất nước phải đối mặt với những nguy cơ từ biển Đông, tôi càng muốn nói về câu chuyện đó - một câu chuyện mà tôi tin sẽ không bao giờ cũ với dân tộc này.

Kể từ thời điểm thoát khỏi 1.000 năm Bắc thuộc, lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta đã đi qua tất cả những cuộc chiến đó, với những chiến thắng mà người Việt Nam nào cũng có quyền tự hào.

Tôi không biết có ở nơi nào trên thế giới này có câu nói "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" như ở Việt Nam nữa hay không? Nhưng tôi biết chắc rằng ở đất nước tôi, khi giặc đến nhà thì kể cả trẻ con, đàn bà, người già đều sẵn sàng đứng lên đánh giặc. Chính lòng yêu nước, chính nội lực dân tộc đã bảo vệ mảnh đất này qua những biến cố ngặt nghèo của lịch sử.

Lòng yêu nước là thứ vượt qua cả tôn giáo, vượt qua cả ý thức hệ: có thể tôi là đạo Phật, ông là đạo Thiên Chúa, nhưng chúng ta cùng chung một lòng yêu nước. Có thể ông là Cộng sản, tôi không phải, nhưng nếu là những người yêu nước thực sự, chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ đất nước trước những thế lực thù địch bên ngoài.

Chúng ta phải hiểu ngoài giang sơn này ra, thì lòng yêu nước là tài sản quý báu vô cùng của dân tộc này. Dù lịch sử địa lý của chúng ta không may mắn, nhưng trong cái không may đó, lòng yêu nước của người Việt đã được sản sinh, tôi luyện.

Dân tộc nào cũng yêu nước. Không có dân tộc nào, không có con người nào là không yêu đất nước mình sinh ra. Nhưng lòng yêu nước của người Việt Nam trở nên đặc biệt là vì những biến cố lịch sử đó. Nhận biết và trân trọng lòng yêu nước, nuôi dưỡng và bảo vệ nó là điều mà những người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các lực lượng trong xã hội phải đặt lên hàng đầu.
      
Puzzle
Puzzle Tích cực

Cấp bậc: Tích cực

Giới tính : Nam

Bài viết : 455

Danh vọng : 748

Uy tín : 83

Ông cha ta khôn khéo nhưng chưa bao giờ yếu hèn
LTS: Tuần Việt  Nam ttrân trọng giới thiệu phần 2 bài viết của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Nội lực mạnh thì mối đe doạ từ bên ngoài giảm

Chúng ta nuôi dưỡng lòng yêu nước trong nhân dân bằng cái gì? Bằng chính sự bảo vệ, che chở mà Nhà nước dành cho người dân, bằng cách tạo dựng lòng tin của nhân dân vào chính quyền, bằng cách tạo dựng cho họ một cuộc sống tốt đẹp và bình yên hơn mỗi ngày; bằng chính sự tôn trọng lòng yêu nước của từng người công dân Việt Nam đang sinh sống trên mảnh đất này. Lúc giữ được lòng dân là lúc nội lực đất nước mạnh nhất. Nội lực mạnh thì mối đe doạ từ bên ngoài sẽ giảm đi rất nhiều.

Có người cho rằng quyền yêu nước là của riêng ai đó, hay nghĩ rằng họ biết yêu nước hơn người khác. Nói như vậy, xã hội sẽ rất dễ bị phân tán... Trong lúc đất nước cần đồng lòng, việc coi nhẹ lòng yêu nước của người có quan điểm khác với mình là sai lệch vô cùng.

Nếu cứ khi đất nước lâm nguy, chúng ta mới nhờ cậy vào lòng yêu nước thì điều đó rất không đúng và mọi sự có thể sẽ quá muộn màng. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đơn giản rằng chúng ta đã từng thắng một đế quốc hùng mạnh như nước Mỹ và giành chiến thắng ở những cuộc chiến xâm lược phương Bắc khác thì chúng ta sẽ đương nhiên thắng trong những cuộc chiến tranh sau này - đó sẽ là ý nghĩ cực kỳ sai lầm.

Trên thế giới, người ta đã chứng kiến rất nhiều quốc gia ở thời điểm này đang tan rã, chứ không phải thời điểm nào khác - một thời điểm mà tưởng chừng như thế giới đang yên ổn nhất khi mà lợi ích của các quốc gia đều có sự ràng buộc lẫn nhau. Không dễ gì một quốc gia có thể bị ảnh hưởng, bị chia cắt bởi một biến cố nào đó. Nhưng bằng cách này hay cách khác, nhiều quốc gia đã, đang và có thể sẽ tiếp tục tan vỡ. Những bài học đó khiến chúng ta không thể chủ quan.

Hãy nhìn vào điều kiện thực tế bây giờ, lòng dân của chúng ta bây giờ, sức mạnh của Trung Quốc và phương tiện để thực hiện được ý muốn của Trung Quốc bây giờ đang ở một thời điểm hoàn toàn khác, để biết rằng chúng ta cần phải có những suy tính thật kỹ càng trong mỗi bước đi của mình.

Lịch sử chiến tranh của chúng ta đã chứng minh: vũ khí chưa bao giờ mang tính quyết định sự thắng bại của cuộc chiến. Chúng ta có tự tin vào sự đoàn kết của dân tộc lúc này hay không? Chúng ta có tự tin vào sức mạnh của đất nước trong một bối cảnh đang có rất nhiều khó khăn, mà không ít trong số đó do lỗi của chủ quan.

Có ý kiến cho rằng giờ không phải là thời dùng sức người cho những cuộc chiến tranh. Giờ là thời đại chiến tranh của vũ khí tối tân hiện đại. Nhưng nếu như thế, chẳng lẽ tất cả những quốc gia nhỏ bé sẽ rơi vào tay kẻ mạnh? Nếu nghĩ như thế, thì nghĩa là những người đó đã có tư tưởng chuẩn bị đầu hàng. Lịch sử của chúng ta đã chứng kiến những chiến thắng tưởng như phi lý nhưng lại rất hợp lý nhờ biết kết hợp sức mạnh chiến tranh toàn dân.

Chúng ta tin tưởng vào điều đó, song chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận tất cả những hiện thực đang diễn ra, cả những điều có thể khôn lường.

Người Việt Nam có câu "lá lành đùm lá rách". Nhưng những hiện tượng người Việt xấu xí vừa qua, nhìn rộng ra, những hiện tượng như vậy sẽ ít nhiều làm sứt mẻ lòng yêu nước nơi người dân.

Khi chúng ta nói đến lòng yêu nước, nói đến toàn vẹn lãnh thổ, nói đến sức mạnh dân tộc, chúng ta sẽ phải nhắc lại những điều nhỏ nhất: những người không biết động lòng trước những đau khổ của người khác, không biết xót xa cho sự bất hạnh của người khác, thì không thể nào chờ đợi tình yêu đất nước từ họ.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào thực tế đó, để kịp thay đổi những bất ổn trong cách tổ chức xã hội của chúng ta hiện nay, để không để mất đi thêm nữa thứ tài sản quý giá vô vàn ấy của dân tộc.

Tôi luôn tin, bất kể chuyện gì xảy ra, lòng yêu nước luôn luôn có trong tâm hồn mọi người Việt Nam, cũng như tôi vẫn tin rằng sức sống của dân tộc là mãi mãi. Chỉ có ở trong mỗi điều kiện, sự thể hiện và sự nhiều ít của tình yêu đó trong mỗi con người có thể khác nhau. Nếu như chúng ta biết cách để làm cho cuộc sống hài hoà hơn, thì lòng yêu nước đó không chỉ xuất hiện khi giặc đến nhà, mà nó sẽ thể hiện trong cả từng hành động nhỏ mỗi ngày.

Chúng ta đừng mơ hồ

Lịch sử đã chứng minh rằng, bất cứ lúc nào chúng ta yếu nhất, quân phương Bắc đều không bỏ lỡ cơ hội xâm lược; khi nào chúng ta tự mạnh lên được thì họ tự khắc sẽ phải e dè trong mỗi bước đi của mình.

Những ngày tháng 4 vừa qua, ta đã có hoạt động cầu siêu cho các liệt sĩ trong trận hải chiến. Nhưng sau 35 năm sau cuộc chiến tranh biên giới, dường như ta vẫn chưa tôn vinh xứng đáng những người đã ngã xuống khi đó, bởi ta không muốn gợi lại để nhằm giữ tình hữu hảo.

Sự khôn khéo đã có từ đời ông cha mình. Ông cha ta khôn khéo, vì nhận thức rõ khi ở cạnh một nước lớn, khéo léo là một kỹ năng không thể không có. Thế nhưng ông cha ta tuyệt đối không bao giờ thể hiện sự yếu hèn.

Cả thế giới biết rằng Nhật và Mỹ là đồng minh, nhưng không vì thế mà người Nhật tránh né việc tổ chức lễ tưởng niệm những nạn nhân chết vì bom nguyên tử của Mỹ hàng năm. Vì dù như thế nào đi chăng nữa, những việc đồng bào, chiến sĩ hi sinh vì bảo vệ đất nước thì phải được đất nước này công nhận một cách đàng hoàng.

Việc chúng ta tôn trọng những đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, không có nghĩa là chúng ta thiếu đi sự tôn trọng cần có trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Mà trong suy nghĩ của tôi, nếu chúng ta không tôn trọng đồng bào của mình đầu tiên, thì sự tôn trọng dành cho quốc gia khác cũng là vô nghĩa.

Nhưng chúng ta đã im lặng hơn mức mà chúng ta nên có. Còn Trung Quốc ngược lại. Lần này, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của chúng ta, người dân cả nước nhất loạt đi biểu tình ở cả 3 miền. Mặc dù trước đó, trong những chuyện như vậy, ta vẫn ứng xử mềm mỏng.

Với vấn đề biển Đông, chúng ta đừng hy vọng quá nhiều vào sự giúp đỡ của các nước khác. Vì bất cứ quốc gia nào khác cũng sẽ đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc của họ lên hàng đầu. Chúng ta hãy xác đinh tinh thần tự lực tự cường là chính. Tự chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề của mình.

Không đâu xa, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những việc Trung Quốc giúp chúng ta có sự chân thành ở trong đó, thể hiện ý nguyện và sự đồng thuận của nhân dân Trung Quốc, nhưng cũng có cả sự toan tính về quyền lợi. Bất cứ thời điểm nào trong suốt quãng thời gian sát cánh bên chúng ta trong hai cuộc kháng chiến, Trung Quốc chưa bao giờ quên đi lợi ích của họ.

Như truyền thông đã đưa tin, vào năm 1972, Trung Quốc đã bất ngờ bắt tay với Mỹ và quay lưng lại với chúng ta. Tôi vẫn còn nhớ bức tranh trên báo Nhân Dân năm 1972: Bàn tay của người Trung Quốc đã bắt lấy bàn tay của người Mỹ, và từ hai bàn tay đang bắt chặt đó những giọt máu chảy ra, biến thành bom đạn rơi xuống tấm bản đồ Việt Nam ở phía dưới.

Đã đến lúc cần những thay đổi trong cách ứng xử với người láng giềng.

Điều gì có thể khẳng định Trung Quốc sẽ không kéo giàn khoan vào sâu hơn nữa ở chỗ khác và điều gì khẳng định sẽ không chỉ có giàn khoan sau những bước đi này, ở những nơi sâu hơn nữa trong lãnh thổ nước ta. Vì theo như đường lưỡi bò mà TQ đang tuyên bố chủ quyền, thì lãnh thổ biển của TQ chỉ cách đất liền của chúng ta 12 hải lý và nơi mà chúng ta đang khai thác các nguồn tài nguyên biển bao đời nay là nằm trên đất Trung Quốc (!).

Chúng ta sẽ không bao giờ là người châm ngòi cho những cuộc đụng độ. Và chiến tranh là điều cuối cùng mà dân tộc này mong muốn. Những người Việt Nam đã đi qua chiến tranh như tôi hiểu và trân trọng hơn bao giờ hết hai chữ Hoà Bình.

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng là nhiệm vụ sống còn của chúng ta - những chủ nhân thực sự của mảnh đất này. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể: tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tìm kiếm thêm những đồng minh trên biển Đông; Chúng ta có thể kiện ra Toà án Quốc tế nếu cần; Chúng ta phải làm cho đất nước mạnh lên, với việc đầu tiên là thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém và sửa chữa những yếu kém đó, để cả dân tộc có được sự gắn kết, sự tụ tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào...

Tôi tin những việc làm cần thiết để bảo vệ chủ quyền của những người đứng đầu đất nước sẽ luôn có nhân dân đứng sau ủng hộ hết lòng. Dù vào bất kỳ thời nào, không bảo vệ được chủ quyền của đất nước đều là mang tội với thế hệ ông cha đã giữ mảnh đất này suốt mấy ngàn năm qua!
      

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn

Bạn không có quyền trả lời bài viết
free counters



  • Đoàn Ngọc Khánh

    mobile phone 098 376 5575


    Đỗ Quang Thảo

    mobile phone 090 301 9666


    Nguyễn Văn Của

    mobile phone 090 372 1401


    IP address signature
    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất